1
  • image
  • image
  • image
  • image
07:27 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Chợ Vang khảo luận

Đăng lúc: Thứ ba - 25/09/2012 17:28 - Người đăng bài viết: bientap02
Những hồi ức về chợ Vang xưa và nay của tác giả Trần Đức Hường
Lời tác giả:  Nói về Lệ Sơn mà không nói về Chợ Vang sẽ là một thiếu sót lớn. Chợ Vang là chợ của xứ Cồn Vang. Xứ Cồn Vang lại là “hạt nhân” của làng Lệ Sơn văn vật. Vì thế xin mạn phép viết đôi dòng về Chợ Vang để cùng " ôn cố, tri tân".

Những bài viết của cùng tác giả đã đăng:
1. Cồn Vang, một trời hoài niệm
2. Lệ Sơn, tên Làng: Chữ và Nghĩa
3. Mẹ ơi

Chợ Vang có từ lâu lắm rồi. Có từ trước khi tôi sinh ra rất lẩu rất lâu. Chợ Vang là sản phẩm của làng Lệ Sơn, và từ khi được khai sinh, nó cũng gắn chặt với lịch sử phát triển của làng.

Chợ Vang, cũng giống như những chợ của nông thôn Việt Nam khác, không chỉ đơn thuần là nơi để “bán cái ta có” hay “ mua cái mình cần” mà còn là nơi để giao lưu văn hóa, để “cập nhật thông tin”, để hẹn hò ….

 

Người dân Lệ Sơn cũng thích đi chợ. Nhiều người xem đi chợ như đi chơi. Nếu không mua sắm gì thì ngắm rồi bình phẩm, rồi thăm hỏi nhau, có khi vui vui, rủ nhau tấp vào làm chén rượu  cho đời “lên chốn bồng lai tiên cảnh” ! Đến chợ, người ta dường như biết đủ mọi chuyện trong họ ngoài làng.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7/1954 về kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương, người dân Việt Nam vui mừng bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế. Những năm 1958-1961, kinh tế khá lên, bà con phấn khởi, hồ hởi vì “dân có ruộng dập dìu hợp tác” và “lúa mượt đồng ấm áp làng quê”.

Chợ Vang lúc đó ( thậm chí còn trước đó khá lâu nữa ) họp ở “Bến Chợ”, trên một khoảnh đất rộng, khá bằng phẳng, nối với “phố thuốc Bắc” và sát với bờ sông. Bến Chợ nằm phía dưới bến “Lò Rèn”, cheo chéo bên kia sông là Rú Vắp ( cuối Phù Hóa, đầu Cảnh Hóa nếu tính từ hạ nguồn sông Gianh ). Khác với chợ Sãi, Chợ Đồn họp theo phiên, chợ Vang ngày nào cũng họp. Chỉ có điều, chợ Vang họp sớm và tan cũng sớm để Cô Bác còn kịp ra đồng. Hàng hóa cũng khá phong phú. Một phần do được mùa, bà con có tích lũy nên đem ra trao đổi, mua bán. Một phần do trong túi có “đồng ra đồng vào ”rủng rẻng“ cầu ”mạnh lên tất yếu sẽ ké “ cung theo. Chợ quê nên hàng hóa nhiều nhất là nông, lâm, thổ sản : Thóc, ngô, khoai, sắn, đậu, mè, mớ rau trong vườn, con vịt, con gà nuôi được, hoa quả, cau trầu … Hàng tiểu, thủ công nghiệp cũng nhiều. Những “ cô hàng xén răng đen ” với điệu cười “ như mùa thu tỏa nắng ” bán từ những dụng cụ làm nông như lưỡi cuốc, lưỡi liềm …đến những cây kim, cuộn chỉ, lược chải, gương soi. Kẻ bán người mua khá tấp nập.

 

 
Tấp nập không kém là khu bán hàng ăn. Những hàng bánh đúc, bánh bèo, bánh tráng, bánh mật, bánh gai … vừa với túi tiền của mọi người, ai cũng thấy dễ mua, dễ làm quà, dễ sà xuống ngồi ăn. Ghé  hàng bánh đúc, thế nào cũng bắt gặp khi thì dăm bảy bà, khi thì vài ba cô, đang thưởng thức. Món ăn được làm từ bột ngô, bột gạo cho thêm ít vôi, quấy cho nhuyễn, cho dai hình như có một sức quyến rũ kỳ lạ khiến cho các bà, các cô khó dứt ra được !
 

