1
  • image
  • image
  • image
  • image
10:37 EDT Thứ sáu, 19/04/2024

Ký ức Mảnh hồn quê

Đăng lúc: Thứ hai - 11/05/2015 19:57 - Người đăng bài viết: lehongve
Làng Lệ Sơn trân trọng giới thiệu ký ức - Mảnh hồn quê của cô giáo Trần Thị Minh Khanh, thôn Thượng Phủ, Lệ Sơn
Lời giới thiệu: Cô giáo Trần Thị Minh Khanh, là người con của thôn Thượng Phủ, thuộc thế hệ 6x, hiện đang là giáo viên Trường tiểu học số 4 Hưng Trạch; Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Thế hệ của Chị là thế hệ có nhiều ân tình và duyên nợ với quê hương, sống, chứng kiến biết bao thăng trầm, khó khăn vất vả, bao đổi thay trên làng quê bé nhỏ của mình. Với một tình yêu quê sâu lắng, tha thiết, chị đã gửi tới báo làng bài viết Mảnh hồn quê để gom lại những ký ức ngổn ngang hằn in trong trí nhớ không thể phai mờ. Đọc bài viết này, quý độc giả sẽ được trở về làng quê theo 1 con đường mới lạ, ở đó lịch sử, con người, văn hóa hiện về nhấp nhô như những rặng núi ngút ngàn màu xanh của quê hương yêu dấu.

Bài viết cùng tác giả đã đăng:

1. Ba tôi


 
Tác giả. Cô giáo Trần Thị Minh Khanh

MẢNH HỒN QUÊ
 
Làng “Lệ Sơn thượng xã ”nay là xã Văn Hóa,huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình được thành lập từ năm 1481, trải qua bao nhiêu năm phong trần và được xếp hạng vào danh sách “Làng cổ Việt Nam”. Mảnh đất này được nhiều sử sách ca ngợi là mảnh đất “Sơn thủy hửu tình” “Huyền thoại” “Cổ xưa” “Văn vật” “Phong cảnh”.Đây là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” được xếp vào hàng đầu trong “Tứ danh hương” (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ):
 
     Sơn cao thiên tạo bao hình khối,
 Hà dài thượng đế nối dòng tơ.
        Cảnh mộng “ thần vì” chim mở hội,
           Thổ hoàng “Tiên động” độ duyên cơ.
   Văn vật ngàn năm nay vẫn giữ,
tướng bao đời sử vẫn lưu.
    Cổ xưa gây dựng làng danh giá,
      Kim ngọc nay ngời sáng tỏa xa…
(Thơ Trần Dũng Sĩ)

    Vị sơ Tổ khảo, người đầu tiên trong “Bát đại tính”đặt chân lên đất “Cồn Vang xứ, Tuyên chấn huyện, Quảng Trạch phủ, Quảng Bình tỉnh”là cố Lê Văn Hành, Quốc Tử Giám thời triều Lê Nhân Tông hiệu là Đại Hòa Thông Bảo. Đại học Thi Độc Lê Văn Hành, người có đức cao tài rộng, là một quan lớn sau nhiều lần công cán dọc Linh Giang, ngài đặt chân lên Cồn Vang, thấy đất đai phì nhiêu màu mỡ, thấy cảnh vật “ sơn thủy hữu tình”, lại được các môn đệ giỏi xem đất, xem hướng cho rằng: “Đây là vùng đất có long mạch , đầu rồng nằm ở đất này, đuôi rồng nằm ở La Hà (Quảng Văn) nơi này sẽ sinh ra nhiều linh kiệt”.

    Sau khi được triều đình cho phép, cha Lê Văn Khanh chấp nhận, cố Lê Văn Hành cùng gia đình và các môn đệ từ xã Yên Mô, Tống Yên Mô, phủ Yên Khánh, tỉnh Thanh Hóa vào khai kênh lập ấp, khai tấu điền , sinh cơ lập nghiệp tại Cồn Vang Xứ ( nay là xã Văn Hóa).Tại miếu thờ họ Lê ở làng Lệ Sơn còn để lại câu đối:


      Dân sinh sơ, Hồng Thủy Lam Sơn chung thụy khí.
Thiên tác chỉ, linh Nam thần Bắc triển hồng cơ.

