1
  • image
  • image
  • image
  • image
13:59 ICT Thứ năm, 12/12/2024

Tìm nguồn cội và những nét đặc trưng của các làng quê thuộc Bát danh hương (Phần 1)

Đăng lúc: Thứ bảy - 03/05/2014 00:34 - Người đăng bài viết: bientap02
Nội dung bài viết trình bày 2 vấn đề: Thứ nhất, làm rõ thời gian xuất hiện và ý nghĩa của các thuật ngữ“danh hương”, “bát danh hương”, tiêu chí của một danh hương ở Quảng Bình. Thứ hai, giới thiệu một số đặc điểm nổi bật của bát danh hương: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại ở Qủng Bình
PHÂN 1. DANH HƯƠNG Ở QUẢNG BÌNH
Thời gian ra đời của thuật ngữ và những tiêu chí đặc trưng để xác dịnh một danh hương ở Quảng Bình

      Năm 1069, để trừng phạt việc Chiêm Thành cho quân cướp phá lãnh thổ Đại Việt ở Nghệ An; vua Lý Thánh Tông ngự giá chinh phạt Chiêm Thành lấy Lý Thường Kiệt làm Đại tướng.  Quân đội nhà Lý đánh vào kinh đô Phật Thệ của Chiêm Thành; quân Chiêm đại bại, vua Chiêm là Chế Củ bị quân nhà Lý bắt sống. Để chuộc mạng, Chế Củ phải cắt đất 3 châu gồm Bố Chinh, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Sự kiện này đánh dấu việc vùng đất Quảng Bình và bắc Quảng Trị được sáp nhập trở lại vào lãnh thổ Đại Việt. Năm 1074, Chiêm Thành lại cho quân tiến sang cướp lại 3 châu. Để bảo vệ chủ quyền mới giành được, tháng 8 năm 1075, vua Lý lại sai Lý Thường Kiệt đưa quân vào giành lại 3 châu. Sau khi đẩy lùi quân Chiêm, Lý Thường Kiệt cho vẽ địa đồ khu vực ba châu rồi đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh và châu Bố Chinh thành châu Bố Chính. Lý Thường Kiệt đã mộ dân phía bắc vào khai canh lập ấp ở Lâm Bình (khu vực Quảng Ninh, Lệ Thủy và Đồng Hới tỉnh Quảng Bình) làm chỗ dựa để cai quản vùng đất mới thu phục.

    Như vậy từ năm 1075 các làng Việt đầu tiên được xác lập trở lại ở khu vực phía nam Quảng Bình. Từ năm 1075 đến trước năm 1470, trên vùng đất Quảng Bình đã có 3 đợt di dân khai canh lập ấp lớn dưới các triều đại Lý, Trần, Hồ. Do đó tính đến giữa thế kỷ XV, “... ở phía Nam Quảng Bình dân cư đã tiệm đông, nhưng ở phía Bắc tức châu Bố Chánh (Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Bố Trạch) vì ruộng xấu, đất cao, sinh kế khó nhọc nên dân cư thưa thớt lắm. Năm 1467, nhân có lời xin của quan Thừa chánh sứ ty Tham nghị Hóa châu là ông Đặng Chiêm, vua bèn hạ dụ chiêu tập dân gian vào khai khẩn ở châu Bố Chánh. Kể từ đó, lần lần mới có người vào sinh cơ lập nghiệp ở phía Bắc Quảng Bình”1

    Đến đầu niên hiệu Hồng Đức, sau khi hộ giá nhà vua chinh phạt Chiêm Thành (1471) trở về nhiều khá nhiều quan lại, tướng tá đã đứng ra mộ dân phiêu tán đến khai khẩn đất hoang thành lập làng xã ở khu vực phía bắc Quảng Bình. Đây là đợt di dân khai canh lập làng lớn thứ tư ở Quảng Bình. Một loạt làng xã của người Việt tiếp tục được thành lập ở khu vực Bắc Quảng Bình trong 30 năm cuối thế kỷ XV. Năm 1490, Lê Thánh Tông cho định bản đồ cả nước; số liệu trong Hồng Đức bản đồ cho thấy châu Bố Chính đã được khai khẩn và phần lớn các làng xã bắc Quảng Bình đã được thành lập. Ở nửa đầu thế kỷ XVI, khu vực Bố Chính tiếp tục được khai khẩn song số làng xã mới thành lập thêm cũng không nhiều số liệu thống kê hai thời điểm kể trên chứng tỏ điều này. 

