1
  • image
  • image
  • image
  • image
11:50 EDT Thứ sáu, 29/03/2024

Cồn Vang, một trời hoài niệm

Đăng lúc: Thứ hai - 17/09/2012 04:11 - Người đăng bài viết: bientap02
Những dòng hồi ức về một xóm nhỏ ở Lệ Sơn của anh Trần Đức Hường, hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh

Anh bạn đồng môn Thanh Lâm của tôi đã mở lời; Dòng ký ức lại đang tuôn chảy; Những “thước phim“ cất kỹ trong bộ nhớ bỗng nhiên “tua” lại, tái hiện một trời kỷ niệm về xóm Cồn Vang. Đặng chẳng đừng, tôi lại “cầm cây bút “.

Xóm Cồn Vang là một xóm nhỏ trong Xứ Cồn Vang. Vào những năm trước khi xảy ra chiến tranh phá hoại của Mỹ, đây là một xóm nhỏ yên bình với mươi nóc nhà của những người chủ yếu chỉ quen “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy “.

Xóm nằm dọc theo hữu ngạn sông Gianh. Xen giữa bờ sông và xóm là một hói nhỏ chạy dài từ đầu tới cuối. Đôi bờ của con hói nhỏ mọc đầy những rặng bần và những bụi ô-rô. Mỗi khi nước ròng, dưới những bụi ô-rô hiện ra đầy hang cáy. Những lúc trời nắng, vắng người, lũ cáy kéo nhau ra khỏi hang, gương hai mắt ngó nghiêng và khoe những cái chân đỏ tía đầy lông lá để “tỏ mặt anh hùng ”. Nhưng, chỉ cần thoáng thấy bóng người từ tít mù xa, cả bọn lại hoảng hồn và nhanh như chớp chui tọt vào hang.

 

Đầu xóm là một hộ ngụ cư làm nghề chài lưới. Cuộc đời chài lưới thường lênh đênh, rày đây mai đó. Mùa nắng còn đỡ, chứ vào mùa đông, khi mưa bụi như giăng màn, gió lạnh tê tái, với một chiếc thuyền con đơn lẻ giữa cảnh vắng lặng của không gian, những người trên thuyền phải chịu đến hai lần lạnh. Nhìn thấy cảnh ấy, ai mà chẳng động lòng trắc ẩn. Chắc cũng vì thế mà lối xóm đã nhường cho ông lão, vốn trong cảnh gà trống nuôi con, một khoảnh đất để dựng tạm một mái lều cho có chỗ sớm tối vào ra.

Cuối xóm cũng là một hộ ngụ cư, không làm nghề chài lưới nhưng vẫn là dân sông nước. Tuy từ xa tới nhưng lại có ít nhiều dây mơ rễ má với cư dân tại chỗ nên việc hòa nhập xem ra cũng khá hơn. Họ có “đủ đôi “và con cái đề huề nên cửa nhà cũng khá, cuộc sống cũng đủ đầy hơn và ấm cúng hơn.
Giữa xóm là các hộ dân sở tại sống bằng nghề nông. Trong ba hộ họ Trần ở sát nhau phía đầu xóm, có nhà của anh bạn cùng học trường làng mà mỗi khi có dịp, tôi vẫn thường ghé thăm để chơi đùa và trò chuyện. Kế đó cho đến gần cuối xóm là những hộ họ Nguyễn, vốn là những người họ hàng thân thích mà mối quan hệ huyết thống tối đa chưa quá ba đời. Nhà của Ông, Bà ngoại tôi nằm trong số đó.