    Sau một thời gian lập nghiệp, con cháu khá đông đúc, Cụ “chấn dân khí”, “khai dân trí”cố trăn trở và quyết định thân chinh đi gặp người bạn cũ Trần Cảnh Huống. Hiệp biện Đại học sĩ, mô phạm Thái học đường Quốc Tử Giám- Giám sinh. Từ đó, đất Cồn Vang không chỉ đã có người khai canh lập ấp mà còn có cả khai trí mở tài. Đó là cơ sở mở đầu cho địa linh, sinh linh nhân kiệt,và cũng từ đó mảnh đất này cứ lưu truyền mãi câu thơ:

“Ai đưa ta đến đất này,
 Bên kia sông rộng, bên này núi cao.
 Cồn Vang ai xới ai dào,
Văn chương ai nấu ai xào mà nên”.


Tranh thủ giờ nghỉ, Cô dành thời gian viết bài cho báo làng
 
   Ngày tháng cứ trôi đi, khi thầy trò huynh đệ đã quy tiên. Con cháu lập miếu thờ tiên tổ. Từ đó có tám miếu đường của con cháu tám họ đại tôn. Sử sách ghi lại rằng Lệ Sơn có “Bát đại tính”.Hiện nay tám miếu đường còn được lưu giữ tôn trang, tôn tạo lại để cúng tế hằng năm tỏ lòng hiếu đạo “Cây có gốc, nước có nguồn”,một ý niệm thiêng liêng muôn đời bất diệt. Sở dĩ đặt tên làng là làng Lệ Sơn vì tương truyền có người cho rằng đầu làng có một quả núi có hình quả vải(Chữ Hán có nghĩa: vải là lệ) (Đây là hòn núi ngang qua ga tàu hỏa ở đầu làng. Từ Quảng hòa, Quảng Trung nhìn lên đã thấy hòn núi rất giống trái vải):

           Núi không khóc dáng vóc hình vững chải,
     Nên phải đâu giọt nước mắt chảy dài.
Núi sinh ra khoác hình hài trái vải,
      Nên tên làng mang mãi dáng sơ khai”.
(Thơ Trần Dũng Sĩ)

    Cũng có tương truyền rằng vì lúc bấy giờ cảnh vật hoang dã. Trong đó, cảnh vật mọc lên phần nhiều nên đặt tên là Lệ Sơn. Đó là quá trình ra đời của làng Lệ Sơn.Huyền thoại xưa kể lại rằng: Đất Lệ Sơn và dãy lèn 99 chóp đó là “ Địa linh thiên xướng” “Bồng lai tiên cảnh” nên có một trăm con phượng hoàng về tìm đất kinh đô, bay lượn mãi, nhưng tiếc thay còn một con không tìm được chỗ đậu dừng chân, cả đàn buộc phải bay đi vì thế, nơi đây không trở thành kinh đô. Dưới chân núi có 12 khe lớn: khe Trầm Lốt, khe môn, khe Ngang,khe Hang Nác, khe Lò Vôi, khe Hàm Rồng, khe Ngút, khe nước Mội, khe Trôống, khe Đại Rằm,khe Ro, khe Đụn (Ngày còn học tiểu học, trẻ chăn trâu chúng tôi thường đến khe này thoát xiêm y để thưởng thức dòng nước mát lành).Nước ở đây quanh năm trong như mắt mèo.

