1
  • image
  • image
  • image
  • image
09:48 EST Thứ tư, 06/11/2024

Vô cùng thương tiếc người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Đăng lúc: Chủ nhật - 06/10/2013 18:04 - Người đăng bài viết: bientap03
Năm 2003, GS.TS Võ Hồng Anh, con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có cuộc trò chuyện về người cha của mình với nhà báo Lương Thị Bích Ngọc. Để tưởng nhớ tới vị đại tướng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, trang tin trân trọng giới thiệu bài viết đặc biệt này.

Thước phim quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tướng Giáp qua lời kể của con gái

 - 1

Đại tướng và con gái Hồng Anh. Ảnh: Trọng Thanh

…Từ khi biết đọc, biết viết, tôi thuộc từng đoạn dài trong những lá thư Ba tôi gửi về, những lá thư bao giờ ngoài phong bì cũng có câu đề: “Hồng Anh, con gái Anh Văn…”, và tôi thích nhất bức ảnh Ba tôi mặc quần áo bộ đội, đội cái mũ Vệ Quốc đoàn có gắn sao phía trước mà người gửi về cho tôi…

....Khi Ba tôi chia tay hai mẹ con để sang Trung Quốc thì tôi còn quá bé, chưa biết gì. Người đầu tiên gợi lại hình ảnh người cha trong tôi là bà nội. Điều bà nói nhiều nhất về Ba với tôi là: Từ lúc Ba tôi còn bé cho đến lúc  đi hoạt đông Cách mạng, bà luôn tin những điều Ba tôi làm… Vì thế trong suốt thời gian xa cách, tôi đã luôn nghĩ về Ba với niềm tự hào thơ trẻ và tình cảm tin yêu gần gũi. Thế nhưng, năm 1946 - khi tôi được gặp lại Ba lần đầu  trong dịp Ba ghé thăm ông bà nội và tôi ở Đồng Hới (thị xã Quảng Bình) - trên đường đi kinh lý Nam Bộ - thì tôi lại ngậm thinh, nhất định không nói một lời nào, kể cả khi ông bế tôi ra chỗ vắng, chỉ với một câu hỏi: “Có nhớ, có thương ba không?”.

Có lẽ, đó là tiền lệ cho kiểu “hiểu không lời” giữa hai cha con cho mãi về sau này…

- Và sau này, mỗi khi kể lại chuyện “ngày xưa” giữa hai cha con, ông cụ thường nhắc lại chuyện gì nhiều nhất?

- Có nhiều chuyện, trong đó có những chuyện liên quan đến việc “Hồng Anh không nói…”. Khi kể đến chuyện năm 1951, sau chiến thắng của ta ở Non Nước (Ninh Bình), ông đạp xe thẳng từ đấy về Thanh Chương (Nghệ An) thăm hai bà cháu, Ba tôi lại nhớ lại: “Lúc đó, Ba có hỏi gì Hồng Anh cũng lặng thinh”. (Có lẽ ông ghi nhớ cái tính khí “đặc biệt” của con gái từ ngày ấy).

Cũng trong lần về thăm ngắn ngủi đó, Ba đã tranh thủ đèo tôi bằng xe đạp từ Thanh Chương lên Chợ Rạng, Đô Lương thăm cậu ruột của tôi. Trên đường, (tôi nhớ lúc đó trời đã tối) ông lại hỏi: “Con có nhớ ba không?” Tôi cũng không nói. Im lặng hồi lâu, Ba lại nói: “Chị Hà cũng thương con lắm” (Khi mới về làm vợ Ba tôi, cô Hà thường xưng với tôi bằng “chị” và tôi cũng gọi như vậy). Sau này, trong một lần đến thăm bác Trường Chinh, bác gái đã khuyên tôi: “Cháu nên gọi cô Hà là “cô”. Như thế hay hơn”).

- Chị từng nói rằng, dù không nhớ mặt mẹ nhưng hình ảnh mẹ trong chị ở trong  luôn rõ nét, sinh động và xác thực nhờ thông tin từ những người thân trong gia đình và các cô bác cùng hoạt động, bị tù cùng mẹ. Vậy Ba chị đã kể cho chị nghe về người mẹ quá cố của chị như thế nào?

- Vẫn kiểu kể không nhiều lời… Trước khi tôi sang Quế Lâm (Trung Quốc) học, Ba đã kể cho tôi nghe về Mẹ, về lòng vị tha, đức hi sinh, về tính cách vừa dịu dàng, vừa kiên nghị của Mẹ. Rồi Ba tặng tôi một cuốn sổ trong đó ghi những lời dặn dò tôi noi gương mẹ, lớn lên trả thù cho Mẹ. Cuốn sổ ấy, tôi giữ cho đến tận bây giờ. Mỗi khi tôi về nghỉ hè, ông thường lục lại những thư từ của Mẹ cho tôi xem. Nhiều nhất là những bức thư Ba Mẹ tôi gửi cho nhau (cả từ trước khi cưới nhau) và những bức thư mẹ tôi gửi cho ông bà nội, cho chú Nho (em ruột Ba tôi), cho bà ngoại và các cậu dì của tôi và cho tôi từ nhà tù Hoả lò.

