1
  • image
  • image
  • image
  • image
02:42 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trận đánh lịch sử của quân và dân Lệ Sơn ngày 28 tháng 4 năm 1965

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/07/2012 02:47 - Người đăng bài viết: bientap02
Giới thiệu tư liệu lịch sử về trận đánh oai hùng của quân và dân Lệ Sơn phối hợp với quân chủng Hải Quân Việt Nam đánh trả đợt tiêm kích máy bay Mỹ trên sông Gianh do thầy giáo Cảnh Giang biên tập.
Tác phẩm số: 01, hưởng ứng viết về chủ đề Thắp nến tri ân cho ngày kỷ niệm 27/7/2012
Tác giả: Cảnh Giang


Lời dẫn BBT:
Trận đánh của quân và dân Lệ Sơn ngày 28 tháng 4 năm 1965 mãi mãi đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt. Tinh thần quả cảm, sự đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với biên đội Hải Quân đã viết lên bảng vàng một thành tích chói ngời về truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của con em Lệ Sơn. Hình ảnh các Mẹ, các Chị cứu thương các chiến sỹ hải quân, hình ảnh các o dân quân du kích dồn dập nhả lữa lên bầu trời chống lại hàng trăm máy bay tối tân của Mỹ mãi khắc sâu trong trái tim hàng ngàn, hàng vạn nhân dân hai bên bờ Nam Bắc sông Gianh. Hôm nay trên trang báo của Làng, BBT trân trọng giới thiệu lại toàn cảnh trận đánh lịch sử đó, trận đánh của những người con quê hương kiên cường, bất khuất.


Sau những trận chiến đấu với máy bay Mỹ từ 5/8/1964 đến những ngày ác liệt của tháng 2 tháng 3 năm 1965,  để bảo toàn lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài,  tàu hải quân của quân chủng hải quân nhân dân Việt Nam, đóng tại quân cảng sông Gianh (Thuộc cửa Gianh, Quảng Phúc Quảng Trạch, và Thanh Trạch Bố Trạch) được lệnh sơ tán, trú ẩn trên vùng thượng nguồn sông Gianh,  chỉ để lại lực lượng phòng không  bảo vệ quân cảng và  một bộ phận hải quân tại Khe Nước Thanh Trạch, ( Bố Trạch).

Năm chiếc tàu của quân cảng sông Gianh, được những rừng tre, rừng cây ven sông Gianh của Lệ Sơn, Mai Hóa, Tiến Hóa, Cảnh Hóa và các xã ven 2 bờ sông Gianh thuộc Tuyên Hóa và Quảng Trạch, chở che, cưu mang. Các chiến sỹ trên 5 con tàu cùng dân quân Lệ Sơn xã Văn Hóa, và các xã ven sông Gianh, thường xuyên chặt lá và thay lá  ngụy trang hàng ngày cho tàu và súng trên 5 con tàu trú ẩn. Các mẹ các chị của làng Lệ Sơn thương các chú bộ đội, đã mang hoa trái trong vườn những quả Cam, quả Quýt, quả chanh... mùa nào quả ấy, cùng những xô nước, ngọt ngào nặng tình, nặng nghĩa quân dân.

Sau nhiều ngày trinh sát, máy bay Mỹ phát hiện các khu trú đậu của tàu hải quân ta. Sáng ngày 28 tháng 4 năm 1965 đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn máy bay F8U, AD6, F105 mở cuộc tấn công lớn vào các tàu hải quân ta ở Lèn Voi, lèn Đứt Chân.

