1
  • image
  • image
  • image
  • image
16:18 EDT Thứ ba, 23/04/2024

Những cảm nhận khi đọc các tập thơ “Lệ Sơn xuân vọng” của làng Lệ Sơn

Đăng lúc: Thứ tư - 10/04/2013 18:43 - Người đăng bài viết: bientap02
Trong hơn 10 năm qua, làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã cho ra mắt cùng độc giả 4 tập thơ “Lệ Sơn xuân vọng” và tập thơ “Lưu bút hồng”. Tuy là “cây nhà lá vườn” song từ một mảnh đất nhỏ này mà có hơn 90 cây bút đã và đang sáng tác thơ quả đã làm rạng danh làng Lệ Sơn là một miền đất thơ. Một đội ngũ làm thơ thật hùng hậu về số lượng lẫn chất lượng. Đó là sự nở rộ của các bông hoa đẹp trong vườn hoa của một miền đất học. Vì biết làm thơ, chưa nói đến làm thơ hay cũng là một việc khó lắm rồi. Sự học hỏi, khổ luyện về việc chọn từ ngữ, chọn tứ thơ, chọn hình tượng, hình ảnh, chọn cung bậc... để có một bài thơ hay lại càng khó khăn biết nhường nào.

       Các cụ tiền bối của làng Lệ Sơn cách đây hơn 100 năm đã có những bài thơ hay được bậc hậu thế sưu tầm lại đã làm rung động lòng người, rung động tâm hồn độc giả. Như cậu Cả Hăng, cụ Trần Huân, cụ Lương Kỉnh, cụ Lê Dũng Quang, Cụ Lê Dũng Chất, cụ Lê Cầu , cụ Lương Duy Tư...các cụ đã ca ngợi cảnh đẹp và con người ở nơi đây bằng những bức tranh tuyệt mĩ với cảnh núi sông hài hòa và thơ mộng. Thế núi , thế sông tỏa ra một hào khí như ánh hào quang chói ngời tạo thành một sức mạnh tinh thần như một luồng khí thiêng biết nâng đỡ, che chở cho bậc hậu thế bay bổng để chiếm lĩnh được những ước mơ hoài bão. Có những câu thơ có sức nặng, có khẩu khí, có tầm vóc của những bậc thiên thần. Thơ của cậu Cả Hăng đã từng ca ngợi tổ tiên mình khi khai canh lập ấp : “... Mở mang mặc sức ra tay/ Chặt cây tìm đạo vén mây xem trời’’.

        Các cụ đã dùng ngòi bút của mình để tố cáo chế độ thối nát bất công lúc đương thời. Lấy những vần thơ để vận động quần chúng chống nạn sưu cao thuế nặng, ‘‘một cổ hai tròng’’ dưới sự bóc lột tàn tệ của chế độ thực dân phong kiến. Trong hơn 90 tác giả, có vài ba văn nho, nghệ sĩ đến làng quê này đã cảm tác, khắc họa ở chốn bồng lai tiên cảnh. Như quan Hậu Bổ Nghệ An Nguyễn Hàm Ninh, viên tri huyện Trần Mạnh Đàn, các nghệ sĩ như Văn Nhĩ, Văn Tăng, Phan Văn Khuyến, Lê Viết Hạnh.....Có những người con rất xa như cụ Lương Duy Tư ở tỉnh Hòa Bình, cụ Nguyễn Ngọc Nghĩa ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có những bài thơ hay gửi về đóng góp cho tập thơ của làng.