    Lệ Sơn đã có cảnh trí tự nhiên hữu tình, lại được tôn thêm cảnh quan nhân tạo. Xưa có các lùm cây cổ thụ um tùm ở các miếu đường, có cây ba bốn người ôm không xuể. Cả lùm cây là hình ảnh thu nhỏ của lùm nguyên sinh nhiệt đới hiên ngang trong gió bão.Tôi từng được nghe ông ngoại kể lại rằng đêm đêm hổ ngồi rình dưới các lùm cây.

    Xưa và nay, từ thôn này qua thôn khác, hoa trái tỏa hương, quả trĩu bốn mùa tạo nên cảnh làng trù phú mát mẻ, tạo nên sơn thủy hữu tình và sản sinh ra những người con Lệ Sơn hiếu học.Theo thống kê của “Ban chấp hành Trần Tộc Đại Tôn” thì toàn xã có 800 giáo viên. Trong đó, có 9 giáo sư tiến sĩ , 17 cán bộ giảng viên đại học và cao đẳng. Cả xã có 300 cử nhân, 25 gia đình cử nhân, 110 gia đình hiếu học. Có 37 vị cử nhân được bổ nhiệm làm quan trước 1945. Có 67 cán bộ chủ trì cấp huyện tính từ năm 1945 đến năm 2000.Có 66 sĩ quan quân đội từ thiếu tá trở lên(Đến nay số liệu này một số đã thay đổi).

    Làng Lệ Sơn thuộc vùng đất trung du, là cửa ngõ đi lên phía Tây của huyện Tuyên Hóa.Làng nằm phía hữu ngạn sông Gianh. Chiều dài từ đá bàn đến ga Lạc Giao 7km(theo đường sắt). Bề rộng chỗ rộng nhất từ lèn Đá Nà đến bờ sông 3km. Diện tích tính cả các thung lũng phía Tây cộng vào khoảng 25km2.Phía Tây giáp mạch núi Trường Sơn, nơi đây có:


      Chín mươi chín chóp xếp hàng ngang,
     Sừng sững vươn ra đứng trước hàng.
Lèn Choi ưỡn ngực vai dang rộng,
Khí tiên rồng - trông xứ Cồn Vang”
(Thơ Trần Dũng Sĩ)


Thường xuyên vào báo www.langleson.net để cập nhật thông tin về quê hương


 
    Phía bắc giáp xã Châu Hóa, phía đông bắc giáp sông Gianh, phía đông nam giáp xã Quảng Tiên. Địa đầu làng Lệ Sơn có lèn Đứt Chân( do nước xâm thực ). Tại đây có hai hang đường sắt đi qua( có từ năm 1924 do Pháp thi công).Nơi đây có động Chân Linh dưới nước. Động sâu, rất lớn và có nhiều thạch nhũ đẹp.Theo truyền thuyết: động này xưa tiên nữ dáng trần. Đêm đêm có tiếng đọc sách,học bài.Hễ có tiếng đọc sách học bài là có  xuất thế gia nhân. Nếu trời nắng hạn thì dân làng đem một con chó đến trước cửa động cắt tiết chó và nhấn xuống nước thì trời sẽ đổ mưa xuống. Nơi đây không biết từ bao giờ đã có một miếu thờ. Nhưng do bom Mĩ phá bị đổ nát miếu thờ và cửa động cũng bị lấp lại.Hiện miếu thờ đã được nhân dân xây dựng lại.
 
    Trong dãy thanh lam kì vĩ ấy còn có nhiều hang động như hang Đờng (hang này đã từng là ngôi nhà che chắn mưa bom bão đạn  cho cả xóm Lê Lợi qua hai cuộc chiến, chống Pháp và chống Mĩ), hang lũy, hang Oong( hang này thời chiến tranh chống mĩ có bệnh viện 108 ở để cứu thương và chữa bệnh.Ngoài ra còn có lèn Choi cao chót vót(xưa kia dân làng đặt trạm canh gác theo dõi giặc đi càn quét các làng mạc.Nếu có giặc tràn lên ở cửa Gianh thì người gác ở lèn Choi sẽ gõ mõ, báo động cho cả làng biết).

