1
  • image
  • image
  • image
  • image
22:19 ICT Thứ bảy, 05/10/2024

Một quảng thời thơ ấu ở Làng Lệ Sơn ( Phần 4/7)

Đăng lúc: Thứ tư - 13/06/2012 02:41 - Người đăng bài viết: bientap01
Giới thiệu phần 4 cuốn hồi ký hoàn chỉnh (có bổ sung) "Một quảng thời thơ ấu ở Làng Lệ Sơn" của tác giả Lương Duy Thái.

...Đêm đêm, cán bộ đội cải cách họp với những người mà họ chọn làm cốt cán, gợi ý để họ biết cách tố cáo. Quan hệ xóm làng trở nên tẻ nhạt, người ta nghi kỵ nhau, rình rập nhau cả khi đi chợ, cả trong lời ăn tiếng nói.

        Ông Cửu không được đi bán thuốc nữa. Nguồn sống chính của nhà ông bây giờ đều trông vào sự tần tảo, xoay xoả của o Tính. Bà Cửu vì buồn lo, ốm đau lâu ngày không được cơm cháo như trước nên chỉ thang sau là chết. Đám tang bà âm thầm, lặng lẽ. Ông Cửu, từ sau khi vợ chết, cũng buồn bã gầy mòn. Ông không chịu ăn uống cho dù o Tính đã cố kiếm cho ông ngày được bữa cháo Chỉ gần tháng sau ông cũng đi theo bà Cửu. Hôm ông cửu chết, mạ tôi nghe  tiếng chú chú Quyền, chú Niệm khóc không ra hơi như tiếng con mèo hen, bà khóc rồi nói:

      - Nhà ông Cửu rứa là tan đàn xẻ nghé. Oông chết là vì cái chức cửu phẩm gì gì đó!

      Nhà tôi vừa đi kháng chiến về, không dính dáng gì đến ruộng đất nhưng vì ông bà tôi vừa mất, có để lại ít ruộng vườn nên đội cải cách gắn cho cái mác “có ít ruộng đất phát canh”. Mới đầu người ta đối xử với gia đình tôi cũng bình thường, mấy chị em tôi vẫn được sinh hoạt với đội thiếu niên xóm. Đêm đêm, chúng tôi vẫn đốt đuốc rồng rắn khua vang mõ tre, đi từ xóm trong ra đến xóm ngoài cổ động cho các phong trào. Thời kỳ ruộng đồng bị hạn, đội thiếu niên chúng tôi gào lên “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, chống hạn như chống hoả”; lúc phong trào đấu tố bùng phát thì lại hô “địa chủ hết thời, nông dân vạn đại”. Đến đoạn này thì con em những nhà bị quy là địa chủ, cường hào hoặc những thành phần bóc lột như gia đình tôi phụ trách đội không cho đi nữa. Được ít lâu thì đêm đêm mạ tôi phải ra tập trung để đội cải cách nói rõ chủ trương truy thu tô thuế. Bố tôi cố vay mượn những mong đóng đủ số tô thuế mà đội đã công bố nhưng khi mạ tôi đóng rồi thì họ tăng lên mức khác. Hình như họ nghĩ là những nhà đã có tiền đóng là những kho tiền, có tăng thêm thì họ vẫn đóng được. Thành thử đêm đêm mạ tôi vẫn bị tập trung. Có dân quân canh gác. Vườn nhà tôi rộng, chuối mít nhiều nhưng đều bị dân quân vào đánh dấu, mất quả nào là tối hôm đó mạ tôi bị phạt. Thời kỳ này nhiều hôm nhà tôi bị đứt bữa. Giai đoạn này cái lùm mộ tổ mà bọn trẻ chúng tôi định đưa chó vào săn lai trở thành cứu cánh cho những gia đình bị quy sai như gia đình tôi.

