1
  • image
  • image
  • image
  • image
08:21 EDT Thứ sáu, 29/03/2024

Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 3)

Đăng lúc: Thứ tư - 11/09/2013 21:27 - Người đăng bài viết: bientap03
Giới thiệu tập hồi ký dài kỳ viết về cuộc sống, sinh hoạt của bà con Làng Lệ Sơn và vùng chiến khu Tuyên Hoá trong quảng thời gian trước và sau 1954 của tác giả Lương Duy Thái. Ông là em trai của GS.Lương Duy Thứ và PGS. Lương Duy Trung. Đây là món quà mà tác giả dành tặng cho quê hương thân yêu nơi đã từng gắn bó với tuổi thơ nhiều kỷ niệm
Bài viết kỳ trước đã đăng:
1. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 1)

2. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 2)

Cả nhà tôi cứ theo đường tàu mà đi, lúc đầu còn nói chuyện, sau vì mệt, thỉnh thoảng phải dừng lại chặt cây, nên cứ lầm lủi đi. Ban đầu tôi cũng đi như mọi người nhưng chưa đến đường hầm xuyên núi thứ nhất thì chân bị phồng vì đá lát đường tàu. Tôi nhăn nhó cố lê đi, đến đường hầm thứ hai thì ngất xỉu. Mạ tôi kêu lên,mọi người xúm lại. Bố tôi bảo mọi người nghỉ chân, chờ tôi tỉnh. Mấy năm ở huyện Nựu thỉnh thoảng tôi cũng bị xỉu thế này. Một lúc sau tôi tĩnh, mạ tôi bảo có lẽ sáng nay tôi ăn ít nên bị xỉu vì đói. Ngần ngừ một lúc bố tôi mới bảo anh Tuệ, anh trên tôi hai người, đi đường tắt về nhà xem ông bà có gì ăn thì lấy một ít đem lên cho tôi. Từ đường hầm này nếu đi theo đường tắt về nhà ông bà tôi chỉ khoảng 2-3 cây số. Cả nhà tôi ngồi nghỉ trong hầm, một chốc chắc đỡ mệt, anh Tưởng  kề tôi mới lần ra cửa hầm chơi. Chỉ lúc sau thấy cả hai anh đi vào. Anh Tuệ đưa cho mạ tôi một bọc lá chuối, bên trong có nắm xôi con con và hai cái cẳng gà. Bố tôi nhìn nắm xôi và cái cẳng gà tỏ vẽ bực mình, mũi ông ửng đỏ. Chắc ông nghĩ, biết cháu đi đường xa về, đang đói lả mà ông bà chỉ cho nắm xôi bé tẹo thì ai ăn, ai nhịn. Anh Tuệ ngồi môt lúc đỡ mệt, nói với cả nhà  ông bà thổi xôi, thịt gà chắc đợi về ăn. Chị tôi ngồi đò đã về đến nhà một lúc rồi. 
 
1 

      Đến chiều, khi mặt trời sắp khuất sau dãy lèn đá, chúng tôi mới về đến nhà. Bà tôi ra tận cổng đón, bà cứ ôm lấy tôi rồi hôn hít tôi như hôn con nít. Tôi nghe nói hồi mạ tôi bị Tây bắt năm 1949, tôi cứ khóc ngằn ngặt đòi đi theo, bà ở nhà thỉnh thoảng lại đưa cái áo tôi ra hôn hít cho đỡ nhớ. Tôi mới xa bà hơn ba năm mà thấy lưng bà đã còng, đi đâu bà phải chống gậy rồi. Người bà nhỏ nhắn, tóc đã bạc quá nửa đầu. Bà đúng là mẫu người  bà trong chuyện cổ tích. 