 

 
8 giờ sáng, 4 chiếc F8U từ ngoài biển bay dọc theo sông Gianh, lên thượng nguồn, vượt qua khu vực tàu tuần tiễu đang trú đậu rồi vòng lại, bổ nhào bắn Rốckét xuống vị trí tàu T173 đậu ở lèn Voi. Đạn Rốckét trúng vào vách đá, mảnh đạn mảnh đá tung ra, làm một số cán bộ chiến sỹ ta bị thương. Tàu T173 cơ động chiến đấu đánh trả máy bay địch. Các tàu khác đậu gần đó vẫn giữ nguyên bí mật. Sau trận  đầu chiến đấu, sở chỉ huy sông Gianh lệnh cho tàu T173 đến xóm Lệ Sơn đưa thương binh lên bờ. Do nước cạn, sông hẹp, tàu phải cập bến Trường Tiên đưa thương binh lên bờ, lấy thêm lá nguỵ trang. Dân quân Lệ Sơn, cùng các mẹ các chị khẩn trương đưa thương binh lên bờ chăm sóc, cấp cứu, băng bó, một bộ phận chặt cây lá trong vườn gấp rút chuyển xuống tàu để ngụy trang... Một giờ sau, 2 chiếc AD6, 4 chiếc F8U kéo đến phóng Rốckét và bắn 20 ly vào tàu T126, Tàu T126 cơ động ngược lên lèn Đứt Chân đánh trả địch quyết liệt. Một máy bay Mỹ trúng đạn bốc cháy, 4 đồng chí trên tàu T126 bị thương.

Kết thúc trận đánh đợt 2, tàu T126 cập bến Phú Kinh, Phù Hoá chuyển thương binh lên bờ. Nhưng do nước thuỷ triều xuống, tàu bị mắc cạn. Nhân dân trong xóm hỗ trợ chuyển thương binh lên bờ, chặt lá nguy trang phủ cho con tàu. 10 giờ 30 phút, 2 máy bay AD6 quần đánh tàu T163 và T165  đang trú đậu ở lèn Đứt Chân. Tàu T165 vừa sửa  máy vừa chiến đấu. Một quả Rốckét phóng trúng vào bệ pháo sau tàu T165, một số pháo thủ bị thương, tàu cơ động được hơn 100 m thì bị địch chặn đánh. Một quả Rốckét nữa phóng trúng tàu, lửa cháy dữ dội, khoang đạn trong tàu phát nổ,  tàu T165 bốc cháy. Tàu T163, bảy lần đánh trả các đợt tấn công, của địch từ lèn Đứt Chân đến  lèn Lệ Sơn.  Tàu T163 cập bờ đưa thương binh vào xóm Lệ Sơn. Khi cán bộ chiến sỹ, cùng dân quân đang nguỵ trang tàu thì địch quay lại. Tàu T163 cơ động xuống lèn Voi đánh trả các đợt bổ nhào của máy bay địch. Một chiếc máy bay địch trúng đạn bốc cháy.  Cả 5 tàu của hải quân của  ta đều lần lượt lộ diện, trực tiếp  đương đầu với hàng trăm máy bay đủ các loại  tối tân hiện đại thay nhau,  tốp này dội hết bom đạn về, tốp khác mang bom đạn mới  đến thay.

 

 
Một cuộc chiến đấu không cân sức, giữa 5 tàu hải quân ta cơ động trên lòng sông vừa cạn vừa hẹp, nên khó mà tránh  liên tiếp những loạt bom, rốckét, 20 ly khi chúng bổ nhào: mỗi lần 2 chiếc máy bay bổ nhào kẹp chặt từng chiếc tàu một của ta nhả đạn.  Máy bay địch vẫn tiếp tục tấn công tàu T 163  ở lèn Voi;  4 chiếc F8U, 3 chiếc A4D tập kích tàu T126 đang mắc cạn.  Hai tàu T126 và T161 hiệp đồng chiến đấu, bắn cháy thêm 01 máy bay địch nữa. Tàu T126 không cơ động được đang trở thành mục tiêu tại chổ cho 2 tốp máy bay thi nhau dội lửa xuống thân tàu .

