1
  • image
  • image
  • image
  • image
22:06 ICT Thứ bảy, 05/10/2024

Một câu chuyện có thật đầy cay đắng: Giọt máu rơi

Đăng lúc: Thứ năm - 29/08/2013 20:02 - Người đăng bài viết: lehongve
Câu chuyện có thật về tấn bi kịch cuộc đời của một cô giáo mà Tác giả Minh Trần chứng kiến dưới đây. Thật cay đắng, bởi nó phản ánh những góc khuất trong xã hội đương đại, những tác nhân gieo hậu quả đã phản chiếu về sự xói mòn, suy thoái nghiêm trọng các giá trị chuẩn mực đạo đức của con người. Câu chuyện nội hàm nhiều giá trị nhân văn, là tác phẩm xuất sắc tiếp theo của tác giả viết về Mảnh hồn quê. Hi vọng sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều suy nghĩ về lương tri của con người.
Bài viết cùng tác giả đã đăng
1. Ba tôi
2. Ký ức Mảnh hồn quê 
 GIỌT MÁU RƠI
 
    Ngày mới ra trường tôi được phân công dạy học tại một xã miền núi. Cảm nhận đầu tiên khi bước chân đến vùng quê xa lạ này là dân ở đây có cái gì na ná giống quê mình. Cũng sống thật thà chân chất, tình cảm. Đặc biệt là có sử dụng một số từ địa phương giống từ địa phương của Lệ Sơn. Nên tôi có ý định một ngày nào đó sẽ sắp xếp công việc để có thời gian tìm hiểu cội nguồn của vùng quê này. Nhưng ý nghĩ đó trong tôi đã bị thiêu cháy bởi một câu chuyện đắng lòng mà tôi tình cờ bắt gặp.

    Một sáng chủ nhật cuối thu năm 1998, mấy chị em trong khu nội trú rủ nhau đi chợ để mua thức ăn cho các con. Vì là giáo viên Tiểu học phải dạy học hai buổi / ngày nên chúng tôi không có thời gian đi chợ trong tuần. Vừa mua xong được mớ cá sông tươi rói, tôi định bụng mua thêm một ít gia vị để về chế biến thức ăn. Bỗng có tiếng gọi tên tôi nghe sao gần gũi thân quen nhưng cũng vừa xa lạ. Một  thoáng suy nghĩ lướt qua đầu tôi (Lần đầu tiên đến đây có quen ai đâu chắc là mình nghe nhầm). Nhưng tiếng gọi đó lại được lặp lại lần nữa. Tôi bỗng ngoái đầu nhìn lại thấy một phụ nữ trạc trên 40 tuổi (lúc đó vào năm 1998) đang đứng dậy bên mấy cái rổ, mẹt, thúng đựng hành tỏi và mấy quả trứng đang vẫy tay gọi tôi.Thì ra,một chị làm nghề bán gia vị để mưu sinh. Người chị nhỏ, gầy, nước da trắng hồng. Tôi bước lại gần hỏi nhỏ. “Chị có việc gì gọi em thế ?”.  Chị thoáng buồn nhìn tôi với ánh mắt hiền từ toát lên trên vẻ mặt phúc hậu, thông minh nhưng có phần dò xét xen vẻ chần chừ. Tí nữa vào nhà chị chơi nhé. (Giọng chị nhỏ nhẹ vừa đủ cho hai người nghe). Vừa nói chị vừa gói cho tôi một gói gia vị. Trước câu nói và thái độ tỏ vẻ chân thành của chị, tôi không sao cất bước  ra về đành nén ở lại đợi chị dọn hàng vào nhà lúc chợ còn đông lắm. Giờ này, hai thằng con trai yêu quý của tôi chắc cũng đang đứng ở cổng trường đợi quà của mẹ đi chợ về.



Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

 
     Lần theo bước chân chị khoảng hơn trăm mét, tôi bước vào một căn nhà nhỏ lụp xụp có hai gian nhưng cũng chỉ đủ đặt một chiếc giường đôi đã cũ kĩ. Tôi nhìn quanh chẳng có thứ gì giá trị cả. Phía dưới là một chái bếp có vài cái soong nhỏ treo lủng lẳng bên vách ván. Xung quanh nhà được đóng bằng những tấm ván cũng xiêu veọ, hở hang chắc là do bàn tay người phụ nữ này đã một mình gây dựng nên “cái gia sản này”. Từ trong nhà bước ra, một người trạc mười chín, đôi mươi tươi cười chào tôi. Người cháu dong dỏng cao. Nước da trắng hồng.Vầng trán rộng tỏ vẻ thông minh nhưng thật thà đôn hậu. Vừa đặt thúng hàng xuống đất chị đã kể một thôi một hồi về người cha của cháu. Có lẽ câu chuyện tình đã được chị nén chặt trong lòng suốt  hai chục năm qua không dám  thổ lộ cùng ai. Nhưng vì biết tôi là người Lệ Sơn nên chị đã dốc hết bầu tâm sự. Giọng chị nghẹn ngào trong nước mắt:

    Ngày xưa, anh chị dạy cùng trường. Lúc đó trường Tiểu học và trường Trung học chưa tách. (Tôi không nhớ rõ là trường nào nhưng huyện Bố Trạch). Hai anh chị nấu ăn chung. Chị hơn anh vài tuổi. Ngày lại ngày qua đi hai chị em đã nẩy sinh tình cảm. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Khi chị báo cho anh biết chị đã có bầu, tưởng anh vui mừng phấn khởi vì đó là kết quả của tình yêu. Nào ngờ anh đã lẳng lặng chạy trốn bằng việc xin chuyển ra dạy học ở huyện nhà Tuyên Hóa. Từ đó chị một mình mang “cái bầu tâm sự” chín tháng mười ngày để sinh ra được cái thằng  thằng Cu Chó (Chị gọi tên con bằng tất cả tình yêu thương).



Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
 
    Thằng Cu Chó lớn lên trong sự thiếu vắng tình cảm của người cha. Nó trắng trẻo cao to như thế cũng nhờ chị dã dành hết tình yêu thương cho nó. Một mình mang nặng đẻ đau, nuôi con trong sự dị nghị của xóm làng, đồng nghiệp. Đã có không biết biết bao nhiêu lần hội đồng sư phạm nhà trường gọi lên gọi xuống để kiểm điểm vì cái bầu không cha. (Không phải như bây giờ). Cha mẹ ở xa (Ở Quảng Trạch), Chị chấp nhận nuốt nước mắt một mình nuôi con khôn lớn. Lúc đó, đứa em trai của chị lại cần tiền để xin việc. Vì cha mẹ nghèo khó nên chị đành chấp nhận nghỉ chế độ thôi việc để có tiền cho em trai (Sau này em trai vẫn không có khả năng trả cho chị) mặc dù chị là giáo viên giỏi của trường đã nhiều năm. Nghe đâu mỗi khi có ngày lễ 20/11 đến là nhà trường đều mời chị tham dự. Sau lời phát biểu chị lại tặng thêm một bài hát hoặc ngâm một bài thơ. Cu Chó lớn dần, thông minh khỏe mạnh và thi đỗ đại học kinh tế Huế. Giờ nó đang học đại học năm thứ hai. Chị hy vọng anh một lần đến thăm con nhưng càng trông thì càng vắng bóng. Người cha bội bạc kia mãi cao chạy xa bay và lấy vợ người Lệ Sơn sinh được hai đứa con.... Càng nói, chị càng nghẹn ngào nức nở. Nhìn chị tôi không cầm nổi lòng mình, nước mắt cũng rơi lả chả, chẳng nghĩ ra được câu nào để động viên chị.

    Rồi một ngày có tin anh bị bệnh đã qua đờì. Chị chuẩn bị khăn gói cùng địa chỉ của anh để con trai đến thắp hương cho người cha quá cố chưa một lần gặp mặt. Cu Chó là đứa con ngoan nên nghe lời mẹ khuyên lên đường Bắc tiến. Đến nơi mới biết rằng người chết không phải là ba của Cu Chó mà là một người trùng tên. Phần vì đã mất công đi, phần vì tính tò mò muốn gặp một lần cho biết nên cháu quyết tâm chờ đợi trong một cái quán ven đường gần nhà. Cháu hỏi người chủ quán và được biết cả nhà đang đi đám giỗ. Nghe tin có con trai đến tìm. Ông ta trốn biệt tăm. Một phần vì sợ mang tiếng xấu, phần vì sợ vợ, sợ mất uy tín (nghe đâu đang là cấp lãnh đạo)…Cu Chó lủi thủi trở về trong nỗi buồn chán vô bờ. Tới nhà, nó quăng cái túi xách đánh bịch xuống giường rồi cằn nhằn: “Con đã nói không đi mà mẹ cứ bắt con đi. Ông ấy không xứng đáng là cha của con, bội bạc với mẹ mấy chục năm nay. Con lớn lên từng này tuổi chưa một lần nhìn thấy cái mặt ông ấy. Từ nay sống chết kệ thây ông ấy. Mẹ đừng bao giờ nhắc đến.”

