1
  • image
  • image
  • image
  • image
09:44 ICT Thứ sáu, 19/04/2024

Ăn cơm vụng

Đăng lúc: Thứ năm - 08/11/2012 10:57 - Người đăng bài viết: bientap02
Tản văn của Trang Thái Hà về những ký ức tuổi thơ êm đềm nơi làng quê. Tản văn đã được đăng trên báo Quân đội nhân dân
Các bài viết cùng tác giả đã đăng:
1. Thơ say 1
2. Thơ say 2
3. Chân quê
4. Chửi những kẻ ăn trộm gà ở quê


CƠM VỤNG

Ôi tuổi thơ quê hương tôi! Biết bao thứ dư vị đợi chờ, cồn lên trong tiềm thức, ngờm ngợp ánh nhìn. Đêm rất sâu, đâu đó có tiếng rao, giọng “khu bốn” đông quánh, sánh mịn. Một trời tuổi thơ ùa về, một dòng sông chảy tràn ký ức.
Lúc này đây, điều tôi cần, không phải hộp cơm vội, nguội ngắt. Những hạt cơm khô khốc, rời rạc, hương vụ mùa nhạt thếch. Tôi thèm hít hà luồng khói bếp, đắm chìm như phê thuốc Điện Biên. Muốn gọi kỳ được, tên hương vị nhão nát, hai tiếng “khê khét”. Rất lâu rồi, chậm rãi, dành cho mình một phút, dụi đỏ mắt, sống mũi cay nồng, nhạy thấu đỉnh đầu. Không thảng thốt, cuống quàng nhưng rấm rứt, thổn thức cháy ruột gan. Tôi nhớ, chén cơm nguội tận đáy soong.

Ngày ấy, cứ giữa chiều, xem chừng cái dạ không đợi nổi giờ hoàng. Tôi buộc trâu, như tên bắn về nhà. Quần ống cao ống thấp, ngứa ngáy vì cỏ may găm chi chít. Chúng bủa vây, tập trận tứ phía, dệt gấm hoa trên tấm vải chìm nổi, bạc màu. Chạy ào qua thửa ruộng mấp mô, va vấp. Bùn non bắn tận mặt, tôi quẹt ngang mũi thò lò nước. Đôi mắt hau háu, chỉ chờ chộp giật, mi dính bùn nhay nháy. Thoăn thoắt, tôi lao xuống bếp. Bụng cười thầm: “Tớ biết thức gì, để ở đâu”.

Chiếc cũi gỗ bám đầy bồ hóng, đóng hờ hững, then chốt có vết mèo cào. Nồi cơm bị nhấc theo rế, đế bên ngoài đen sì nhọ. Những mảng bám, cảm tưởng phải dùng búa, bàn chải sắt mới bong ra. Cái nồi gang loại nhỏ, thời cố nội để lại, sao bền và thủy chung đến thế. Chỉ nó mới nấu những chén cơm thơm phức, nóng hổi. Những tảng cháy lớn, những mảng nghĩa tình. Cái nồi bị kéo xềnh xệch, chó mèo quấn lấy chân tôi. Chú nào lộn xộn, tôi chỉ cần hắng giọng, huých nhẹ, búng mũi. Có lúc, ham quá chúng chúi mõm vào, bất chấp lè cho được cái lưỡi. Tôi cáu tiết, quên hết nũng nịu, yêu thương. Lấy đũa cả, đánh mạnh lên vung nồi cái “chát”. Lớn tiếng xua đuổi, phủ nhận sự chung mâm, cùng hội bất lâu nay.

 

Vẫn còn thiếu thức gì đó. Hũ cà muối xổi, ngâm đã mấy hôm, có nên nhắm thử. Tôi nâng niu, kệ đỡ hũ sành từ trên chõng. Mới đầu còn tỉ mỉ tháo lạt, nhưng mùi chua xót tận động không đáy, váng nổi lên lập lờ, dịu ngọt, hương thoảng lên đậm đặc dần, mùi men như nước mơ ngâm khiến tôi bủn rủn, lóng ngóng, không cầm lòng được. Nhẹ nhàng nhón lấy một quả, nhai ngấu nghiến. Quái! Đã mấy hôm, sao vẫn nhàn nhạt, chan chát, thoảng chua, mùi cà sống còn ngai ngái. Ăn thế này, có ho trào mật. Tôi chậc lưỡi, tiếc rẻ.

Một tia sáng lóe lên. Còn vại nhút nữa. Suýt bỏ qua ân điển, ẩm thực gia truyền. Dân quê tôi, triền miên lam lũ, quý nhút như trông rượu nằm hầm. Bàn tay mẹ xót rát, da teo, xam xáp lại cũng vì xát nước muối. Lật cái nón mốc meo che chắn trên cùng, gỡ miếng vải nâu úa màu, bê cục đá chình ình trên mặt, tới tấm nan tre phủ bằng phẳng phía trên. Tôi lắc nhẹ, xoay quanh thành vại. Chỗ nan tre hở, đám cà trắng hồng, giòn tan, cay nồng, bấy lâu lặn hụp từ từ nổi lên. Từng thớ xơ mít vàng ươm, mặn dịu, chua thanh hiện ra. Thật khó tả, tôi ừng ực, kiềm chế cảm xúc, tưởng chừng như ngấm xương tủy. Ruồi giấm, mằn ho nghe mùi men, lảo đảo khua tới. Bên trong vại, rệp gạo nổi lềnh bềnh, túy lúy say. Còn chờ gì nữa không khới, vớt chúng lên. Tôi nheo mắt, hít hà, xuýt xoa, nước miếng tứa ra. Ăn vã mấy miếng, chợt nhớ soong cơm đang dở ngoài hiên. Phải tác chiến nhanh, trở lại đồng trước khi mẹ về.

