Đêm đầu tiên trên tàu, lòng lâng lâng khó tả, tôi lang thang trên boong rồi lên sân đậu trực thăng ngắm sao trời, bất ngờ khi gặp anh Lương Duy Hoàng, tác giả bài thơ:
Gửi con gái Mẹ một cựu chiến binh trong nhóm của Tập đoàn Dầu khí. Anh vừa là người cùng dòng họ ở quê tôi (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa) lại vừa chơi với nhau khi học đại học ở Huế, cùng vác ba lô “Nam tiến” trong những năm còn bao cấp.
Tác giả cùng cựu chiến binh Lương Duy Hoàng và 2 Sĩ quan Nguyễn Lệ Sơn, Trương Quốc Toàn. |
Chuyện quê nhà, chuyện học hành mãi rồi cả hai anh em cùng hỏi nhau không biết dân Quảng Bình quê mình có ai đang là chiến sĩ hay công tác ở các đơn vị dân sự trên các đảo của quần đảo Trường Sa hay không.
Lịch trình thăm cụ thể ở mỗi đảo đã được Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cho biết là sẽ đi thăm một nhà giàn và 10 đảo nên mỗi đảo chỉ lưu lại 2-3 giờ và không ở lại đêm. Cả tôi và anh Hoàng đều lo, vì lịch trình như thế thì tìm gặp cho được con em quê nhà là không dễ. Nhưng cả hai anh em đều quyết tâm lưu ý đến việc này.
Ngay buổi chiều đầu tiên của hải trình, chúng tôi tiếp cận bãi Tư Chính là bãi ngầm dài khoảng 57km và rộng khoảng 13km với điểm nhô cao nhất cách mặt nước khoảng 16m. Đoàn vào thăm nhà giàn DK1/14 (tên đầy đủ là Trạm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ 1/14). Thường trực tại nhà giàn, ngoài lực lượng hải quân thuộc Tiểu đoàn Hải quân DK1 còn có cán bộ, nhân viên các ngành bảo đảm hàng hải, khí tượng, thủy văn, dầu khí...
Trong mênh mông trời nước, nhà giàn là hai khối nhà hộp ở độ cao cách mặt biển khoảng 40m, nối thông nhau, trông xa tựa như chuồng bồ câu. Những khối nhà này cắm sâu 4 chân trụ vào lòng biển. Muốn lên tầng cao nhất của nhà giàn, là nơi lính nhà giàn ở và làm nhiệm vụ, thì phải chinh phục hàng trăm bậc cầu thang sắt dựng đứng. Lên đến nơi, trong lúc các cô văn công từ đất liền tranh thủ biểu diễn phục vụ bộ đội thì tôi và anh Hoàng mỗi người một hướng thăm hỏi các chiến sĩ để nhân đó tìm con em quê nhà.
Hóa ra nhiều người trong đoàn, nhất là các mẹ các chị, cũng tranh thủ đi tìm con em quê nhà như chúng tôi nên lối đi nhỏ vòng quanh nhà giàn cứ chật cứng người. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nghe kể về sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ lúc nhà giàn DK1/3 bị đổ do bão lớn năm 1990, của nhà giàn DK1/5 năm 1999 và nhà giàn DK1/4 năm 2000...
Cả tôi và anh Hoàng đều đã không gặp may vì trong lực lượng chốt giữ trên nhà giàn DK1/14 không có ai là người Quảng Bình.
Nhưng ngày hôm sau, khi đến thăm đảo Trường Sa Đông thì chúng tôi toại nguyện vì gặp được cùng lúc hai chiến sĩ quê Quảng Bình là Nguyễn Lệ Sơn và Trương Quốc Toàn. Toàn quê ở huyện Bố Trạch và Sơn quê ở xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Sơn vừa mới cưới vợ, để vợ ở cùng nhà ngoại tại thị xã Ba Đồn để yên tâm công tác. Thiếu tá Hoàng Thanh Tú, chỉ huy đảo, cho biết Toàn và Sơn đều đang là những chiến sĩ trẻ và công tác rất tốt.