      Lùm mộ tổ là một lùm cây rậm rạp, có nhiều cây cổ thụ. Trong lùm có nhiều loại cây, có cả cây gỗ quý như lim, gụ, táu, sến…, có cây to đến cả vòng tay người lớn nhưng loại cây đáng nhớ nhất đối với tôi là cây nổ. Cây không to, khá cao, phía dưới rất ít cành, chỉ gần ngọn mới có nhiều cành trĩu quả. Quả nó to như quả chanh to, đem về luộc lên ăn được. Thời kỳ bị quy sai cây nổ trở thành cây chống đói cho gia đình tôi. Không biết trong quả nổ có những chất gì nhưng ăn nó cũng thấy thơm thơm, deo dẻo.

1

Tôi còn nhớ  hồi ấy, khi trong nhà không còn gì có thể  ăn được thì anh Tuệ, anh trai tôi cũng chỉ 16- 17 gì đó, chuẩn bị cái sào tre, cái thúng và cái oi để vào lùm mộ tổ hái nổ.

Có lần tôi được đi theo anh. Giữa trưa trời nắng chang chang hai anh em tôi đi tắt cánh đồng hướng vào lùm mộ tổ. Tôi đội cái nón mê cun cút chạy theo anh vì anh đi rất nhanh. Đây là cánh đồng trồng toàn ngô và lạc. Ruộng ngô xanh tốt che mất tầm nhìn nên tôi chỉ sợ lạc mất anh. Sau này tôi mới biết  anh phải chọn thời điểm giữa trưa để đi hái nổ vì nếu để dân làng nhìn thấy thì cũng dễ sinh chuyện.

Từ  nhà vào đến lùm mộ tổ hai anh em tôi  đi mất gần tiếng đồng hồ. Vào trong lùm rồi anh mới ngước nhìn lên ngọn cây, tìm cây nao có nhiều quả để trèo hái. Anh lấy cái nài đã chuẩn bị sẵn ở nhà mắc vào chân, đeo cái oi vào ngang lưng, dặn tôi ở dưới phải chú ý rồi tẩm nước bọt vào tay để trèo. Tôi nhìn cái dáng gầy guộc, hai đầu gối dơ xương như hai cũ lạc run run mỗi lúc một nhích lên cao mà cảm thấy thương anh vô hạn.

Trèo đến cành phía dưới thì anh dừng lại nghỉ, bảo tôi đưa cái sào cho anh. Tôi túm đầu sào, cố nhón chân đưa cái sào lên  nhưng anh vẫn chưa với tới. Sau một hồi loay hoay, anh phải tụt xuống một đoạn mới lấy được cái sào. Anh cầm cả sào trèo tiếp lên cao, chọn một cành chắc chắn mới dừng lại, vòng tay ôm lấy thân cây. Tôi ngước nhìn lên thấy anh qua kẻ lá mà không dám nghĩ đến sự rủi ro.

Việc đầu tiên là anh tìm hái những quả già  quanh chỗ đứng bỏ vào oi. Cây nổ này khá sai nên chỉ một chốc anh đã hái được lưng oi quả. Anh hướng xuống dưới bảo: 

- Thằng Thái tránh xa gốc cây ra. Khi mô eng ngừng đập thì hãy vào lượm!

Tôi vừa lui ra thì đã nghe tiếng rơi lộp bộp, lộp bộp. Ngước nhì lên tôi thấy anh đang cố vươn cái sào ra xa đập mấy chùm quả phía ngoài.

Khi anh ngừng đập tôi vội xách cái thúng vào nhặt. Chỉ mấy lượt đập của anh mà quanh gốc quả đã rơi dày thành vòng tròn rộng. Tôi gọi anh xuống vì đã đầy thúng. Anh nhìn thúng nổ đầy mà nét mặt có vẽ thoả thuê. Hai anh em ngồi ngay dưới  gốc nghỉ giải lao. Anh hỏi tôi:

- Thằng Thái có biết răng lại gọi lùm cây ni là lùm mộ tổ không?