     Chị lại ngừng kể vì nghẹn ngào nấc nấc lên trong nỗi đau tuyệt vọng…Sau một hồi lâu, chị  tiếp tục câu chuyện.  Không phải chị hy vọng Cu Chó có cha để nhờ vả mà chị giờ bị bệnh tim không biết chết sống ngày nào. Lỡ chị chết đột xuất thì nó đã không có mẹ lại không có cha tội nó quá.

    Mặt trời đã lên cao, ánh nắng cuối thu trải rộng trên cánh đồng vàng xuộm. Bầu trời trong xanh đến lạ. Nhưng sao trước mắt tôi vẫn là một khoảng không vô định. Tôi lê từng  bước nặng nề trên con đường đất đỏ mà lòng nặng trĩu với bao suy nghĩ chồng chéo, ngổn ngang không tìm ra được lời giải đáp: Chị đang muốn cầu cứu tôi mang câu chuyện đến được tai người cha bội bạc kia chỉ vì tôi là người Lệ Sơn hay chỉ muốn trút bớt nỗi đau đã gồng mình gắng chịu trong hai chục năm đằng đẵng ? Thằng Cu Chó đã hai mươi tuổi chưa một lần được gọi  tiếng “Ba”? Ông ta vì danh tiếng hay vì hạnh phúc đang có mà mất đi tình người ?. Ông ta có phải là một con người không khi mà chị đã phải la lết ngồi chợ bán từng cọng rau hành để nuôi đứa con trai khôn lớn không một lần thấy anh đoái hoài đến mẹ con chị ? Chị đã dành trọn đời mình cho một tình yêu phũ phàng, bội bạc, nông nổi kia có ai chia sẽ, thông cảm cho chị ?. Người đàn ông máu lạnh kia có một lần nào day dứt lương tâm hay không ?

    Bẵng đi gần mười năm dạy vùng dưới và cũng chật vật, bận rộn lo cho cuộc sống thường ngày, tôi đã nguôi ngoai đi phần nào câu chuyện đau lòng đó. Giờ đây, tôi có dịp trở về mảnh đất này. Tôi đến chợ để tìm gặp lại chị nhưng những người xung quanh cho biết chị đã về quê được vài năm. Chị cũng đã được cười trong nước mắt với tấm bằng tốt nghiệp đại học xuất sắc mà Cu Chó mang về khoe mẹ. Giờ cháu đã xin được việc làm ở ngân hàng tại thành phố Huế, lấy vợ và đã có con. Cu Chó ổn định cuộc sống và đã đem mẹ vào sống cùng để có điều kiện báo hiếu. Tôi đứng lặng thinh cầu chúc cho chị luôn được bình an, khỏe mạnh với con cháu.

    Chừng ấy năm trời, hình ảnh căn nhà tội nghiệp kia và cái tên thằng “Cu Chó” cứ đeo đẳng trong đầu tôi không chịu buông tha ngày nào. Tôi cố biện minh một điều âu cũng là cái số trời bắt tội. Tôi lại nghĩ đến câu ca dao “Thân em như hạt mưa sa, hạt rơi xuống giếng, hạt ra ruộng cày” chứ chị phải đâu là dạng người lẳng lơ mà cũng đẹp người, đẹp nết lại dạy giỏi và rất thông minh. Chị đã cam chịu và tự trừng phạt mình suốt một đời vì  phút nông nổi, đã phải vượt qua như thế nào trước bao ánh mắt coi thường của mọi người trong cảnh con không cha? Cũng đã có rất nhiều người đàn ông “đứt dây lỡ gánh giữa đường” đến cầu hôn mà chị chẳng tiếp ai. Một cuộc đời bình thường, giản dị mà vĩ đại biết chừng nào.

