1
  • image
  • image
  • image
  • image
04:11 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Truyện ngắn Cái quai nón của Trang Thái Hà

Đăng lúc: Thứ sáu - 14/06/2013 05:29 - Người đăng bài viết: bientap02
Truyện ngắn nhiều màu sắc của tác giả Trang Thái Hà, một cây bút quen thuộc trên báo làng Lệ Sơn
Các bài viết cùng tác giả đã đăng:
1. Thơ say 1
2. Thơ say 2
3. Chân quê
4. Chửi những kẻ ăn trộm gà ở quê
5. Lửa vội
6. Duyên đến muộn là duyên lành


CÁI QUAI NÓN
 
Đang lúc, chỉ tiếng gà gáy mới quật giật mình buổi ban trưa thì hai mẹ con Bàn xảy ra co cãi. Tiếng lớn tiếng bé cứ rõ dần.

- Con không gặp. Bu muốn thì đi mà gặp.

- Ơ hay? Gặp cho anh hay gặp cho tôi? Ý tôi đã quyết. Ngày kia, tôi sẽ thưa chuyện với nhà bên ấy.

 - Khổ quá! Tết nhất... Bu cứ lo mấy việc đâu đâu.

 - Thế giờ anh tính thế nào? Không lẽ tôi phải đi tán gái cho anh?

 - Con không đi. Bu muốn thì hỏi về rồi ở với nó.

 Bàn vùng vằng, châm vội điếu thuốc rồi ra gốc nhãn lấy chiếc xe phóng thẳng. Con chó nhỏ chạy theo sau. Bàn hắng giọng đuổi về. Bà bần thần hồi lâu trước bậc thềm. Có tiếng chó sủa, bà búi vội túm tóc đi nhanh ra cổng.

 Bà Mai đon đả: “Cau của bà đây. Cả buồng nhé”. Bà đỡ lấy buồng cau, quay một vòng, vờ hỏi: “Cau già, chát ngầm, ăn gì được?”. Bà Mai xuýt xoa: “Cau Đông, vừa mang từ Hải Phòng lên đấy. Dẫn cưới loại này thì hết ý”. “Vâng! Tôi xin. Bà vào uống với tôi ngụm nước”. Bà xởi lởi, tươi tỉnh hẳn.

 Đặt buồng cau lên bàn, bà tỏ vẻ ưng ý: Buồng cau đẹp thật! Chừng trăm quả đều tăm tắp, tua mượt. Vỏ màu xanh mỡ. Bổ không long hạt, thơm lắm. Còn thiếu trăm lá trầu quế đợi người bên Hưng Yên mang sang, thế là ổn.

Cậu con trai “U40” suốt ngày chúi mũi vào xưởng mộc. Hai mẹ con sớm tối như hai cái bóng. Làm bạn với bà chỉ có gà qué quanh quẩn xó bếp. Bà vẫn thường bỏ bữa vì chán cảnh bếp núc, mâm pháo thui thủi một mình. Nghe tiếng trẻ con khóc, các bà cầm bát cơm chạy theo dỗ dành cháu, bà chạnh lòng ghê gớm. Bà nhận ra, mình thèm tiếng người đến xáo ruột gan.

 Bà với tay lấy chiếc nong nhỏ trên giàn bếp. Con dao sắc dùng róc vỏ cau. Phần ba vỏ bị cắt bỏ rồi tiễn chũm. Bà tỉa hoa trên phần vỏ xanh còn lại. Quả cau bổ làm sáu phần đều nhau. Sẽ tước bỏ chỗ vỏ xanh khi ăn. Lá trầu gấp thành hai chiều dọc. Đưa một nhát dao hơi xéo vào hai bên phiến lá nhưng không để đứt. Phần giữa lá, xén bỏ hai bên mép cho thẳng. Phết chút vôi ở giữa, cuộn tròn lại. Dùi một lỗ giữa cuộn trầu, gài cuống lá vào cho chặt. Hai rẻo lá hình cong, cắt gần sát cuống, không cuộn nên vểnh lên trông như hai cánh của con chim phượng, hao hao giống vành trăng lưỡi liềm.

Bàn trông thấy bà liền nán lại như muốn xí xóa chuyện trả treo lúc trưa. Anh nhấc buồng cau, đặt xuống. Thấy nặng tay, nghĩ bụng: Dễ chừng có trên trăm quả. Cau mới ngả màu, trên lớp da còn thấy đường gân xanh. Cuống và quai còn xanh ngắt. Buồng cau được cắt tỉa cẩn thận, bẻ rất khéo theo kiểu bẻ cau lễ. Cuống hình vòng cung, hai đầu nhọn hoắt giống hai cái sừng bò. Nghĩ đến đây, Bàn cất tiếng: “Bà Mai lại nhờ bu têm trầu à? Hỷ nhà ai vậy bu?”

