1
  • image
  • image
  • image
  • image
18:21 ICT Thứ năm, 19/09/2024

Tấm lòng của một Thầy giáo mẫu mực

Đăng lúc: Thứ hai - 10/11/2014 07:44 - Người đăng bài viết: bientap02
Bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Lâm về cố nhà giáo Lương Ngọc Đệ nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Bài viết liên quan đã đăng:
1.
Làng Lệ Sơn, Làng thầy giáo


Trong cuộc đời mỗi con người, kể từ khi bắt đầu học vỡ lòng, vào cấp 1, cấp 2, cấp 3, cho đến khi tốt nghiệp đại học, rồi sau này học thêm nhiều trường lớp nữa…chúng ta đã được dìu dắt bởi bàn tay hàng trăm thầy cô giáo.Thầy cô nào cũng đáng kính, đáng trọng bởi sự tận tâm, nhiệt tình dạy dỗ chúng ta nên người. Có những thầy cô đã để lại trong ta những kỷ niệm sâu sắc không thể phai mờ. Đối với tôi, thầy giáo Lương Ngọc Đệ là một người như thế. Năm 1971 tôi học lớp 7, trường cấp 2 Văn hóa. Thầy Hanh làm chủ nhiệm lớp, thầy Đệ làm Hiệu trưởng.
 
Thời đó chiến tranh còn ác liệt lắm, ăn uống  thiếu thốn kham khổ. Trường lớp đơn sơ mái tranh, vách đất, điều kiện dạy học còn khó khăn trăm bề. Nhưng tình nghĩa thầy trò sao mà ấm áp. Cái sự học hành của con em vẫn luôn được cha mẹ, thầy cô đặt lên hàng đâù. Chúng tôi còn quá nhỏ để cảm nhận hết những gì mà thầy cô dành cho chúng tôi. Với phong cách của một nhà sư phạm mẫu mực, Thầy Đệ Hiệu trưởng luôn xông xáo, năng động trong công tác xây dựng trường lớp, thầy đặc biệt quan tâm đến chất lượng học sinh. Hội Bảo trợ học đường ra đời, do bác Thuyết cán bộ Miền Nam tập kết làm Hội trưởng hoạt động rất hiệu quả, có chi nhánh khắp tất cả các thôn xóm.  Đêm nào cũng xách đèn bão đi kiểm tra góc học tập của các em. Những năm đó có nhiều học sinh học giỏi,  bây giờ nhiều người trở thành cán bộ  của Đảng và Nhà nước, làm ăn thành đạt.

Năm 1971, vinh dự là học sinh của trường  cấp 2 Văn hóa được tham gia kỳ thi học sinh giỏi Văn Miền Bắc (tương đương thi quốc gia bây giờ) sau khi đã vượt qua các đợt thi cấp huyện và cấp tỉnh.  Cả huyện chỉ có 3 em, Văn hóa 1 em, Tiến hóa và Phù hóa mỗi xã 1 em. Thầy Đệ và các thầy cô rất phấn khởi. Thầy Đệ cùng thầy Hanh tranh thủ ngày đêm phụ đạo, bồi dưỡng, luyện  thêm cho tôi với tất cả nhiệt tình  tâm huyết và hy vọng. Ngày tiễn tôi lên đường vào Đồng Hới, nhìn thấy tôi bé nhỏ, gầy gò, thầy Đệ rất ái ngại. Thầy cúi xuống nắm chặt bàn tay tôi dặn dò:  “Đi bộ từ  đây vào Đồng hới rất xa, máy bay lại hay đánh phá, em cố gắng lên nhé”. Tôi  “Dạ” rồi chào các thầy cô lên đường. Thầy Ngư  người Xuân Tổng được Phòng giáo dục Huyện giao nhiệm vụ dẫn 3 em đi thi Miền Bắc. Bốn thầy trò cơm nắm, cơm đùm, tư trang, sách vở lên đường. Chủ yếu đi bộ trong các đường làng xóm, tránh xa quốc lộ 1A  vì sợ máy bay. Sau một ngày chân cẳng phồng rộp thì chúng tôi cũng đến được  Đồng hới. Cảnh tượng lúc  đó thật kinh khủng. Đồng hới trông như  là một bãi chiến địa hoang tàn, đổ nát, ngổn ngang những hố bom,  gạch đá. Không một bóng cây, không một con đường hay một ngôi nhà nguyên vẹn, vắng vẻ người đi lại. Thỉnh thoảng những hồi còi báo động vang lên khẩn cấp. Chúng tôi làm bài thi ở dưới một lớp hầm tránh bom, bây giờ tôi không tài nào nhớ nổi là lúc ấy  đã tham dự một kỳ thi  quốc gia ở vị trí nào nữa. Lần thi đó tôi không đạt giải (cả miền  Bắc chỉ có 3 người đạt giải nhất, nhì, ba). Dĩ nhiên là gia đình, bạn bè , thầy cô đều có buồn đôi chút. Riêng thầy Đệ vẫn dịu dàng khuyên bảo  tôi cố gắng tiếp tục phấn đấu ,và động viên tôi rất nhiều, làm tôi rất xúc động và nhớ mãi. Năm tháng qua mau, thỉnh thoảng vài ba năm mới có dịp về thăm thầy một lần.

