1
  • image
  • image
  • image
  • image
18:02 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Khảo cứu Họ Lê ở Làng Lệ Sơn

Đăng lúc: Thứ ba - 19/03/2013 05:47 - Người đăng bài viết: bientap02
Bài viết của tác giả Lê Ngọc Tĩnh, Thôn Phúc Tự làng Lệ Sơn. Hiện công tác tại A Lưới - Thừa Thiên Huế.
KHÁI LƯỢC VỀ ÔNG THỦY TỔ VÀ ÔNG SƠ THỦY TỔ HỌ LÊ Ở LÀNG LỆ SƠN

1. Ông Thủy tổ: ( Theo gia phả họ Lê)

Tự Lê Quý Công, húy Lê Văn Hành, đậu Quốc Tử Giám giám sinh, làm quan dưới triều Lê Thánh Tông. Chánh quán ở làng Yên Mô, tổng Yên Mô, huyện Yên Mỗ, phủ Yên Khánh, trấn Thanh Hoa ngoại ( nay là xã Yên Mạc, huyện yên Mô, tỉnh Ninh Bình).

Năm 1471 Ông theo vua Lê Thánh Tông nam chinh, lúc trở về đi qua vùng châu Bắc Bố Chánh, ông thấy vùng đất Cồn Vang màu mỡ, tốt tươi nên đã để ý khai khá vùng này.

Xong công việc triều chính, Ông xin nghỉ hưu rồi cùng một số con cháu và môn đệ trở vào xem xét lại vùng đất Cồn Vang. Thấy nơi đây hoang vu nhưng đất đai màu mỡ, sơn thủy hữu tình, phong cảnh hợp ý, Ông quyết định chọn nơi này khai canh lập ấp và định cư.

Ông về quê vận động thêm con cháu và một số dân quanh vùng vào khai phá. Khi đã có đất trồng trọt và nhà cửa định cư, ông mời thầy dạy học là Trần Cảnh Huống ( ông tổ họ Trần Lệ Sơn là hậu duệ của danh tướng Trần Nguyên Hãn). Lần lượt tiếp theo có người của 6 họ khác cùng đến khai khẩn điền địa và lập nên một Lệ Sơn “ Bát đại tính”.

Sau khi dân cư đã đông đúc, đất khai khẩn khá nhiều, ông báo cáo với quan bản châu về khám đạc trước lập địa bạ. Khám đạc xong đặt tên làng là Lệ Sơn ( có nghĩa là núi quả vải – Lệ chi là quả vải). Vì đầu làng có trái núi cao, nhô ra khỏi dãy có hình quả vải ( dân làng gọi là lèn Choi). Đến triều Nguyễn, Lệ Sơn được xếp vào hàng đại xã.

Thủy tổ có 7 người con trai và một người con gái:
1. Lê Văn Lành
2. Lê Văn Lọt
3. Lê Văn Xanh
4. Lê Chánh Sức
5. Lê Văn Tành
6. Lê Văn Hàm
7. Lê Thuần Phác

Người con gái út là Lê Thị Nại

Thủy tổ họ Lê được công nhận là thủy tổ khai canh lành Lệ Sơn, có cờ và sắc phong của triều đình nhà Nguyễn. Quan bản châu về khám đạc và lập xã hiệu là ông Lạng Đồng Hầu ( Nguyễn Huy Tưởng) ông được Lê Văn Hành gả con gái út là Lê Thị Nại và về ở tại làng Lệ Sơn và mất ở đây, do ông bà không có con nên người cha đồng ý tôn ông làm bản địa Thành Hoàng của làng và thờ cúng tại Đình làng. Hàng năm con cháu họ Lê vào lăng tảo mộ và cúng tế vào ngày mồng 01 tháng chạp, sau đó mồng 02 các họ mới được tảo mộ và cúng giỗ.