    1. Trần Kinh - Nguyễn Kính Chi, Quảng Bình thắng - tích - lục, Bảo tàng TH Quảng Bình, 2000, Tr.55
 
Huyện châu Thời Hồng Đức định bản đồ (1490) Thời Dương Văn An viết Ô châu cận lục (1553-1555)
Thôn (động)
 (sách)
  Trang (nguyên) Thôn Trang
Châu Bố Chính (Q. Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa) 58 3 2 69 0 0
Huyện Lệ Thủy 27 0 3 32 0 1
Huyện Khang Lộc (H. Quảng Ninh) 73 7 4 75 7 0
       
Qua so sánh số lượng các làng xã từng huyện ở hai thời gian trên chúng ta thấy châu Bố Chính số xã tăng lên 11 nhưng số thôn, động, sách, trang, nguyên lại triệt tiêu phải chăng là một số thôn, phường được sáp nhập vào các làng lân cận hoặc phát triển lên thành xã và một số ít xã mới được khai khẩn thành lập thêm. Ở huyện Lệ Thủy số làng tăng lên 5, số thôn không đổi nhưng số trang lại giảm mất 2. Ở huyện Khang Lộc số làng tăng lên 2, số thôn không đổi, số trang lại giảm 4. Tóm lại công cuộc khai canh lập ấp để hình thành nên làng xã mới chỉ xảy ra là ở châu Bố Chính (bắc Quảng Bình) còn ở phía Nam về cơ bản đã được khai khẩn hết từ đầu thế kỷ XV.

Nhìn lại lịch sử quá trình di dân khai canh lập làng ở Quảng Bính đến trước năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa đã có 4 đợt di dân khai canh lập ấp. Trong lần di dân thứ năm thì phần lớn là cư dân từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh tiếp tục vào phía nam dãy Hoành Sơn để khai canh lập làng mới. Tuy nhiên qua số liệutìm hiểu chúng ta thấy chugs ta thấy  chứng tỏ vùng Quảng Bình hầu như số làng xã mới thành lập là không đáng kể. Như vậy chúng ta rằng: đến đầu thế kỷ XVI, về cơ bản hầu hết những nơi đất đai thuận tiện cho con người sinh cơ lập nghiệp ở Quảng Bình đều đã được khai khẩn; hệ thống làng xã ở đây đã được thành lập đi vào ổn định và phát triển.

Như vậy, tính từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX, phần lớn các làng xã ở Quảng Bình đã có quá trình hình thành và phát triển liên tục trên 300 năm. Độ dài thời gian đó là đủ để các làng xã ở Quảng Bình phát triển trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục. Bề dày thời gian hình thành và phát triển đó đủ cho cộng đồng cư dân nơi đây định hình nên những sắc thái đặc trưng, những truyền thống văn hóa của cả cộng đồng cư dân Quảng Bình nói chung và của từng làng xã nói riêng. Những truyền thống văn hóa đó tính đến thế kỷ XIX thì đã đạt được sự ổn định và trở thành nền tảng vững chắc cho làng xã ở Quảng Bình sau này kế thừa và phát triển. Sự phát triển đó là cơ sở cho sự xuất hiện của các danh hương, tứ danh hươngbát danh hương của Quảng Bình  ở thế kỷ XIX.

 a) Xuất xứ các thuật ngữ “danh hương”, “tứ danh hương” và “bát danh hương” ở Quảng Bình

+ Thuật ngữ “danh hương” nếu giải nghĩa theo lối duy danh định nghĩa thì “danh” ở đây là danh tiếng, là sự nổi tiếng về những gì tốt đẹp; “hương” là một cách gọi khác của làng. Như vậy “danh hương” là “làng nổi tiếng”. Từ cách giải nghĩa đó chúng ta thấy rằng danh hương có nghĩa rất rộng nó dùng để chỉ một làng nổi tiếng về một lĩnh vực nào đó. Trong tác phẩm Khảo sát làng văn hóa xứ Thanh, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Nhân và các cộng sự đã phân chia các làng nổi tiếng ở Thanh Hóa thành các loại gồm: làng văn, làng võ, làng nghề truyền thống và làng nghệ thuật (làng tuồng quan họ, làng hát bội...).