      Có nhiều người đã thành danh, có nhiều bài thơ hay được đăng trong các tập thơ của nhà xuất bản trung ương như thầy giáo Ngọc Duy, thầy giáo Trần Xuân Quế, thầy giáo Lê Ngọc Mân, cô giáo Lương Thị Thanh Vân, thầy giáo Lê Dũng Tuấn....Có một vài tác giả đã có tập thơ riêng như cụ Lương Thịnh, thầy giáo Ngọc Duy....Những tên tuổi của các nhà làm thơ đã kết thành chiều dài với thời gian năm tháng. Quan trọng hơn là chất lượng của người cầm bút. Thơ đã gắn với cuộc sống chính trị, hòa nhịp với đời sống thường ngày. Thơ đã nhạy cảm, nắm bắt được sự xôn xao sâu lắng của tâm hồn. Tính hiện thực, tính chiến đấu, tính nhân đạo, nhân văn, tính đảng...đã kết hợp hài hòa trong tìm tòi sáng tạo. Tất cả đang tập trung vào chủ đề ca ngợi Đảng , ca ngợi Bác Hồ kính yêu, ca ngợi những cảnh đẹp của quê hưong. Ca ngợi những địa danh thôn xóm, ca ngợi những con người cần cù nhẫn nại, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, trong chiến đấu với quân thù. Họ rất đỗi thông minh và sáng tạo, có ước mơ hoài bão, có cái tâm trong sáng biết hướng tới ngày mai tươi đẹp. Dù họ đang sống trong chế độ thực đân phong kiến, trong cuộc sống gần như nghẹt thở, đen tối đói khát, khổ cực, dù “cháo ngô loãng tay mẹ đơm”, dù “Quả cà củ sắn thay cơm” họ vẫn vững tin vào ngày mai, vào cuộc sống mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

        Những bài thơ, những ý thơ nói lên nhịp sống sôi động, vẽ nên những bức tranh chiến đấu vô cùng dũng cảm và mưu trí, thông minh, kỉ luật của dân làng, của dân quân du kích đã đánh trả quyết liệt vơí bọn giặc Pháp, lính Ngụy từ đồn Tiên Lệ, đồn Chợ Cà tấn công càn quét. Trong các bài thơ “Vận tải nhanh đánh giặc mạnh” của cụ Lê Tư Gia, “Chút lòng tản cư” của cụ Lương Thịnh, “Báo động” của nhà thơ Văn Nhĩ - nguyên là xã đội trưởng của xã Văn Hóa lúc bấy giờ. Bài thơ “ Tuổi già chí không già” của cụ Phan Xích, “Quân dân một dạ”,  “Lệ Sơn anh dũng” của cụ Lê Lưu...đã nói lên sự anh dũng của dân quân du kích chống càn thắng lợi.

      Bài thơ “Nhớ quê” của cụ Lương Duy Tư là bức tranh đầy đủ về cuộc sống yên bình êm ấm, hạnh phúc tại làng quê. Đồng thời cụ đã ghi lại rất thực cuộc chiến đấu sôi động của dân làng, du kích chống thực dân Pháp càn quét, cướp phá hãm hiếp phụ nữ và dân lành . Tuy cụ đang sống tại tỉnh Hòa Bình xa xôi, cụ vẫn  “ nhả tơ” của một người con xa quê. Bài thơ 70 câu chẵn là bức tranh của làng quê đã và đang sản xuất, chiến đấu, xây dựng trong thời kì đổi mới. Cụ khẳng định : “ Đức khí thiêng cẩm tú non sông /  Tiến thân lập nghiệp thuận dòng / Con đường hiển đạt vẫn đông vẫn đều”.

        Hay bài thơ “Du kích làng lệ Sơn chống càn” của cụ Nguyễn Đức Hồng  viết ngày 24 -10 -1947 đã nói lên khá đầy đủ về sự mưu trí , dũng cảm có kỉ luật và sự thông minh của du kích làng Lệ Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chống càn thắng lợi. Bài thơ cũng là một sự kiện lịch sử như một trang nhật kí làng Lệ Sơn đã giết được 7 lính Tây và chống càn vào ngày 24 -10 -1947.
 