2. Ông Sơ tổ ( thân sinh ra ông Thủy tổ) ( Theo gia phả họ Lê)

Tự là Lê Tiên Sinh, tên húy: Trần Văn Khanh, thụy: Hòa Nhã.  Đậu Tiến sĩ Đại học sĩ, làm thị độc quan, ông mất trước khi Thủy Tổ vào khai canh lập ấp ở Lệ Sơn. Sau khi Thủy tổ đã hoàn thành công việc khai canh lập ấp, lập xã hiệu, ông về Ninh Bình xin phép bà con, họ hàng bốc mộ thân sinh vào táng ở Lệ Sơn, tại nơi ông đã chọn theo thuyết phong thủy – về sau gọi là vùng mộ Tổ. Từ đó con cháu họ Lê gọi là Sơ Tổ. Về sau việc thờ cúng Sơ Tổ giao cho con trai trưởng là Lê Văn Lành (Đích tôn của Thủy Tổ), Sau khi ông mất, thờ cúng cha giao cho con trai út ( Lê Thuần Phác). Đền thờ lập hai nơi, kèm theo ruộng đất làm hương hỏa thờ phụng. Dần dần dân làng quen gọi là họ Lê trên và họ Lê dưới. Về sau, có nhiều người ( thậm chí có một số con cháu họ Lê) lầm tưởng là hai họ Lê khác nhau.

Trước đây do đi lại khó khăn, có nhiều cụ trong họ muốn tìm về quê cha đất Tổ một lần để tìm hiểu thêm về dòng tộc, nhưng không thể thực hiện được, nguyện vọng đó nung nấu trong lòng con cháu họ Lê. Năm 1972 ông Lê Phương (hậu duệ đời thứ 14 của Thủy Tổ, chắt của quan Bố Lê Ngọc Uẩn) sau khi học xong Đại học Sư phạm Hà Nội, xung phong vào bộ đội, có thời gian đóng quan tại Nho Quan - Ninh Bình. Đã một lần ông đi bộ và lần hỏi về quê cũ của Thủy Tổ, gặp được các cụ trong xã, họ cho biết: Làng Yên Mô, tổng Yên Mỗ, huyện Yên Mô nay đổi thành xã Yên Mạc Huyện Yên Mô. Trong thời buổi chiến tranh, ai cũng tập trung sức người sức của cho chiến trường, vả lại người ta lại cảnh giác với người lạ, đề phòng là gián điệp nên ông chỉ nắm được sơ lược, đó là: Trong xã có 2 họ Lê, con cháu hai họ đều đông đúc và lập nghiệp rất nhiều nơi.

Năm 1982, ông Lê Cương (anh ruột của ông Lê Phương), công tác ở Binh chủng Hóa học, nhân chuyến công tác làm việc với huyện đội Yên Mô, ông tranh thủ buổi chiều đến xã Yên Mạc. vớ ý định tìm hiểu thêm về nguồn gốc quê Tổ. Vì thời gian quá ngắn, đột xuất nên không gặp được các cụ trong họ và các bậc cao niên để tìm hiểu kỷ càng. Lần này chỉ biết thêm về hai họ Lê trong xã là Lê Văn và Lê Duy, cả hai họ con cháu đều thịnh vượng, đông đúc.

3. Sơ lược về con cháu thời ban đầu:

Bảy người con trai của Thủy Tổ đều sinh hạ con cháu, từ đời thứ hai đến thứ 6, mỗi nhánh chỉ sinh được 01 đến 02 người con trai. Từ đời thứ tám trở đi thì đông đúc hơn, riêng nhánh  thứ hai ( Lê Văn Lọt) và nhánh thứ ba ( Lê Văn Xanh) chỉ đến đời thứ 6 thì ngừng phát triển. Riêng nhánh thứ nhất (ông Lành), nhánh thứ 7 ( ông Thuần Phác) sinh hạ đông đúc, nhất là nhánh 7, duệ tôn đã có đến đời 22, 23.

Mỗi ngày người đông đúc thêm, đất đai trở nên chật hẹp cho nên một số di chuyển sang nơi khác sinh sống tại Đức Hóa, Thạch Hóa huyện Tuyên Hóa, Cổ Giang của huyện Bố Trạch, thậm chí sang Lào, Thái Lan, hiện nay có cả  Mỹ Canada và châu âu.

Các nhánh con cháu họ Lê ở Lệ sơn sinh sống và phát triển ngày một đông, có lúc thịnh, lúc suy nhưng thời gian nào cũng có người học hành khoa cử làm quan văn quan võ. Thời phong kiến đậu tú tài, cử nhân, làm tri phủ, tri huyện, án sát, bố chánh, giáo học, quản cơ… Con cháu họ Lê là lực lượng quan trọng góp phần làm nổi danh văn hiến của làng Lệ Sơn, đứng đầu trong Bát danh hương: ( Sơn – Hà – Cảnh – Thổ, Văn – Võ – Cổ - Kim)
Sau cách mạng tháng tám 1945, con cháu họ Lê ở quê nhà cũng như đi ra nơi khác đều hăng hái theo cách mạng, đi kháng chiến cứu quốc, vào du kích bảo vệ xóm làng lập được nhiều chiến công; nhiều người đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc, nhiều người trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội nhân dân Việt Nam và bộ máy chính quyền.