Các chiến sỹ vừa dũng cảm chiến đấu, vừa dập lửa trên tàu, vừa băng bó vết thương cho thương binh,  cả 8 nòng pháo đều nhả đạn,  nòng pháo nào cũng nóng đỏ. Hai loạt đạn 20 ly của 2 máy bay cùng bổ nhào,  tàu T126 trúng đạn bốc cháy. Lá nguỵ trang trên tàu, cùng xăng dầu và đạn pháo trên tàu bắt lửa, các chiến sỹ trên tàu T126 vừa dập lửa cứu tàu, vừa cùng dân quân 2 bên bờ sông  đưa  các chiến sỹ thương vong chuyển lên bờ. Thủ đoạn của địch là cứ 2 tốp máy bay cường kích tiêm kích,  thay nhau quần  đánh một chiếc tàu, cho đến khi cháy mới chịu thôi.

Hoả lực phòng không ở nơi trú ẩn chủ yếu là  súng bộ binh của  dân quân 2 bên bờ sông  tiếp ứng,  còn lại  chủ yếu là trên các con tàu phải chủ động vừa cơ động vừa đánh trả. Hai tàu T161, và T173 được phép cơ động xuống hạ lưu sông Gianh để có sự phối hợp hoả lực của lưới lửa phòng không các tiểu đoàn pháo 37 chủ lực, 12ly7 của các đại đội dân quân tự vệ các xã cuối sông Gianh.

 

Tàu T163 cơ động xuống lèn Voi, để cùng phối hợp với 2 tàu T161 và T173, nhưng 2 tàu  T161và 173 đã xuôi về cảng Gianh. Thuyền trưởng tàu T163 cho tàu cập bến gần lèn Voi đưa thương binh lên bờ,  sắp xếp lại các vị trí pháo thủ, chuẩn bị đạn dược cho trận chiến đấu mới.  Phát hiện tàu T163 một mình ở thượng lưu chúng chia 2 nhóm,  một nhóm rượt theo 2 tàu về cảng Gianh,  một nhóm quay trở lên tập trung hoả lực,  nhào lộn đánh tàu T163. Các chiến sỹ trên tàu T163,  quần  nhau với máy bay Mỹ  hơn 1 buổi,  nên thương vong  gần một nửa,  còn 15 chiến sỹ vừa lái tàu vừa chỉ huy, vừa  điều khiển máy, vừa thông tin, nên 8 nòng pháo  chỉ còn lại hơn chục chiến sỹ vừa tiếp đạn, vừa chỉ huy bắn máy bay, trong lúc vừa đói vừa khát, vừa mệt, vừa thương vong trên mình.  Nhưng các chiến sỹ lòng không nao núng,  họ xác định một mất một còn,  quyết liệt chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập tự do của tổ quốc.

Tàu T163  vừa cơ động vừa chiến đấu đến gần lèn Voi  cách hơn  100m,  thì 8 chiếc  F8 U và 2 thần sấm F 105 triển khai đội hình, vụt lên cao nhằm hướng tàu T163 bắn rốc két và cắt bom.  Tàu T163 nổ súng giòn giã rồi tắt lịm, tàu 163 trùm trong khói lửa,  rồi từ từ  ngã vào lòng sông  dịu mát bao dung của Mẹ quê hương.