Năm 2005 thầy có gửi cho tôi một bức thư, tôi xem đó như một kỷ niệm đẹp của tình thầy trò. Tôi cất nó trong hộp thư gia đình. Cũng có mấy lần định đăng lên trang LLS.  Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thế nào lại thôi. Những lý do vô hình này nọ đã cản trở tôi. Nay thấy anh Đức Lưu có đăng bức thư của thầy, tôi cũng mạnh dạn đăng nguyên văn bức thư để với một mục đích duy nhất : Nói lên sự trân trọng, biết ơn, yêu quý, thương mến một người thầy giáo có nhiều kỷ niệm và gắn bó nhất trong quãng đời học sinh của mình. Người thầy đã dìu dắt những bước đi chập chững đầu đời cho tôi, cho tôi được nếm trải những giây phút vinh quang của cuộc đời trong một giai đoạn khó khăn, gian khổ ác liệt nhất lúc bấy giờ.  Khi về già, Thầy vẫn luôn dõi theo bước đi của một người học trò nhỏ trong trăm ngàn học trò của  thầy qua các thế hệ. Từ những nét chữ chân phương trong  bức thư của Thầy, tôi xin trân trọng đánh máy đăng lại nguyên văn bức thư này để các bạn yêu mến thầy hiểu thêm  tấm lòng của một người thầy giáo luôn yêu thương quan tâm và quý trọng những người học trò nhỏ của mình sau 30 năm xa cách. Để các con, cháu của Thầy biết được tình cảm bao la của người ông, người cha đối với các học trò như thế nào. Ngay cả khi tuổi tác của thầy đã cao, sức đã yếu trên giường bệnh, thầy vẫn ân cần thăm hỏi đến chúng tôi và hơi ấm bàn tay thầy còn truyền sang tôi mãi đến bây giờ.

Sau đây là nội dung bức thư của Thầy:

Văn Hóa ngày 01 tháng 10 năm 2005

Anh Thanh Lâm thân mến!

Hôm qua anh em trong C.L.B thơ chúng tôi có họp mặt hướng về Ngày hội người cao tuổi 1-10 hàng năm. Ông nội các cháu và cậu Quế đều có mặt. Sau lễ viếng ông cu Hựu ở Tiến hóa về các ông vội vàng đến khá vui vẻ. Ngày 20 – 11 sắp đến C.L.B sẽ họp mặt bình thơ, câu đối và trao đổi các bài thuốc cổ truyền của dân tộc. Tất nhiên là sau cùng có vui vẻ thịt cầy.  Tuổi già chỉ người dăm miếng, vài chén rượu….vui vẻ là được, anh Lâm ạ!

Anh chị và các cháu có khỏe không? Công tác, học tập tốt cả chứ ? Tôi xin gửi lời chúc anh chị vui vẻ, công tác tốt, chúc các cháu khỏe, ngoan và chăm học tiến bộ là mừng.

Vợ chồng tôi vẫn khỏe, vẫn luôn lấy CLB và công tác khuyến học làm nguồn vui. Nhà chỉ hai ông bà vào ra hú hí….hè và Tết có con cháu về, nhà mới rộn ràng đôi chút như cảnh ông bà nội các cháu vậy. Lệ sơn hiện nay với cảnh này cũng khá đông.

Anh Lâm thân mến, viết thư cho anh lần này tôi muốn tâm sự vài điều về tình nghĩa thầy trò của chúng ta, đồng thời muốn liên hệ thêm với anh Thọ, anh Toàn ở Đà nẵng nữa. Còn một năm nữa tôi sẽ lên lão 80. Tôi có dự định sẽ tuyển tập một quyển làm kỷ niệm cho con cháu và bạn quen thân. Tuy chưa có gì nên nỗi lắm nhưng quá trình 40 năm phục vụ nghành giáo dục bằng tay phải và thêm sáng tác thi ca, báo chí bằng tay trái….đã có nhiều kỷ niệm êm đẹp với nghành và một vài tờ báo đã sử dụng tin bài của tôi.

