1
  • image
  • image
  • image
  • image
02:20 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Chuyện về hai cây đa Đồng Mua làng Lệ Sơn

Đăng lúc: Thứ năm - 22/11/2012 05:16 - Người đăng bài viết: bientap02
Bài viết về những giai thoại xung quanh hai cây đa Đồng Mua của tác giả Trần Đức Hường

LÀNG LỆ SƠN VÀ CHUYỆN CÂY ĐA ĐÔI
( Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề …)

 
Làng Lệ Sơn, cũng như bao ngôi làng cổ Việt Nam khác, có đầy đủ các biểu tượng cây đa, bến nước, sân đình. Đa dễ trồng lại có thể sống tới ngàn năm và mặc cho trời đất ngả nghiêng nó vẫn hiên ngang tỏa đầy bóng mát nên hay được chọn. Cây đa được trồng riêng lẻ thì nhiều nhưng trồng theo kiểu cây đôi như hai cây đa Đồng Mua ở làng ta thì không nhiều. Bài viết này ra đời nhằm giới thiệu nét riêng biệt đó và cả những truyền thuyết xung quanh nó nữa.
 
1
Ảnh. Vị trí cây đa Đồng Mua nhìn từ vệ tinh
 
Đồng Mua là một cồn đất khá bằng phẳng, nằm ở khoảng giữa chiều dài của làng, có nhiều khu nghĩa địa tập trung và rải rác. Vùng này có rất nhiều hoa mua, đất đai phù hợp với canh tác hoa màu hơn là lúa. Với lớp lớp bụi cây, lùm cỏ, nơi đây được xem là một trong những Thiên Đường của trẻ chăn trâu ở làng trong nhiều thế hệ.

Hai cây đa Đồng Mua tương truyền do một Cụ khả kính, người họ Lê ở thôn Trung Làng, trồng cách nay đã hơn cả trăm năm, bắc qua ba thế kỷ. Những bậc cao niên ở làng mà tôi hỏi đều trả lời rằng khi lớn lên đã thấy hai cây đa này rồi, mọi việc chỉ nghe thế hệ trước kể lại. Chẳng biết có phải ngụ ý của người trồng muốn có cây đa ông, đa bà cho mưa nắng có nhau, hay chỉ là do tôi nghĩ thế, nhưng quả là hai cây đa đã sóng đôi cùng chứng kiến bao sự đổi thay diễn ra dưới xóm, trên làng. Vậy nên có đôi dòng cảm tác :

Hai cây đa chốn đồng quê
Trải lòng ra đón kẻ về, người đi
Bốn mùa lá vẫn xanh rì
Đạn bom, bão tố chẳng gì chuyển lay
Bể dâu, cây vẫn bên cây
Sánh vai nhau giữa tháng ngày
Thắm duyên !

 
1
Ảnh. Hai cây đa Đồng Mua
 
Đa đôi Đồng Mua được trồng hai bên vệ đường liên thôn đi qua những cánh đồng canh tác của người dân. Thuở tôi còn bé, hai cây đa này đã sum sê cành lá. Cành của chúng sà xuống, lá của chúng xõa vào nhau tạo ra một khoảng không gian nắng chui không lọt.

Vào những ngày hè nóng nực, gió Lào thổi khô không khốc, dưới tán đa vẫn mát rượi nên ở đây không mấy lúc vắng người. Người đi làm đồng, đi lấy củi, đi chợ búa, đi hội họp hay khách bộ hành ngang qua đều tranh thủ ngồi dưới gốc đa nghỉ ngơi, hóng mát, hít thở cái không khí trong lành rồi hỏi han, trò chuyện. Lũ trẻ làng khi thả trâu, chăn bò cũng thường gọi nhau tụ tập đánh trận giả, bày vẽ hàng tá trò chơi quanh gốc cây đa. Lâu lâu chúng lại cắt cử một hai đứa trèo lên cây quan sát đám trâu, bò để xem những kẻ tiếp thu chậm này đang gặm cỏ hay đã nhân lúc mục đồng sơ ý, chạy tuốt ra ruộng người ta, tranh thủ những thứ chúng không được phép.

Vào mỗi buổi chiều, lúc ánh hoàng hôn bao phủ, hình dáng hai cây đa giữa đồng nổi bật lên trên khung trời màu tím, trông chúng to lớn thật khác thường. Vì thế, không ít câu chuyện với nhiều vẻ ly kỳ, bí hiểm đã được đồn thổi, thêu dệt xung quanh hai gốc đa này.

