1
  • image
  • image
  • image
  • image
14:14 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Làng tui không sợ lụt...

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/11/2012 04:54 - Người đăng bài viết: bientap02
Với người Lệ Sơn, lũ lụt không đáng sợ như người ta hình dung. Bởi họ có kinh nghiệm sống chung với Thủy Tinh do cha ông truyền lại.
Chúng tôi có mặt ở làng Lệ Sơn (tên thường gọi của xã Văn Hóa), huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình - làng nằm bên hữu ngạn dòng sông Gianh - giữa hai trận lụt.

Trên con đường làng, có dăm ba đứa trẻ dong trâu, bò từ ruộng về vườn. Chúng tôi hỏi: “Nghe nói là ở đây, lụt (lũ) đến thì cho trâu bò lên núi, sao mưa to lại cho bò về nhà?”. Một cậu bé cười, giải thích: “ Lúc nào áng chừng nước sẽ lên rất to, có thể đến mái nhà thì sẽ có trống làng đánh báo cho biết mà cho trâu, bò lên núi. Còn lụt vừa vừa, trâu, bò, lợn, gà đều có “chuồng tránh lũ” để ở, có sẵn thức ăn. Không cần phải đi đâu hết....”.

 
Chuồng trâu bò được xây lên cao và làm cầu thang đi lên tránh lũ
Chuồng trâu bò được xây lên cao và làm cầu thang đi lên tránh lũ
Đường làng được bê tông hoá, cao hơn vườn, ruộng hẳn một bậc chân bước, dọc ngang như ô bàn cờ và nối dài ra đến cánh đồng. Mưa to, nước ngập ruộng, ngập vườn rồi nhưng người và trâu, bò vẫn có thể theo những đường liên thôn này đi lại mà không sợ nguy hiểm.

Gia đình chị Trần Thị Tưởng, thôn Trung Làng đang diễn ra cảnh “tập dượt” cho bò, lợn chạy lụt. Chồng chị Tưởng từ sáng tới trưa đã dắt bò lên xuống “chuồng tránh lũ” cả chục lần và rút sẵn rơm khô để sẵn cho bò ăn tránh lụt phòng khi nước lên lâu ngày, không có cỏ. (Cây rơm Lệ Sơn cũng không giống với những cây rơm ở nơi khác. Nó vừa có 3 chân cao hẳn lên để tránh ngập nước, vừa được nhồi chặt để trữ được nhiều rơm. Trời mưa nhưng lớp rơm được ủ bên trong vẫn khô ráo).

Những chuồng trâu, bò được làm hai tầng mỗi khi lũ về bắc cầu thang đưa lên tầng hai ở
Nếu gia đình nào không có "chuồng tránh lũ", khi nghe tiếng trống thúc, họ sẽ mở cửa chuồng sẵn thế này để bò tự chạy lên núi
“Chuồng tránh lũ” cho gia súc, gia cầm ở đây được xây cao ngang bằng với nhà ở và có nhiều ngăn, có đường dốc bằng xi măng đủ để 4 chân của bò có thể leo lên thoải mái. Trâu, bò, lợn, gà đều có ngăn riêng. Chồng chị Tưởng chỉ vào rổ khế chua vừa hái ở vườn xuống nói: “Bò, bê mà ăn rơm khô lâu ngày, không có cỏ tươi dễ bệnh bị lở mồm, long móng. Cho chúng ăn khế chua sẽ ngừa được bệnh này. Đây là kinh nghiệm người xưa để lại...”.Chị Tưởng thái hai thân cây chuối, băm nhỏ, trộn sẵn cám, đổ ra cả hai chậu lớn, bê ra đặt gần “chuồng tránh lụt”. Chị nói, chừng đó thức ăn đủ để lợn ăn đủ mấy ngày lụt...

"Soạn lụt"

Quanh làng, ngoài vườn, tre kèn dày, dựng thành lũy chắn bão, ngăn đỡ dòng nước chảy xoáy của lũ lụt. Sau mỗi trận lũ, lụt, người ta dễ dàng hình dung ra dòng nước chảy xiết thế nào khi nhìn các rặng tre bị quằn quại oằn mình đến mức nào.