Ý định thế này, anh Thanh Lâm xem có nên không nhé. Vì trong nhiều thế hệ học trò của tôi ở Lệ sơn thì mấy anh chị em của anh Lâm là người có nhiều kỷ niệm gắn bó với tôi. Sơn  vào thẳng C3 nhưng thiếu giấy của Sở….Hải thi tốt nghiệp C2 gặp gặp Tổ phụ lão Lê lợi quở trách. Hồng thi tốt nghiệp lớp 10 cùng kỳ với Hảo của tôi. Hai anh em Đệ +Thạch và Văn An chúng tôi qua gặp bạn Đoàn Tiến Lực…và còn thơ khánh thành ngôi trường mới 1971 nữa:

….“Hỡi Thanh Lâm , Luận , Hường, Dung, Tới

Hỡi những Tiến , Toàn, Quế ,Thọ, Sơn, Thìn….

Ta nghĩ nhiều về Văn Hóa xinh xinh

Bao kỷ niệm thắm tình Dân – Đảng”….

Tuyển tập ấy tôi đề nghị mang tên “ Tiếng lòng” gồm 3 phần :

+ Nguồn cảm xúc.                                                                                                  

Gồm 55 bài thơ từ 1959 – 2005

+Tiếng nói gom vào sự nghiệp chung

Có kẻ dị tật….đấng anh hùng

Vinh dự đón mừng Huy hiệu Bác

Khổ tận cam lai sáng cả vùng !

Gồm một số  bài báo đã được đăng tải, 6 bài được Nhà xuất bản Giáo dục và Tổng cục Thông tin chọn in thành sách. 7 gương người tốt được thưởng Huy hiệu Bác Hồ qua 7 bài báo của tôi. Trong đó 2 mang tật nguyền…

+ Tình bằng hữu trước sau đầy đặn gồm một số bức thư của bạn bè, lãnh đạo nghành, ban biên tập các báo và tình cảm học sinh cũ lưu luyến đên thầy.

 Từ đó tôi muốn anh có thư trao đổi cho vui để tôi có thể tuyển tập vào “Tiếng lòng” làm kỷ niệm mối tình thầy trò cho con cháu đời sau của tôi hiểu về ông về cố của mình. Anh cố gắng gặp trao đổi vấn đề này với anh Thọ, Toàn ở Đà nẵng. Nếu được anh Thọ, Toàn tham gia thì quý lắm. Nên ngắn gọn, bật nổi tình thầy – trò….cho dễ biên tập và in , anh Lâm nhé!

Thư đã hơi dài, anh có bận lắm không đó?Lần nữa tôi thân ái chúc vợ chồng anh sức khỏe, công tác tốt, các cháu tiến bộ, gia đình hạnh phúc an khang thịnh vượng

Thân ái

(Chữ ký của thầy)

Lương Ngọc Đệ

Nhân dịp sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, tôi kính chúc tất cả các Thầy Cô giáo Làng Lệ Sơn trên mọi miền Tổ Quốc lời chúc Sức khỏe, Hạnh phúc và Thành đạt. Xin kết thúc bài viết bằng câu nói của Nhà sư phạm Liên xô nổi tiếng Ma- Ca- Ren-cô : “ Đáng trân trọng biết bao công sức của người thầy giáo. Người thợ dệt sau vài tiếng đồng hồ đã nhìn thấy những mét vải do bàn tay mình dệt ra. Người nông dân cũng sau 3 tháng đã thấy những hạt lúa vàng trổ bông do mồ hôi mình đổ xuống. Nhưng người thầy giáo phải sau hàng chục năm trời mới tận hưởng được niềm hạnh phúc khi nhìn thấy học sinh của mình thành đạt”

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Lâm
Từ khóa:

Nguyễn Thanh Lâm

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Thanh Lâmt - Đăng lúc: 14/11/2012 15:29
Trân trọng Cảm ơn BBT LLS.net đã đăng bài của tôi. kính chúc anh chị em BBT dồi dào sức khỏe.

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 1524
  • Tháng hiện tại: 38034
  • Tổng lượt truy cập: 8398045

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net