Chợ cũng có gian hàng bán đồ chơi cho trẻ em với những chiếc trống nhỏ, đèn ông sao, khỉ quay đu, heo đất, tàu thủy, mặt nạ, ông đánh gậy trông trăng và cả những ông tiến sĩ giấy ngồi trên kiệu vàng đất sét….sắc màu lòe loẹt. Có cả những chú tò he hình con vịt, con gà trống oai phong mà chơi chưa xong đám trẻ đã đem “ nướng ” rồi.
 

 
 Trên bờ là vậy. Còn dưới bến, thuyền đậu san sát. Những con thuyền chở người ở những vùng lân cận đi chợ cũng có mà mang theo cá tôm để bán cũng có. Cá biển khá nhiều loại như cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá trích, mực ống, mực cơm, tôm bạc, tôm he từ làng Lý Hòa, Cảnh Dương lên. Cá nước lợ như cá loi, cá buôi, cá vược, cá trẻnh, cá hanh do ngư dân vừa đánh được mang đến. Cá nước ngọt như cá chép, cá tràu , cá lúi, cá rô, cá trê, cá diếc do người dân tát đìa, thả lưới, cất vó, buông câu  mang về, cá chình, cá lạc, cá lăng, cá chép…. từ thượng nguồn mang xuống. Mùa nào thức ấy thật hấp dẫn !

 Vào những ngày giáp Tết, chợ đông đúc hẳn lên. Mọi người chen vai thích cánh đi sắm hàng Tết. Từ gạo, nếp, mớ lạt, ống giang, bó lá dong làm bánh chưng cho đến các loại thịt, cá, quần áo, tranh dân gian, củ dưa hành, câu đối Tết ( trước đây còn có cả pháo “ tép ”, pháo “ đùng ” nữa )… Tất cả đều phảng phất hương đồng gió nội, đều thấm đẫm hồn quê.

Ngày xưa, chưa có điện thoại di động để gọi hay nhắn tin SMS cho nhau, đầu làng cần thông tin cho cuối xóm, người ta ra chợ. Gặp được ai đi chợ ở gần nhà cần thông tin, người ta “nhờ anh, nhờ chị nhắn giùm...”. Ngày xưa, radio, TV chưa có, người ta nghe được ở chợ khối tin từ xóm dưới, làng trên. Toàn những tin mới ra lò, nóng hổi …. Người ta cũng hỏi nhau xem, Lễ này “ Xã ta” có làm gì không ? Tết này nên trang hoàng, bày biện như thế nào ? Nhà chị hôm nào gieo mạ ? Nhà anh hôm nào gặt ? ( Để rồi xuất hiện những câu chuyện không nhịn được cười như có người hỏi “Nhà enh được năm ni mấy ló ? ” thì người đáp tỉnh như sáo trả lời “chó tui đẻ được 3 con !!!”. “Ồn như cái chợ ” mà ! Nói một đằng, nghe một nẻo là chuyện thường ngày ở chợ ! )... Người dân đi chợ quen mặt hết các bà, các cô, các chị bán hàng bởi đa số là người trong làng, trong xóm. Vì vậy, hễ không thấy bà hàng rau, cô hàng cá hay chị hàng thịt, người ta lại hỏi thăm nhau xem sự thể thế nào… Việc mua bán theo kiểu tiền trao cháo múc, người mua cũng gật, mà bí quá, mua chịu, người bán cũng ừ ! Làng quê là thế !

Người lớn thì mong chợ họp, nhưng, đối với đám trẻ, chúng lại mong chợ tan nhiều hơn. Chợ tan, mẹ về, có thể có đồng quà, tấm bánh. Lúc thì tấm mía, lúc thì một góc bánh đúc, bánh đa, lúc thì chiếc kẹo boòng boong, lúc thì chiếc bánh bèo, bánh mật để ở góc thúng mà Mẹ chưa về đến cửa chúng đã chạy ùa ra lục lọi. Nhưng quan trọng hơn, chợ tan, đám trẻ sẽ thừa cơ mượn bãi trống làm sân bóng để đá cho “ thủng trống, long bồng ”. Đá bóng chán, chúng nhảy ùm xuống sông tắm rồi lại quay qua đánh đáo, đánh khăng. Nhiều lúc cho là đối phương “ chơi ăn gian ”, chúng cãi nhau ầm ĩ. Tiếng bọn trẻ lan dần vào từng ngõ ngách làm sống động cả làng quê. Những đêm trời trong, trăng sáng, bọn trẻ lại kéo nhau ra chợ chia làm quân xanh quân đỏ chơi trò đánh du kích hoặc chơi trốn tìm, bịt mắt bắt dê …