1

Thấy tôi ngớ người không nói gì, một lúc sau anh bảo:

- Trong lùm ni có mộ ông tổ chi họ Lương Duy mình, mộ ông tổ chi họ Lê Duy là hai chi họ to nhất làng nên người ta quen gọi lùm cây ni là lùm mộ tổ.

Rồi anh kể cho tôi nghe chuyện các ông già bà cả kể lại, ngày trước lùm mộ tổ rộng hơn, có nhiều cây cối hơn, thỉnh thoảng vẫn có con beo con cọp về bắt lợn, bắt bò tha vào vào đây ăn. Dân làng phải huy động đàn ông, trai tráng mang theo giáo mác, tù và, phèng la vào đuổi nó mới chịu chạy vào đường tàu hoả để vào hung Tắt. Trãi qua nhiều đời dân làng ngày thêm đông nên người ta phá dần lùm cây để trồng lúa trồng khoai. Giữa hai dòng họ Lương Duy và Lê Duy thỉnh thoảng vẫn xảy ra đánh nhau vì tảo mộ nhầm. Cách đây mấy năm, khi đi tảo mộ cùng các ông trong họ, bản thân anh cũng phải chạy bán sống bán chết vì bị họ Lê Duy rượt.

Thấy tôi muốn biết hai ngôi mộ tổ hiện nằm ở đâu, anh nói:

- Hai ngôi mộ rất to, nằm gần sát nhau. Ngày trước cả hai ngôi đều bị lùm cây bao phủ nên mới có chuyện tảo mộ nhầm chớ. Chừ lùm bị người ta phát dần để lấy đất trồng trọt nên cứ đi theo ruộng khoai ni xuống phía đồng Chăm là gặp hai ngôi mộ đó.

Cũng may, khoảng cuối năm1956 thì trên họ biết những sai lầm gặp phải trong giảm tô, cải cách ruộng đất. Làng xóm, với cuộc sống bình thương, dần dần đã lấy lại nếp xưa. Nhà ông Cửu giờ còn ba chị em tần tảo nuôi nhau. Bà con trong chi họ quyết định cho ba chị em o Tính làm đám ruộng trước cửa nhà thờ. Tôi nhớ năm đầu tiên chú Quyền mượn bò về cày bừa rồi tròng ngô, trồng bông. Cày cuốc được mấy vụ, cộng thêm cái tháo vát chợ búa của o Tính nên đã mua được con bò nhở về để chú Niệm đi chăn. Nhà tôi lúc này cũng đã mua dược bò nên tôi và chú Niệm mỗi khi đi chăn bò là gọi nhau đi cùng.

1

Một hôm tôi thấy các ông trung niên rủ nhau ra hội trương của xóm để họp. Chiều hôm ấy tôi và chú Niệm cho bò về sớm, khi ngang qua hội trường thì thấy cuộc họp vẫn chưa kết thúc. Không biết các ông bàn chuyện chi mà cuộc họp có vẻ căng thẳng. Rất nhiều ý kiến phát biểu găng nhau, có khi như cải nhau. Tôi và chú Niệm nán lại, cho bò ăn quanh để nghe các ông bàn chuyện chi. Thấy ông mẹt Liêu đứng lên nói:

- Các oông đã bàn hết lẽ, chừ tui xin thêm ý kiến ni. Ai cũng biết xóm ta chừ người đông, ruộng ít. Nếu các oông quyết tâm phá lùm mộ tổ để lấy đất trồng trọt thì tui tính ta phải bàn qua với các cụ trong xóm Bàu. Lùm mộ tổ tuy nằm trong địa phận của xóm ta nhưng cũng có xen cả đất của xóm Bàu đó. Vả, khi ta chặt hết cây đi thì khi lụt về nước sẽ xói hết màu mỡ của đồng Tiền Miệu thì không khéo lợi bất cập hại đó. tui xin các oông bàn kỹ lại!