    Tôi thiết nghĩ nếu chị ta cũng vô trách nhiệm như con người kia thì liệu thằng Cu Chó giờ sẽ ra sao ? Đi ăn cắp, ăn trộm hay đâm chém nhau, nghiện hút… để rồi vô tù ra tội chăng ?. Giữa cái thời trắng đen lẫn lộn trong giai đoạn mà mặt trái của cơ chế thị trường đang làm suy thoái đạo đức một số ngườì thì đây là một gánh nặng cho cộng đồng và xã hội. Tương lai của quê hương, đất nước sẽ ra sao bởi những “Giọt máu rơi” của cha mẹ vô trách nhiệm hoặc cha mẹ không có phương pháp giáo dục tốt. Đồng thời ngành giáo dục có phương pháp nào hữu hiệu để giáo dục được những hậu quả của cái gọi là “Thử cho biết mùi đời”, “Chơi một tí cho vui”… v v và vv…

    Mấy năm gần đây ở Lệ Sơn ta đang xuất hiện tình trạng mất cắp đồ của người đi xa về thăm quê hoặc nạn đâm chém, đánh đập nhau để rồi làm mất đi nét đẹp của quê hương văn vật thì câu chuyện trên là một lời cảnh báo cho những người cha, người chồng, người mẹ, người vợ vô trách nhiệm với con cái mình. Chúng ta hãy cùng nhau sống bằng lương tâm và trách nhiệm của mình, hãy là tấm gương sáng cho con noi theo khi sự việc đã rồi để mọi người luôn gặt hái niềm vui, xóm làng, quê hương được bình yên, để giữ gìn nét văn hóa của ông cha ta đã ngàn đời gìn giữ !

Bố Trạch, ngày 28/8/2013                                                                    
Tác giả bài viết: Minh Trần Thị
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Phạm Nhật - Đăng lúc: 31/08/2013 11:27
Cô Khanh viết hay, hấp dẫn. Bài viết giống như lời giới thiệu, nội hàm mang tính nhân văn, thức tỉnh lương tri con người. Quý lắm, trân trọng lắm những bài viết tình cảm của cô giáo.
Bài nào của cô cũng lấy nước mắt của độc giả rất nhiều đấy. Đọc commnet của cô tôi không hiểu có chuyện gì, nhắn gửi gì. Đọc giả rất cảm ơn và mong cô giáo có nhiều bài viết theo cảm xúc riêng của mình.
Avata
MK - Đăng lúc: 30/08/2013 20:04
Đây là bài viết có tính chất kể chuyện ,lấy câu chuyện nhằm giáo dục thế hệ trẻ khi yêu phải chín chắn để không phải hối hận. Mà kể chuyện thì tác giả có quyền hư cấu để câu chuyện hấp dẫn còn độc giả cảm nhận câu chuyện là quyền độc giả. Vậy mong độc giả không vì nội dung câu chuyện mà suy diễn hoặc áp đặt cho một ai làm mất tình cảm, hạnh phúc của gia đình hoặc bạn bè. Tôi hy vọng bà con sẽ có những lời hay, ý đẹp giúp tôi có những bài viết tốt hơn đóng góp cho trang báo làng của quê hương Lệ Sơn.
Avata
Phượng - Đăng lúc: 29/08/2013 20:24
Phải nói chị Khanh viết rất hay, cảm động lắm. Câu chuyện thật có hậu.
Bọn em suốt ngày vào LLS.NET để trông chờ bài của chị. Hôm nay, báo đăng lúc 5h sáng là bọn em đọc liền, cả phòng được cái máy tính nên tranh nhau đọc, thích lắm chị a.
Em thấy chị xuất hiện làm trang báo sáng hẵn lên, rất là nhộn nhịp, bình luận sôi nổi lắm, vui lắm. Cảm ơn chị Khanh nha
Avata
BK - Đăng lúc: 29/08/2013 13:31
Trang tin dạo này phong phú ghê,Tình Tiền ... đủ hết,
Avata
Thái Hoàng - Đăng lúc: 29/08/2013 13:06
Nghe nói chuyện có thật là mình thích rồi. LLS quả xứng danh là trang báo đệ nhất bát danh hương. Hậu thế đã nổi tiếng, hậu sinh còn nổi tiếng hơn.
Mong muốn có nhiều độc giả cùng tham gia viết bài để những câu chuyện có thật như thế này được vén lên, nhìn rõ trắng đen. Cảm ơn BBT đã rất tích cực, xứng đáng là trang báo của quê hương huyền thoại: LÀNG LÊ SƠN
1, 2  Trang sau

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 1766
  • Tháng hiện tại: 17123
  • Tổng lượt truy cập: 8436594

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net