Trước năm 1945: Từ khi thành lập làng cho đến hết Thế kỷ XVII, không thấy tài liệu nào nhắc đến tên những vị quan của họ Lê cũng như họ khác trong làng ta, phần đa là được lưu giữ và truyền lại từ Thế kỷ XIX và đầu TK XX.

1.  Lê Duy Dần: Quan bố chánh thừa tuyên đẳng xứ.
      Thờ tại nhà thờ  ông Lê Ngọc Phì thôn Hà Thâu

2.  Lê Tập (Anh): Quan án sát tỉnh Quảng Nam.
     Thờ tại nhà thờ  ông Lê Đình Tùng thôn Trung Làng

3.  Lê Tư Duệ (em):Quan bố chánh tỉnh An Giang.
      Thờ tại nhà thờ  ông Lê Đình Tùng thôn Trung Làng

4.  Lê Huy Côn: Phụng nghị đại phu, công bộ lang trung 
     Thờ tại nhà thờ  Mệ Hào Lương thôn Xuân Tổng.

5.  Lê Quốc Thước: Tri phủ huyện Anh Sơn.
     Thờ tại nhà thờ  ông Lê Đạo thôn Phúc Tự.

6.  Lê Quang Huy: Dục vận tán tự công thần, đực tiến phụ quốc thượng tướng quân, cẩm y vệ đô chỉ huy sứ, gia tặng tham đốc chức dực phu hầu.
     Thờ tại nhà thờ  nhà ông Lê Văn Đang thôn Đình Miệu

7.  Lê Quang Đình: Kiến ngãi công thần, khâm sai hưng hóa, tán trị thừa chánh sứ, tham nghị chưc trường minh tiên sinh, tước hầu.
     Thờ tại nhà thờ nhà ông Lê Văn Đang thôn Đình Miệu

8.  Lê Thời Huệ: Cử nhân,Tri phủ huyện Thụy Anh, Gia Long năm 18 - 1881.
     Thờ tại nhà thờ  nhà ông Mục Cang thôn Thượng Phủ

9.  Lê Khắc Thiệu: Tri phủ huyện Thụy Anh.
      Thờ tại nhà thờ  nhà ông Mục Cang thôn Thượng Phủ

10.  Lê Ngọc Uẩn: Cử nhân, Quan bố chánh tỉnh Nam Định.
       Thờ tại nhà thờ  nhà ông Lê Trân thôn Đình Miệu

11.  Lê Ngọc Đỉnh: Phùng nghị đại phu bộ  hộ, viên ngoại lang giảng đạo, tham biện, truy thụ, triều liệt đại phu, hàn lâm viện thi giảng.
       Thờ tại nhà thờ  nhà ông Lê Ngọc Phì thôn Hà Thâu

12.  Lê Huy Tuân (cha):Cha được bổ nhiệm làm quan án sát tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam.
       Thờ tại nhà thờ  nhà Mệ Hào Lương thôn Xuân Tổng

13.  Lê Huy Côn (con):Con được bổ làm Phụng nghị đại phu, công bộ lang trung.
       Thờ tại nhà thờ  nhà Mệ Hào Lương thôn Xuân Tổng

14.  Lê Bính:Sung thị độc học sỹ, phụng nghị trung thuận đại phu, quang lộc tự khanh, phiên dịch thư tịch, đốc học tỉnh Quảng Ngãi.
       Thờ tại nhà thờ  ông Lê Vũ  thôn Phúc Tự.

15.  Lê Hiếu Thận: Phó hiệp quản Bình Định.
       Thờ tại nhà thờ  ông Lê Quang (Đương) thôn Xuân tổng.

16.  Lê Văn Thính: Phó vệ úy hiệp quản tỉnh Quảng Trị.
       Thờ tại nhà thờ ông Lê Đức thôn Thượng Phủ

Sau cách mạng tháng tám cho đến khi đất nước thống nhất, con cháu họ Lê vẫn không ngừng phấn đấu học tập, xây dựng và cống hiến sức mình cho quê hương, cho tổ quốc. Số đông theo đèn sách trở thành cán bộ nhà nước, số ở quê cũng tốt nghiệp hết cấp 2, cấp 3. Số tốt nghiệp Đại học cũng nhiều, cũng có người đậu Tiến sĩ nhưng chưa nhiều lắm.

