1
  • image
  • image
  • image
  • image
04:03 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 5 - Hết)

Đăng lúc: Thứ năm - 25/09/2014 07:22 - Người đăng bài viết: bientap02
Giới thiệu tập hồi ký dài kỳ viết về cuộc sống, sinh hoạt của bà con Làng Lệ Sơn và vùng chiến khu Tuyên Hoá trong quảng thời gian trước và sau 1954 của tác giả Lương Duy Thái. Ông là em trai của GS.Lương Duy Thứ và PGS. Lương Duy Trung. Đây là món quà mà tác giả dành tặng cho quê hương thân yêu nơi đã từng gắn bó với tuổi thơ nhiều kỷ niệm
Bài viết kỳ trước đã đăng:
1. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 1)

2. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 2)
3. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 3)

4. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 4)
   
Ông bà tôi nuôi nhiều gà, ông huấn luyện gà cứ nghe ba tiếng mõ tre là chạy về tập trung ở cửa chuồng. Mỗi lần thấy ông cho gà ăn là tôi cứ thập thò ở cửa đưng nhìn. Có lần ông bảo tôi thích con nào thì ông cho, tôi chỉ ngay mấy con gà giò cộc đuôi  đang đá nhau giành ăn. Trong đàn gà của ông có con gà mẹ đang nuôi con. Con gà mẹ khá to, dáng thấp, đẻ và nuôi con rất tốt, ông rất quý. Nó có cái mào đỏ tươi vớimàu lông nâu sậm rất dễ lẫn  màu đất. Nó hay bới đất ở các gốc chuối tìm giun dế cho con. Một lần nó dẫn đàn con bảy tám con cở nắm tay ra đám cỏ trước nhà. Lũ gà con chắc được ra chơi ở đám cỏ rộng nên hứng chí chạy lăng quăng. Con gà mẹ muốn lũ gà con ăn quanh quẫn để dễ bảo vệ ; mỗi khi thâý con nào chạy ra xa là nó liên tục kêu túc…t.. r..úc. Bất ngờ con diều hâu đang nuôi con trên ngọn cây xoài trong vườn bác mẹt Lân bay vút ra, lao xuống quắp một con gà con bay lên. Con gà mẹ dựng cả lông cổ lên, xòe cánh ra, vừa kêu “ qu…ác q…uac”, vừa vỗ cánh phần phật vút theo con diều hâu để cứu con. Con gà con bị quặp chặt trong bộ móng vuốt của con diều hâu cứ chiếp … chiếp thất thanh gọi mẹ. Bình thường thì diều hâu là loài chim có tốc độ nhanh nhưng vì một bên chân phải quắp con gà con đang cố dãy dụa nên con gà mẹ đuổi kịp, nó dùng cả sức mạnh của mình mổ vào bụng con diều hâu làm lông bay tung tóe rồi ngã người dùng chân đá mạnh làm con diều hâu mất thăng bằng phải thả con gà con từ độ cao gần hai mươi mét xuống đất. Thấy con diều hâu đã thả con mình, con gà mẹ vội lao theo con, kêu túc … túc liên tục.

    Tôi đang tha thẩn chơi trong vườn thì nghe tiếng con gà mẹ ré lên nên chạy ra xem. Tôi dùng cái cành cây đang cầm trong tay hươ hươ loạn xạ rồi la to lên để đuổi con diều hâu. Khi thấy nó đã thả con gà con tôi vội chạy lại xem ; con gà con cứ nằm dí xuống búi cỏ, vẻ chết khiếp. Con gà mẹ thấy tôi lại gần con mình thì xù lông, xù cánh ra đe dọa. Tôi vội lùi ra xa, con gà mẹ cứ kêu túc … tu …rúc rồi dẫn con vào nhà. Con gà con  diều hâu quắp bị què môt chân,cố cà nhót theo đàn.

 

    Tôi cứ tha thẩn chơi trong nhà rồi lại ra vườn tìm tổ chim. Mùa xuân đang về, cây cối trong vườn thi nhau trổ hoa, mấy cây bưởi đầu hồi ong mật về bâu đầy. Nhiều đôi chim chào mào rủ nhau làm tổ trên ngọn cây cau. Có hôm tôi leo lên cây cau trên đó có tổ chim chào mào, thò tay vào thì thấy con nó vừa nở, còn đỏ hỏn. Cây vải sau nhà có đôi chim gậm ghì về làm tổ cứ kêu “gậm gừ…gậm gừ” nhưng vì quá cao tôi không leo lên. Cây vải này có năm ra nhiều quả ; quả nó to như quả trứng gà so, cùi  mỏng ăn rất chua. Đến lúc quả chín có con chim tu hú mỗi chiều lại bay về, cứ kêu” tào …hao, tào …hao” vang xa đến cả xóm trong. Tôi cứ băn khoăn làm sao con tu hú lại tài thế, cứ đến khi vải chín là từ đâu lại bay về, tiếng kêu gọi bạn của nó làm nao lòng cả con người.