Các nhà nghiên cứu trên định nghĩa: “làng văn là làng nổi tiếng văn học được mọi người  kính nể, con cháu vẫn tiếp tục phát huy. Đó là những làng có truyền thống học chữ Nho, nhiều người đỗ đạt cùng với sinh hoạt văn thơ của các gia đình Nho học tạo ra nét văn hóa riêng cho làng”2. Theo cách giải nghĩa này thì thực chất các làng văn ở xứ Thanh và ở Bắc bộ là những làng văn vật nổi tiếng. 

Ở Quảng Bình qua nghiên cứu các tài liệu chúng tôi thấy rằng thuật ngữ danh hương lần đầu xuất hiện ở giữa thế kỷ XVI; trong Ô châu cận lục, Dương Văn An có viết: “Phước Lộc thì xây dựng danh hương3. Tuy nhiên trên thực tế lúc này ở Quảng Bình chưa có sự xác định cụ thể làng nào là danh hương cả. Ở huyện Lệ Thủy ngay từ thời nhà Mạc đến Lê trung hưng đã có một số làng nổi tiếng khoa bảng, có người đỗ đại khoa; tiêu biểu là các làng Tuy Lộc, Đại Phúc Lộc, An Chế (An Xá) song vẫn không có tài liệu nào xếp các làng đó vào trong số các danh hương của Quảng Bình. Dưới vương triều Nguyễn, qua thống kê về khoa bảng thì làng La Hà dẫn đầu cả tỉnh về số lượng người đỗ đại khoa (6 vị), xếp thứ hai là Lý hòa (4 vị), kế đến là các làng An Xá, Cảnh Dương, Lộc Điền, Cao Lao, Lộc Long, Phù Chánh (đều có 2 vị đỗ đại khoa). Riêng làng An Xá nếu tính cả hai thời kỳ cũng có tới 4 vị đỗ đại khoa. Tuy nhiên trong số các làng khoa bảng đó lại chỉ có La Hà và Cảnh Dương là được xếp vào nhóm các danh hương của tỉnh Quảng Bình.

Qua khảo sát tám danh hương (Sơn Hà, Cảnh, Thổ, Văn Võ Cổ Kim) so sánh với các làng khoa bảng khác; chúng ta có thể khẳng định rằng: ở Quảng Bình khái niệm danh hương không đơn thuần chỉ có nghĩa là để vinh danh một làng nổi tiếng về khoa cử hay chỉ nổi tiếng về một lĩnh vực nào đó. Mà danh hương của Quảng Bình là một khái niệm dùng để chỉ những “làng văn vật” gần nghĩa với “làng văn” ở xứ Thanh và Bắc Bộ. Để hiểu một cách đầy đủ và chính xác về danh hương văn vật của Quảng Bình chúng ta cần hiểu thêm khái niệm “văn vật”. Trong giáo trình Lịch sử văn hóa Việt Nam, Huỳnh Công Bá giải nghĩa khái niệm văn vật: theo nghĩa chữ Hán thì văn là vẻ đẹp, vật là vật chất, văn vật là di sản văn hóa với số lượng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các danh nhân dồi dào phong phú. Văn vật còn hàm chứa nghĩa là nơi có bề dày quá khứ và mang tính nhân bản sâu sắc”. 
         
Tóm lại, các danh hương ở Quảng Bình là những làng văn vật với nghĩa là những làng
có bề dày lịch sử, nổi trội trên nhiều phương diện từ khoa cử, đến di tích, danh lam thắng cảnh, có sinh hoạt văn hóa, học thuật đặc sắc, lại có nhiều danh nhân hoặc trai tài gái sắc.
 

           + Tứ danh hương, bát danh hương ở Quảng Bình có từ bao giờ ?