Sau khi màn đêm buông xuống, sự bí hiểm của hai cây đa lại còn tăng lên gấp bội. Do ở giữa đồng không mông quạnh, gió thổi càng về khuya càng mạnh nên lá đa cọ vào nhau phát ra tiếng rì rào, lạo xạo như có bao nhiêu là người đang tụ tập bàn cãi, xì xầm. Ban ngày trời nóng mà dưới tán đa còn mát rượi thì đến đêm khuya, gió nhiều, sương lắm, cái lạnh chạy dọc sống lưng của người đi ngang qua ắt cũng là điều dễ hiểu. Ấy là chưa kể, theo dân gian, cây đa vốn được coi là nơi ngự trị của các thần linh, của các linh hồn không nơi nương tựa. Sự rùng rợn lại được khuyếch đại thêm hàng trăm, hàng nghìn lần bởi cạnh hai cây đa là khu nghĩa địa với vô số những nấm mồ cũ, mới. Những đêm tối trời, dẫu cho là người có gan cóc tía đi qua cũng phải nổi da gà, rợn tóc gáy. Xin được kể một câu chuyện nhỏ….
 
Vào một đêm tối trời như thế cách đây lâu lắm rồi, một người trên làng vì cứu nhân độ thế phải xuống dưới xóm ra tay nghĩa hiệp. Do sự việc phức tạp nên xong xuôi thì trời đã ngót nghét canh ba. Gia chủ đang khi hữu sự, ở lại thì quá bất tiện nên người này đành phải ra về. Đường về, oái oăm thay, phải đi qua cây đa ông, đa bà mới ổn. Sẵn có cái radio to như CPU của giàn vi tính, khổ chủ bật lên cho bớt cô đơn. Ánh đèn pin lẻ loi bước vội qua bóng đa tối om, lạnh cóng. Rồi ông cũng về tới nhà. Chuyện sẽ chẳng có gì mà ầm ĩ nếu sáng hôm sau ông này không lăn ra ốm. Chỉ bị cảm lạnh thường thôi vì hôm trước ông ta làm việc khá vất vả, rồi lại phải ra về trong sương khuya, gió lạnh. Nhưng, các thông tấn xã vỉa hè không bỏ lỡ cơ hội đã một đồn mười, mười đồn trăm rằng ông này động chạm đến sự yên tĩnh của thần linh ngụ ở cây đa nên bị thần linh quở trách. Thế là từ đó, phải chờ đủ ba bốn anh hùng hảo hán người ta mới dám cùng nhau đi qua chốn bí hiểm ấy vào những giấc khuya.

Rồi nữa, qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, biết bao bom đạn đã cày xới mảnh đất Lệ Sơn. Kể cả những lần B52 rải thảm, làng xóm điêu linh, tang tóc, cây cối hoang tàn, đổ nát thì hai cây đa vẫn không mảy may suy suyển, cứ như là có những bàn tay vô hình nào đó xô đạn đẩy bom đi nơi khác. Các hãng thông tấn vỉa hè càng được dịp đồn thổi, thêu dệt. Bí hiểm lại chồng thêm bí hiểm.

Chuyện hai cây đa là vậy, còn chuyện về mảnh đất Đồng Mua, nơi hai cây đa này được trồng, cũng đầy ắp tính liêu trai. Xin kể về một truyền thuyết được nhiều người nhắc đến, chỉ có điều là xưa nay tam sao thường thất bản ….

Truyện kể rằng Cao Biền, một thầy Địa lý rất cao tay ấn ở phương Bắc,  khi được cử làm Thái Thú, thường thích cưỡi Diều đi đây đó để xem phong thủy, huyệt đạo của nước Nam. Khi qua Lệ Sơn, thấy vùng đất này có thế của một con Rồng đang cựa mình bay lên, mà Đồng Mua là rốn Rồng, nên hết sức chú ý. Sợ rằng nếu để cho ai đó có MẢ TÁNG HÀM RỒNG sẽ trị vì Thiên Hạ nên Cao Biền đã làm phép YỂM. Thầy Địa lý này cho đắp một con đường lớn với ý như một mũi tên xuyên thẳng vào rốn Rồng. Chưa yên tâm, Cao Biền còn tung đòn khen Đồng Mua có phong thủy đẹp và khuyên người dân bản xứ nên táng người thân của mình vào đó để rộng đường đỗ đạt, giàu sang…. Khi người dân sở tại đào bới, Rồng sẽ bị suy yếu.….
Truyện kể thêm rằng, sở dĩ người ta biết được chuyện này là bởi một sự tình cờ không thể tình cờ hơn, nghe ra cũng vô cùng hấp dẫn, cũng hết sức liêu trai. Xin kể tiếp ….