Thư viết cho người lớn chữ lít nhít (vì bọn chúng chỉ phát cho mảnh giấy rất bé), viết cho tôi chữ to hơn. Trong thư, Mẹ tôi dặn bà và chú: “Làm sao cho Hồng Anh sau này lớn lên không biết khổ mà chỉ thương người khổ”. Ban đầu, tôi giữ lại tất cả những bức thư đó. Sau rồi, Ba tôi bảo: “Để ba giữ, kẻo Hồng Anh giữ rồi đọc nhiều lại buồn”. Tôi không còn nhớ mặt mẹ nhưng qua những tấm ảnh, những bức thư, qua lời kể của Ba tôi và những anh em, đồng chí của Mẹ, qua những câu chuyện  của họ hàng, láng giềng ở quê, và bao trùm lên tất cả là một sợi dây thiêng liêng vô hình nào đó, hình ảnh của Mẹ đã hiện lên trong tôi rõ nét và xác thực. Và  tôi đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng giữa Ba và Mẹ...

 - 2

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Quang Thái

- Chị có được Tướng Giáp kể về lần gặp gỡ đầu tiên với mẹ chị, kỷ niệm đã làm nên mối tình đầu thiêng liêng của ông?

- Đó là vào năm 1929, Ba tôi ra Vinh và Hà Nội để bàn với các đồng chí trong chi bộ ở đó tổ chức cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đi thoát li. Trong dịp này, Ba tôi đã được nghe đến cái tên Nguyễn Thị Quang Thái, cô em gái còn rất trẻ nhưng hoạt động hăng hái của chị Minh Khai. Nghe mà chưa gặp mặt.

Thế rồi, trong chuyến trở vào Huế Ba tôi đã gặp mẹ tôi trên tàu hoả. Mẹ tôi lúc ấy mặc áo dài, tóc để xoã, da trắng hồng, gương mặt rất sáng, đặc biệt là đôi mắt. Ấn tượng để lại trong cha tôi khá đậm nét. Còn cha tôi lúc ấy đóng vai một nhà báo khá ăn diện. Về sau mẹ tôi mới nói lại cho Ba ấn tượng đầu tiên của mình: một chàng thư sinh với vẻ “công tử bột”, chỉ khi nghe tự giới thiệu là nhà báo thì mẹ mới dịu lòng và bắt chuyện.

Hai người kết hôn khi mẹ tôi 20 tuổi, nhưng mãi đến gần chục năm sau Mẹ mới sinh tôi vì Ba mẹ “giữ” để được thoát ly hoạt động cùng nhau. Và mẹ đã bị bắt khi Ba tôi đang hoạt động ở Trung Quốc và tôi còn rất bé. Thời gian họ ở bên nhau không dài lắm nhưng bằng tất cả sự trải nghiệm và sự nhạy cảm của mình, tôi hiểu mối liên hệ giữa  Ba Mẹ là thiêng liêng và bền chặt.

- Và mãi về sau này, mẹ chị hẳn vẫn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của tướng Giáp?

- Đó là một vị trí thiêng liêng và độc nhất vô nhị. Còn về ý bạn muốn hỏi mà tôi đã hiểu thì thế này: trong toán học có những đại lượng gọi là không tương thích (nghĩa là không so sánh được), những người làm toán không bao giờ đem so sánh những đại lượng đó. Trong cuộc sống cũng như vậy. Điều đáng nói là, vong linh của  Mẹ được yên lòng về cuộc sống của Ba khi vắng bóng Bà. Tôi nghĩ là như vậy.

- Và tình cảm của Ba chị đối với chị cũng rất đặc biệt?

- Vâng, có lẽ thế. Mỗi người chúng ta đều cảm nhận nét riêng trong tình cảm cha mẹ dành cho mình theo góc độ khác nhau. Riêng tôi, tôi cảm nhận sự đặc biệt đó chủ yếu vẫn qua “một cái kênh không lời” và phần nào qua cư xử hàng ngày của Ba tôi, mà rõ nhất là sự đòi hỏi khắt khe.

- Nghe nói, ông yêu thương chị một cách đặc biệt cơ mà?