Giống như những gia đình khác, Ngoại tôi cũng trồng nhiều cây trái, nhưng, với tuổi thơ của tôi, cây cam sành trước sân và cây quýt trước vườn là “ấn tượng “hơn cả. Giờ đây, tôi vẫn còn “nhớ như in “màu gạch son của những quả cam sành chín mọng và màu đỏ ối của những quả quýt treo lơ lửng trên cành. Những quả cam sành có vỏ sần sùi nhưng khá to. Không biết là vì cam ngọt hay vì “hương vị tuổi thơ “mà tôi xin đánh cược rằng, từ đó đến nay, chưa bao giờ tôi tìm lại được cảm giác ngon như vậy. Còn những quả quýt, nếu so với quýt Lai Vung nổi tiếng của xứ Đồng Tháp thì chẳng “xi-nhê “gì, nhưng  nếu so với quýt ở làng lại được xếp vào loại lớn. Những quả quýt thường đong đưa ở trên cao nên mỗi lần muốn ăn phải dùng cây sào tre dài mới hái được.Vị của nó, xin thề ( trên cái tuổi thơ của tôi ), cũng “tuyệt cú mèo “! Ăn một lần, nhớ mãi mãi ! Đâu cần phải mất bộn tiền quảng cáo !
Mùa bần chín, tôi lại nhập cuộc với đám kế sau “nhất quỷ nhì ma “trong xóm trèo bần. Những quả bần nặng uốn cong những cành be bé giống như chiếc cần trúc  nhỏ bị vít xuống khi cá lớn cắn câu. Cành bần khá giòn mà quả bần như trêu ngươi lại ở tít ngoài xa, chẳng thấy quả nào ở gần cả. Đã không ít lần các “chiến hữu “của tôi rơi tòm xuống nước ( may quá ! may mà nước chứ đất đá gì thì tôi hết bạn để trèo bần rồi ! ). Quả bần chín chua và đầy hột, ấy vậy mà chúng tôi vẫn hãnh diện xơi sạch những chiến lợi phẩm của tạo hóa, dù sau đó nước mắt nước mũi chảy đầy !

Chạy dọc theo rìa bên kia của xóm là một dãy ruộng sâu. Lúa ở ruộng vụ nào cũng khá vì nước non đầy đủ. Tháng Tư ta, khi những trận mưa rào vừa dứt, trời nắng trở lại, lũ rạm móc chân vào nhau, nổi lên bơi chèo từng đám suốt dọc con mương thủy lợi và bờ đập, bờ sông tựa những đám mây giông đen ngòm trước đó. Người dân  gọi đấy là “rạm đi bè “. Những người có kinh nghiệm và nhanh chân đã dùng vợt vớt được cả hàng chục thùng mang lên chợ bán. Rạm tháng Tư béo đáo để. Khi lũ rạm “tan hội “thì tôi và đám bạn lại bắt ngóe để câu. Dẫu câu được không nhiều nhưng cũng đủ cho bọn trẻ nướng tại chỗ rồi rôm rả bình phẩm về cái ngon, cái béo của đặc sản mà Trời Đất tưởng chừng như chỉ dành riêng cho xóm Cồn Vang thôi ấy. Đến mùa “nước nổi “, khi những con nước đầu tiên tràn vào, dãy ruộng trở thành một “Đồng Tháp Mười “thu nhỏ. Đầu đêm cắm trúm ở góc ao, sáng giở trúm ra, lươn vào năm bảy chú. Đầu đêm cắm câu dọc theo bờ ruộng, sáng ra nhấc câu lên thế nào cũng có vài thằng lóc, con trê. Cuộc đời của cư dân xóm nhỏ cứ thế mà thanh bình, mà “gió nhẹ, khói lên thẳng “nếu bom không rơi, đạn không nổ. Nhưng….

 

Bắt đầu từ ngày mồng 5 tháng Tám năm 1964, Mỹ leo thang ném bom miền Bắc. Ngày 28 tháng Tư năm 1965, trên dòng sông Gianh, Hải quân ta đã chiến đấu kịch liệt với máy bay của không lực Hoa Kỳ. Ít nhất, một máy bay Mỹ đã bị bắn hạ. Đến khi phát hiện ra những chiếc tàu của Hải quân ta đậu dưới những rặng bần, Mỹ đã cho hàng chục chiếc máy bay F8U, AD6, F4, F4H, F105, F105E bắn rốc-két, ném bom nhằm phá hoại. Xem ra chưa đủ, chúng còn huy động hàng chục, hàng trăm đợt những “bà già“, “vỉ ruồi “, “thần sấm ”, “con ma “ném hàng trăm quả bom sát thương, bom phá, bắn hàng ngàn quả rốc-két, rải hàng chục ngàn quả bom bi để hủy diệt những rặng bần, những rặng tre và cả những con người đã chở che cho những con tàu những năm sau đó nhằm “tách cá ra khỏi nước “rồi tìm diệt. Cửa nát nhà tan, xóm nhỏ hoang tàn, mọi người phải sơ tán theo lệnh của nhà chức trách.  Nhà của Ngoại tôi cũng dính một quả bom đúng vào gốc cam sành khiến ngôi nhà chỉ còn trơ ra cái nền đất. May mà Ông và Bà  tôi đã kịp đến nương náu những người họ hàng cách đó một đỗi đường. Xóm nhỏ chẳng còn lấy một bóng người, chỉ còn khét lẹt mùi thuốc súng và chi chít vết đạn bom. Nhiều quả bom chưa nổ vẫn còn vương vãi ….

