1
  • image
  • image
  • image
  • image
10:54 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Danh hương văn vật Lệ Sơn dưới góc nhìn văn hóa, lịch sử

Đăng lúc: Chủ nhật - 01/02/2015 12:59 - Người đăng bài viết: bientap02
Bài viết khái quát những nét nổi bật được rút ra từ công trình Địa chí làng Lệ Sơn của nhóm tác giả Lê Trọng Đại và Trần Hữu Danh như một món quà đầu xuân dành tặng độc giả.
    Được khai canh từ xứ Cồn Vang vào thời hậu Lê, nơi “sơn thanh thủy tú”, “núi vây ba mặt, sông ôm một bề”, với dãy núi Lệ Sơn sừng sững như một bức trường thành, sông Gianh như một chiếc võng lớn ôm trọn phía bắc, Lệ Sơn xưa, xã Văn Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình ngày nay ở vào thế “địa linh”. Đặt trong tổng quan quá trình hình thành, phát triển văn hóa các làng xã ở Quảng Bình, Lệ Sơn là một trong những làng quê văn vật, có lịch sử lâu đời và nổi tiếng khoa bảng, đứng đầu “bát danh hương” của tỉnh thời phong kiến.

    Tạo hóa đã ban tặng cho Lệ Sơn cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sông núi giao hòa, sản vật phong phú. Nép mình bên bờ sông Gianh huyền thoại, Lệ Sơn có hệ thống núi non hùng vĩ mà quan trọng nhất là dãy núi Lệ Sơn (còn gọi là lèn Đứt Chân) với nhiều truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích đi vào thi ca, sử sách… bằng những sắc màu lung linh huyền ảo, hấp dẫn đến lạ thường. Động Chân Linh là một danh thắng nổi tiếng với vẻ đẹp thanh tao, linh diệu đến mê hồn mà trong Ô châu cận lục, Dương Văn An đã mô tả: “…lưng dựa núi xanh, mặt kề sông biếc, bên dưới nước xanh như màu chàm, bên trên đá rêu như sắc thúy… Đá lớn bằng phẳng như hình bàn cờ, xung quanh toàn đá như đẽo, có những dấu vết lấm tấm, hoặc như đồng tiền, hoặc như sợi tóc, hoặc như hình người, hoặc như chuỗi ngọc, nước lặng biếc như mắt tăng, đá xanh đậm như đầu Phật… dẫu cảnh Đào Nguyên cũng không đẹp hơn được. Tao nhân mặc khách nhiều người đề vịnh…”1. Lê Sơn không chỉ có sông núi hùng vĩ mà đất đai cũng thật lạ kỳ với hiện tượng “thiên táng” (ở thế kỷ XVII có một danh tướng họ Trịnh đi công cán qua làng chẳng may qua đời bên một gốc cây nhưng chỉ qua một đêm mối đã đùn đất lên thành một ngôi mộ) 

    Nằm ở vùng “biên viễn” nơi giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hóa, lại gắn liền với quá trình giữ nước và mở cõi của cha ông, Lệ Sơn đã tạo dựng được một diện mạo văn hóa phong phú, đa dạng; hội đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của khu vực Bắc Trung Bộ. Các thế hệ tiền nhân Lệ Sơn đã sáng tạo, bồi đắp nên một gia tài văn hóa với những sắc thái mang nét đặc trưng riêng có của một làng quê văn vật nổi tiếng. Nơi đây đã từng tồn tại một nền văn hóa tâm linh phong phú, độc đáo, hội đủ cả thánh, phật, thần, tiên: Có văn chỉ thờ Khổng Tử, có chùa Phúc Tự thờ phật, có miếu Thành hoàng thờ thần Bản thổ và có điện Chân Linh thờ tiên nữ. Đúng là:        
                    
                                “Đất thiên tôn tạo đề cảnh sắc                  
                                  Đạo thánh hiền tương tác nhân tâm
                                 Phong, hoa, tuyết, nguyệt, thi, cầm
                                 Địa linh hiển thánh, giang lâm hiển thần”.