Tiêu biểu trong Quân đội:

1. Đại tá Lê Cương, Thôn Phúc Tự - Binh chủng hóa học
2. Đại tá Lê Duy Ngư, Thôn Phúc Tự - Bộ Tổng tham mưu
3. Đại tá Lê Duy Ngọc -Thôn Phúc Tự- CVCC bộ đội TN Việt-Lào
4. Đại tá Lê Sáo – Thôn Bàu Sỏi – Trường sĩ quan Đặc công
5. Đại tá Bác sĩ Lê Minh Hùng – Thôn Trung Làng

Tiêu biểu Dân chính Đảng:

1.Lê Đức Mận, Giám đốc Sở giao thông tỉnh Quảng Bình.
2.Lê Văn Đang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.
3. Lê Duy Lương – Giám đốc Sở Địa chính Quảng Bình
4.Lê Khai, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên
5. Lê Văn Phương-  Tỉnh ủy viên - Bí thư huyện ủy Tuyên Hóa
6. Lê Tý, Phó giám đốc Sở Tài chính Quảng Bình
7. Lê Dũng Chất – P. Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa
8. Lê Biên Thùy - P. Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa

Số có học vị cao:

1. Lê Duy Lương TS, Vụ trưởng vụ á, phi bộ Ngoại giao
2. Lê Duy Bách TSKH, chuyên viên cao cấp thủ  tướng Chính phủ
3. Lê Thị Thanh Hòa TS, chuyên viên UBKHXH Việt Nam
4. Lê Duy Phúc TS,
5. Lê Tiến Dũng PGS-TS, GV Trường ĐH TP Hồ Chí  Minh
6. Lê Văn Huy TS, 

Ở đây chỉ chon người có chức vụ, quân hàm cao nhất tiêu biểu, còn nếu liệt kê con cháu họ Lê có quân hàm Thượng tá, Trung tá và các chức vụ Trưởng phòng, phó phòng, Trưởng ban, phó ban, cơ quan nhà nước, Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường thì không thể kể hết.

Về chữ lót thì từ đầu đến nay không thống nhất, con trong nhà có khi mang chữ lót khác nhau như Lê Văn, Lê Đình, Lê Đức, Lê Duy, Lê Quang…

Cơ sở để phân tích về dòng họ Lê.

Năm 1984, sau thời gian dài gia phả họ Lê đều ghi chép bằng chữ Hán và tiếng Nôm, số người biết tiếng Hán-Nôm dần dần ít đi, các cụ trong họ sợ rằng mai mốt không có người biết để diễn giải cho con cháu trong họ hiểu biết về Tổ Tông mình. Những trăn trở ấy đã được ông Lê Trì (Thầy Trì) lúc đó là Trưởng ban, BCH Họ Lê đã có công cùng với một số cụ hiểu biết Hán-Nôm trong họ để dịch-giải. Sau khi dịch xong có đưa đến nhà ông Lê Cương, lúc đó ông đang được nghỉ phép tại nhà để bàn bạc và bổ sung thêm (Ông Cương có học tiếng Hán). Cụ Lê Trì là Dượng tôi nhưng theo dòng tộc Lê thì Ba tôi (ông Cương) gọi là chú. Lúc đó tôi cũng chưa quan tâm với cuốn gia phả này, chỉ nghe các cụ bàn luận nên tôi cũng lật xem qua. Lúc xem mới biết gốc gác mình là ở Ninh Bình, ông tổ mình lại là quan lớn triều đình. Đọc và truy từng thế hệ, mới biết mình thuộc nhánh con cả ông Lê Văn Lành, lần xuống từng đời, biết mình là đời thứ 15, gia phả ghi đơn giản, chỉ ghi tên con trai, không ghi năm sinh, không ghi chức vụ, mặc dù có nhiều ông quan to như ông Vải tôi, cũng chỉ ghi Lê Ngọc Uẩn. Cũng may là Cha tôi xem kỷ và ghi chép tỷ mỉ nên bây giờ tôi mới có tư liệu này.