Rồi thời gian cứ thấm thoắt trôi. Ông, Bà ngoại tôi đã lần lượt bước vào cõi vĩnh hằng. Thằng cháu nghịch ngợm chỉ kịp khắc hình bóng Ông, Bà vào tâm khảm trước lúc xa quê. Rồi gần 40 năm trên đường thiên lý, lúc nào lòng cũng canh cánh nỗi niềm nhớ về xóm nhỏ ….
Lịch sử đã sang trang. Nước nhà đã độc lập, thống nhất. Mọi người, mọi nhà đang nỗ lực để kiến tạo tương lai. Xóm Cồn Vang ngày nay đã đông đúc trở lại. Những cư dân mới đang thay những người cũ làm tiếp sứ mệnh xây dựng xóm nhỏ thân yêu. Sau lũy tre xanh, những cột khói lam chiều lại nhẹ nhàng vươn tỏa. Cầu xin Ông, Bà và những cư dân xóm cũ đã về miền cực lạc phù hộ cho những cư dân mới để họ xây dựng xóm Cồn Vang ngày càng trù phú, thanh bình, để cuộc sống của họ và gia đình ngày càng đủ đầy, ấm no,  hạnh phúc.
 
TP.HCM - 9/2012
Tác giả bài viết: Trần Đức Hường
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Thanh Lâm - Đăng lúc: 20/09/2012 19:56
Đức Hường thân mến! "Ôn cố tri tân - vô cổ bất thành kim". Mình chỉ thích các bài thơ cổ, của những con người cổ. Hơn nữa nó hợp cảnh, hợp người với lứa tụi mình. Tuổi già hoài cổ, nhưng nó là cả một quãng thời gian đau thương khó nhọc của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi làng quê. Lịch sử cần phải được tái hiện trung thực như nó vốn có ĐH ạ ! Nếu được bạn cố gắng đăng trọn bài thơ nhé. Vì đó là hình ảnh của mẹ bạn, mẹ mình và các bà mẹ Lệ sơn một thời ...không bút nào tả được. Thân ái.
Avata
Trần Đức Hường - Đăng lúc: 20/09/2012 02:13
Gửi bạn Thanh Lâm,
Quên thì chẳng quên nhưng thơ thẩn của thời ăn chưa no , lo chưa tới cứ để nó nằm yên dưới lớp bụi thời gian đi ! Nhưng để chiều ý bạn , mình gửi bạn khổ thơ có hai câu bạn nhớ :
Giữa đường trưa , người Mẹ bóng đổ tròn
Hối hả bước mong về cho kịp bữa
Đã mấy hôm rồi nhà không nổi lửa
Mồ hôi tràn rơi xuống dấu bàn chân...
Avata
Thanh Lâm - Đăng lúc: 19/09/2012 20:11
Dòng ký ức đang tuôn chảy. Những thước phim cất kỹ trong bộ nhớ bỗng nhiên tua lại. Mình nhớ Đức Hường còn là nhà thơ khá sâu lắng. 40 mươi năm trước bạn đã đọc cho mình nghe một bài thơ về nỗi vất vả của những người mẹ Lệ sơn .Mình còn nhớ câu : "Dưới nắng trưa hè chang chang như đổ lửa - Mẹ hối hả đi về cho kịp bữa...." Nếu còn nhớ mong Đức hường cho đăng lại nhé. Cảm ơn.
Avata
Làng bên - Đăng lúc: 17/09/2012 07:43
Làng Lệ Sơn.Net và Cao Lao Hạ chấm com có lượng truy cập ác phết nhỉ, Lệ Sơn mới chấn chỉnh lại như ri là quá đỉnh. Với sự phát triển mạnh như ri, kiểu chi các làng quê Quảng Bình nói chung chả được toàn thế giới biết tới. Theo tôi, ta nên học tập bên Cao Lao bổ sung 1 chuyên mục Tiếng Anh cho bà con Tây đọc. Thế mới đỉnh. Kính !

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 2150
  • Tháng hiện tại: 52312
  • Tổng lượt truy cập: 8007595

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net