Vườn và đường làng của làng Lệ Sơn được rào kín mít, khó có một con gà chui lọt. “Hồi trước, có một trận lụt to, nhà tui (tôi) bị trôi hết chum, lọ. Nhưng nhờ có hàng rào này giữ lại, hết lụt, cha tui lại tìm thấy mấy cái đồ dùng đó ở góc vườn” - ông Lương Duy Lộc, người thôn Phúc Tự kể.

Ở thôn Trung Làng, chúng tôi bắt gặp ông Lê Dần đang hí hoáy bọc kín miệng mấy chum nước mưa để giữa sân. Ông giảng giải: “Vào mùa lụt, chúng tôi cho nước vào chum và dùng dây cao su cùng bao ni lông buộc lại. Do đó nước lũ không tấn công được vào chum và lụt đi qua có nước sạch sinh hoạt. Nhờ vậy, người làng này không mắc phải các dịch bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ... vẫn thường xảy ra sau lũ”.

Đến mùa mưa lũ người dân Văn Hoá cho nước vào chum, sau đó dùng dây cao su và bao bóng buộc kín và mỗi đợt lũ đi qua có nước sạch sinh hoạt
Đến mùa mưa lũ người dân Văn Hoá cho nước vào chum, sau đó dùng dây cao su và bao bóng buộc kín và mỗi đợt lũ đi qua có nước sạch sinh hoạt
Từ ngoài đường làng, muốn vào nhà, phải leo khoảng 20 bậc thang xi măng. Nhà nào của làng Lệ Sơn cũng xây móng cao. Dù có tường bao thì trong nhà đều có cột, kèo làm bằng gỗ tốt và bền. Vì vậy mà qua nhiều trận lũ lớn, không nhà nào bị sập hay hư hỏng nặng như ở nhiều làng khác.

... Khi nước ở sông dâng cao, tràn vào vườn, leo lên sân thì trưởng thôn đánh 2 hồi 3 tiếng trống báo hiệu và hối thúc “soạn lụt” ( dọn lụt) từ dưới đất lên tra. Trống khuyến học thì nhiều làng có, nhưng trống “soạn lụt” thì chắc chỉ làng Lệ Sơn mới có. Khi được báo lũ, trâu bò nhà nào không có “chuồng vượt lũ” sẽ được thả ra, nghe tiếng trống là chúng tự động chạy theo con đường mòn  của làng mà lên lèn trú ẩn...
 
Với phương pháp “nhảy cóc” nước lũ lên đến đâu người dân dùng dây cột tài sản lại
Với phương pháp “nhảy cóc”, nước lũ lên đến đâu người dân dùng dây cột tài sản lại

Nước lên nhanh, nhà nhà hối hả soạn lụt. “Gấp như soạn lụt”. Trống càng thúc liên hồi chứng tỏ nước đang lên nhanh. Đến hồi trống thứ 3, người trẻ, khỏe như vợ chồng chị Tưởng bắt đầu giữ thang, đỡ cha mẹ già và con nhỏ lên tra trước. Sau đó hối hả dọn từ cái nồi, cái chảo, cái chổi, cái cuốc lên tra...

Bếp lửa trên tra gỗ ngày lụt

Nhà ở làng Lệ Sơn không thể thiếu cái tra (gác gỗ). Cái tra vừa là chỗ cất giữ tài sản của gia đình, vừa là nơi an toàn tránh lụt. Tra cũng có thứ bậc: Tra thượng, tra hạ và tra hạ thứ. Tra hạ thứ là tra thấp nhất, dùng để cất giữ công cụ sản xuất và những vật dụng khác của gia đình. Tra hạ để bếp lửa, chum nước, các loại thực phẩm và đủ chỗ cho người nhà sinh hoạt khoảng 5 ngày. Tra thượng ở gian giữa, sát nóc nhà, là nơi cất giữ thóc giống và các vật dụng quý . Đó cũng là nơi giành để cỗ áo quan cho những người già trên 70 tuổi trong gia đình.

