1
  • image
  • image
  • image
  • image
09:24 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Phận thấp hơn bùn

Đăng lúc: Thứ hai - 28/05/2012 03:52 - Người đăng bài viết: bientap01
Bà Trần Thị Thảo ôm cây cột nhà còn lầy bùn đất, khóc ngặt nghẽo, tức tưởi như không thể nào vượt qua được nỗi đau mà bà đang gánh chịu. Cả làng Lệ Sơn này không lạ cảnh tượng ấy. Bà Thảo đã khóc đến mờ cả mắt.

Phận thấp hơn... bùn
 

Lũ qua, tay trắng, nhà xiêu vẹo là thảm cảnh chung của cả vạn người dân vùng lũ miền Trung. Nhưng với bà Thảo không phải là nỗi toan lo lớn nhất. Bà khóc vì đứa con thứ ba của mình đậu đại học mà không có tiền để đến trường. Bùn non vùi lấp cả làng quê, lấp những đám rau má - nguồn mưu sinh và ky cóp nuôi 2 đứa con khác đang dở dang ở Đại học Huế. Bà Thảo khóc vì cả làng hiếu học để có trên 30 tiến sĩ, hơn 1.000 nhà giáo, hàng trăm kỹ sư, cử nhân, mà con mình giờ phải chịu thất học vì thiếu tiền...

Sau khi lũ rút 2 ngày, tôi băng gần 100 cây số để trở lại huyện miền núi Tuyên Hoá, Quảng Bình, mục đích chính là tìm đến xã duy nhất của huyện này lạc lõng ở bờ nam dòng sông Gianh. Cả huyện Tuyên Hoá đều nằm ở thượng nguồn, phía tây bắc của dòng sông - tiếp giáp với Hà Tĩnh, nhưng có lẽ phải “gánh” thêm xã Văn Hoá phía bờ nam là vì nó ẩn dật tận hốc núi đá vôi, đủ tiêu chuẩn... miền núi. Nhưng thú thật cũng một phần vì tôi tò mò cái tên xã “Văn Hoá" mà không phải xuất phát từ ngẫu nhiên địa danh.

Thất học ở làng tiến sĩ

Vừa thoát con đò ngang phỏng phiêu qua dòng sông Gianh còn cuộn đỏ, bước chân lên bến Cảnh Dương, tôi hoang mang trước bãi bùn lầy ngập kín cả làng quê vốn chỉ cỏ dại và núi đá. Choáng hơn là khi ông Bí thư Đảng uỷ xã Lương Xuân Quế dắt tôi đến nhà bà Trần Thị Thảo ở làng Lệ Sơn - một “điển hình” của sự thương tâm, “hình mẫu” của nạn nhân lũ lụt. Chưa kịp chào khách, bà Thảo đã ngã quỵ xuống nền nhà còn loang lổ bùn đất, ôm cây cột trơn nhẫy, khóc gào lên thảm thiết. Bà quá xúc động vì có sự thăm hỏi, động viên đầu tiên sau khi lũ rút. Ngoài cái giường trơ sạp, trong căn nhà liêu xiêu sắp sập ấy không còn bất cứ một cái gì đáng giá hơn, nhưng bà Thảo lại quặn lòng là vì thương con - thằng út Lương Việt Hùng.

Hàng ngàn trẻ hiếu học ở Văn Hóa phải phỏng phiêu vượt sông Gianh mỗi ngày.
Hàng ngàn trẻ hiếu học ở Văn Hóa phải phỏng phiêu vượt sông Gianh mỗi ngày.

Giấy báo nhập học Trường Đại học Nông lâm Huế của Hùng đã khép hạn từ ngày 26.9, nhưng đến bây giờ nhà không có được lon gạo, huống gì góp được bốn triệu rưỡi riêng tiền nhập học cho em? Cổ họng tôi như nghẹn cứng lại, chỉ biết đứng lặng nghe sự hẩm hiu, thiếu thốn vây quanh căn nhà bé nhỏ, tội nghiệp này. Trưởng Công an xã Lê Dũng Nhân phá không khí nặng nề bằng thông tin... não lòng hơn. Rằng, gần mười năm nay, kể từ ngày chồng chết, bà Thảo một mình vật lộn với ruộng cằn, lo kiếm từng nồi cơm, nuôi 3 con ăn học.