Bà vẫn chưa hết bực mình, định bụng lờ đi nhưng lại buột miệng: “Bu têm cho anh đấy. Anh nghe bu lần này thôi”. Bàn đứng phắt dậy: “Con xin bu! Bu muốn con bỏ nhà, bỏ cái làng này mà đi hay sao?”. Bà níu lấy chân anh, van nài khẩn thiết: “Anh có thương bu không?”.

Bàn đanh giọng: “Bu để cho con yên”.

- Anh muốn nhà này tuyệt hậu hay sao? Cái số tôi vô phúc. Tôi lên chùa, thác gửi cái thân tôi cho Phật. Anh vừa lòng chưa?

Bàn giận sôi người, cúi xuống hất đổ chiếc nong. Trầu văng tung tóe khắp sàn. Bà nín lặng, quờ quạng. Mồm mếu máo, méo xệch. Run rẩy nhặt  từng miếng trầu, thổi nhẹ cát bụi. Trông thấy tấm lưng còng sát đất, bàn tay xương xẩu, dúm dó... Bàn thương lắm. Anh cúi nhặt trầu rơi vãi phía gầm cũi nhưng bà gạt ra: “Không khiến! Anh đi đi. Đi cho khuất mắt tôi”.

Đã mấy ngày, bà nằm một chỗ. Thấy anh, bà liền trở lưng, rên khẽ. Rồi bà ốm thật. Bà gầy rộc, hốc hác đi trông thấy. Mới đầu cứ nghĩ bà đang dùng “khổ nhục kế” nhưng xem ra không phải. Anh chẳng biết nói thế nào để trấn an bà. Quả thật, chuyện vợ con với anh như một món nợ trần, không biết vay bao giờ mà cứ phải xin khất.

Cả họ tổ chức cất mộ cho bác Sỉnh. Anh xắn tay vào làm cỗ. Các chị nhặt rau cần gần đấy được thể chọc ngoáy: “Chú Bàn tính thế nào? Rét mướt thế này nằm một mình buồn lắm!”. Bàn chỉ biết im lặng bỏ hết ngoài tai.

Tay thoăn thoắt thái khối thịt trâu, trong đầu Bàn nghĩ lung lắm. Bàn tay tím ngắt, đôi mắt sâu trũng, cái nhìn van nài của mẹ cứ bám riết, chì chiết. Chợt nghĩ: “Hay là...?”. Bỗng có tiếng người thất thanh: “Máu! Tay anh chảy máu kìa?”. Ngón tay cái bị cắt gần phân nửa. Bàn bắt đầu thấy ran rát, nhưng nhức. Máu rịn ra thấm vào những lát thịt trâu xám ngoét.

Bàn ngoan ngoãn đi theo cô gái lạ như bị bỏ bùa. Chiếc quai nón bị xé toạc làm gạc quấn. Dúm thuốc lào bó kèm theo. Cô gái ghé sát miệng, cắn nhẹ nút thắt, từ từ bao kín vết thương. Đứng trước khuôn mặt bầu bĩnh, đôi môi chín mọng, cái má lúm như bong hết duyên ra ngoài, đột nhiên anh thấy choang choáng. Chân tay bủn rủn, nhũn ra như mất máu…

Là cháu họ hàng xa với bác Sỉnh gái? Bàn cười thầm trong bụng, nhảy tót lên bờ rào trước nhà. Miệng vừa tước khúc mía vừa đưa ngón tay lên nhìn, cười ẩn ý. Bà thái bèo đầu giếng chỉ biết lắc đầu, chán nản. Bàn tiến lại gần lúc nào, ngập ngừng hỏi: - Bu này? Quai nón mua ở đâu?

 Bà mớm hỏi: - Đàn bà, con gái mới dùng. Anh hỏi làm gì?

- Thì bu cứ mách cho con đi.

- Ở chợ chứ ở đâu? Tránh ra cho tôi băm bèo.

Bàn nghỉ làm ở xưởng mộc, lân la ra chợ. Ngơ ngác hồi lâu cũng lạc tới chỗ bán quai nón. Oái oăm, quai nón bày bán cùng đồ của phụ nữ. Mặt tái mét rồi đỏ rựng. Mưa phùn hắt vào thôi cũng lèo xèo bốc khói. Nhận ra nhiều người quen, Bàn phi thẳng một mạch về nhà ngồi thở. Đến nước này: “Bu ơi! Mua giúp con cái quai nón”. Bà lắc đầu: “Tôi có việc lên chùa, anh tự mua lấy”. Anh nấn ná muốn khẩn khoản thêm nhưng lại thôi.