    Làng Lệ Sơn xưa được xếp vào “Bát danh hương” không chỉ bởi sông núi kỳ tú, mỹ lệ, giàu truyền thống khoa cử mà còn bởi có nhiều nam thanh nữ tú, đất đai phì nhiêu, màu mỡ và nguồn sản vật dồi dào. Hơn thế nữa, Lệ Sơn còn là một trong những làng quê có hệ thống các di tích văn hóa vật thể phong phú, có giá trị về kiến trúc và mỹ thuật, lại có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũng như đức tính cần cù, hiếu nghĩa, coi trọng đạo lý, tôn vinh cái đẹp của các thế hệ người dân ở vùng đất này. Lệ Sơn còn là nơi hội tụ và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa tinh thần độc đáo và thuần mĩ với những câu ca dao, điệu hò, hay câu chuyện tiếu lâm, rồi cả những lễ hội dân gian làm say đắm lòng người 2.

    Những sản vật trên rừng, dưới sông, trong khe suối, ngoài đồng ruộng, đã làm cho Lệ Sơn trở thành một trong những miền quê có đa dạng sinh học bậc nhất của Quảng Bình. Qua bàn tay chế biến tài hoa của người dân của miền thảo dã, những sản vật do thiên nhiên ban tặng đã trở thành những món ăn mang đậm phong vị quê hương. Trong đó nổi tiếng nhất là loài nhuyễn thể vùng nước lợ làm thành những món chắt chắt độc đáo. Các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đặc sắc đã tạo cho cuộc sống người dân miền đất này thêm phần đáng yêu và mang nhiều dáng nét riêng. Chính vì vậy, Lệ Sơn là một trong số những làng cổ nổi tiếng về thuần phong mỹ tục như một số nhà thơ từng ca ngợi:

                              “Tám lần phong tục dư thuần hậu”
                                Bốn chỗ danh hương đứng trước tiên”. Hay:
                              “Thuần phong mĩ tục chăm lo cương thường”.

    Lệ Sơn được xếp vào nhóm các danh hương nổi tiếng của Quảng Bình còn bỡi làng có nhiều truyền thống tốt đẹp đặc biệt nhất hiếu học và nổi tiếng khoa cử. Tuy không có người đổ đại khoa nhưng Lệ Sơn có đội ngũ nho sinh đông đảo thời nguyễn khoa nào cũng có người Lệ Sơn đi thi; có hai khoa thi Lệ Sơn có 2 người cùng đổ cử nhân (1819 và 1828). Chỉ tính riêng dưới triều Nguyễn, Lệ Sơn đã có tới 13 người đổ Cử nhân trong đó có một Giải nguyên, ba Á nguyên (Lê Thời Tập đổ Giải nguyên khoa thi Minh Mạng 1828; ba vị đổ Á nguyên gồm Lê Huy Côn đổ năm Minh Mạng 1825, Lê Tư Duệ đổ khoa Minh Mạng 1828, Lương Nhị đổ khoa Tự Đức 1882)3. Ngoài ra Lệ Sơn còn có khá nhiều người đổ Tú tài đặc biệt có ông Lương Khắc Kiệm tám khoa liền đều đổ tú tài.

    Đất “địa linh”, sinh “nhân kiệt”, miền quê “sơn thanh, thủy tú” ấy đã sản sinh, hun đúc nên những con người thông minh, hiếu học, cần cù sáng tạo và tiết kiệm; giản dị mà lịch sự hào hoa; sống khí khái mà thanh tao; khoan dung, nhân ái mà rất nghĩa hiệp, thượng võ…
“ Trai Lệ Sơn nổi tiếng tài hoa bởi:

                               “Võ dậy tiếng lục tam thao lược
                                Văn kỳ danh bảy bước thành chương”.

    Gái Lệ Sơn cũng nổi tiếng không kém bởi nhiều người xinh đẹp với làn da trắng, mái tóc đen dài óng mượt, xưa đã có người từng được tuyển vào cung vua, phủ chúa”4 quả là “Nữ nhi có kẻ quý phi, cung tần”.