    Từ đầu làng đến cuối làng, một dòng sông, nước trong veo uốn lượn dọc làng mạc, chảy lững lờ men theo bờ cát trắng.Vách núi xanh ngắt in bóng xuống dòng sông sóng sánh nhấp nhô.Bờ tre cũng làm điệu, nghiêng soi mặt nước, đung đưa theo chiều gió.Đàn sáo chao liệng ríu rít trên bầu trời trong vắt...Tất cả đã tạo nên một bức tranh thủy mạc hiếm có mà tạo nhân mặc khách lấy đó làm đề tài xướng họa thi ca:

 
      Quanh làng bãi cát vàng son,
Như bàn tay mẹ ấp con vào lòng.
           Khúc sông dòng chảy uốn cong,
          Tựa như cánh võng, đung đưa dịu hiền.

 
                                                                                      Lèn cao một dãy nối liền,
         Sông  ôm tạo dáng lưỡi liềm trăng non.
       Ngàn đời canh giữ cháu con,
           Mà sông không mỏi vẫn tròn cánh cung.

          Chiến tranh sóng dậy oai hùng,
Bình yên đùa cát hát cùng bờ tre.
            Đầu dòng “Tiên Động” mây che,
            Chân Linh sóng vỗ, võng nghe tiếng đờn.

         Mơn man “Lèn Vụng” gió vờn,
   Lệ Sơn một dãi xanh rờn bóng cây.
      Vững vàng chiến địa nơi đây,
        Đá xây vách chặn, sông vây quân thù.

   Dòng Gianh dịu ngọt lời ru,
       Chảy quanh đất mẹ ngàn thu sắc trời.
        Cảnh quan thiên phú tuyệt vời,
            Lệ Sơn Xuân Vọng, muôn đời mai sau.”
(Thơ Trần Dũng Sĩ)

    Sông nơi đây còn là một tài nguyên vô tận về nguồn thủy sản.Tôm,cá, hến, chắt chắt… theo con nước lợ về mùa hè, ngọt về mùa đông. Bên dòng sông này  cũng là nơi in dấu bao kỉ niệm khó quên của tuổi học trò.Những ngày là học sinh cấp ba, khoảng 4 giờ sáng là chúng tôi đã có mặt bên dòng Linh Giang. Con đò ngang đưa chúng tôi sang bờ bên kia để đến trường.Thuyền cập bến, mỗi đứa kẹp nách một đôi dép (không dám đi chỉ tới cổng trường mới dám xỏ chân vào vì để dành sợ dép đứt) cùng cái xéo(túi) bên hông(Làm gì có cặp sách đẹp để mang) thi nhau chạy như chạy ma-ra-tông

    Lúc về, chen nhau bất tử để được đi chuyến đò đầu tiên. Đứa nào lên được chuyến đò đầu được coi như “đấng anh hùng hào kiệt” .Bởi vâỵ, mỗi lần đò tới là bất kể nóng hay lạnh, gió to hay mưa bão, chẳng cần biết, cả lũ nhảy xuống đò ùm ùm làm cho ông Mai phải ra tay bằng chiếc sào chống đò rồi vung lên, hạ xuống. với một điệp khúc quen thuộc “Đứa mô dảy(nhảy) xuống đò…  tau… sả chết”. Vừa nói ông  vừa sả chiếc sào lia lịa vào lũ quỷ sứ kia . Ấy vậy mà đứa nào đứa nấy vẫn tỉnh bơ như không, vẫn ào ào xung trận. Có hôm vì tức quá không nói nổi, ông Mai lắc qua lắc lại làm chiếc đò chìm nghỉm sát bờ.  Đứa nào đứa nấy ướt như  chuột mà chẳng  biết  sợ, cứ cười nắc nẻ, vô tư.Nghịch nhất là học sinh Lê Lợi và Phúc Tự vì chủ quan biết bơi nên chẳng biết sợ là gì.Những đứa không lên được đò ngồi lại là đủ thứ trò hề cùng với bao chuyện trên trời dưới đất.Về đến bãi cát, thấy khoai đang mơn mỡn. Củ mới bằng ngón tay cái thôi mà cứ dạng chân moi cát. Được củ nào là quẹt hai cái bên mảng áo rồi cho vào mồm nhai ngấu nghiến không biết bẩn là gì nghe ngọt xớt, ngon đến lạ lùng chẳng cần biết đó là khoai của nhà ai. Đúng là “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”.