Ngón tay kéo da non. Ngứa ngáy, lần rần như có kiến đốt. Bàn cẩn thận gỡ nút thắt, quay mấy vòng để lộ ngón tay trắng phớ còn dính thuốc lào. Mùi hăng hắc, tanh tao còn ám vào sợi dây gạc đặc biệt. Anh giặt sạch, kẹp lên dây phơi gần giếng, định bụng khô mang cất đi.

Sáng sớm, bà lục đục trở dậy bắt ngan. Đã nhắm từ trước, bà chộp lấy con ngan nặng chừng hơn bốn ký, mặt đỏ gay, cổ lốm đốm chấm trắng như hoa. Dốc ngược con ngan lên, bà chắc mẩm: “Con này nấu giả cầy thì khỏi phải nói”. Con ngan quẫy đành đạch. Bụi lông tung tưởi, hôi mù. Bà nhấc theo nó đến thẳng hồi bếp kiếm sợi dây lạt cột chặt hai cánh, bó chéo chân lại. Chưa yên tâm, bà đảo mắt tìm kiếm. Trông thấy sợi dây kẹp phơi đang đung đưa theo gió, bà giật mạnh quấn liền mấy vòng, con ngan không nhúc nhích.

 Bàn ngái ngủ, ngồi gà gật trước sân, mở mắt trông lên cái dây phơi bừng tỉnh hẳn. Cái dây biến đâu mất, cái móc kẹp vẫn còn? Bàn đảo mắt tìm hết lượt, nghĩ gió cuốn tới chỗ nào đó. Vẫn không thấy, Bàn phát cáu lên. Bà về đến cổng đã bị gặng hỏi: - Bu có thấy cái dây treo từ tối qua không?

- Anh phơi gì sợi dây ấy? Tôi cột chân con ngan mang đi rồi.

Bàn hốt hoảng: - Bu mang đi đâu?
- Tôi mang sang nhà bác Sỉnh. Tất niên cả họ, chừng đó bõ bèn gì?

- Không phải! Bu ơi là bu!?

Nói rồi Bàn chạy lao ra ngõ. Bà nhìn theo chẳng hiểu đang khúc mắc chuyện gì, rủa thầm: - Thằng dở người. Hết cái quai nón lại đến sợi dây.

Bàn mon men tìm đến chỗ mấy cái sọt úp gà thì gặp bác Sỉnh gái.

- Anh tìm gì?

-   Cháu tìm ngan! À không phải! Cháu tìm Nga, cháu gái bác.

-   Nó làm gì có ở đây? Cháu tôi không phải cái thứ anh thích tìm khi nào thì tìm. Mẹ con anh khiến tôi muối mặt quá!

-   Bác nói vậy là có ý gì ạ?

-  Anh về hỏi mẹ anh ấy!

Bác quay ngoắt vào trong. Bàn cứ thộn mặt ra, chẳng hiểu rốt cuộc có chuyện gì. Trên đường về, anh cứ nghĩ mãi lời bác gái, lờ mờ phỏng đoán:

- Chẳng có nhẽ? Lẽ nào lại thế thật? Được thế thì còn gì bằng...

Bàn gãi đầu. Nên chọn chất liệu nhung? Gấm hay voan mỏng? Chọn tím thủy chung. Xanh thanh khiết của ánh trăng. Biếc mộng mơ. Vàng mỡ gà hay hồng ráng chiều? Phụ nữ thật rối rắm, lắm kiểu. Người đơn giản chỉ dùng khăn mùi soa thắt lại đã thành quai. Có người điệu đà, phải mong manh với dải gấm mềm mại. Lại có người muốn nổi bật làn da với dải nhung đen tuyền. Thanh niên vẫn thường kháo nhau, màu tím không đa tình cũng động lòng, không thi sĩ cũng tím bầm ruột gan. Màu ấy đi qua mà chẳng mất, vẫn để lại dư hình, tàng ẩn là thế này chăng? Vừa nghĩ, anh vừa nâng nhẹ cái quai màu tím nhạt. Cái màu phảng phất, hút mắt. Bàn hình dung, hai đầu dây thắt vào thành nón, buông xuống một đoạn ngắn đong đưa hai bên má sẽ e ấp khuôn trăng đầy đặn ấy. Anh khấp khởi trong lòng.

Xuống bếp tìm lại buồng cau hôm nọ. Khói bếp xông lên đã khô đét hết cả. Anh gọi toáng lên: - Bu ơi! Đi với con! Mang cau khô đi cũng được!