Tối hôm đó hàng xóm kéo nhau sang thăm. Bà con quanh đây đều là họ hàng, cạnh nhà tôi là nhà chú Ý. Chú cũng làm nghề dạy học ; nhà chú bị Tây đốt cách đây ít lâu. Năm trước còn ở huyện Nựu, anh tôi có về làng  lúc lên nói lại, mạ tôi viết thư về hỏi thăm, chia buồn cùng chú thím. Các anh chị tôi đều viết thêm mỗi người mấy chữ, riêng tôi chưa biết chữ nên đọc để chị tôi viết hộ. Cái câu tôi đọc “ Nhà cu Giáo-thằng Vỵ- bị ốt rồi à ? Thôi cu Giáo đừng trách Be – tên tôi ở nhà-nữa “ lúc này được mọi người nhắc lại, làm cả nhà cười vang. Bố tôi hỏi chú Ý, dạo này Tây có hay đi càn nữa không thì  được chú cho biết chỉ thỉnh thoảng nó cho canô chạy ngoài sông bắn vu vơ. Hồi  còn đóng ở đồn Tiền-Lệ nó hay bắn moóc chê lên làng mình, có người bị chết vì đạn lạc. 

Hôm sau bố tôi lại lên trường. Ông không thể ở lâu hơn vì bao nhiêu việc đang chờ. Tôi bắt đầu làm quen với nhà cửa, vườn tược, cây cối. Nhà ông bà tôi ở là một nhà ngói năm gian, nền xây cao trông rất bề thế. Cạnh đó là căn nhà ngang ba gian, lợp bằng tranh, trông cũng  cao ráo sạch sẽ. Việc nấu nướng, ăn uống đều ở cái nhà ngang này. 

Sau này mạ tôi kể, năm 1942 bố tôi thi đỗ Huấn đạo, được bổ làm Huấn đạo ở Thanh – Hoá, mới có điều kiện xây nhà, tậu ruộng vườn chứ trước đây nhà ông bà nghèo lắm. Ông tôi thi đỗ Tú tài, chỉ ở nhà làm nghề gỏ đầu trẻ và làm thuốc bắc, cố lắm mới cho bố tôi đi học, còn chi và em gái không được học. Đi về phía cuối vườn, chỗ gần cây xoài cao ngất, thấy có cái chuồng lợn xây bỏ không, cạnh đó có nền chuồng bò cũng bỏ không, cỏ mọc um tùm. Ngước lên nhìn cây xoài thấy cành lá xum xuê, trên ngọn cây thỉnh thoảng lại thấy vài con diều hâu bay ra bay vào  tôi thấy hơi bị ngợp. Sau này bà tôi nói cây xoài là của    bên vườn bác mẹt Lân, một người bà con gần. Bà bảo cây xoài này có năm ra rất nhiều quả nhưng chẳng ai trèo hái được, chỉ thỉnh thoảng nhặt được quả rụng vì gió, ăn rất ngon. Việc tranh nhau nhặt xoài rụng cũng có nhiều kỷ niệm. Số là mùa hè năm đó trời rất nóng, mấy anh chị em tôi cùng với mấy đứa trẻ ở cạnh cứ lấy chổi quét sạch nhà rồi ngả ngớn nằm trên nền ximăng để ngủ trưa. Một hôm trời nổi gió rất to,chị tôi và anh Tưởng  cùng nghe tiếng xoài rụng. Chị tôi nhanh chân chạy ra nhặt được quả xoài rất to. Lúc chị vào nhà anh Tưởng cứ lè nhè đi theo “ Em nghe ôốp chứ chị nghe ôốp à ? “. Cách không xa cây xoài và cái chuồng trâu là một bụi tre to, phía dưới có cái hầm bí mật. Cái hầm bí mật này bố tôi thuê đào để cả nhà tránh Tây đi càn. 