    Chiều đi chặt củi hoặc hái rau về chúng tôi lại kéo nhau ra bờ sông.Cả lũ bạn nhảy xuống sông thỏa thích bơi lội trong dòng nước mát mẻ. Còn một mình tôi vẫn trên bờ nằm sóng soài giữa bãi cát trắng phẳng lì , ngắm trăng lên, hay nhẩm đếm sao  trời mặc cho gió mát mơn man mà ước nguyện có được một phép mầu nhiệm để chắp đôi cánh thần kì  bay bổng lên trời cao.

    Hiện nay trên dòng sông đầy thơ mộng này đã có chiếc cầu xinh đẹp nối những bờ vui. Ngoài sự ban tặng của tạo hóa, con người Lệ Sơn đã đổ bao công sức, mồ hôi và có cả xương máu để giữ gìn và tôn tạo cho quê hương ngày càng đẹp hơn: Đình làng với bao nét vẽ , chạm trỗ công phu của những bàn tay vàng. Bên trong có nhiều tượng đồng đẹp.Hiện nay đình làng không còn vì đã bị bom Mĩ  bắn phá. Nơi đó đã được thay bằng trụ sở UBNN xã. Kế tiếp là sân bóng. Đây là nơi tổ chức vui chơi trong những ngày lễ của cả làng.Và đây, chợ Vang . Chợ  không những là nơi diễn ra mua bán mà còn là nơi để bạn bè, người đi xa về, lâu ngày gặp gỡ, giao lưu. Cũng có người nên vợ, nên chồng bắt đầu từ nơi đây.Chợ Vang với những nét rất riêng và độc đáo mà chỉ ở đây mới có được:
 
       Chuyển mấy lần tên vẫn chợ Vang
     Chợ họp bên sông bến đò ngang
             Dưới nước thuyền hàng chen bãi đậu
   Trên bờ mua bán tiếng râm ran
 
        Chợ làng không có quán cao sang
                 Không tiệm thời trang, chẳng tiệm vàng
Tạo hóa đơn sơ mang bán lẻ
              Người bán hàng nhỏ nhẹ đoan trang.
 
Chợ ăn từ sáng đến trưa tan
    Chưa rõ mặt nhau đã đắt hàng
         Chào bán, mời mua vang bãi đậu
          Đến nay còn mua mớ bán ngang.
 
                     Chợ quê không rộng, chẳng khang trang
             Chợ vẫn thường đông có lắm hàng
   Cá tôm tươi lạ xa mang đến,
             Ốc, hến, rau làng… chợ vẫn sang.
 
         Bao đời dân sống với chợ Vang
        Vẫn giữ nét quê - văn hóa làng
                   Giàu nghĩa, giàu tình vang danh tiếng
                Con cháu về lưu luyến…chợ Vang”.
(Trần Dũng Sĩ)