    Một hôm tôi đang tha thẩn như thế thì nghe tiếng mõ trên lèn Choi gõ ba tiếng một, ba tiếng một gấp gáp, thúc dục. Mạ và bà tôi kêu to, dục mọi người ra hầm. Tôi chạy vào nhà, thấy mọi người đã ra đứng cả trên miệng hầm, riêng ông tôi vẫn bình thản nằm đưa võng trong nhà. Đợi một lúc không nghe tiếng mõ dục dã nữa cả nhà tôi mới yên tâm ngồi xuống quanh miệng hầm. Tôi nghe tiếng người lao xao trước ngõ bèn len lén chạy ra xem. Chỗ đám dứa trong vườn nhà thờ họ trước ngõ nhà tôi có mấy ông dân quân du kích đang gỡ lựu đạn, trái nỗ. Tôi nhìn kỹ thấy có những sợi dây mắc từ bụi này sang bụi kia,thấp hơn đầu gối. Sợi dây gai rất mảnh, không để ý thì rất dễ vướng phải. Bà tôi bảo ở ngoài bờ sông dân quân du kích cũng đào hầm ếch rồi nấp trong đó nguỵ trang kỹ, nếu Tây vô thì họ chặn đánh.

    Một lúc sau tiếng mõ trên lèn Choi đỗ một hồi dài, báo cho dân làng biết canô giặc đã đi xa. Cuộc sống lại trở về nếp bình thường. Bà tôi nói đã lâu Tây mới cho ca nô lên chứ trước đây có ngày chúng cho lên đến hai ba lần. Các o, các mệ xóm tôi đã dám ra sông gánh nước ; đêm đêm bến sông đã có tiếng cười vui vẽ của các o thanh nữ ra tắm giặt. Trong câu chuyện của người lớn người ta  nói  hoà bình sắp đến rồi.Sau ngày 7 – 5 năm  1954, tin chiến thắng Điện Biên Phủ về đến làng tôi. Ban đầu người ta nói với nhau còn thì thầm bí mật nhưng  thấy một vài anh bộ đội được về phép xác nhận thì tin sắp hoà bình vở oà ra. Bờ tre, giếng nước, bến sông thì vẫn như xưa nhưng con người thì  như đã trút được nỗi lo giữa sự sống chết nên có vẽ sảng khoái hẳn ra , đặc biệt là các o có chồng mới cưới đi bộ đội. Tôi còn nhớ ả Diêng, một người bà con. Nhà ả trước ngỏ nhà tôi, cách một đoạn. Mồ côi cha từ lâu, hai mẹ con ả tần tảo nuôi nhau. Lấy chồng cách đó vài năm, mới có mụn con gái hơn hai tuổi  nên người ả cứ đẩy đà ra, trắng trẻo, phây phây. Ả vô tư, cứ hay cười ; nụ cười của ả làm chết mê chết mệt cánh đàn ông, đặc biệt các ông trung niên. Chồng ả đi bộ đội đã lâu, nghe tin đang chiến đấu trong Quảng Trị. Đứa con gái đầu là kết quả của đợt về phép trước đó. Nghe tin hoà bình,ả cười nói luôn mồm.

    Ngày Quốc Khánh 2-9 năm 1954 làng tổ chức mít tinh ở sân vận động. Bây giờ nói ngày Quốc Khánh thì ai cũng biết chứ thời ấy ít người biết, người ta chỉ biết đi mít tinh thôi. Lúc này tôi đang học lớp 1 cũng được thầy giáo phổ biến xuống sân vận động để dự mít tinh. Bọn trẻ chúng tôi rất háo hức. Mới tờ mờ sáng tôi đã dậy, chọn bộ áo quần đẹp nhất mặc vào, ăn mấy củ khoai mạ tôi vừa luộc rồi ra ngỏ đứng đợi. Một chốc thì con Nhạn rồi chú Niệm, thằng Hùng í ới gọi nhau đi xuống đình làng tập trung để ra sân vận động dự mít tinh   . Bọn tôi cứ tưởng mình xuống sớm nhất nhưng khi xuống đến đình làng thì đã thấy bọn trẻ ở Hạ Trang, Xuân Tổng, trên Hà Thâu, Thượng Phủ, …,

cũng đã tụ hội đông đủ   trước sân đình. Bọn tôi vừa xếp hàng xong thì từng đoàn người ăn ặc chỉnh tề, đi đầu có hai thanh niên giương cao khẩu hiệu hoan hô chiến thắng, hoan hô Hồ Chủ Tịch và Đảng Lao Động từ các hướng tiến vào sân vận động. Bọn trẻ chúng tôi được đứng gần khán đài, theo từng lớp do thầy giáo hướng dẫn.