Hỏi ở ngoài trùng khơi thế này có buồn không, cả Hải và Sơn đều nói tuy có những khó khăn hơn ở đất liền là đương nhiên nhưng vẫn vui vì cán bộ chiến sĩ trên đảo như anh em một nhà. Thêm nữa, lãnh đạo cũng như đất liền luôn hướng về đảo nên đã động viên tinh thần anh em rất nhiều. Toàn và Sơn đều nhắn gửi qua chúng tôi chuyển lời cho gia đình hãy yên tâm vì ở đảo các em đã được nhiều sự quan tâm chu đáo.
Hôm đến đảo Sinh Tồn Đông, trung tá Nguyễn Văn Bình, chỉ huy trưởng, cũng cho biết đơn vị có 2 sĩ quan là con em Quảng Bình, một người quê huyện Minh Hoá, một người quê huyện Bố Trạch. Cả hai đều chưa có gia đình và là những cán bộ nòng cốt, rất triển vọng của đảo. Tiếc là khi đoàn chúng tôi ra đảo, cả hai anh đều đang đi công tác.
Vườn rau cải thiện của chi đoàn thanh niên đảo Trường Sa Đông, nơi các Sĩ quan Nguyễn Lệ Sơn và Trương Quốc Toàn đang công tác. |
Ở đảo Nam Yết, chúng tôi không gặp chiến sĩ nào người Quảng Bình nhưng khi viếng mộ các chiến sĩ hy sinh trên đảo, chúng tôi gặp mộ của liệt sĩ Đinh Thanh Bình. Bình quê ở xã Xuân Hóa của huyện Minh Hóa, sinh ngày 18-7-1992, nhập ngũ ngày 23-2-2011 và hy sinh ngày 19-9-2011, tức là chỉ hơn 7 tháng sau khi nhập ngũ.
Gặp con em trên quê nhà đang sát cánh cùng con em cả nước bảo vệ biển đảo, cả chúng tôi và các em đều vui mừng vô hạn. Càng mừng hơn khi được chứng kiến các em và đồng đội được sự quan tâm rất đặc biệt của lực lượng hải quân cũng như nhân dân cả nước. Nhớ hôm ở đảo Sinh Tồn Đông, nhìn sang đảo Huy Gơ gần đấy đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, thấy công trường với cả nhà cao tầng đang mọc lên, chúng tôi căm phẫn vô cùng.
Chỉ 10 ngày đêm qua một số nhà giàn và đảo của quần đảo Trường Sa nhưng được chứng kiến những khắc nghiệt của trùng khơi và tinh thần quyết tâm bảo vệ biển đảo của cán bộ chiến sĩ nơi đây, lòng chúng tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Cảm ơn biết bao những người lính trẻ Quân đội Nhân dân Việt Nam đang ngày đêm bám đảo. Chính họ đã cho chúng tôi cảm nhận rõ hơn về từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Cụ Lộc thông cảm. anh em tui chỉ lên đảo được chút đỉnh mà phải làm rất nhiều công việc chuyên môn, việc tìm gặp anh em đồng hương phải tính bằng phút và còn nhiều nguyên tắc không được phép khi ở trên đảo nữa. Tuy nhiên, những tình tiết (con ai, xóm mô, nhập quân ngũ năm nào ...) tôi với anh Hoàng đều khai thác nhưng không tiện đưa lên bài viết vì nhiều lý do không nói được ở đây. Hơn nữa, bài này đăng ở báo Quảng Bình chứ không phải viết cho báo làng nên chủ trương tác giả chỉ đưa thông tin ở mức này thôi. Cảm ơn cụ đã đọc, xin hứa khi rảnh sẽ viết bài khác cho báo làng rõ hơn về việc này