 
Ươm mầm những chồi xanh cho tương lai
 
   Lệ Sơn là một vùng quê không chỉ đẹp và nổi tiếng nhờ tạo hóa mà còn rất nhiều những nét văn hóa đẹp và đặc trưng mà ít có địa phương nào sánh được. Cái tên “làng Văn Hóa” đã có từ lâu đời, thật xứng đáng với con người nơi đây. Những ngày lễ, tết không thể thiếu sân chơi nghệ thuật. Trước tiên là phong trào “hát nhà trò” của các bậc tiền bối. Có rất nhiều mệ nổi tiếng trong lĩnh vực này như: mệ Lim, mệ Cuộc, mệ Thứ, mệ Quế, mệ Bình, mệ Lâm… ở xóm Bàu. Mệ Huê, mệ Tuệ, mệ Lưu …ở xóm Lê Lợi…v v…Cái cách và lối hát này thật độc đáo. Tất cả trải chiếu ngồi vòng tròn. Nhạc cụ duy nhất chỉ là một cái trống. Các mệ,các o thay nhau hát còn các ông trung niên thì cầm chầu. Khi đã ngồi vào chiếu rồi thì không ai có thể dứt ra được vì cái sự đam mê và quyến rũ của lối hát này. Cách hát nhà trò này có sự kết hợp tinh túy và hợp lí giữa lối hát của hai miền Bắc – Trung. Trong một bài hát có khi hoàn toàn giống điệu ca trù của miền Bắc, đôi khi lại pha chút hầu văn của miền Trung. Ví dụ như bài “Phụ tử tình thâm”…Cùng với lối hát nhà trò là lối hò đối đáp.

    Vào những đêm gió mát trăng thanh, các nam nữ thanh niên kết thành từng nhóm thi nhau hò đối đáp. Chỉ cần một giọng hò cất lên ( Ơ…hò… thương anh vất ơ… hờ… vả…) ngay lập tức có người hò đáp trả. Có khi hò kéo dài tới tận đêm khuya. Các cụ lớn tuổi thì ngồi chõng tre uống nước chè xanh lắng nghe và bình luận bên nào hay hơn hay bên nào sẽ thắng. Những câu hò được trích từ ca dao, dân ca hoặc vừa sáng tác để đối đáp với bên kia (vì thế mới kết thành nhóm để có người hò, người sáng tác). Ở xóm Xuân Tổng nổi tiếng hò hay có o Liên, o Tính (Nghe đâu o Tính ra bờ sông hò làm mấy anh ở bên Phù Hóa, Cảnh Hóa phải lội rào sang để xem mặt). Ở xóm Bàu có o Hồng, anh Hòa, anh Thái…Lê Lợi có o Nuôi.. là những người nổi tiếng hò hay. Còn nam nữ thanh niên ai cũng hò được cả.

    Ngoài ra, một nét văn hóa rất lãng mạn và quyến rũ đó là tiếng sáo trúc. Đêm đêm trăng thanh gió mát mà bỗng nghe tiếng sáo véo von của các thanh niên Lệ Sơn cất lên réo rắt thì thật là lãng mạn và đam mê. Tiếng sáo trúc bay bổng làm cho con người Lệ Sơn đi đâu cũng da diết nhớ quê mình.Tiếng sáo của anh Bình (con mệ Lưu), anh Minh (con mệ Thông), anh Khoa (con mệ Huê)…mà ngân lên thì xao xuyến lòng người, thật đáng nể.

    Với người Lệ Sơn, dù ở chân trời góc bể nào thì không ai có thể quên được quê mình khi mà hồn quê đã thổi vào máu thịt. Món ăn ngon của Lệ Sơn cùng sự có mặt đầy đủ đầm ấm của gia đình bên mâm cơm mà ai cũng thích phải kể đến đó là món bánh tráng xúc chắt chắt. Món ăn đặc trưng nhất mà  chỉ có nơi đây mới có được bởi tạo hóa đã ban tặng cho thứ chắt chắt vùng nước lợ của sông Gianh.Về quê hương được ăn món chắt chắt  vào mùa hè mới cảm nhận được vị ngòn ngọt,vị beo béo pha chút thanh thanh làm mê đắm lòng người.Ngoài ra còn những món ăn dân dã, quen thuộc như : cà muối, cá đồng kho nghệ, canh chua dút mít, ốc nấu chuối rất ngon miệng và thắm đượm tình quê hương. Thật đúng là:

 
Về nhà ăn bữa cơm quê,
Món ăn dân dã ngon hơn nhà hàng.
Cà muối bóp tỏi thơm lừng,
Mắm tôm chấm đọt khoai lang tuyệt vời

Chắt chắt bánh tráng người ơi,
Món ăn đặc sản ngàn đời chợ Vang.
Cá đồng kho nghệ, tép rang,
Canh chua, dút mít ngon ngang yến sào

Xa về ta thỏa ước ao,
Bên nồi ốc chuối nhớ bao tháng ngày.
Giữa nhà chiếu trải mâm bày,
Anh em bè bạn ngồi xoay quay quần.