Mỗi nhà dân ở xã Văn Hoá đều làm những cái tra (gác xép) và mỗi khi lũ về thì chuyển tài sản lên cao.
Mỗi nhà dân ở Lệ Sơn đều làm những cái tra (gác xép) và mỗi khi lũ về thì chuyển tài sản lên cao.
Thường thì, khi nước lên quá giường nằm, cả nhà và vật dụng đã yên chỗ trên tra. Bếp lửa được đặt trong một cái khay đắp đất sét đã khô, có sẵn kiềng sắt ba chân. Phụ nữ Lệ Sơn chu đáo thường không quên lời dạy từ đời này qua đời khác phải chuẩn bị sẵn trên tra mấy túm bẹ ngô phơi khô để nhóm lửa. Dù rằng thời nay ở đâu cũng có sẵn nến nhưng nhà có người già như chị Tưởng vẫn có và cây đèn dầu, chai dầu hỏa và mấy cái bấc đèn dự phòng.

Trên tra của người Lệ Sơn lúc nào cũng có đủ lạc khô, vừng khô, cá khô và bí ngô, bí xanh và tất cả mọi gia vị để có thể làm bữa cơm đãi khách dù nước đang chảy dưới chân, ngay trong lòng nhà... Nếu không nhìn ra sông hoặc không thấy sợ hãi khi nghe tiếng trống lụt thúc liên hồi báo nước vẫn lên cao sẽ thấy vô cùng thú vị khi ngồi bên bếp lửa trên tra nghe mùi vừng, lạc rang thơm nức và trã than bên cạnh đang có nồi khoai khô nấu nếp vừa chín tới...
 
Người dân nấu ăn trên tra
Bà Lâm đang nấu ăn trên tra
Làng Lệ Sơn có rất nhiều người già ở một mình vì đa số con, cháu đi thành đạt đã yên bề gia thất ở Hà Nội, Sài gòn, Huế, Đồng Hới. Nhà bà Lê Thị Lâm ở thôn Phúc Tự (giữa làng) có 8 người con nhưng chồng mất sớm, con ở xa, năm nay 84 tuổi, đã trải qua 20 mùa lụt một mình. “ Có sao đâu, quen rồi. Lụt thì lên tra thôi mà” - bà cười cười, nói vậy.

Bà Lâm kể, mùa lụt, mọi đồ dùng quan trọng đã được hàng xóm, họ hàng bỏ lên tra trước. Cứ mưa to là bà chuẩn bị hai chai nước thật to bỏ lên tra. Bà không nấu bằng củi mà chuẩn bị hai túi than bỏ vào chậu nhôm. Nước vào đến nhà là bà ung dung ôm chăn màn và cầm bật lửa, leo thang, lên tra...

Các cụ già nói lũ lụt ở làng Lệ Sơn năm nào cũng có, nhưng lụt lớn như năm ngoái thì dễ đến trăm năm mới có một lần. Trong trận lụt này, cả tỉnh Quảng Bình có 72 người chết và mất tích nhưng những người dân Lệ Sơn ở rốn lũ vẫn an toàn. Tất nhiên, ngoài việc người dân nơi đây quen “sống chung với lũ” thì còn nhờ những con thuyền chài và những vạn chài ven sông luôn sẵn sàng và quen cứu hộ...

Nhưng điều đáng nói nhất là, với người Lệ Sơn, lũ lụt không đáng sợ như người ta hình dung. Bởi họ có kinh nghiệm sống chung với Thủy Tinh do cha ông truyền lại. “Xưa bày, nay làm mà hiệu quả” - người Lệ Sơn nói vậy.
Tác giả bài viết: Hồng Hiếu - Đắc Thành
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Lưu Bình - Đăng lúc: 03/10/2013 20:23
Lệ Sơn kiên cường thế này đây các Bọ a.
Không sơ lụt, koong sợ bão, chỉ sợ lòng người đổi thay.
Cảm ơn tác giả đã mang đến bài viết thực, tôn lên lòng quả cảm của bà con Lệ Sơn
Avata
Lê Trực - Đăng lúc: 09/11/2012 08:10
Lệ Sơn hiên ngang và tồn tại được với lụt lội nhờ nhiều thứ:
- Tinh thần quả cảm
- Sự đoàn kết, xóm trên xóm dưới tương trợ nhau
- Kinh nghiệm từ xa xua đúc kết.
Thương lắm Lệ Sơn ơi

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 1200
  • Tháng hiện tại: 51362
  • Tổng lượt truy cập: 8006645

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net