Chỉ riêng tiền đò cho 3 đứa vượt sông Gianh qua trường cấp 3 Lê Trực đã mất 1 triệu đồng mỗi năm. Nồi cơm lúc nào cũng hai phần ba là sắn lát, củ sốt trên rừng. Rồi 2 đứa con gái đầu lần lượt vào đại học. Bà Thảo tong teo theo năm tháng. Chiều nào tan đồng, người Lệ Sơn cũng thấy bà còn vật vờ tận hốc núi, mót hái từ lọn rau má để ky cóp tiền gửi vào thành phố Huế nuôi con. Lũ qua, bùn đất lấp cả làng, rau má còn đâu. Bà toan lo cho con Lương T.Ng đã là năm cuối của ĐH Khoa học Huế thiếu tiền đi thực tập, sợ con Lương T.H đứt gánh giữa năm thứ ba ở ĐH Sư phạm Huế...

Đường lầy phía sau

Thấy mẹ vì quá thương mình mà ngặt nghẽo khóc kể, thằng Hùng cầm chặt tay bà, mặt cười hiền như mếu: “Mẹ thôi đừng khóc nữa, các chú ấy chỉ hỏi thăm thôi mà...”. Nó nói: “Cũng may mà em không có tiền nhập học, chứ vô trường rồi, đêm lũ ập lút nóc nhà, một mình mẹ chắc khó thoát nạn với đôi  mắt đã nhập nhoè...”.

Tôi không tin rằng ở một đất nước đang phát triển như thế này lại có người học giỏi không được đến trường, nên hứa chắc với mẹ con Hùng: “Chú sẽ tìm nguồn vận động cho cháu có tiền nhập học, sẽ dần lo khoản học phí mỗi năm. Nhất định cháu phải đến trường”. Tôi móc sạch ví mình, cũng chỉ còn đúng 1 triệu đồng, bảo Hùng cầm lấy mà vào Huế, chú sẽ gửi đủ tiền cho cháu nhập học ngay. Thấy gia cảnh Hùng như vậy, đồng nghiệp tôi - Lê Phi, Báo Pháp luật TPHCM - run tay vì xúc động, cũng dốc túi mình cho Hùng làm lộ phí.

Bà Thảo khóc nấc đã đành, thằng Hùng cũng rơi lệ vì có lời động viên, hướng mở cho nó nối lại giấc mơ đại học, nhưng nó không nói được một lời, tay cứ nắm chặt mẹ. Nhìn người mẹ già của nó mỏng manh bên ngổn ngang bùn đất kia, tôi cảm nhận được một phần nào tâm trạng của Hùng. Nếu có tiền, đặt một chân trên con đường bêtông qua làng bên kia, phía trước là tương lai, là cánh cổng trường đại học đang chờ, nhưng với Hùng, phía sau mới là nỗi buồn lo vô tận.

Gia cảnh tựa như ngôi nhà trống trơ, xiêu vẹo của em trên đống hoang tàn bùn đất. Bà mẹ mắt mờ, gầy nhom chống tay bên bờ dậu lấm lem, nhoà lệ mừng vì con lại được đến trường, nhưng “khoảng trống” sau nỗi toan lo cơm áo gạo tiền nén trong lòng bà thì không ngôn từ nào có thể đo đếm được. Hùng sẽ chênh vênh trên con đường vào đại học. Kể cả khi Hùng có đủ tiền nhập học, một thân bà Thảo ở lại đất nghèo có trụ vững được qua những mùa dông bão, có tìm đủ tiền chu cấp cho cả 3 đứa con trong thành phố. Không thể rút lại lời hứa, nhưng tôi thấy ái ngại cho tương lai con đường học của Hùng.

Nét thất thần của mẹ con bà Thảo sau trận lụt lịch sử. Anh: Thanh Hải
Nét thất thần của mẹ con bà Thảo sau trận lụt lịch sử. Anh: Thanh Hải

