Một thời không thể nào quên
Đăng lúc: Thứ ba - 05/05/2015 18:57 - Người đăng bài viết: bientap02Tôi gửi bài viết này lên trang làngleson.net , độc giả đọc để nhớ lại một thời hào hùng của trường một thời đánh Mỹ và một thời bao cấp đầy khó khăn gian khổ. Trong đó có nhiều và rất nhiều học sinh của làng Lệ Sơn đã học tập và trưởng thành tại đây như GS_ TS Lương Ngọc Bính, TS. Lê Ngọc Thế …. Nhất là thời năm 1968 - 1972 đội ngũ giáo viên cấp 3 của huyện nhà đang đếm đủ đầu ngón tay thì làng Lệ Sơn đã có 05 người, trong đó có 03 giáo viên toán và 01 giáo viên văn
Không thể nào quên một thời đạn lửa.
Không thể nào quên một thời bao cấp khó khăn.
Không thể nào quên một đội ngũ dũng cảm thông minh.
Không thể nào quên một lớp học sinh trưởng thành theo năm tháng.
Không thể nào quên một thời bao cấp khó khăn.
Không thể nào quên một đội ngũ dũng cảm thông minh.
Không thể nào quên một lớp học sinh trưởng thành theo năm tháng.
* *
Trường cấp 3 Tuyên Hóa được thành lập vào năm 1965. Trường đóng tại thôn Thiết Sơn - xã Thạch Hóa. Những năm bom đạn ác liệt do Đế quốc Mỹ trút xuống, thầy - trò cấp 3 Tuyên Hóa phải học dưới nhà hầm. Học sinh từ các xã Văn - Phù - Cảnh đến mãi Thanh - Hương - Lâm và một số học sinh từ huyện Minh Hóa, đội mũ rơm từ mọi nẻo đường để đến trường học tập. Năm học đầu tiên - năm học 1965 - 1966 trường chỉ tuyển học sinh lớp 8 và 01 lớp 9, 01 lớp 10 cuối cấp, lấy học sinh của huyện đang học từ trường cấp 3 Ba Đồn và Đồng Hới chuyển về.
Ngày ấy, nhà trường không làm nhà nội trú. Thầy, trò đều bám nhà dân để ở. Mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh đều có một “chiếc đèn phòng không”, đủ ánh sáng tỏa ra trên trang sách để soạn bài, học bài vào ban đêm hoặc dưới hầm đất tối. Các lớp học, không dựng tập trung vào một địa điểm mà rãi đều ra toàn thôn Thiết Sơn và Làng Đồng Giang - một địa điểm của xã Đồng Hóa bây giờ. Đó là chủ trương của Chi bộ Đảng - lảnh đạo Nhà trường để tránh thương vong ít nhất khi bom đạn của pháo đài B52, những loạt bom tọa độ của máy bay tiền kích rãi thảm.
Những năm ác liệt nhất của bom đạn Mỹ vào những năm 1968 - 1972 tôi đang là giáo viên của trường cấp 3 Minh Hóa. Mỗi dịp nghĩ hè, nghĩ tết, ngày nghỉ về thăm vợ con, tôi được quen biết nhiều giáo viên của trường. Thầy Đặng Phàn - người Châu Hóa - Hiệu trưởng nhà trường cùng với thầy Đinh Ngọc Thương - người Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc làm Hiệu phó nhà trường ở tại nhà ông Hoàng Trinh. Thầy Đặng Đình Biên, người Hà Tĩnh - Hiệu phó nhà trường ở tại nhà ông bà Thiền. Thầy Châu Toán, thầy Đằng ở tại nhà ông Lê Tuấn. Thầy Châu dạy Lý ở tại nhà ông Lê Sính. Thầy Trịnh, thầy Ngọc - dạy Sinh ở nhà ông Hoàng Chắt. Thầy Thu, thầy Thới dạy Văn ở nhà bà Ái. Thầy Bốn - dạy Hóa ở tại nhà ông Nhuận, thầy Bản- dạy toán ở nhà ông Hiền. Vợ chồng thầy Tiêu - cô Hồng ở nhà ông Dục. Rồi thầy Mão dạy Toán, thầy Hiệu - thầy Minh dạy Lý, cô Phan Thị Kim Tiến dạy Chính Trị và một số thầy cô khác ở rãi rác vào các nhà dân tại thôn Thiết Sơn và thôn Đồng Giang. Hiện nay, chỉ còn ông Dục, ông Nhuận còn sống, các ông bà khác đều đã mất. Mỗi nhà dân có thầy cô ở, ngoài hầm trú ẩn cho gia đình, đều có một hầm chữ A chắc chắn cho các thầy, các cô đầy đủ tiện nghi làm việc.