- Yêu thương không có nghĩa là cưng chiều.Tôi nhớ, hồi ở Việt Bắc, thỉnh thoảng, Ba tôi lại bảo bà nội: “Buổi chiều, Bà cho Hồng Anh tham gia với các chú bộ đội”. Tôi  lấy đôi ủng của Ba để đi ra ruộng rau (như mọi đứa trẻ, tôi thích thú vì đó là thứ của Ba và tôi lại rất sợ bị vắt bám), đôi ủng cao lút cả hai chân, tôi đi vẹo vọ, nhìn rất ngộ. Tôi mới học lớp ba, lớp bốn gì đó, Ba đã bắt đọc cuốn: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của bác Trường Chinh.

- Khi chị lấy chồng, tướng Giáp có “ý kiến” gì về sự lựa chọn của chị?

- Mới đầu, khi chúng tôi từ Liên Xô về nghỉ hè để “báo cáo”, ông cụ đã không đồng ý. Lý do không phải vì chê “người ấy” mà chỉ vì ông muốn tôi làm dâu một gia đình tham gia Cách mạng ngay từ đầu. Cũng có thể đó là quan niệm của thế hệ. Về sau, ông đã tôn trọng quyết định của tôi.

- Sinh ra trong một gia đình đặc biệt như vậy, chị có thấy khó khăn giữa đời thường không? Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cảm giác của chị thế nào khi nhiều người nhìn chị dưới góc độ chị là “con gái tướng Giáp”?

- Trong tôi niềm tự hào về cha không tách rời niềm tự hào về Tổ Quốc, và càng không bao giờ tách khỏi ý thức trách nhiệm. Tôi mong muốn sống xứng đáng với bố mẹ nhưng bằng sức lực tình cảm, trí tuệ của riêng mình. Người ta có quyền tự hào và kiêu hãnh về cha mẹ. Nếu vị trí của cha mẹ đem lại niềm cảm thông quý mến của những người xung quanh (kể cả cách nhìn nhận khắt khe và sự đòi hỏi cao do lòng quý mến) thì đó là cái “lộc” mà ta được hưởng. Nhưng người ta không có quyền núp dưới cái bóng của cha mẹ để đạt được những điều ngoài năng lực của mình...

- Bây giờ ông cụ còn đánh đàn piano không?

- Ba tôi đánh đàn là để giải toả tinh thần, thư giãn sau những giờ làm việc liên tục, nhưng khi chuyển xuống ở tầng dưới, ông ít đánh đàn vì cây đàn vẫn để ở tầng 2. Mấy năm gần đây, Ba tôi tập thiền và đi bộ nhiều hơn. Chúng tôi đang thu xếp chuyển cây đàn xuống tầng 1 để khi rỗi, ông có thể tiếp tục đánh đàn piano.

- Ông có hay nhận được thư từ của mọi người gửi đến? Ông thường xử lý thế nào trước những bức thư liên quan đến thế sự?

- Mọi việc liên quan (như có sự liên hệ đề nghị trả lời phỏng vấn, mời đi hội nghị, hội thảo, lời đề nghị được đến thăm Đại tướng…), ông đều giao cho Văn phòng xử lý theo đúng nguyên tắc hành chính. Đối với các vấn đề rất đa dạng của người dân, của cán bộ được trình bày trong nhiều bức thư gửi đến, ông xem xét và trả lời với sự tôn trọng, và giúp giải quyết trong phạm vi nguyên tắc cho phép.

Cả cuộc đời, Ba tôi là người của công việc, của sự nghiệp chung. Đến nay, ở tuổi 93, mặc dù tất cả con cháu trong gia đình luôn nhắc ông phải đặc biệt ưu tiên số 1 cho sức khoẻ, Ba vẫn không ngớt dõi theo thế sự của thế giới và đất nước, và có những ý kiến đóng góp theo đúng nguyên tắc của Đảng và Nhà nước. Tôi nghĩ, đối với ông, tình cảm của nhân dân, của bạn bè, đồng chí, của người thân trong gia đình là phần thưởng quý giá nhất, là phương thuốc hữu hiệu cho sức khoẻ và tuổi thọ.