 
14 h  ngày 28 tháng 4, sau khi quay về hạm đội ở ngoài khơi, thay ca kíp, bổ sung bom  đạn, chúng biết chỉ còn 2 chiếc tàu không còn sức chiến đấu, đang về quân cảng chờ tiếp cận với trận chiến đấu mới, chúng huy động 8 chiếc cường kích F8U,  4 chiếc tiêm kích AD6 và 2 F105,  tập kích tàu T161 và T173 đang cơ động về đến Thuận Bài Quảng Thuận. Được các đơn vị phòng không 2 bên bờ Nam Bắc sông Gianh chi viện,  2 tàu của ta càng  phấn chấn càng chiến đấu quyết liệt,  mở màn cho trận hiệp đồng đầu tiên của buổi chiều, một máy bay Mỹ bị trúng đạn, một khối lửa  khổng lồ bùng cháy trên bầu trời lao về phía biển. Máy bay địch tán loạn đội hình, thay đổi chiến thuật. Sau 40 phút chiến đấu, các hoả lực trên bờ liên tục nhả đạn vào các hướng bổ nhào của 14  chiếc máy bay,  bám riết vào con tàu đang bị thương, cố gắng vòng lượn,  tiến lui tránh bom đạn;  lúc này hầu hết các nòng pháo đã nóng bỏng nhiều khẩu bị hóc không bắn được, lực lượng trên bờ yếu dần. Lợi dụng tình thế đó,  2 chiếc AD6 nhào xuống thấp,  tránh hoả lực pháo 37 ly, cắt bom trúng boong tàu T 173. Đồng chí  Thuyền trưởng tàu T173 Nguyễn Hữu Tiến hy sinh tại chổ, hầu hết các chiến sỹ trên tàu đều bị thương vong. Một số đồng chí  bị thương nhẹ tự bơi vào bờ,  quân và dân Quảng Thuận chèo thuyền ra tàu cứu thương binh và đưa  những chiến sỹ hy sinh lên bờ. Tàu T173 bị nổ tung chìm vào lòng sông nức nở căm hờn.

Chiếc tàu T161 cuối cùng, 3 máy bị hỏng,  chỉ còn 1 máy nhưng cũng bị sự cố, do trưởng cơ điện Thượng sĩ Phan Văn Tải ( quê Quyết Thắng xã Thanh Trạch) điều khiển.  Để tránh các loạt bom chúng ném xuống tàu, anh đã dùng mỏ lết điều khiển không cho tàu tiến hay lui như trước,  bằng kinh nghiệm của nhiều trận chiến đấu, anh điều khiển cho con tàu vừa chạy, nhưng khi địch bổ nhào phóng rốc két, 20 li hoặc bom,  anh liền dùng mỏ lết quay cho tàu vòng quanh. Nhờ vậy mà anh vừa chạy vừa tránh đạn về đến cầu cảng ngư trường cập bến. Trên tàu 26 chiến sỹ nhưng thương vong suốt  một ngày gần hết. Vừa cập bến chưa kịp đưa thương binh lên bờ, thì địch mở đợt tấn công mới.  Một số tự vệ ngư trường và một số dân quân Thanh Trạch xuống tàu bổ sung ứng cứu  Tất cả thuỷ thủ và dân quân, tự vệ,  về vị trí chiến đấu, 2 chiếc AD6  bất ngờ lao xuống bay thấp sát thân tàu thả bom cháy. Hai chiếc AD6 khác từ trên cao bắn 20 ly vào chiếc tàu đang quay vòng tránh bom. Tất cả các cở pháo và súng bộ binh  trên bờ  gầm lên. Pháo trên tàu còn một khẩu cũng dòn giã nhả đạn lên trời,  cả không gian buổi hoàng hôn như một trời hoa lửa bao lấy máy bay quân thù. Loạt 20ly nổ chát chúa trên boong tàu, đồng chí San trúng đạn gục xuống trong tư thế bắn,  Phan Văn Tải rú lên đau đớn, ôm lấy người đồng đội kiên cường của mình  khóc nức nở;  Máu từ ngực đồng đội đầm đìa áo anh. Một quả bom Na pan nổ sát thân tàu chừng 10m, lửa tung lên tàu rơi vào khoang máy nóng bỏng  cả ngày, dầu loang chưa kịp nguội. Cả chiếc tàu bốc lửa cháy ngùn ngụt, cả dòng sông cũng bừng bừng lửa cháy.
 Đêm trên cửa Gianh cùng cả con tàu như một biển lửa. … Đêm xuống, Tàu T161 , chiếc tàu cuối cùng trong 5 chiếc tàu, của hải quân nhân dân Việt Nam trên mặt trận sông Gianh, ngày 28 tháng 4 năm 1965, cúi chào vĩnh biệt quê hương.