    Trải qua các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc, trên mảnh đất Lệ Sơn đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, ngoan cường, hy sinh vì nước, đào luyện được một số nhà lãnh đạo, nhiều vị tướng lĩnh tài ba thao lược. Trong thời kỳ phong kiến, Lệ Sơn có tới hàng chục võ tướng từ Dực thượng tướng quân, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ, Tả phủ Đô đốc đến Trung kiệt tướng quân, Quả cảm tướng quân, Phấn lực tướng quân... Nhiều người Lệ Sơn xưa nổi tiếng khí khái như Lê Thị Nại, Lê Di; thanh cao mà trung nghĩa, bất khuất như Lê Huệ; tài cao, học rộng như Trần Cảnh Huống, Lê Thời Tập, Lương Duy Chí, Nguyễn Cả Hằng. Tuy mỗi người thành danh có những cống hiến ở những lĩnh vực và mức độ khác nhau, nhưng trong tâm thức người Lệ Sơn, cùng với nhiều danh nhân trong cả nước, các danh nhân vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã có nhiều công lao to lớn, tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành vùng đất Lệ Sơn xưa. Với công trạng được sử sách ghi nhận, những danh nhân Lệ Sơn xứng đáng được liệt vào những bậc tinh anh, tỏa sáng muôn đời, làm rạng danh cho quê hương, đất nước và mãi mãi là niềm tự hào của bao thế hệ cư dân Lệ Sơn.

    Lệ Sơn thời nay, cũng không ít người tài trí, dũng cảm và thượng võ mà người thể hiện tập trung nhất là Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyên truyền giải phóng quân - tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ở con người của Thiếu tướng Hoàng Sâm hội tụ khá đầy đủ phẩm chất, khí phách của một vị tướng cách mạng: tài, trí, dũng, liêm, đồng thời ông cũng là một nhà chính trị sắc sảo. Trai Lệ Sơn ngày nay cũng tiếp bước truyền thống yêu nước, dũng cảm, thông minh như Trần Minh Phương - Người dám lái máy bay MIG - 19 lao thẳng vào máy bay F4H để tiêu diệt không lực Hoa Kỳ trong những năm đánh Mỹ, góp phần làm nên bản hùng ca bất diệt của thế kỷ XX.

    Không chỉ nổi bật ở truyền thống yêu nước, văn hóa và cách mạng, Lệ Sơn còn nổi tiếng với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, truyền thống khoa bảng và tinh thần hiếu học. Vùng đất này đã hun đúc, sản sinh ra nhiều danh nhân xuất chúng, có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bằng tài trí và nghị lực của mình, những người con của quê hương đã tiếp nối truyền thống để làm rạng danh tên tuổi làng quê Lệ Sơn mà các thế hệ tiền nhân đã dày công gây dựng. Các giáo sư, phó giáo sư Lương Duy Thứ, Lương Duy Trung, Lương Ngọc Bính, Lê Tiến Dũng nổi tiếng là những chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực văn học. Phó giáo sư - Tiến sỹ Trần Vĩnh Tường là chuyên gia trên lĩnh vực khoa học giáo dục lịch sử. Giáo sư Trần Xuân Lài, các Phó giáo sư Lương Ngọc Thế, Nguyễn Hữu Điểu, Tiến sỹ Lê Duy Bách là những chuyên gia trên các lĩnh vực nông học, hóa học, địa chất. Phó giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Tư Thế; Bác sỹ, Thầy thuốc ưu tú Lê Minh Hùng; Thạc sỹ, Bác sỹ thầy thuốc ưu tú Cao Thị Hoa Lý là những người có nhiều thành tích trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

    Trên phương diện hoạt động chính trị, không thể không kể tới những gương mặt tiêu biểu như cố Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Đang, cố Trưởng ty Giao thông Lê Đức Mận, cố Trưởng ty Văn hóa Lê Khai, cố Giám đốc Sở Địa chính Lê Duy Lương; các Tỉnh ủy viên đang đảm trách cương vị trưởng đầu ngành quan trọng của tỉnh như Lương Văn Luyến, Lê Minh Tuyên, Lê Minh Ngân. Ở phương diện này, người thể hiện hài hòa, hội tụ nhiều phẩm chất cao đẹp đặc trưng của con người Lệ Sơn xưa và nay là Phó giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Bính. Trên phương diện hoạt động ngoại giao đáng kể tới là cố Vụ trưởng vụ Á - Phi, Bộ Ngoại giao Lê Duy Lương, Tham tán sứ quán Lương Khán. Trên mặt trận kinh tế thời kỳ đổi mới, trai Lệ Sơn cũng đã và đang lộ diện các tài năng về quản lý kinh tế với những gương mặt tiêu biểu như Lương Khắc Thảo, Lương Hải Lưu, Lương Minh Hiển, Trần Đức Vĩnh.     
      