4. Lời bàn liên quan đến các dòng họ trong làng:

Qua gia phả của họ Lê, cũng như các tư liệu mà các vị được đọc trên LLS chúng ta khẳng định lại rằng:

Họ Lê là người có công đầu trong việc khai canh lập ấp, tiếp theo là Họ Trần là người khai trí cho dân làng Lệ Sơn. Họ Nguyễn là người khám đạc điền thổ để dựng nên tên làng. Sau đó 5 họ còn lại lần lượt đến và trở thành Thủy Tổ từng họ, Họ cũng có công rất lớn xây dựng nên LLS như hôm nay. Chính vì thế mà khi giỗ Tỗ, họ Lê và Thành Hoàng Lệ Sơn (Nguyễn Huy Tưởng) được tảo mộ và giỗ ngày mồng 01 tháng chạp, các họ khác tảo mộ và giỗ vào ngày mồng 2.

Có một câu ca dao có thể là thành ngữ của làng:

Đàn ông chí nguyện đàn bà
Họ Lê xủi mả ở nhà đừng đi.

Tại sao lại không dùng từ (cho đến) mà lại là chí nguyện? Tôi chỉ biết ngày 01 tháng chạp hàng năm rất là rét, nên ít ai ra ngoài, đâu có hiểu hết ẩn ý bên trong, có lẽ ngày đó các thần linh của làng đang chuẩn bị trên đường về hưởng món ngon vật lạ của con cháu mang đến cúng giỗ, con cháu phải ở nhà để làm của ngon vật lạ dâng lên bề trên. Việc này xin độc giả cần hiểu sâu hơn thì liên hệ với Lê Hồng Vệ uyên thâm trong lĩnh vực này.

Về tên làng Lệ Sơn: Theo gia phả họ Lê đã ghi rõ ràng:

Sau khi dân cư đã đông đúc, đất khai khẩn khá nhiều, ông báo cáo với quan bản châu về khám đạc trước lập địa bạ. Khám đạc xong, đặt tên làng là Lệ Sơn (có nghĩa là núi quả vải – Lệ chi là quả vải). Vì đầu làng có trái núi cao, nhô ra khỏi dãy có hình quả vải (dân làng gọi là lèn Choi)”.

Như vậy những giả thiết đưa ra như Lệ là đẹp, sơn là núi.. đó chỉ là suy luận, còn các cụ lúc đó căn cứ vào thực tế và tên được đặt sau khi đo đạc điền thổ xong. Còn việc gọi là Cồn Vang lúc ban đầu có lẽ là khi đặt chân đến xứ này Lê Thủy Tổ nhìn thấy những cồn đất màu vàng do phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông, hói, tươi tốt màu mỡ nên gọi là Cồn Vang. Xứ sở mới phong cảnh hữu tình nên cái tên Lệ Sơn bao hàm nhiều ý nghĩa, con cháu đời sau cứ suy luận rộng ra và thành quá nhiều giả thiết độc đáo. 

Về dòng họ:

Ông Thủy Tổ Lê Văn Hành là người huyện Yên Mô -Ninh Bình, Hậu duệ của Lê Hoàn ( Tiền Lê). Còn Lê Thánh Tông là  Cháu nội của Lê Lợi, người làng Lam Sơn – Thọ Xuân - Thanh Hóa, ông Thủy Tổ Lê Văn Hành không phải là cháu của Lê Thánh Tông mà là cả hai đều Hậu duệ của Lê Hoàn. Như vậy việc Thầy Lương Duy Niệm đưa ra trong bài viết trước, khẳng định ông Tổ họ Lê ở Lệ Sơn là cháu của Lê Thánh Tông là không đúng.

Họ Lương vào lập ấp sau 4 đời so với  họ Lê ( Làng cả Lệ Sơn, phần III do thầy Quyến biên soạn), xét theo thế hệ, họ Lê đến nay đã là đời thứ 22-23, Họ Lương mới chỉ đời 17-18, tính từ 1473 đến 2009 là 536 năm, đối với họ Lương, nếu đem chia cho 18 đời thì = 29,6 tuổi mới có con trai thì không hợp lý, họ Lê chia cho 23 đời thì 23 tuổi có con trai là hợp lý ( tính bình quân). Như vậy, cụ Lương Bá Phiếm không cùng một lúc vào khai canh cùng cụ Tổ họ Lê Như thầy Niệm đã viết.