Tác giả bài viết: Lương Thị Bích Ngọc
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Nguyễn Trọng Tạo - Đăng lúc: 08/10/2013 12:02
Bây giờ vị Tướng Nhân Văn ấy đã ra đi, tôi không buồn mà rất nhớ. Một con người đã đi qua mấy cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Một con người nổi tiếng toàn thế giới qua hai thế kỷ và còn tạc mãi vào lịch sử oai hùng. Một con người đã qua bách niên mà vẫn không nguôi nỗi niềm thương Dân thương Nước. Tôi không dám nói lời chia buồn, mà muốn Chúc mừng Ông đã tới cõi Vĩnh Hằng!
Avata
Tên của bạnVăn Thanh - Đăng lúc: 06/10/2013 21:59
Đọc xong bài viết đã để lại trong Tôi cảm xúc, trân trọng và đáng khâm pnhục.iTướng Giáp đúng là một Nhà trí thức toàn diện, được cả thế giới ngưỡng mộ.Người con ưu tú của Quảng Bình quê ta. Chúng ta là nhũng người con Quảng Bình luôn tự hào về Ông. Giờ đây vị tướng của chúng ta đã về với Bác Hồ rồi. Chia buồn và Vĩnh biệt Đại tướng.
Avata
Lê Thống Nhất - Đăng lúc: 06/10/2013 21:52
HÀNG TRIỆU NGƯỜI TỰ CÀI LẤY BĂNG TANG

Tác giả: Lê Thống Nhất

Ôi! Vẫn biết phút giây này sẽ đến
Mà làm sao tim vẫn nghẹn nên lời
Vị tướng tài bao triệu người quý mến
Trái tim Người ngừng đập... Việt Nam ơi!

Tin buồn đưa giữa chiều tối đất trời
Tin buồn đưa đến muôn nơi trái đất
Tin buồn đưa ngỡ chưa là sự thật
Vị tướng tài! Nay đã mất rồi sao?

Từng hàng tre ngỡ như cũng lao xao
Từng trái tim thấy nghẹn ngào thương tiếc
Bữa cơm tối từng nhà dừng ăn tiếp
Cháu ngây thơ ngơ ngác biết chuyện gì?

Vẫn hiểu rằng vòng tử biệt sinh ly
Chẳng ai thoát, chẳng có gì níu được
Đời nhân hậu mấy ai so sánh được
Thế kỷ đời điều mong ước nhân gian!

Khu rừng xưa nghe vọng tiếng suối ngàn
Tên anh Văn vẫn vọng vang bờ cõi
Quân lệnh đầu tiên rõ từng tiếng nói
Phai Khắt, Nà Ngần chói lọi sử xưa...

Đờ Cát gục đầu, hai cánh tay đưa
Từ dưới hầm lên vẫn chưa hiểu nổi
Là tướng phương Tây không ngờ phút cuối
Thành hàng binh cúi đầu dưới sao vàng

Cầu Hiền Lương chia cắt Bắc Nam
Cuộc chiến mới với vô vàn gian khó
Lời Bác Hồ trong tim ai khắc rõ
"Không có gì quý hơn độc lập, tự do!"

Pháo đài bay? Ta thiêu chúng ra tro!
Vua chiến trường? Ta đập bò ra hết!
Xẻ Trường Sơn! Bao đoàn quân mải miết...
Vị tướng tài thêm anh kiệt vô song.

Nhật lệnh tuyệt vời, dân tộc chờ mong
Thần tốc nữa lên! Vang trong quân ngũ!
Táo bạo nữa lên! Từng giây tranh thủ...
Giải phóng miền Nam! Một nửa cõi bờ...

Khúc khải hoàn rộn rã nhạc và thơ
Quốc kỳ tung bay ước mơ đã thoả
Vị tướng tài thấy nỗi niềm sao lạ
Trong ngày vui như thấy có Bác về...

Tóc bạc một đời binh nghiệp say mê
Tạm quên chiến trường quay về cuộc sống
Đảng giao việc gì không hề nao núng
Dù có tạm quên gươm súng, sa bàn...

Nụ cười vẫn hiền, tình vẫn chứa chan
Tuổi tác càng cao lại càng đức độ
Bên người lính xưa chia từng cảnh ngộ
Giữa những gian nan vẫn tỏ tim hồng

Ôi! Vị tướng tài rạng rỡ núi sông
Sử vàng mãi ghi chiến công lừng lẫy
Lễ tang Người... có thể không đến đấy...
Hàng triệu người... tự cài lấy băng tang...
Avata
Bảo Khang - Đăng lúc: 06/10/2013 21:30
Anh Cả ơi
Nghe tin anh cả mất rồi!
Vô cùng thương tiếc một đời “đại nhân”
Nghe tin Anh Cả từ trần!
Trẻ già ngơ ngác bần thần tiếc thương,
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Nhân dân ghi nhớ khôn lường công Anh!
Một đời cống hiến hy sinh,
Một đời vì Đảng trọn tình vì dân,
Một đời học Bác chuyên cần!
Một đời tích đức, tu thân một đời,
Trăm năm đi trọn cõi người,
Thác không ăn uổng cơm trời ban cho,
Quảng Bình quê nội đón chờ!
Anh về vui với nơi thờ Mẹ Cha!

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 855
  • Tháng hiện tại: 9883
  • Tổng lượt truy cập: 8497627

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net