     Cuộc mít tinh cũng nhanh chóng kết thúc, bọn trẻ chúng tôi háo hức đi xem các trò vui. Ngày Quốc khánh đầu tiên sau Hoà Bình nên Chính Quyền tổ chức rất nhiều trò chơ có treo giải thưởng hẳn hoi. Trên sông Gianh, ở các bến sông người ta chen chúc nhau đứng xem đội bơi trãi của các xóm đang tề tựu trước vạch xuất phát. Trước đó cả tuần người ta đã chuẩn bị thuyền ; họ xảm thuyền rất kỹ rồi úp thuyền lấy lá rành rành, lá sim lá mua hun cho nhẹ thuyền. Người ta còn mổ lợn, mổ bò để liên hoan. Xóm tôi cũng mổ một con bò nhỡ để bồi dưởng cho các đấu thủ chuẩn bị tham gia các trò chơi. Họ mổ con bò ngay ở bến Mụ Cò. Tôi cùng mấy đứa trẻ trong xóm giả vờ xin ra Rào Con tắm, hết xem mấy ông trung niên mổ bò lai xem người ta chuẩn bị thuyền bơi. Chiều hôm đó tôi nghe tiếng hô đều đặn, nhịp nhàng “ Bơi … bơi ơ hò …khoan “ vẳng đến từ mé Rào Con nên biết là họ đã chuẩn bị xong thuyền bơi.

     Ở trong sân vận động có rất nhiều trò chơi : nào đấu roi, nào đấu cờ người, chỗ kia đấu vật, có chỗ lại thi chọi gà. Tôi hết chen vào xem chỗ này một tý lại chạy đến chen vào chỗ kia ; tôi thích nhất là những cuộc thi đấu roi và  thi chọi gà. Bọn trẻ xóm tôi không có đứa nào nuôi gà chọi ; xóm Tiền Miệu có thằng Lâm, thằng Hùng cháu ông cụ Gà nuôi được gà chọi. Nghe anh em nó nói tôi phục lăn, mới biết nuôi đươc con gà chọi quả là một kỳ công. Sau ngày hội này ít lâu, một buổi trưa tôi thấy anh em nó ôm gà đi chọi mới bảo nó cho chọi với con gà của tôi xem thử con nào được. Anh em nó thả con gà xuống bải cỏ trước cửa nhà tôi đợi. Tôi vào ôm con gà của mình ra ; đó là con gà trống bình thường, chỉ được cái gáy hoặc đạp mái là giỏi. Tôi hồi hộp thả con gà cưng của mình xuống ; nó chạy ngay đến đá con gà thằng Lâm, thằng Hùng. Mới đá được vài miếng con gà thằng Lâm đá móc một cái làm con gà tôi ngã ngửa, cứ đạp đạp hai chân vào không trung. Tôi vội vào ôm con gà mình ra, xem kỹ thì thấy đã bị mất một mắt và cái mỏ dưới. Thấy gà mình đá chết gà tôi anh em thằng Lâm vội ôm gà mình đi thẳng.

      Cuộc sống của cái làng quê của tôi cứ thế êm đềm trôi. Đêm đêm bọn trẻ chúng tôi hay tụ tập trước sân nhà thờ, bày đủ trò nghịch. Chơi trốn tìm chán chúng tôi lại rủ nhau đến chỗ cây xoài bổ ngang vì bão trước đây ngồi kể chuyện trên trời dưới biển. Nhà thờ của chi họ Lương duy lúc này đã mục nát nhiều chỗ, chúng tôi không dám vào. Ban ngày,có hôm vào trong tôi thấy có mấy câu thơ của ai viết trên tường tỏ ý cảm thán cái tàn tạ của một chi họ bề thế bằng những từ khá mất dạy. Phía sau nhà thờ, chỗ giáp với dãy đành hanh làm hành rào của nhà tôi, tôi thấy có rất nhiều chum, không biết bên trong đựng gì nhưng che đậy rất kín. Sau này mạ tôi bảo đó là chum đựng đỗ, đựng lạc của nhà o Tranh gửi tránh Tây lúc Bà nội còn sống.

       Một đêm tôi cùng mấy đứa trẻ quanh nhà ngồi chơi nói chuyện phiếm chỗ cây xoài thì bất ngờ thấy hai bóng đen từ chỗ cây duối đi vào trong nhà thờ. Đang kể chuyện tôi vội im bặt, cứ thắc thỏm sợ ma. Tôi vội ghé vào tai chú Niệm nói nhỏ, bất ngờ chú nhảy xuống chạy ngay về nhà. Thế là cả bọn chúng tôi đứa nào đứa nấy lo chạy thục  mạng về nhà. Sáng hôm sau, chú Niệm ghé tai tôi nói nhỏ “ Hai cái bóng đi vô nhà thờ hôm qua tau nghi là con D. với mẹt L. hẹn nhau vào tình tự. Có hôm đi tắm,con D. ra gánh nước tau chộ mẹt L. nhìn cặp mông nó đầy vẻ thèm thuồng “. Thì ra, vì chiến tranh người ta phải kìm nén đủ thứ, nay đã Hoà Binh những nhu cầu của con người lại được dịp bung ra. Các bà hay nói con gái tơ thì không sao chứ gái đã có chồng có con thì xa chồng lâu thế nào cũng có chuyện. Có lẽ thế mà đúng.
Tác giả bài viết: Lương Duy Thái
Từ khóa:

Lương Duy Thái

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 420
  • Tháng hiện tại: 26660
  • Tổng lượt truy cập: 8386671

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net