Giọng quê da diết tình thân,
 Râm ran trò chuyện xích gần nắm tay.
  Rượi nồng chưa uống mà say
  Cũng ngà ngà giọng bởi say nghĩa tình
***
Đi xa yến tiệc linh đình,
Về nhà ăn món quê mình ngon hơn.”
(Thơ Trần Dũng Sĩ)

    Ngoài ra còn có món  khoai deo, đây là món ăn được lũ trẻ chăn  trâu cho là “ khoái khẩu nhất”. Khi có người đi xa thì món khoai deo thường được đóng gói làm quà. Còn nhiều món ăn khác nữa đã góp thêm sự phong phú, đa dạng về văn hóa ẩm thực của làng Lệ Sơn. Ở cuối làng ( gọi là xóm Biền) đang  xây dựng nhà máy xi măng, nên được quy hoạch lại khang trang.Tương truyền nơi đây vua Hàm Nghi đã từng dừng chân nghỉ. Đi qua xóm Biền thì vào đến Hung Tắt, đây là một vùng đất bằng phẳng nơi trồng khoai, sắn cứu đói cho cả làng Lệ Sơn. Nghĩ đến Hung Tắt là nghĩ đến những ngày đi trồng khoai sắn ở lại buổi trưa được ăn nắm cơm gói trong mo cau chấm mè vừng thơm phức sao mà ngon đến thế. Bởi vậy, dù có đi đâu những người con Lệ Sơn vẫn đăm đắm nhớ về Hung Tắt, Hung Cày nơi mọi người đã gửi gắm bao kỷ niệm của một thời đói khổ, nơi đây đã đi vào ký ức của bao thế hệ .Có nhiều người  đến đây đã “ứng khẩu thành thơ”:
 
     Lên eo ngắm sũng Hung Cày,
 Nhìn về Hung Lụi nhớ ngày năm nao.
Còn đâu tảng đá nghỉ trưa,
Hỡi đâu cây thị đung đưa quả vàng.

     Trộ tát nước, choán bên đàng,
Tay ai đã hất mở toang công trường
                                                                        Eo xa len lỏi đá trơn,
    Eo nay mở rộng còn hơn đường làng.

      Ba mươi thước chẵn bề ngang,
Bốn làn xe chạy đàng hoàng vào ra.
Hung Cày, Hung Lụi quê ta,
Bạt ngàn cây cảnh nay đà hóa thân.

      Đứa con công nghiệp làng Văn,
Tương lai là cả vầng trăng sáng ngời.
Hỏi đâu khoai sắn giêng hai,
Hỏi đâu đu đủ, mít, gai, bưởi bòng.

   Ông Triền, ông Thịnh ra công,
Biết bao tình nghĩa vun trồng cây xanh.
               Hiến dâng công nghiệp trưởng thành,
Sắn khoai rồi hóa sâm banh- sữa bò.