Thiếu một lèn núi

Bí thư Đảng uỷ xã Lương Xuân Quế cho biết, hiện cả xã Văn Hoá có trên 30 gia đình đang nuôi 2 - 3 con học đại học. Một xã thuần nông, đất đai vừa cằn xấu, lại vừa thiếu, đời sống kinh tế của bà con hầu hết đều khó khăn. Tuy vậy, đây là mảnh đất hiếu học từ ngàn đời nay nên ai cũng cố gắng hết sức mình để cho con cháu được đến trường. Ông Quế tự hào, ở đất “tứ danh hương” Sơn - Hà - Cảnh - Thổ (là các thôn Lệ Sơn, thôn Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạ từ xưa đã quan niệm rằng “nong vàng không bằng sàn chữ”. Nhiều trường hợp có ba đến năm, sáu đứa con vào đại học. Như ông Lê Đức Thuận ở Trung Làng đã bán nhà và một phần vườn để cho 5 con được học đến nơi đến chốn. Ở thôn Đình Miễu, có ông Lê Vĩnh Sinh bị mù cả 2 mắt, vợ - bà Trần Thị Xuân - thì bị cụt tay nhưng cũng đưa cả 3 đứa con qua được đại học...

Xã Văn Hoá chỉ 3.500 nhân khẩu nhưng đã có trên 1.000 nhà giáo đi dạy học khắp nơi trên cả nước, hơn 30 giáo sư, tiến sĩ, 600 cử nhân, kỹ sư... Ông Quế kể tên những gương mặt học rộng tài cao điển hình của làng hiện nay như 2 anh em ruột, nhà nghiên cứu lịch sử danh tiếng GS-TS Lương Duy Trung, Lương Duy Thứ, GS - TS Lương Duy Thuế ở ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà biên khảo lịch sử - PGS-TS Lê Thị Thanh Hoà, GS-TS Lương Vĩnh An ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng, GS-TS Nguyễn Tư Thế ở Bệnh viện Trung ương Huế... Vinh hạnh cho xã Văn Hoá này là quê hương của vị quan đương kim đầu tỉnh Quảng Bình - GS-TSKH Lương Ngọc Bính - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình.

Tuy vậy, lão làng Phạm Ngọc Bích lại tiếc rẻ cho quê hương nghèo của mình. Ông nói, xã Văn Hoá mà gốc là làng Lệ Sơn này là mảnh đất văn vật. Người dân bao đời lấy việc học làm thước đo của sự thành đạt. Lệ khuyến thổ điền cũng chỉ để kích thích việc học hành cho con cháu. Dòng sông Gianh uốn lượn thành hình vòng cung, ôm ấp quanh làng là lèn núi Vải vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, nhưng là đất nghèo. Núi Vải có 99 ngọn cao vút, nhọn hoắt. Truyền thuyết kể rằng, từng có 100 con đại bàng về chầu ở vùng non sông kỳ thú này, nhưng rất tiếc thiếu mất 1 lèn núi cho con đại bàng thứ 100. Bởi vậy, dẫu có nhiều người tài cao, học rộng, nhưng họ đều bỏ quê mà ra đi. Ông Bích chép miệng, giá mà có thêm 1 lèn núi, Văn Hoá chắc không còn cảnh đò ngang phỏng phiêu, ngập ngụa bùn đất mỗi mùa mưa lụt. Còn tôi thì nghĩ rằng, chính vì cám cảnh ở vùng đất nghèo mới là động lực mạnh nhất để người dân cho con học hành, bắc cầu đến những vùng đất hứa khác, qua nhiều đời đã trở thành truyền thống hiếu học.

Chúng tôi đều ngả mũ, kính nể sự hiếu học và thành danh của con em vùng đất này, nhưng nhìn cảnh mẹ con Hùng ôm nhau ngồi khóc trong căn nhà rệu rã sau lũ mà thấy hụt hẫng lòng. Tôi chợt giận những người thành danh kia, họ đã ấm thân ở các thành phố lớn, có chút xót thương nào về những con đường đất gập ghềnh ở quê. Có thấy lo sợ cho hàng ngàn trẻ em, vì noi gương hiếu học của họ mà lên đò vượt sông theo học mỗi ngày. Có biết còn nhiều người như Lương Việt Hùng đã bước rẽ qua một ngả đường khác chỉ vì thiếu 4,5 triệu đồng nhập trường đại học... Đường về, tôi căng mắt nhìn những bãi bồi hốc núi mà chẳng nhìn thấy sót vạt rau má nào. Nghĩ đến gia đình bà Thảo mà lòng ngổn ngang như Quảng Bình sau ngày cơn lũ đi qua

Tác giả bài viết: Thanh Hải
Từ khóa:

chị Thảo

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 893
  • Tháng hiện tại: 51055
  • Tổng lượt truy cập: 8006338

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net