1
  • image
  • image
  • image
  • image
14:03 ICT Thứ năm, 12/12/2024

Nhạt nhòa văn vật

Đăng lúc: Thứ hai - 03/12/2012 05:02 - Người đăng bài viết: bientap02
Lâu lắm mới về quê ăn Tết nên tôi bất ngờ khi thấy người chú bày biện đủ thứ trên bàn thờ nhưng không treo câu đối hay những bộ tranh Xuân Hạ Thu Đông như thuở nào. Chú tôi bảo: “Anh đi lâu ngày về nên lạc hậu chuyện làng. Bây giờ ai chơi câu đối nữa!”.
Hóa ra thật. Làng tôi bây giờ thật khó tìm được những nhà chơi tranh Tết. Bàn thờ bày la liệt những hộp bánh xanh đỏ tím vàng sặc sỡ; rồi thì bia lon, xúc xích, toàn những thứ con cháu mua từ siêu thị gửi về làm quà.
Làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình quê tôi nằm dựa lưng vào 99 ngọn núi đá vôi, mặt hướng ra hạ nguồn sông Gianh. Thuở thiếu thời, tôi không hiểu vì sao cái làng bé nhỏ - nơi cứ đến mùa là các o, các dì lại dắt díu nhau nhảy tàu vào Lệ Thủy mót lúa; đàn ông thì vượt hàng bao nhiêu ngọn núi cao chọc trời để đi hái trái mít rừng về băm nhỏ, phơi khô, hấp cơm ăn cho qua bữa – vậy mà hàng trăm năm trước đã từng đứng đầu trong tám ngôi làng nổi danh văn vật nhất đất Quảng Bình (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim).
Lớn lên một chút, tôi được ba giải thích rằng đúng là Lệ Sơn không người kiệt xuất, không di tích, không của ngon vật lạ nhưng từ xưa dân trí đã rất cao. Mà thật, các cụ ở làng tôi hầu như tinh thông Tam tự kinh và Minh tâm bảo giám. Ngoại tôi ngày hai bữa xa xỉ nhất cũng chỉ có ruốc với đậu lạc, thế mà đọc Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm cứ làu làu. Trước Cách mạng Tháng Tám, khi cả nước có tới 80% dân số mù chữ thì Lệ Sơn xem như đã hoàn toàn xóa nạn mù chữ.

 
1
Chợ Vang ở Lệ Sơn ngày Tết. Ảnh: Lương Duy Cường
 
Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là khi Xuân về Tết đến. Năm nào cũng vậy, dù gặp lúc đói kém đến mấy, ba tôi cũng dành dụm ít tiền chơi dăm đôi câu đối Tết, những bộ tranh cá chép trông trăng hay mai tùng cúc trúc... nên bàn thờ gia tiên sáng sủa hẳn lên. Lớn lên, vào Huế học đại học, gặp phải những năm đói quay quắt nhưng cứ Tết đến, tôi lại bán suất gạo bao cấp ít ỏi để mua về cho ba mấy bức tranh Xuân. Ba tôi vui lắm.

Ký ức Tết làng trong tôi là ngọt lừ những cam voi, cam sành, quýt, mít. Cứ chiều 30 Tết, nội bắt tôi lần lượt bưng đồ cúng tới hàng chục nhà, mỗi nhà là một thẻ nhang nhỏ, trái cam mọng nước và cút rượu trắng. Bây giờ thì làng tôi khó mà tìm ra vườn nào còn cam. Lũ lụt không còn đem phù sa về làm xanh cây trái nữa mà ngày càng khiến vườn tược nghèo kiệt. Ngày Tết, chợ cũng bán đầy cam, đầy bưởi đấy nhưng là hàng đưa từ tận đẩu tận đâu về, nghe nói toàn là trái cây Trung Quốc. Có điều gì đó đang chuyển dịch trong sâu thẳm làng tôi !