Vào một buổi trưa tròn bóng, trời nắng chang chang, có một cậu bé không muốn về nhà như chúng bạn nên buộc trâu dưới bóng râm cho nó nằm lim dim nhai cỏ. Còn cậu, sẵn máu phiêu lưu, cậu trèo tuốt lên cành đa đầy lá, sà tít ra đường, lấy dây buộc chắc rồi mặc sức thả hồn tới Quảng Hàn cung. Đang làm hồn bướm mơ Tiên thì cậu chợt tỉnh vì nghe dưới vệ đường có người rì rầm trò chuyện. Đó là hai ông khách lạ đi ngang qua ngồi tránh nắng, vì nghe giọng nói và nhìn trang phục chắc chắn không phải người của địa phương. Người nọ bảo người kia : Tiếc quá ! Đất thế này mà lại lấy làm nghĩa địa. Không biết thầy địa lý vô tình hay cố ý ? Bác nghĩ sao ?
Người kia trả lời : Vâng ! Mắt Bác quả rất tinh tường ! Xem ra là cố ý. Thầy địa lý này thật cao tay ấn ! Kiểu này chỉ có Cao Biền. Thật tiếc cho một vùng quê cẩm tú ! Giá mà….

Nghe trộm người ta nói chuyện là một điều đáng xấu hổ, biết thế, nhưng vì tò mò nên cậu bé  chân không bén đất, cật chẳng bén trời  này chẳng dám ho he, mong nghe cho đến tận cùng câu chuyện của hai người lạ. Họ còn nói với nhau nhiều điều nữa nhưng do volume chùng xuống, lại ở hơi xa nên khúc sau cậu chỉ nghe câu được câu chăng ….

Tuy không nghe đủ nội dung và chưa hiểu lắm về sự việc nhưng cậu cũng lõm bõm đôi phần. Mãi chắp nối những điều vừa nghe cho tròn câu chuyện, đến khi ngó xuống thì hai người khách đã đi xa, để lại cho cậu tơ vò trăm mối. Nghe đâu sau đó, tức mình vì trí đoản, cậu quyết chí tầm sư học đạo nhằm xem hư thực ra sao ! Và, kể từ dạo ấy, cậu khăn gói ra đi...

Cao Biền đã bay theo gió vào cõi hư vô từ thuở nảo thuở nào. Cậu bé năm xưa cũng đã theo chân Cao Biền, không biết là do nhiệt huyết mà tiếp tục ….làm cho ra lẽ hay do sự bày đặt sinh-lão-bệnh-tử cắc cớ của ông Trời ! Cái còn lại với người đời giờ đây là những truyền thuyết. Xin khẳng định rằng truyền thuyết vẫn mãi mãi là truyền thuyết. Hư thực khó lường. Tin hay không tin chẳng ai bắt buộc. Những người muốn có câu trả lời xác đáng thì xin vui lòng tự tìm kiếm lấy cho mình !

Trở lại với hai cây đa hơn trăm tuổi, thiết nghĩ làng ta vẫn cần tiếp tục lưu ý để bảo tồn những giá trị vật chất và tinh thần mà hai cây đa mang lại cho cộng đồng. Theo cảm quan, khi vào Hè năm 2011 mà tôi qua đây, cây đa phía gần bờ sông có vẻ cành khô lá úa, không còn xanh tươi như trước, chẳng biết rồi sẽ ra sao ? Nếu sắp tới phải làm đường cho xe cơ giới đi qua thì việc bảo tồn lại càng thêm cấp thiết. Rất mong có được sự quan tâm và lưu ý. Biết đâu, một ngày nào đấy, lại có những người khách ngang qua và gợi ý cho chúng ta cần phải làm gì.
Tác giả bài viết: Trần Đức Hường
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Trần Đại Sư - Đăng lúc: 23/11/2012 09:41
Tui mượn comment của Trần Đại Hiệp để bàn thêm về câu chuyện dân gian này, Tác giả cho biết thêm, ở Lệ Sơn, có ai đã nhắc đến Cao Biền và khi nào? Hay tác giả muốn cho quê hương có huyền tích rồi chua thêm Cao Biền cho hoành tráng. Thật ra tui cũng đồng tình với Đại Hiệp là Cao Biền chưa bao giờ vào khu Đồng Mua Lệ sơn Quảng Bình Việt Nam: "Đề nghị tác giả xem lại đi, Cao Biền sống vào thời Đường (821-887), theo mình biết thời kì này Việt Nam mình có tên là Giao Châu (miền Bắc đến Thanh Hóa ngày nay). Vậy Cao Biền đến Đồng Mua khi nào??? Và Đồng Mua vào thời kì đó có tên là gì? Mình đọc rất nhiều truyền thuyết về Cao Biền, ở Việt Nam mình thời đó có 9 huyệt rồng, Cao Biền trấn yểm hết chỉ còn một huyệt và cải táng mộ cha mình vào đó, sau làm phản nhà Đường và bị tiêu diệt". Tui có ý thêm, ở VN Cao Biền đã thực hiện trấn yểm 19 huyệt mạch chứ không phải 9 huyệt rồng.
Avata
Kỹ thuật viên - Đăng lúc: 22/11/2012 08:17
Bài viết đã được hiệu đính lại theo ý kiến của tác giả Trần Đức Hường.

Trân trọng thông báo !

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 153
  • Tháng hiện tại: 26393
  • Tổng lượt truy cập: 8386404

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net