Mỗi khi có điện báo máy bay B52 xuất kích hoặc máy bay F4H tấn công , tín hiệu từ chòi canh của xã phát ra, chòi canh ở hòn lèn Một của thôn Thiết Sơn đánh kẻng báo động. Tiếp đó, mỗi nhà đánh trống, mỏ, chiêng, thậm chí có nhà đánh vào mâm đồng, soong chảo, đồng loạt báo động để các điểm chốt của dân quân trực chiến sẵn sàng chiến đấu và để nhân dân, cụ già, con nhỏ xuống hầm trú ẩn. Đến lúc có hiệu lệnh báo yên thì tất cả mới được rời khỏi hầm.
Một hôm, tôi cùng xuống hầm với thầy Phàn, thầy Thương, chiếc hầm rộng khoảng 6m2. Dưới hầm, có 02 chiếc đèn phòng không đặt trên chiếc bàn nhỏ, chất đầy sách vở, tài liệu, bút mực và trang thiết bị. Đáy hầm được lát ván, có chiếu, chăn đủ chổ nằm để hai thầy có thể sinh hoạt bình thường khi có báo động lâu.
Hú vía nhất là loạt bom tọa độ đã trút xuống. Năm trái bom tấn đánh vào làng đã giết chết 8 người. Trong đó có gia đình bác Lê H…, trái bom đã rơi trúng nhà, giết chết cả hai vợ chồng bác và hai người con gái nữa. Trái bom tấn này và hai trái khác chỉ cách nhà thầy Phàn, thầy Thương, Thầy Biên, bác Điền và nhà thầy Thu, thầy Thới ở không đầy 7m, chỉ cách một bờ rào cây xanh mà thôi.
Rồi trận bom sát thương, Rốc - két, rải bom và bom bi nổ chậm vào một buổi chiều năm 1972 đã giết chết 7 người. Gia đình bác S… bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong 7 người từ trần, có 4 trẻ em, trong đó có em trai còn thơm hơi sữa mẹ. Suốt buổi chiều hôm đó máy bay F4H quần đảo bắn Rốc- két, thả hàng chục loạt bom sát thương, bom bi và bom bi nổ chậm. Máy bay đã bắn phá nhà kho hợp tác xã và các vùng phụ cận. Chiều hôm đó, tôi cũng được chứng kiến tận mắt sự thương tâm ấy.
Tối đó, đài BBC đã ra rã đưa tin: Máy bay tiềm kích của quân đội Hoa Kỳ đã tiêu diệt được một doanh trại bộ đội đóng tại Miền Tây Quảng Bình, tại huyện Tuyên Hóa, đã giết chết nhiều lính Việt cộng đang ẩn trú để chuẩn bị hành quân vào Miền Nam - Việt Nam. Kho quân dụng đã bốc cháy hoàn toàn. Toàn bộ quân trang, quân dụng và vũ khí đã bị phá hủy!...
Dù ác liệt đến mấy, chiếc nôi nuôi dưỡng, chở che cho đứa con được sinh ra - Trường cáp 3 Tuyên Hóa vẫn bám trụ ngày đêm để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược mà Chi bộ Đảng, lảnh đạo nhà trường đã đưa vào nghị quyết: “Dù khó khăn đến đâu, dù ác liệt đến mấy, nhà trường phải có chủ trương phòng tránh thật tốt để bảo toàn tính mạng cho đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh thân yêu. Bất luận trong hoàn cảnh nào, nhà trường cũng phải thi đua “Dạy tốt - Học tốt” theo lời Bác Hồ kính yêu đã dạy”. Nhờ có chủ trương đối phó sát đúng của Chi Bộ Đảng, nên năm học nào, nhà trường cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhà trường không ngừng đào tạo được những mẻ thép ra lò đúng chuẩn. Sau khi ra trường, lớp lớp học sinh đều trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa, có lòng yêu nước nồng nàn, có ý chí và nghị lực để vượt qua những khó khăn gian khổ. Có nhiều em tình nguyện vào Miền Nam để giải phóng quê hương đất nước. Hầu hết các em đều đỗ vào các trường Đại học.
Hiện nay, có hàng chục Giáo sư, Tiến sĩ. Hàng trăm Bác sỹ, Kỹ sư giỏi , hàng chục doanh nghiệp thành đạt, như anh Huề ( con thầy Phàn) Anh Sơn- người xã Phong Hóa , ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên mọi miền Tổ Quốc. Có nhiều vị là Chủ tịch, Phó chủ tịch, Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, có vị trở thành các lảnh đạo ở cấp Trung ương. Trường đã tạo dựng nền tảng cho nhiều người trở thành Trung tướng, Thiếu tướng, Đại tá, Thượng tá,… của lực lượng vũ trang, công an nhân dân. Đặc biệt, có ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Quốc hội Khóa XII - là ông Lương Ngọc Bính. Anh Lê Ngọc Ân đã từng là chánh văn phòng thủ tướng chính phủ. Anh Cao Ngọc Oánh - Trung tướng Công an nhân dân. Cô Ái Nhiên là phó chủ tịch thường trực trung ương hội phụ nữ Việt Nam. Anh hùng liệt sỹ quân đội nhân dân Trần Phước Yên và bao Đại tá, Thượng tá, Trung tá,…binh lính đã hy sinh anh dũng tại các chiến trường. Họ đều được học tập, giáo dục từ chiếc nôi - Trường cấp 3 Tuyên Hóa này.