    Vốn là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kỳ vĩ, song cũng như bao làng quê khác trên mảnh đất Quảng Bình đầy nắng, gió, Lệ Sơn cũng phải thường xuyên đối mặt với thiên tai, bão tố khắc nghiệt. Trải qua các thời kỳ lịch sử, vượt qua bao thăng trầm, thử thách của binh đao lửa đạn, thiên tai, trên vùng đất cồn Vang rừng rậm - vốn là lãnh địa của các loài hổ báo, chim muông xưa kia, đã từng bước hình thành nên làng mạc, ruộng đồng, kênh mương, nhà cửa, cây đa, bến nước, đình làng…Từ một vùng quê có quá nhiều bão lũ, hạn hán; bằng bàn tay, khối óc của mình, người dân Lệ Sơn đã cải biến cả một vùng thiên nhiên hoang vu, khắc nghiệt thành miền đất yên bình và đang từng ngày chuyển mình thành một trong những miền quê trù phú nhất nhì huyện Tuyên Hóa. Qua lao động đã rèn giũa cho người dân Lệ Sơn đức tính cần cù, nhẫn nại và sáng tạo lớn lao. Chính những phẩm chất cao đẹp ấy đã làm ngời sáng tinh thần và khí chất người Lệ Sơn. Và trên mảnh đất này, nơi đâu cũng đều lưu dấu biết bao mồ hôi, xương máu, nước mắt, nụ cười của lớp lớp thế hệ chủ nhân đất Lệ Sơn xưa.

    Cư dân Lệ Sơn cũng như cư dân huyện Tuyên Hóa đều mang đặc tính chung của con người Quảng Bình. Với sự nỗ lực của mình, người Lệ Sơn đã góp phần tô đậm thêm, làm toả sáng cốt cách, phẩm giá con người Quảng Bình - cần mẫn, kiên trung, yêu nước nồng nàn, giàu ý chí, khát vọng vươn lên và đầy nhân ái; như lời phát biểu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại buổi gặp mặt cán bộ cốt cán của tỉnh nhân dịp đón tết Nguyên Đán Canh Tuất (1970): “Hầu hết người dân Quảng Bình là những chiến sỹ kiên cường, anh dũng thông minh, sáng tạo đã biết dựa vào sức mình để làm nên những chiến công lớn. Đó là những con người có truyền thống tốt đẹp và có phẩm chất cách mạng cao quý, những con người giàu lòng chiến đấu và lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Trong quan hệ xã hội và đời sống tình cảm có những nét rất đẹp đẽ và trong sáng. Người dân Quảng Bình rất đáng quý, đáng yêu và đáng kính trọng”. Qua thử thách trong môi trường tự nhiên và xã hội khắc nghiệt, người Lệ Sơn đã rèn đúc cho mình sự cứng cỏi, dẻo dai và ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Không những vậy, người Lệ Sơn còn tôi luyện sức chịu đựng bền bỉ, nghị lực và sức sáng tạo mãnh liệt để cải biến tự nhiên, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, phồn vinh.

    Lịch sử trên 500 năm với một vùng đất chưa phải là quá dài, nhưng đặt tiến trình hình thành và phát triển của làng Lệ Sơn trong dòng chảy lịch sử, chắc hẳn nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi truyền thống văn vật và những đóng góp của mảnh đất này đối với lịch sử dân tộc và vùng đất Quảng Bình. Sự phát triển phong phú, sinh động về nhiều mặt của Lệ Sơn trong sự phát triển chung của cả tỉnh, cả nước là một thuận lợi rất lớn, nhưng đồng thời tự thân nó cũng đặt ra những thử thách không nhỏ đối với những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu sâu về miền đất này. /.
 
 Tài liệu tham khảo
[1] Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, (Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc dịch), NXB Thuận Hóa.
[2] Lê Trọng Đại (2014), Địa chí Lệ Sơn (bản thảo), Đồng Hới.
[3]  Cao Xuân Dục (2001), Quốc triều hương khoa lục, NXB TP Hồ Chí Minh
[4] Lê Hữu Độ (2000), Nghiên cứu lý giải về danh hương văn hóa Lệ Sơn (bản chép tay)
Email:  letrongdaidhqb@gmail.com
DĐ: 0918775128
Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại - Trần Hữu Danh
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Lương Tộc - Đăng lúc: 02/02/2015 02:12
Bài viết quá hay, những người con kiên trung của quê hương được liệt kê khá chi tiết và tương đối đầy đủ.
Tự hào thay, con cháu làng Lệ Sơn cần tiên lên nữa ...

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 344
  • Tháng hiện tại: 38956
  • Tổng lượt truy cập: 7994239

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net