Suốt đời bôn ba, gia đình mới làm được căn nhà tươm tất nhưng chưa được bao lăm thì anh tôi mất, rồi chị cũng đi theo. Nhà có đến sáu - bảy đứa con nhưng đứa làm Đà Nẵng, đứa sống Sài Gòn, không ai chịu về quê. Thành ra, căn nhà bề thế một đời anh chị tôi ky cóp bỗng như cái nhà hoang, xóm giềng thương lâu lâu ghé vào nhang khói. Được mấy ngày Tết, con cái dắt díu nhau về vui vầy vài ba bữa rồi lại kéo nhau đi hết.
Làng tôi bây giờ nhiều nhà đến Tết họa chăng mới có tiếng người. Nghĩ mà xót. Chỉ trừ thuở đói kém kinh hoàng năm 1945 mới có chuyện bỏ làng dắt díu nhau qua Lào, Thái Lan làm ăn chứ thời bom Mỹ dội suốt ngày như thế mà dân quê tôi vẫn bám trụ bền bỉ. Bây giờ thì dân Lệ Sơn đã không còn lạ gì chuyện thu hoạch lúa tấn, hộ nghèo còn nhiều nhưng cảnh cơm độn đã thành dĩ vãng. Từ đầu đến cuối làng, đường sá đã khang trang, điện về tận nhà, xe máy chạy đầy đường..., thế mà con em dắt díu nhau đi hết nên chỉ còn toàn ông già, bà lão. Ít thanh niên nên làng buồn hẳn. Cảnh ngày Xuân hào hứng với đua thuyền, đá bóng nhạt dần.

Thằng cháu tôi phân trần: “Ngày xưa, cả nhà làm được vài tạ lúa một năm đã là mừng. Bây giờ làm ra lúa tấn đấy nhưng bán chỉ được vài triệu đồng. Cả năm xoay xở tất tần tật nhờ vào chừng ấy. Đi làm ăn xa khổ thật nhưng có tiền mặt vẫn sướng hơn”.
Cháu tôi có lý. Mấy năm nó ở nhà, Tết đến chỉ biết trông chờ bán con heo hoặc dăm tạ lúa nên đến cái áo mới cũng không dám mua. Bây giờ, anh em rủ nhau vào Nam làm ăn, khổ vẫn hoàn khổ nhưng Tết đến đứa nào cũng dắt lưng dăm triệu đồng, kéo nhau về quê mặt cứ hơn hớn. Đưa cho cha mẹ phòng thân tuổi già thì ít mà vung vẩy hào phóng thì nhiều nên cứ Tết đến là ở làng quê nghèo khó này bỗng có lắm kẻ hóa chơi sang.

Thằng út con thím tôi về quê ăn Tết với một chiếc xe máy Trung Quốc. Hắn vênh váo cưỡi xe lượn khắp làng, đến chỗ nào cũng kiếm cớ uống vài lon bia, nói năng trên trời dưới đất cứ như ở miền Nam, mình là dân chơi thứ thiệt. Mấy ai biết hắn làm công nhân một nhà máy giày da ở Bình Dương, công việc tối tăm mày mặt, lắm khi suốt tuần không nhìn thấy mặt trời mà thu nhập cả tháng chưa tới 3 triệu đồng. “Về quê phải “hoành tráng” chứ không người ta khinh chú ơi!”- hắn bảo. Hết ba ngày Tết, mẹ hắn phải bán đi cả tạ đậu xanh để thằng con trai “hoành tráng” đủ tiền vô Nam.
Có điều gì đó đang chuyển dịch trong sâu thẳm làng tôi!
 
Tác giả bài viết: Lương Duy Cường
Từ khóa:

Lương Duy Cường

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
9xtrunglang - Đăng lúc: 03/12/2012 08:43
Ngẩm nghỉ lại thật thấy LỆ SƠN giờ đã khác xưa thật nhiều:đường xá khang trang,cuộc sống ngày càng đổi mới,ngày một đi lên. Thật mừng cho thế hệ trẻ Lệ Sơn,ngày nay họ được hưởng một cuộc sống hơn cha ông ta ngày xưa rất nhiều,không phải ngô khoai qua bửa,không phải sớm nắng chiều mưa làm quần quật cả ngày mà vẩn không đủ ăn như trước nửa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho quê hương ngày một đổi mới nhưng kéo theo đó là biết bao hệ lụy mà đâu phải ai củng biết được. Đất Lệ Sơn đứng đầu bát danh hương nhờ một chữ "học",nhưng thế hệ trẻ hiện nay có được mấy người xứng đáng với chữ "học" đó. Trai thì hư theo kiểu trai,gải thì hỏng theo kiểu gái. Tất cả họ cứ chạy theo, đua đòi với những thứ xa hoa lảng phí nhưng có mấy ai hiểu rỏ truyền thống của quê hương mình,có ai biết được ngày trước ông cha ta đã vất vả ra sao. Nhìn lại thật đáng buồn!!!

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 14
  • Hôm nay: 1335
  • Tháng hiện tại: 32835
  • Tổng lượt truy cập: 8597763

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net