Cũng từ chiếc nôi này, qua sự giáo dục và bồi dưỡng, đội ngũ nhà trường đã tạo được nhiều giáo viên là Hiệu trưởng các trường cấp 3, trường PTTH như thầy Quyển, thầy Châu, thầy Hùng,thầy Kháng, thầy Đằng, thầy Thiếp, thầy Niệm, thầy Diện…. Cô giáo Hà, từ Hiệu phó nhà trường, lên phó phòng giáo dục, nay là giám đốc trung tâm chính trị của huyện. Đặc biệt có cô giáo Hương trưởng thành Phó giám đốc Sở GD - ĐT, thầy Bản, thầy Trịnh, cô Nhuận là các Trưởng phòng thuộc Sở nhiều năm. Nhất là thầy giáo Thu phấn đấu trưởng thành Tiến sĩ Văn khoa.
Mặc dầu đã có những chỉ đạo, chủ trương sát đúng về phòng tránh bom đạn trong các thời kỳ, nhưng một điều không thể tránh khỏi những tổn thất mất mát vẫn cứ xảy ra. Thầy giáo Lương Đức Thọ - người xã Văn Hóa, trong lúc chặt tre để làm hầm trú ẩn, bất ngờ đã bị mảnh bom tọa độ giết chết trong lúc đang nắm chặt cán rựa trong tay. Em Cao Nhuận - người Thiết Sơn, học sinh lớp 10 cũng bị mảnh bom sát thương sát hại cùng với bác Trần Phùng đang canh kho thóc cho Hợp tác xã. Rồi cô nữ sinh Thị Quế - người thôn Huyền Thủy, học sinh lớp 10C bị bom tọa độ cướp đi trên đường đi học. Cả sách vở em cũng thấm đỏ máu đào trong tang thương mất mát…
Năm học 1972 - 1973, tôi được Ty Giáo dục điều động về Trường cấp 3 Tuyên Hóa. Theo chủ trương của cấp trên, hầu hết các lớp học được chuyển về xã Tiến Hóa. Trường chỉ để lại một số lớp và một bộ phận nhỏ giáo viên tiếp tục dạy - học tại địa bàn củ. Tôi được phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 10C. Lớp học là một nhà hầm cạnh nhà bác Hạnh.
Tháng 01 năm 1973 Hiệp định Pa - Ri được ký kết. Miền Bắc Việt Nam đã trở lại yên bình. Các lớp tại xã Thạch Hóa được chuyển về khu vực trung tâm. Nhà trường đóng tại khu đất rộng cạnh đường Quốc lộ 12A, phía Đông Nam chợ Cuồi. Phần dưới của nhà trường nay là trụ sở của UBND xã Tiến Hóa đóng bây giờ.
Các lớp học được dựng san sát, liền kề nhau bằng ba dãy xếp thành hình chữ U rất bề thế và khang trang. Phía ngoài sát đường là hai dãy phòng nội trú của Ban Giám hiệu và của văn phòng Kế toán… Phía trên, là 4 dãy phòng nội trú của giáo viên và nhà ăn, bếp tập thể. Tất cả đều làm bằng gỗ bất cập phân và tranh - tre - nứa - lá do thầy trò và phụ huynh học sinh các xã dựng nên.