 

Trận đánh ngày 28 tháng 4 năm 1965, tại mặt trận sông Gianh mãi mãi đi vào lịch sử,  đáng ghi nhớ, đáng tự hào, của truyền thống hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Suốt ngày 28 tháng 4 năm 1965 đế quốc Mỹ đã huy động 80 lượt máy bay mỗi đợt từ 9 đến 20 chiếc các loại máy bay tối tân hiện đại AD6, F8U, F105. Với các loại vũ khí giết người man rợ rốckét, 20 ly, bom sát thương, bom khoan, bom na pan,  bám riết 5 con tàu cơ động trên một dòng sông vừa cạn vừa hẹp. Nhưng các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam dũng cảm ngoan cường, đã cùng lưới lửa phòng không của bộ đội dân quân tự vệ 2 bên bờ Nam Bắc sông Gianh, lập công xuất sắc đã vít đầu 5 chiếc máy bay giặc Mỹ xuống biển đông, bắn bị thương nhiều chiếc khác, tiêu diệt nhiều giặc lái. Trong trận này 5 tàu Hải quân của ta hư hỏng nặng, T 165, 124, 163, 173, 161, trong đó có 3 chiếc bị chìm, 37 chiến sỹ ta anh dũng hy sinh, 73 chiến sỹ bị thương (1).

Trận đánh ngày 28 tháng 4 năm 1965, là một hình ảnh sinh động, về sự đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, với khí thế quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta. Cũng là  biểu hiện  đậm đà tình quân dân thắm thiết, khi các chiến sỹ được các chị các mẹ và dân quân vượt qua  lửa đạn, gian nguy đưa thuyền ra ứng cứu, vận chuyển, chăm sóc thương binh, phủ thêm lá nguỵ trang, bổ sung người cùng tham gia chiến đấu. Suốt một ngày, cả 5 chiếc tàu đã kiên cường chiến đấu và cả 5 chiếc tàu cùng  anh dũng hy sinh. Nhưng hình ảnh những con tàu, hình ảnh những người chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam mãi mãi khắc sâu trong trái tim hàng ngàn, hàng vạn nhân dân hai bên bờ Nam bắc sông Gianh, ngậm ngùi thương tiếc.

Trận đánh ngày 28 tháng 4 năm 1965 đã đi vào ký ức, mỗi người dân Lệ Sơn xã Văn Hóa, Tuyên Hóa, cùng quân và dân 2 bên bờ Nam Bắc sông Gianh,  hôm nay và mãi mãi  đến mai sau .

................................................................................................................................
(1); Quảng Bình kháng chiến chống Mỹ cứu nước Trang 111, 115.; Lịch sử Bố Trạch Trang 176 . 177;   Lịch sử hải quân nhân dân Việt Nam,   Trang 187 , 188; Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Trạch, Tr 124, 125.
Tác giả bài viết: Cảnh Giang
Từ khóa:

Lệ Sơn

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Trung Làng - Đăng lúc: 29/07/2012 17:50
Trận đánh này nghe đâu mấy cái tàu đến 2 tháng vẫn chưa chìm, chứ không như thầy CG nói. Nhưng nghe nói nó thả bom liên tục đến mấy tuần vì cứ tưởng tàu vẫn chiến được, tốn đạn dược của nó hơi nhiều. Trận này nghe đâu nhà của bà con Lệ Sơn cháy hơi nhiều. Ai sống trong thời kỳ đó mong xác nhận mấy thông tin ni cho cái. Cảm ơn
Avata
Lê Thu Minh - Đăng lúc: 13/07/2012 20:45
Bài viết mở màn cho chủ đề tri ân ngày thương binh liệt sỹ là rất có ý nghĩa. Cảm ơn thông tin bổ ích này. Nói thực thế hệ trẻ tụi em chưa nghe ai kể về chiến công này bao giờ, chăg biết được sự kiện ni. Tôi có mong muốn tác giả bổ sung những người con quê hương đã hy sinh trong cuộc chiến không cân sức này thì tốt biết bao

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 232
  • Tháng hiện tại: 50394
  • Tổng lượt truy cập: 8005677

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net