Năm 1964, Mỹ ném bom Miền Bắc. Những năm sau đó, thấy máy bay Mỹ chẳng ngán ngại gì khi ném bom, bắn phá vào cả khu dân cư, mọi người chuyển chợ vào nhóm họp dưới “ những mái vòm tre ” ở sủng tre của Mệ Điền, cách bến Lò Rèn đi vào chừng trăm mét. Tán tre che kín, người dân cho rằng máy bay không thấy  nên đỡ ngại mà yên tâm họp chợ. Chợ thời chiến nên họp nhanh, tan sớm, người họp ít và hàng hóa cũng ít. Hàng hóa chủ yếu và được quan tâm nhất là lương thực. Lúc này gạo “ đắt như vàng ”. Đất ở khu chợ mới không bằng phẳng lắm nên bọn trẻ cũng ít bày trò. Hơn nữa “ bom rơi đạn nổ ” cũng làm chúng ngài ngại…

Sau hiệp định Pari tháng 1/1973 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ ngưng ném bom Miền Bắc. Chợ được dời lên “ Bến Đình ” gần trụ sở Ủy ban Xã cho đến bây giờ. Thời bình, người mua, kẻ bán tấp nập trở lại. Hàng hóa cũng nhiều hơn. Hàng mới của thời công nghiệp hóa được bổ sung cũng nhiều, có cả hàng nhập từ Á, Âu rồi Úc, Mỹ nữa, nhưng hàng cũ vắng đi cũng lắm. Heo, gà thì được nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Cá thì chủ yếu là cá nuôi bè như cá trắm cỏ, cá rô phi….Nhiều loại cá nước lợ như cá loi, cá buôi, cá vược, cá trẻnh có lẽ chỉ còn trong ký ức. Chắt chắt dù ít thì vẫn còn nhưng rop róp thì chẳng thấy đâu. Loài ốc gạo thơm ngon nấu với mít non cũng chẳng thấy ….

 

Trong thời kinh tế thị trường, thiết nghĩ chợ Vang cũng nên được sắp xếp gọn gàng, khoa học. Người bán hàng không nhất thiết phải “ thắt đáy lưng ong ” nhưng nụ cười thì không thể thiếu. Cần có thêm những dịch vụ phục vụ những người già, cho những người cách xa về địa lý ….

Chợ Vang vẫn mãi là chợ của làng Lệ Sơn. Nhưng, trong cộng đồng những người xa quê, nó trở thành một thời để nhớ. Nơi phố thị sầm uất nhiều khi thấy nhớ chợ quê, nhớ những nụ cười hồn nhiên còn phảng phất mùi bánh đa, bánh đúc, hay, chạnh lòng thổn thức nhớ một dáng hình quen thuộc, xa xăm một thời từng đi về trên nẻo đường quê.

Hy vọng rằng  một ngày nào đó không xa, về chợ Vang sẽ được gặp lại những sản vật mà tạo hóa đã dành tặng cho xứ Cồn Vang, cho làng Lệ Sơn văn vật.

Sài Gòn, một ngày Thu nhạt nắng-2012
Tác giả bài viết: Trần Đức Hường
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Biên tập viên 03 - Đăng lúc: 27/09/2012 09:21
Biên tập viên cho bài viết Chợ Vang khảo luận thành thật xin lỗi tác giả vì để sai sót mất một số từ do lỗi từ phần mềm soát xét chính tả tự động. Biên tập viên ghi nhận góp ý của tác giả và sẽ cho đối chiếu lại bản gốc nhằm truyền tải đúng tinh thần của bài viết.