      Bài thơ của tác giả Lê Khai “Trên bến sông quê”  đã giúp độc giả hình dung ra cái thảm khốc, ác liệt của việc “bom đào đạn xới” của máy bay Mĩ trút xuống hàng triệu tấn bom đạn bằng máy bay phản lực, B52 : “ Bao đoạn khúc nôi thời oanh liệt / Chống Pháp xâm lăng đến Huê Kì / Bom đạn ngút trời vườn xơ xác / Già trẻ gái trai giữ lời thề / Lớp lớp ra đi người ở lại / Cho mùa ngọt trái ngát xanh quê...” Còn thầy Lê Ngọc Mân đã mô tả : “Mỗi tấc đất thấm mồ hôi và máu/ Cha ông ta giết giặc giữ thôn làng/  Con xin viết những vần thơ đẹp nhất/ Kính dâng Người lịch sử sáng từng trang...” Hay bài thơ của anh Lê Duy Châu viết mừng thọ bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Dung có 12 người con rất thành đạt. Đồng thời là mẹ của 3 người con liệt sĩ chống Mĩ cứu nước. Tác giả viết : “Rợp bóng đời đời cây cổ thụ / Sáng trong muôn thuở tấm gương nhà/ Ríu rít con đàn cùng cháu lũ/ Mẹ mãi anh hùng với tuổi hoa”.

       Ca ngợi những liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường, cô giáo Lương Thanh Vân đã khóc “Tưởng nhớ anh” : “Máu của anh đỏ thắm cánh đồng quê/ Cho Quảng Trị hôm nay tươi đẹp/ Cho Bắc Nam hai miền thống nhất/ Cho Hiền Lương vọng mãi câu hò...”.
       Thơ là thể hiện sự cảm xúc, sự tỉnh táo của lí trí, sự nhạy bén của tư duy sẽ đem đến cho thơ những giá trị mới. Kể cả những tìm tòi thể nghiệm, dù chưa hứa hẹn thành công cũng là điều đáng quý, đáng trân trọng. Anh Xuân Quế đã khắc họa hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong bài thơ “ Bài ca cựu chiến binh” : “Từ Điện Biên anh đi/ Trong vành hoa sử đỏ/ Về Sài Gòn nổi gió/ Quét sạch bóng quân thù/ Để có ngày hôm nay/  Có tự do độc lập”.


       Có thể nói rằng thơ của các tác giả người làng Lệ Sơn đã bắt đúng nguồn chảy của cuộc sống, bám chắc vào mạch đời sôi động và cuộn chảy không ngừng. Thơ của các tác giả luôn đồng hành với cuộc sống đổi mới của Đảng ta đang khởi xướng. Thơ đã gắn với cuộc sống ruộng đồng  nơi chưa mưa to đã úng ngập lũ lụt, chưa nắng nhiều đã hạn hán xẩy ra. Mất mùa vì hạn, lũ lụt liên tiếp. Cuộc sống của người dân rất vất vả gian truân. Lũ về gió táp mưa sa/ Trắng đồng biển nước cửa nhà liêu xiêu/ Đêm thu lạnh giá tiêu điều/ áo quần vá đụp canh riêu đỡ lòng/  Suốt đời chạy chợ long đong/ Ba Đồn Chợ Sãi mẹ mong đỡ đần/  Một đời bươn chải nuôi thân/ Một đời khốn khó trầm luân buồn phiền....Đó là hình ảnh người mẹ của mỗi gia đình trong làng Lệ Sơn phải chịu bao nhiêu khổ ải nhọc nhằn để nuôi con khôn lớn.

      Gần như cảm nhận chung của các tác giả là mô tả được sự vất vả dưới chế độ cũ, dưới sự uy hiếp của thiên tai khắc nghiệt mà con người ở đây phải gánh chịu. Thơ ca cũng đồng hành và trân trọng những nhu cầu tạo nên hạnh phúc của con người, của tình làng nghĩa xóm, của tình yêu, của tình bạn thủy chung, của tình cha nghĩa mẹ, của tình gia đình, của các mặt sinh hoạt riêng tư.... Những vần thơ, những cung bậc đều vút lên khỏe khoắn, dồi dào những suy tư trầm lắng và nỗi niềm trăn trở luôn đi sâu vào lòng người. Bao giờ cũng hướng về chữ tâm, hướng về ngày mai, hướng về lớp con cháu trong cuộc sống đổi mới. Bài thơ : “Tiễn con đi đại học” của thầy giáo Lương Ngọc Đệ năm 1983 có hai câu kết : “... Từ cánh cửa trường làng con bước vào đại học/ Mang theo cả dáng mẹ tảo tần và hương lúa của quê hương” thầy lúc tiễn con đi khi làm bài thơ này, thầy làm gì biết được sau 25 năm con mình sẽ trưởng thành đại biểu Quốc hội khóa XII và là bí thư tỉnh ủy.