Hí hửng tìm lại chỗ cũ, tôi ra sức khuất phục đám cháy khó cạo. Kết cục, cái muôi cong lẳng lơ. Tôi nhón lên chạn bát đũa, tìm cho ra chiến binh sắt thép nhất. Cái muôi khua nhắng xị, tiếng mài rồn rột, rộn cả xóm vắng. Tôi tự nhủ: “Có khi nào thủng đáy không? Mình cứ như nhà địa chất, thám hiểm địa tầng”. Lũ chó hếch mõm lên khịt khịt. Đám mèo gầm gừ, phe phẩy, táy máy cái đuôi. Chốc chốc, chúng vuốt ve nhau túi bụi, ngúng nguẩy nóng cả mặt. Con nào cũng đáng yêu, tròn trĩnh, nhìn tôi không chớp mắt. Bực mình, tôi làm bộ quát lên: “Nhìn gì?” Tôi đọc trong mắt chúng sự thèm muốn. Không cầm lòng, liền thả vài hạt cơm, chúng chí chóe tranh giành, loáng cái chỉ còn vệt lưỡi ướt át, nhỏ to.

Chúng vẫn nhìn như van xin. Tôi đâu biết, chúng theo dõi hạt cơm đang dính ở mép tôi, bám trụ kiên cường không chịu rơi. Hết mấy quả cà, xâu nhút, cơm vẫn còn. “Oái, mình dè cơm, vã thức ăn ghê. Còn gì không nhỉ? Lục lọi nhiệt tình vào, mẹ bao giờ chẳng thủ sẵn đồ”, tôi tự nhủ. Mắt sáng như reo lên: “Đây rồi, cá trích nướng, kho mặn ngọt”. Cứ thế, gỡ xương dứ cho chó miếng, bón cho mèo tý, tôi cần mẫn góp nhặt tới khi còn lả chả vài hạt. Những hạt sạn sục sạo trong miệng, không nhè ra, tôi thản nhiên nuốt chửng, tủm tỉm cười.

Tu hết gáo nước, tôi định thần. Cái gáo dừa tự chế, dùng uống nước giếng, ngọt lạ kỳ. Vậy mà, nhà bên dùng múc nước tiểu tưới rau, mùi khai nồng theo luồng gió, ai cũng chau mày. Cầm gáo lên, lại liên tưởng, tôi chép miệng bộ thông cảm. Đang mân mê, ngắm nghía thân gáo, lũ chó ùa ra phía cổng làm tôi chột dạ. Tiếng đặt quang gánh cái rập, tôi cuống quýt cất đặt. Mẹ rảo bước vào nhà, nhễ nhại mồ hôi, liên tục lấy gió từ chiếc nón, thiếu chút nữa là nón cời. Dáng vẻ ấy, tỏa ra hương vị đồng áng, mặn chua vị phèn, trông mẹ tất tả, ngược xuôi.

Mẹ xuống bếp, thất thanh: “Nhút?! Lại lục cơm cặn của chó rồi. Thế đã no chưa? Đã bảo, đừng ăn cơm nguội dành cho chó, đúng bữa lo về. Ăn thế gián, kiến, nhặng sa vào thì sao”. Mẹ bần thần lấy vạt áo lau trán, quét qua khóe mắt. Như sực tỉnh, mẹ cáu lên: “Dắt trâu về, ở nhà biết chưa? Chập choạng không đánh dậm, cất tôm theo mấy đứa nữa”. Tôi thỏ thẻ vâng dạ, hạ đi cơn thịnh nộ đáng yêu của mẹ. Tôi biết nếu kháng chỉ, tối nay thôi mông sẽ hằn ngang dọc, sáng mai lũ bạn chọc ngoáy, ê chề lắm.
Tác giả bài viết: Trang Thái Hà
Từ khóa:

Trang Thái Hà

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Lâm Tới - Đăng lúc: 09/11/2012 08:13
Trang Thái Hà luôn mang đến làng không khí mới lạ, hấp dẫn. Chúc em thành công trong sự nghiệp. Đây là nhà báo trẻ mà có tấm lòng với quê hương rất sâu nặng. Làng ta cũng có nhiều nhà báo, nhưng sự tận tâm, tận tình để góp tiếng nói giúp cho danh tiếng làng quê bay xa thì bạn là người tạo cho tôi ấn tượng nhất. Cảm phục bạn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 1067
  • Tháng hiện tại: 25898
  • Tổng lượt truy cập: 8034932

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net