Lên eo mát rượi gió lùa,
Nhìn về Hung Tắt tưởng ngờ chiêm bao.
(Thơ cố nhà giáo Lương Ngọc Đệ)

 
 Ở Lệ Sơn có tám dòng họ. Hiện nay, mỗi dòng họ đều được tôn tạo, xây dựng và thờ cúng đàng hoàng.Trong đó, dòng họ Trần được con cháu về tề tựu đông đủ hằng năm vào ngày 2 tháng 12 âm lịch.Ngày đó, khi con cháu đã có mặt đông đủ, sau lễ nghi của các cụ và trưởng họ,con cháu sẽ được hưởng lộc bằng những mâm xôi, thứ mâm cỗ ngày xưa ông cha ta vẫn làm. Đó là xôi được bày trên mâm lá chuối. Thịt cũng được dọn trên hai chàm lá chuối. Ở giữa là một bát nước mắm. Khi được thưởng thức cái hương vị đó sao mà nhớ những ngày còn bé. ( Ba mẹ đội mâm xôi đi trước. mấy đứa con nít lẽo đẽo theo sau. Hễ được ngồi vào mâm là cứ ăn lấy ăn để chẳng cần phải bát đũa.Thịt mỡ bóng nhậy mà cứ vậy nhai ngấu nghiến rồi chúng trôi tuồn tuột vào cái cổ họng chứa đầy nước bọt…Thật là tội nghiệp).

Là người con của quê hương Lệ Sơn, Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống văn hóa, văn minh lâu đời tốt đẹp, được ông cha giữ gìn và phát huy đã làm cho thế hệ trẻ hôm nay tràn đầy niềm tự hào.

Mảnh hồn làng Lệ Sơn hiện lên qua những nét văn hóa phong phú, đặc sắc.Những giá trị văn hóa đó  sẽ mãi được lưu truyền, giữ gìn và phát huy. Những nét giá trị về văn hóa , vật chất và tinh thần của làng Lệ Sơn góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp, đầy ý nghĩa.

Những cảnh quan và nét văn hóa làng đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Lệ Sơn như dòng máu chảy trong cơ thể. Dù đi đâu, người Lệ Sơn vẫn nhớ về quê hương, nhớ những ngày lễ, tết, nhớ tên làng, tên đất, hình ảnh con đò qua sông ngày còn đi học, tình yêu thương đất mẹ….Tất cả đều hội tụ và làm nên văn hóa của làng quê thật gần gũ, đậm đà bản sắc quê hương.

 
Giới thiệu với đồng nghiệp về truyền thống của làng quê
 
Lệ Sơn đang từng ngày, từng giờ đổi mới, đang khởi hương sắc thắm. Người viết bài này mong rằng bản sắc của quê hương sẽ mãi được gìn giữ, tôn tạo,đừng ai đó làm vẫn đục hoặc mất đi những di sản, những giá trị văn hóa vô giá của Lệ Sơn thân yêu. Tôi tin rằng, những người con của Lệ Sơn sẽ mãi phấn đấu, xây dựng  quê hương ngày càng giàu đẹp, phát huy những truyền thống của cha ông đã để lại, xứng đáng với tên làng Lệ Sơn văn vật.
 
Lệ Sơn ngày 17/8/2013
Tác giả bài viết: Trần Thị Minh Khanh (Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong trang báo làng)
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Khanh Trần - Đăng lúc: 14/05/2015 16:01
Lâu ngày đọc lại bài viết cũng thấy vui vui.
Avata
cao thi thao - Đăng lúc: 12/05/2015 20:27
Bai viet hay va rat chuyên ngiep chúc suc khoẻ hạnh phúc
Avata
Tên của bạn - Đăng lúc: 12/05/2015 05:46
Quá hay
Avata
Người làng bên - Đăng lúc: 26/08/2013 03:06
Là người làng bên nên anh hiểu. Bài viết rất hay, rất có giá trị về lịch sử và văn hóa. Em nên gửi bài cho tạp chí Nhật Lệ để nhiều người cùng được thưởng thức
Avata
Thanh Lâm - Đăng lúc: 25/08/2013 05:10
Minh Khanh hài hước thật. Trần Dũng Sỹ có phải anh trai của em không? Thơ anh Dũng hay đấy.
1, 2, 3, 4  Trang sau

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 2522
  • Tháng hiện tại: 27353
  • Tổng lượt truy cập: 8036387

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net