Ông mẹt Liệu nói xong cuộc họp có vẽ lắng lại. Một lúc sau mẹt Lự, người hình như có chân trong chính quyền xã vì hồi giảm tô, cải cách thấy ông hoạt động hăng lắm, đứng lên nói:

 - Việc phá lùm mộ tổ để lấy đất trồng trọt là việc cần thiết. Ai cũng biết xóm ta vì thiếu ruộng nên hằng năm có nhà thiếu ăn đến 1 – 2 tháng. Nếu có thêm diện tích khai phá từ lùm mộ tổ để chia cho bà con thì tui chắc cảnh thiếu đói hằng năm sẽ giảm đi. Từ  trưa đến chừ các oông đã có nhiều ý kiến, bàn đi bàn lại nát nước rồi, chừ tui nghĩ không nên tranh cải nữa. Chừ ta lấy biểu quyết. Ai đồng ý phá lùm mộ tổ lấy đất trồng trọt thì giơ tay, ai không đồng ý thì không giơ tay.

Mẹt Lự nói xong thì nhiều cánh tay giơ lên, người không giơ tay chỉ có ông mẹt Liệu, ông cu Phúc và một vài ông ở xóm trong. Mẹt Lự tỏ ra hoan hỉ vì ý kiến của mình được đa số đồng tình. Người ta bầu ra ban chỉ đạo việc phá lùm mộ tổ do mẹt Lự chỉ huy.

Khoảng tuần sau thì việc phá lùm mộ tổ  bắt đầu. Hôm ra quân tôi thấy mẹt Lự dẫn đầu một  đoàn gần chục ông ở xóm ngoài. Trên vai ai cũng có cai rìu, con dao rựa, ngang lưng thì đeo mo cơm, quả bầu nước. Đoàn người thẳng tiến vào lùm mộ tổ, vừa đi vừa nói cười vui vẻ. Họ ra đi từ sáng sớm, khi mặt trời chưa lên. Người ta phải tranh thủ khi trời còn mát vì việc chặt cây phá rừng là việc nặng nhọc. Ông mẹt Liệu, ông cu Phúc và những người không giơ tay hôm trước không có mặt trong đoàn người đi phá lùm mộ tổ.

Chiều hôm ấy tôi vừa cho bò về đến đầu xóm thì thấy có 3-4 người cáng một người nằm trên võng từ lùm mộ tổ đi vào xóm. Tôi cho bò  lại gần cái cáng xem là ai nhưng vì người ta phủ một cái vỏ chăn ra ngoài võng nên không nhìn được. Muốn hỏi mấy người khiêng cáng nhưng thấy ai cũng lầm lầm lỳ lỳ, đầy vẻ mệt mỏi nên lại thôi.

Tôi vội  đập bò đi nhanh vào chuồng rồi chạy ngay sang nhà  chú Niệm. Vừa ra đến ngõ thì thấy chú Niệm cũng đang tất tả chạy sang nhà tôi. Từ dằng xa đã nghe tiếng chú:

- Mi biết chưa, mẹt Lự chặt cây lim thần trong lùm mộ tổ nên bị thần vật, lưỡì rìu văng trúng chân, chẻ đôi xương ống chân rồi. Tau đã bảo mà, cây trong lùm mộ tổ toàn là cây thiêng, thích chặt phá thì bị thần vật cho là phải!

Từ  đó cho đến đêm nhà ông mẹt Lự thỉnh thoảng lại có người ra ra vào vào. Vợ ông mời mấy ông thầy lang đến chạy chữa cho chồng nhưng mỗi ông nói một phách nên chân ông vẫn bó nẹp nằm bất động. Sáng hôm sau có người mách nên vợ ông tất tả đi lên xóm Thượng Phủ mời được ông thầy lang già có tiếng chữa xương khớp giỏi. Ông ta mở nẹp chân ông mẹt Lự ra xem xem xét xét rồi bảo phải kiếm cho ông một con gà mới nở đen tuyền, chân cũng phải đen, ông sẽ giả nhỏ con gà đem bọc vào cành dâu bánh tẻ rồi nướng lên, bó chặt vào chân ông mẹt Lự, một tháng sau sẽ đi lại được.