        Thầy  Lương Ngọc Đệ viết rất nhiều bài thơ. Bài nào cũng hay và có hồn, có khẩu khí, bắt nhịp với nhiều cung bậc của cuộc sống con người tại làng quê. Thơ trong các tập “Lệ Sơn xuân vọng” và “ Lưu bút hồng” là bức tranh muôn màu muôn vẻ, vẽ nên cái đẹp cái thơ mộng của sự hội tụ hào khí của sông núi. Các địa danh, các danh lam thắng cảnh như Động Chân Linh, Rào Nước Mội, Lèn Khum, Khe Trống, “Cù Kia, Quai Mọ, Thuận Hiền, Đế Nghiêu”...được mô tả khá đậm nét, khá súc tích, tinh tế, sâu sắc về cảnh sơn thủy hữu tình. Các anh : Nguyễn Tư Thế, Phan Hữu Điểu, Lê Duy Bản, Lê Văn An, Lương Thanh Khiết, Lê Đức Dần, Lê Đình Khôi, Lê Hữu Độ, Lê Dũng Huế, Lê Tư Khuông... các cô Đặng Thị Ngọc Dung, Nguyễn thị Quế, Lê Thị Bích Liên....đã diẽn tả được đời sống nội tâm, những tâm trạng chung của mỗi người dân. Các tác giả đã mô tả được cuộc sống sôi động đang đổi thịt thay da từng ngày trên mảnh đất này.

      Thơ của người làng Lệ Sơn đã kịp bắt mạch được nhịp sống trong thời kì đổi mới. Dù trong gian khó vẫn hướng tới được hiện thực của ngày mai. Thầy Lê Ngọc Di khi viết bài thơ tặng cháu Lương Ngọc Bính : “Từ ấy cha đưa con vào đại học/ Đến nay mới thấm thoắt bao ngày/ Bằng đỏ nước ngoài cháu có trong tay/ Nắng ấm cháu về nhớ trời Âu giá lạnh...”. Hay trong bài thơ “ Về quê” thầy giáo Ngọc Duy viết : “ Nhà tầng san sát đề huề/ Cửa nhà điện sáng làng quê tuyệt vời/ Ông cha khổ cực một thời/ Cháu con đổi mới đời đời ấm no...”. Hoặc thầy Nguyễn Thạch đã miêu tả “Quê nhà” đổi thay : “Giếng Hồ in bóng trăng rằm/ Buồn vui kỉ niệm tháng năm không mờ/ Nhìn quê mà tưởng như mơ/ Ăng ten cao vút đón chờ tin xa...”.

      Cái buồn tủi, khổ cực của ngày xưa được đan xen với cuộc sống vui tươi, sung sướng hiện lên rất rõ trong cảnh sắc, trong tâm hồn con người, của làng quê thôn bản.

       Gần 500 bài trong 5 tập thơ, ngoài những bài ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ kính yêu, ca ngợi những danh nhân, thắng cảnh của đất nước, số bài còn lại đều tập trung vào ca ngợi quê hương làng bản, ca ngợi con người tại làng quê thân yêu.

      Có một nhà hiền triết nói một câu rất hay: “Nhà thơ thêm cho đời một bài thơ thì xã hội sẽ bớt đi một tội ác” . Thơ tham gia vào chức năng giáo dục là vì lẽ ấy. Thơ góp phần giáo dục cái chân  - cái thiện - cái mĩ.

      Thơ là sự tinh túy của ngôn ngữ và cách thể hiện. Thơ phải có hình ảnh, hình tượng. Thơ là một bức họa, nhưng không thể lấy họa để thay thơ. Vì ngoài chức năng hội họa, thơ phải diễn tả được nội tâm, tình cảm, những cung bậc về sự rung cảm của con tim, của tâm hồn.