Bà trố mắt: - Đi đâu! Cau ấy cứng ngắt, ăn gì được?.

-  Đi hỏi cô Nga. Cháu bác Sỉnh gái cho con.

-  Anh hay nhỉ? Vừa lỗi hẹn với người ta xong. Thật không đấy?

-  Nhanh không Tết mất bu ơi!

-  Được! Bu đi ngay. Bu đi đặt lại lễ. Bu sẽ nhờ bác Sỉnh nói khó với nhà người ta. Đừng đùa bu nhé!

Bà tất tả chạy ra đường. Trên người độc manh áo cộc, cái khăn trùm đầu. Bàn nhìn theo như muốn dặn: “Về ngay bu nhé!”...

Tác giả bài viết: Trang Thái Hà
Từ khóa:

Trang Thái Hà

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
lai văn thế - Đăng lúc: 26/06/2013 22:19
Chào bạn Trang (Thái hà).
Tôi xin lấy ly đến với món mộc tồn làm quen anh Tiến Hóa chứ không có ý xúc xiểm chi bạn.
Còn sự cố thủ không để lộ danh phận của bạn là.. không tưởng. Vì rằng bạn đã quá nổi tiếng với LLS.net rùi.
Hình dung về bạn thế này nhé: Mặt tròn như nguyệt, da trắng như tuyết, mắt sáng như đèn xe Uoát; rất tinh nghịch. Có phải vậy không?
Nếu được ta là quen, hàn huyên nhé. Email của tôi: vanthaile@gmail.com. Thân mến!
Avata
Trang Thái Hà - Đăng lúc: 26/06/2013 16:10
TTH xin chào cả nhà! BBT vào nhà TTH lục lọi lung tung, cuối cùng tung câu chuyện dở nhất từ khi TTH bước chân vào báo QĐND đến nay. Ấy vậy mà mọi người tung hứng nhiệt tình quá khiến TTH thấy TP của mình có vấn đề (vì ngài ấy chê "cái quai nón" dữ lắm, chê mà vẫn bấm bụng đăng). Anh Hoàng Anh tài thật, sao khẳng định như đính dính cột TTH chưa chồng? Sao cứ phải có chồng thì tư duy mới phong phú nhỉ? TP của TTH ngày nào cũng giục TTH "chống lầy" đi, văn chương sẽ sâu đằm hơn. Lấy chồng hay thế, TTH cũng muốn thử nhưng khổ nổi đầu cứng quá mà các chiến binh dũng cảm trong thiên hạ thì ngã ngựa hết rồi, he he... Thưa ngài Văn Thế, TTH là con gái, danh tính của TTH chỉ đáng một bữa "mộc tồn" thôi sao? Bèo quá! Đã vậy, tui cố thủ quyết không để lộ thân phận thật của mình. Cảm ơn cả nhà một lần nữa. Hẹn gặp lại mọi người trong những trang viết sau.
TTH :P
Avata
Nguyễn Sơn - Đăng lúc: 15/06/2013 16:51
Lâu lắm mới đọc được truyện hay như ri, xúc động lắm, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Trang Thái Hà mới chỉ ngoài 24 tuổi 1 tẹo mà viết sâu sắc quá ...
Rất hay, cảm ơn TTH nhé.
Avata
văn thế - Đăng lúc: 14/06/2013 15:29
Tiến Hoá có số phone, danh tính của Nhà văn TTH không? Tui đãi bữa nhậu. Đừng lo, chúng tôi ở xa 1700km không hợp tác làm khổ ai đâu. Chẳng qua nghe văn mà thấy mến nhau thôi. Nhưng câu chuyện quai nón này hình như không xảy ra ở làng lệ sơn, và cũng không phải thời nay. Nó gần cái thời của anh cu Tràng (Kim Lân) thì phải. Còn thời nay, cha mô kêu mạ mang buồng cau khô đi hỏi vợ thì ... hiếm đấy. Hợp rơ Tiến Hoá là bọ mô, alô để nhận bữa thịt chó lá mơ nhé! 0937...
Avata
HợpruTiếnHóa - Đăng lúc: 14/06/2013 14:41
Anh Lại Văn Thế các khoản đó thì dò hỏi nhanh lắm. Hai nhà văn mà gặp nhau nữa lại rùi làm khổ nhau đó, vì ai văn cũng hay, cũng sắc sảo. Chúc hai bạn liên hệ hợp tác với nhau để viết nhiều bài hay về quê hương Lệ Sơn dấu yêu nhe. Mong gặp lại hai nhà văn
1, 2  Trang sau

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 433
  • Tháng hiện tại: 26673
  • Tổng lượt truy cập: 8386684

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net