Ông mẹt Lự bị tai nạn nhưng lùm mộ tổ vẫn bị chặt phá. Tôi và chú Niệm môt lần vào thả bò ở đồng Chăm có đi ngang qua đó thấy cây cối bị chặt hạ ngổn ngang, người ta đang cho xe trâu, xe bò vào chở gỗ về. Những cây gỗ quý, thân to cỡ cột nhà được chở thẳng xuống đình làng, nghe bảo để sửa lại gian hậu đình. Suốt cả tuần cứ nghe tiếng cót ca cót két của xe trâu, xe bò là biết chắc đang chở gỗ ở lùm mộ tổ.

Hơn tháng sau, một lần chú Niệm rủ tôi vào lùm mộ tổ hớt ngọn lúa về cho bò ăn. Thấy tôi lưỡng lự, chú nói:

 - Mi chưa biết, trong đó người ta vại ló cách đây mấy tháng rồi, chừ ló tốt lắm. Bọn ta vào đó hớt ngọn để hãm lại mới mong ló không bị lốp chớ!

Tôi vội tìm cái sọt, lấy cái liềm đi theo chú  Niệm. Qua cánh đồng phía ngoài trước mắt tôi là  một đồng lúa xanh tốt đến kỳ lạ. Chắc những thứ mùn do lá mục lâu năm đã tạo nên một lớp đất màu đen tơi, xốp rất thích hợp với cây lúa. Chúng tôi không hớt ngọn mấy vạt lúa phía ngoài mà vào hẳn giữa đồng mới hớt. Lá lúa tuy trâu bò có ăn nhưng có vẻ không thích cho lắm. Con bò nhà tôi có lần ăn lá lúa bị nghẹn, cứ dài cổ lè lưởi ra mà thở, tôi phải vừa vuốt vuốt dọc cổ vừa bắt nó nằm xuống một chốc mới khỏi.

Tôi mới hớt được lưng sọt đã muốn thôi bèn gọi chú Niệm để về. Chú Niệm đã hớt được một sọt đầy có ngọn, tém hai bên rất chặt. Tôi phải công nhận chú khéo tay, làm gì cũng nhanh, bố trí rất đẹp. Chú quàng hai dây sọt vào vai đi lại chỗ tôi. Vừa thở hỗn hển, chú vừa nói:

- Mi thấy chưa, ló tốt ra ri mà không hớt ngọn thì mần răng mà không bị lốp. Mai ta hẹn thêm con Nhạn, trâu nhà hắn cũng hay ăn lá ló lắm.

Con Nhạn cùng học lớp với tôi và chú Niệm. Chắc nó hơn tôi khoảng một tuổi nhưng nom phổng phao, cao hơn tôi gần nữa cái đầu. Ngực nó nở căng, cặp vú thây lẩy nhô cao sau tà áo nâu mỏng làm tôi nhìn thấy cứ rạo rực cả người. Phải nói ở lứa tuổi 14, 15 mà cơ thể nó đầy hấp dẫn.

Nhà  con Nhạn cạnh nhà thầy giáo tôi. Nó là chị họ của thằng Vỵ nhưng thằng Vỵ ít khi gọi nó bằng chị. Bố con Nhạn đúng là một “lão nông tri điền”. Ông rất nóng tính, trong nhà vợ con phải chấp hành sự phân công của ông một cách tuyệt đối. Con Nhạn và...

Tác giả bài viết: Lương Duy Thái
Từ khóa:

Lương Duy Thái

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 14
  • Hôm nay: 1826
  • Tháng hiện tại: 17183
  • Tổng lượt truy cập: 8436654

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net