      Trong thơ phải có nhạc, thơ phải có tiết tấu , phách nhịp. Thơ không thể nói bộ, không thể hô khẩu hiệu mang tính lí trí thuần túy, hay triết lí khô khan, khó hiểu. Đã nói là “cây nhà lá vườn” thì chắc chắn trong vườn quả ấy có nhiều quả ngon, quả ngọt, quả sạch, nhưng chắc chắn cũng có quả xanh, quả chát, quả nhạt...đó là điều không thể tránh khỏi trong 5 tập thơ của làng quê này.

      Trong các tập thơ “Lệ Sơn xuân vọng” và “Lưu bút hồng” ngoài các tác giả là các văn nho, nghệ sĩ khi đến làng Lệ Sơn đã cảm tác, viết nên những bài thơ hay, còn số tác giả là con em của làng đã viết để ca ngợi quê hương, ca ngợi con người của làng quê có bề dày lịch sử. Số lượng của tác giả tập sau nhiều hơn tập trước. Chất lượng của tập sau cũng tiến bộ hơn nhiều so với tập trước. Các tác giả đã phản ánh được những hiện thực cuộc sống của một làng quê. Miêu tả được sự cần cù chịu thương chịu khó và rất đỗi thông minh, sáng tạo trong thời kì đổi mới. Từ những bài thơ của các vị tiền bối sáng tác trước cách mạng tháng Tám, cho đến thế hệ tiếp nối đã đi sâu vào mô tả con người đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược. Nhất là đã phản ánh và khơi đúng mạch sôi động của cuộc sống trong thời kì đổi mới hiện nay mà Đảng và nhà nước ta đang khởi xướng.

       Hãy tin tưởng rằng làng Lệ Sơn sắp tới sẽ có những tập thơ chất lượng hơn, hay hơn và thu hút được sự chú ý của độc giả nhiều hơn trong bước tiến của các người sáng tác thơ tại làng quê này.

      Chúng ta tin rằng tập thơ “Tiếng lòng” tiếp nối đang thai nghén sẽ có những hứa hẹn mới đáp ứng được sự mong mỏi của độc giả và của mỗi người dân trong làng quê.
Tác giả bài viết: Lương Duy Niệm
Từ khóa:

Lương Duy Niệm

Đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

Avata
Bình Dương - Đăng lúc: 19/07/2013 01:37
Bài viết hay quá, cảm ơn Thầy CG.
Thầy có rất nhiều bài viết độc đáo trên báo làng, ấn tượng và cảm mến Thầy.
Con gái Lệ Sơn rất yêu mền Thầy đó. Mong thầy có nhiều bài thơ hay về con gái Lệ Sơn a
Avata
Duy Lương - Đăng lúc: 10/04/2013 23:44
Rất nể phục tác giả - một giáo viên Toán nhưng tâm hồn lộng gió văn chương. Khi đọc bài viết, cứ nghĩ rằng tác giả là ai đó - ít ra là một P.V chuyên về mảng thơ hoặc là một cây bút bình luận về thơ nhưng đọc hết bài mới hay tác giả là thầy giáo Toán, Lương Duy Niệm. Xin cám ơn Thầy, đã có bài viết hay, đúc kết cô đọng tính tư tưởng, tính nhân văn và các tác giả của 5 tập thơ Lệ sơn.
Avata
Bàu sỏi - Đăng lúc: 10/04/2013 19:59
Truyền thống làm thơ của người Lệ sơn trở thành lẽ sống, máu thịt. Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, cả làng cả xã ai cũng làm thơ được. Xuất khẩu là thành thơ. Thơ cổ từ đời ông bà tổ tiên còn lưu giữ truyền miệng trong dân gian còn rất nhiều chưa ai sưu tầm được. Nên chăng mỗi gia đình tự sưu tầm thơ của dòng họ, gia đình mình ,lưu giữ lại (như bác sỹ Thế đã làm). Lệ sơn sẽ nổi tiếng là LÀNG THƠ. Mặc cho thiên hạ giàu tiền. Ta chỉ cần giàu thơ là đặc sắc rồi. Đó chính là đặc sản Lệ sơn. Riêng tác giả thầy Niệm, tuy là dạy Toán, nhưng có tập thơ trên 500 bài. Cảm ơn thầy Niệm.

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1203
  • Tháng hiện tại: 35230
  • Tổng lượt truy cập: 8044264

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net