 
1 
 
Hồi năm 1949 Tây đi càn đã phát hiện được, nay ông bà tôi cho lấp cái miệng hầm cũ, trổ miệng sang hướng khác. Bà tôi bảo “ Nhà chỉ có hai ôông mệ nên nỏ sợ. Ôông con không khi mô chịu xuống hầm “. Bà nhắc lai cái đận Tây bắt hai mẹ con tôi ở cái hầm này. Bà cứ chép miệng  nói “ Chỉ tại cái thằng Bé – tên gọi anh Tưởng tôi trong nhà – cứ kêu khát, dỗ răng cũng nỏ được. Mạ con xót ruột mới bảo thằng Tuệ lén lên nhà, nếu chộ không có Tây ở đó thì múc cho em gáo nước. Thằng Tuệ lên, chộ thằng Tây đứng tựa cột nhà huýt sáo nhưng cứ múc gáo nước rồi ra mở cửa hầm chui xuống. Rứa là Tây kéo nhau ra, xì xà xì xồ,chỉa súng bắt cả nhà lên. Con Tuần vừa đi dạy về, cứ mặc nguyên cả áo dài, chộ Tây chỉa súng xuống thì sợ quá, lập cà lập cập lên chậm, thằng Tây mới túm lấy áo kéo rách đánh xoạc, con Tuần quay lại hỏi thằng Tây là các ông đi ăn cướp hay răng mà đối xử với đàn bà như rứa ? Con Tuần hỏi bằng tiếng Tây. Thằng Tây nghe xong vội thả áo ra chạy vô nhà. Một lúc sau nó dẫn ra một thằng Tây trắng, chắc là quan trên. Thằng Tây trắng nói chi với con Tuần rồi bảo lính dẫn cả nhà vô xếp hàng trước sân. Con Tuần đi sau mới lẻn vô cửa ngách, leo vô cái bồ ở trên tra hạ run lập cập. 
 
Thằng Tây trắng ra cứ xì xà xì xồ, thằng thông ngôn dịch lại bảo quan lớn hỏi đứa con gái lớn vừa nói tiếng Pháp mô rồi ? Mạ con nói các ôông làm hắn sợ, hắn chạy mất rồi. Hai thằng Tây đen cầm súng cứ đi đi lại lại, lên đạn lách cách doạ. Một lúc sau cả bọn kéo vô nhà nhìn ngó. Con Tuần ngồi trong bồ cứ run cầm cập, cái bồ cũng run theo mà mấy thằng Tây cũng nỏ biết “. Sau cái đận mạ tôi bịTây bắt đó bố tôi về đưa cả nhà lên chiến khu. Thực ra bố tôi biết Tây đang cố lùng bắt mình. Lúc này chính phủ bù nhìn Trần trọng Kim mới được thành lập, đang cần những người đã đỗ đạt,làm việc cho Nam Triều trước đây ra hợp tác. Trong chính phủ Trần trọng Kim bên ngoại tôi có ông cậu là Đinh xuân Quảng giữ chức phó Thủ tướng nên rất biết khả năng bố tôi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, bố tôi không về hợp tác. 

      Mạ tôi bị đưa vào giam ở Đồng Hới. Nói là giam nhưng thực tế được bố trí ăn ở rất đàng hoàng, bọn Pháp đang cố dụ bố tôi về hợp tác với chúng. Bị giam khoảng 6, 7 tháng chúng thấy không lay chuyển được ông, vả ông cậu tôi cũng có nói đỡ nên chúng đành cho xe chở mẹ con tôi về thả bên kia sông. Ở nhà mấy ngày với ông bà, mạ lại bế tôi thuê đò đi lên chiến khu. Sau này các anh chị tôi kể lại, lúc gặp anh Tưởng, tôi rút từ túi quần ra cho anh quả chuối, cả nhà thấy tôi như thằng Tây con, hồng hào trắng trẻo còn anh Tưởng thì gầy đen, bé hơn tôi. 
(Còn nữa ..)
Tác giả bài viết: Lương Duy Thái
Từ khóa:

Lương Duy Thái

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Tuan - Đăng lúc: 13/09/2013 20:21
Ở Thạch Hoá hiện giờ vẫn còn 1 bàu sen rất lớn,không biết có phải bàu sen này khi xưa là của Ông Cửu Tiệu không thưa Chú Thái? hình như nó nằm ở Thôn Huyện Nựu đó.

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 11
  • Khách viếng thăm: 9
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1762
  • Tháng hiện tại: 51924
  • Tổng lượt truy cập: 8007207

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net