Trên đây chỉ là ý kiến riêng của cá nhân tôi,  nhiều tên tuổi của các vị quá cố đã nêu ra thật bất kính. Có những vấn đề gì chưa đúng, thất lễ, cúi xin các cụ trong các họ xá tội cho.  Chính điều mổ xẻ về dòng họ hôm nay, cũng là dịp cho con cháu tìm hiểu sâu hơn về dòng họ mình.
 

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Tĩnh (Tác giả Ngọc Long trích từ mạng google, gửi đề cử cho chương trình tim hiểu lịch sử văn hóa Làng)
Từ khóa:

Lê Ngọc Tĩnh

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Lương Duy Cường - Đăng lúc: 15/12/2013 20:21
Tôi cũng có phần chưa đồng tình với cách lập luận của anh Tĩnh nhưng cảm ơn anh vì bài viết công phu, nhiều tư liệu mà tôi cảm nhận là đúng. Lê hay Lương hoặc các họ khác nữa đến định cư trước hay sau là rất quan trọng trong việc viết địa chí của làng, nhưng cách diễn giải của anh Tĩnh dễ làm nhiều người hiểu nhầm theo một động cơ khác không hay. Dù sao thì tôi vẫn cảm ơn anh Tĩnh đã chịu kh1o sưu tầm để cung cấp một số thông tin, anh chị nào có thì cung cấp tiếp để tìm hiểu thêm.
Avata
luong duy - Đăng lúc: 21/03/2013 16:27
Nội dung
"Họ lê khai canh,họ trần khai trí "đó là điều hien nhien các bạn ạ !ho Luong chúng ta đến sau 7 đời.
Avata
Lê Trọng Đại - Đăng lúc: 20/03/2013 20:22
Xin gửi lời hỏi thăm và chúc mừng nhân díp xuân mới đối với anh Tĩnh. và gia đình· Xin anh cho Đại số điện thoại và địa chỉ Email để trao đổi một số thông tin như lí lịch trích ngang của Cố Đại tá Lê Cương anh lưu ý cho phần chức vụ, phần thưởng của Đảng và Nhà nước. ví dụ như đã từng là Huyện đội trưởng Tuyên hóa, Tham mưu trưởng binh chủng hoá học, huân chương công trạng cao nhất..... còn một số thông tin khác nếu anh cần Đại sẽ cung cấp cho những tư liệu đã qua giám định. Chào tạm biệt anh Tĩnh nhé.
Avata
Lương Tiên Sinh - Đăng lúc: 19/03/2013 17:51
Trong bài viết anh Tĩnh cắt nghĩa cho bà con biết căn cứ vào mô để nói họ Lương tính đến nay mới có 17-18 đời và mốc 1473 là năm cụ Tổ Lương Bá Phiếm về khai canh ?.

Lý giải 29,6 tuổi mới có con trai thì không hợp lý: Thế mấy tuổi có con trai thì hợp lý. Cái này giải thích không logic và phản khoa học. Anh Tĩnh cho họ Lê chia cho 23 đời thì 23 tuổi có con trai là hợp lý cũng như rứa.

Nghiên cứu về dòng họ phải cẩn thận, nghiêm túc và đứng trên quan điểm trung lập. Cái nào biết chắc đúng do có tư liệu tin cậy thì nói, cái nào cần tìm hiểu thêm thì nói rõ ra, chứ phán 1 câu mà không biết thực hư thế nào làm bà con hoang mang là không được. Thế hệ sau không biết dựa vào thông tin nào để tìm ra sự thật. Lỗi thuộc về ai ?
Avata
Đặng Duy - Đăng lúc: 19/03/2013 16:42
Phần cuối có bàn đến chuyện dòng họ, anh Tĩnh phán rằng họ Lương không đi cùng với Lê Văn Hành và đến sau 4 đời qua lập luận tuổi tác. Vụ này chắc thầy Niệm phải đăng đàn để trao đổi thêm cho bà con rõ. Công trạng của họ Lương đến đâu, cụ tổ Lương Bá Phiếm có về cùng cụ tổ Lê Văn Hành không ?. Thực hư của 8 dòng họ đầu tiên như thế nào ? Các cụ tổ họ Phạm, Phan, Bùi, Nguyễn là ai ? Mong được các bậc hiền tài soi rọi thêm
1, 2  Trang sau

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 15
  • Hôm nay: 2226
  • Tháng hiện tại: 28466
  • Tổng lượt truy cập: 8388477

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net