              Qua tìm hiểu, nghiên cứu các thư tịch cỗ chúng tôi thấy rằng các cụm từ “tứ danh hương”, “bát danh hương” ở Quảng Bình chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ đời Minh Mạng trở lại đây mà thôi. Các tác phẩm Dư địa chí, Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Phương Đình địa dư chí, Hoàng Việt địa dư chí, Lịch triều hiến chương loại chí khi viết về Quảng Bình đều chưa một lần đề cập đến các cụm từ này. Phải từ các triều Minh Mạng đến Tự Đức (1820 - 1883) thuật ngữ danh hương bắt đầu lộ diện mà bằng chứng là lần đầu tiên “tứ danh hương” được các tác giả sách “Đại Nam nhất thống chí” nhắc tới. Trong tập 2- Tỉnh Quảng Bình; ở phần phong tục có chép:“...bốn xã Sơn, Hà, Cảnh, Thổ (Lệ Sơn và La Hà thuộc huyện Minh Chính, Cảnh Dương và Thổ Ngõa thuộc huyện Bình Chính), đời nào cũng có người khoa giáp...4

          Đã có 4 danh hương ở phía bắc thì theo lô gich là 4 danh hương đối xứng ở phía nam sẽ  được bình chọn và xác định. Tại phủ Quảng Ninh sau đó đã xuất hiện tứ danh hương: Văn, Võ, Cổ, Kim (là các làng Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại). Như vậy thuật ngữ bát danh hương chỉ có thể là hệ quả của hai tứ danh hương hợp thành.

          Nhà nghiên cứu Mai Đình Lê Tộ trong bài “Lệ Sơn, vải tiến và cụ Lê Bính”, đăng trên tập san Quảng Bình Quê hương tôi khẳng định: “Từ đầu triều Nguyễn, Quảng Bình nổi tiếng đệ nhất danh hương có tám làng, Quảng Trạch có Sơn, Hà, Cảnh, Thổ (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương và Thổ Ngọa), Quảng Ninh có Văn, Võ, Cổ, Kim (Văn La, Võ xá, Cổ Hiền, Kim Nại). Các làng ấy nổi tiếng nhờ có khoa hoạn đông đời đời nối tiếp. Nhưng những làng như thế, phần nhiều cũng có phong cảnh kỳ tú, có danh sơn đại xuyên bối sái hoặc cùng chiếu và nam thanh nữ tú, có phong tục thuần mỹ cả”5.
        
Từ các thông tin trên chúng ta có thể kết luận là: thời điểm bắt đầu có sự  phân chia các các làng xã ở Quảng Bình thành các làng văn vật để tôn vinh về những đặc trưng văn hóa nổi trội so với các làng khác mới có từ đầu triều Nguyễn. Các danh hương, tứ danh hương và bát danh hương mặc nhiên được mọi người thừa nhận và được sử dụng phổ biến khi giới thiệu về lịch sử và văn hóa của tỉnh Quảng Bình từ giữa thế kỷ XIX đến nay. 

        b) Các tiêu chí của một danh hương văn vật ở tỉnh Quảng Bình
Từ các cứ liệu trên kết hợp với việc khảo sát cụ thể các đặc trưng văn hóa nổi bật của tám làng trong “bát danh hương” của tỉnh nhà, chúng tôi bước đầu xác định được các tiêu chí của một danh hương văn vật ở Quảng Bình gồm:

     - Làng có truyền thống hiếu học, nhiều người khoa bảng đỗ đạt.
     - Làng có sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc.
     - Làng có nhiều danh nhân hoặc có nhiều người làm quan có danh tiếng tốt. 
     - Làng có nhiều danh thắng kỳ tú,
     - Làng có số lượng di tích lịch sử, di tích văn hóa phong phú.
     - Làng có nhiều phong tục thuần mỹ.
      - Làng có nhiều trai tài gái sắc.

Khảo sát kỹ bát danh hương: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại chúng tôi thấy các làng này đều có các tiêu chí kể trên. Như vậy bát danh hương Quảng Bình chính là những làng văn vật nổi tiếng hàng đầu của tỉnh Quả

Chú thích:
  1. Hoàng Văn Nhân, Khảo sát làng văn hóa xứ Thanh, Nxb Khoa học Xã hội, HN, 1993, Tr 168
  2. Dương văn An, Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh - Hoàng Văn Phúc dịch, Nxb Thuận hóa, 2001, Tr 8
  3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập II, Khoa học Xã hội, HN, 1992, Tr.12
Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại (Tiêu đề do BBT đặt)
Từ khóa:

Lê Trọng Đại

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 1323
  • Tháng hiện tại: 32823
  • Tổng lượt truy cập: 8597751

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net