Theo yêu cầu của LLS.NET, khi độc giả gửi bài cố gắng ghi thêm số điện thoại liên lạc để Biên tập viên trao đổi khi khi cần thiết. Trong bài của tác giả có nhiều từ không rõ nghĩa, dù rất muốn liên lạc nhanh để hỏi nhưng vì không có số điện thoại nên đành để ngỏ. Mong lần sau tác giả cung cấp thêm thông tin này để Ban biên tập liên lạc lại khi cần thiết.

Dưới đây là số điện thoại nóng trực đăng tin cho LLS.NET 0906265146 .Nếu quý độc giả thấy bài đăng có thiếu sót, hoặc tin bài không biết chắc chắn đã gửi đến LLS.NET chưa thì quý độc giả có thể gọi trực tiếp đến số điện thoại trên.

Trân trọng !
Avata
TRẦN ĐỨC HƯỜNG - Đăng lúc: 27/09/2012 07:56
Kg: BBT và BTV bài viết CHỢ VANG KHẢO LUẬN
Với tư cách là tác giả và cũng là độc giả, tôi thấy cần góp ý đôi lời về cách đăng bài viết .
Thứ nhất: Lời của tác giả với BBT là lời ngoài bài viết. Xét về mặt văn phong, hai bên độc lập nhau. Có thể đăng hoặc không. Trong lời tác giả gửi BBT ghi rõ là ôn cố tri TÂN, nghĩa là ôn (nhớ ) cũ để biết mới. Đề nghị đã đăng thì sửa lại cho đúng.

Thứ hai: Bài viết là một chỉnh thể, gồm có mở đầu, nội dung chính và đoạn kết. BTV đã cắt mất đoạn đầu của bài viết thành ra bài viết cụt ngủn . Đã thế lại lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia . Đọc lên mất đi vẻ liền lạc của bài viết . Nên trả về như bản gốc.

Thứ ba : Bài viết gồm phần " khảo " và phần " luận ". Phần " khảo " rất cần hình ảnh để minh họa nhưng hình minh họa phải sát với văn cảnh . Sát với nội dung và sát với vị trí đoạn văn để người đọc đọc tới là thấy hình . Văn một nơi , hình một nẻo, chẳng ăn nhập gì với nhau như vừa đăng là không ổn. Trong bản gốc tôi đã zoom và bố trí hợp lý rồi .

Đề nghị BBT và BTV lưu ý .
TRẦN ĐỨC HƯỜNG
Avata
Lân Trung - Đăng lúc: 25/09/2012 19:51
Thích nhất là ra chợ vang mua cá rô, mua ooc, mua tép, phải nói chợ Vang có những đặc sản quê khá độc đáo. Các mệ đi chợ vê kiểu gì chả có vài món bánh cho cháu, lúc thì bánh đúc, lúc bánh bột gạo, bánh tráng, hay bánh nếp. Bọn trẻ chúng tôi khoái nhất là mạ đi chợ về. Ký ức còn rõ mồn một.
Anh Hường ơi, anh viết mấy bài như ri, ai cũng thấy yêu quê anh a, mọi người như một nhà, thân tình lắm. Mong anh nghĩ ra nhiều thứ để viết cho chúng tôi đọc, chúng tôi luôn chờ đón các tác phẩm quê của anh.
Avata
Lê Mai Phương - Đăng lúc: 25/09/2012 19:46
Bài viết hay quá anh Hường ơi, hay về nội dung, hay về ý nghĩa. Anh tả rất thực, đúng chợ Vang là trung tâm, ở đó không phải chí có buôn bán mà ở đó còn có văn hóa làng. Có chuyện gì là cả làng truyền miệng qua cái chợ này. Đầu tiên gặp nhau là chào hỏi, thăm, rồi kể chuyện.nói chung đi chợ không phải chỉ có đi chợ mà còn nhiều thứ khác, cái này khá đặc biệt anh hè.Ai đi xa mà chẳng nhớ chợ Vang
Avata
Binh luan - Đăng lúc: 25/09/2012 18:35
Bài viết thật sâu sắc, từ bao quát đến cụ thể từ quá khứ đến hiện tại từ cách đặt vấn đề cho đến lời kêt, tất cả đều rất hoàn hảo ! nếu không là 1 kỷ sư bách khoa có lẽ giờ này tác giả đang công tác ở hội nhà văn Viêt Nam.

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 588
  • Tháng hiện tại: 50750
  • Tổng lượt truy cập: 8006033

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net