Đội ngũ giáo viên gần 50 người, tất cả đều ở nội trú, ăn tại bếp ăn tập thể của trường. Thầy Phàn chuyển đi. Nhà trường lúc đó do thầy Đinh Ngọc Thương làm Hiệu trưởng. Thầy Quyển - người xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, thầy Lê Duy Châu - người xã Văn Hóa và thầy Đặng Đình Biên làm Hiệu phó. Giáo viên người huyện nhà lúc đó còn ít. Chỉ có thầy Đàm, thầy Niệm, cô Liễn dạy Toán. Thầy Sơn, cô giáo Bích Hà, cô giáo Minh Trí dạy Văn. Thầy Lãm, cô giáo Phan Thị Kim Tiến dạy Chính trị. Thời trường còn ở Thạch Hóa có thầy Bản dạy toán, sau đó, thầy được rút vào làm thư ký đoàn của UBND tỉnh Bình Trị Thiên. Còn lại, hơn 30 thầy cô giáo ở những tỉnh xa và ngoài huyện về dạy học tại trường. Từ Thủ đô Hà Nội yêu thương có thầy Thành, cô giáo Diễm Thùy. Từ các tỉnh phía Bắc xa xôi có thầy Oai, thầy Phúc, thầy Quảng dạy văn, thầy La Đức Quang. Từ đất Vương triều Huế có thầy Quảng – dạy hóa và từ đất lửa Vĩnh Linh anh hùng có cô Quýt đều về tại trường. Nhưng đội ngũ đông nhất vẫn là ở tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh anh em. Ngoài ra có năm bảy người ở huyện Lệ Thủy, Thị xã Đồng Hới, huyện Quảng Trạch chuyển đến. Huyện Minh Hóa, duy chỉ có thầy Đinh Xuân Thảo dạy môn Thể dục. Tất, tất cả đều ăn bếp ăn tập thể do 02 mẹ nuôi là bà Giáo và chị Ký lo toan. Mỗi bữa ăn thật đạm bạc, chỉ hai lưng bát cơm độn không đủ no với canh rau “toàn quốc” và một con cá trích nhỏ cho mỗi người. Nếu ai muốn cải thiện thêm thì luộc thêm rau trồng được hoặc mua thêm 02 con cá rô rán bằng ngọn lá chè với giá 01 hào mỗi con. Có bữa phải ăn 02 bánh mì luộc, hoặc sắn khô, mì hạt,…Tuy vất vả thiếu thốn là vậy nhưng anh chị em rất đoàn kết và thương yêu nhau như con một nhà. Tất cả đều dốc lòng, dốc sức, tất cả vì học sinh thân yêu!
Những giai đoạn khó khăn ấy, đồng chí Trần Công Mục là chủ tịch Công đoàn, tôi là Phó chủ tịch. Công đoàn nhà trường phát động phong trào “bám đất” để trồng rau xanh, bầu bí và lúa ngô khoai sắn … để cải thiện thêm bữa ăn cho cán bộ giáo viên. Đồng thời, Công đoàn đã phát động phong trào chăn nuôi thêm gà, lợn, góp phần vào bữa ăn phải có thịt. Vì hồi ấy, mỗi giáo viên chỉ được 02 lạng rưỡi thịt mỗi tháng tròng tem phiếu của mình và 13 kg gạo, trong đó có 30% là màu độn. Các tổ chuyên môn, các tổ Công đoàn phải đến Hợp tác xã xin thêm đất cho Đoàn viên sản xuất thêm rau màu. Nhờ vậy, bữa ăn, khẩu phần ăn cũng được cải thiện dần. Các thầy các cô cũng không có xe đạp để đi chơi. Những ngày nghỉ, trừ những giáo viên gần thì về nhà, còn lại cũng lấy việc chăm sóc luống rau xanh, nhìn đàn gà làm niềm vui chính!
Một kỷ niệm không thể nào quên. Đó là trận lũ vào tháng 10 năm 1973, nước lên nhanh và ngập sâu hai ngày liền. Các phòng nội trú phải lấy ván, bàn ghế gác lên xà nhà, đòn tay…để tránh lũ. Gần qua một ngày, tất cả đã đói meo. Chiều đến, có hai chiếc thuyền chèo vào và phân phát đủ cho mỗi thầy cô một nắm cơm với mè lạc và một chai nước uống. Trưa hôm sau, nước vẫn chưa rút, thuyền lại đến phân phát khẩu phần ăn, nước uống cho mỗi người.
Từ xã Thạch Hóa - nơi trường đóng củ, đến xã Tiến Hóa lúc bấy giờ, đội ngũ nhà trường luôn được sự đùm bọc, sẻ chia của nhân dân và phụ huynh học sinh. Vì chính quyền các xã, nhân dân đều nhận thức được rằng: Thầy, cô giáo từ mọi miền đất nước đã sẵn sàng rời quê hương - những nơi đô hội nhất, sung sướng nhất để tình nguyện đem cái chữ đến cho con em mình tại một miền Sơn cước đầy đạn bom máu lửa - nơi khó khăn heo hút này. Đó cũng là một điều mỗi người dân ở đây phải biết khắc cốt ghi xương công ơn trời bể của những thầy cô giáo đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì sự trưởng thành của lớp trẻ tại quê hương này!
Tôi trích lời phát biểu của thầy giáo Dương Viết Tuynh nguyên là Hiệu trưởng Trường Đào Duy Từ, nay là chủ tịch Hội cựu giáo chức tỉnh Quảng Bình, trong buổi họp mặt câu lạc bộ cán bộ quản lý các thế hệ của tỉnh năm 2013 thay cho lời kết. Đồng chí Dương Viết Tuynh nói: các đồng chí cán bộ quản lí hiện nay tặng cho thế hệ quản lí đã nghĩ hưu chúng tôi là THẾ HỆ VÀNG. Tôi được thay mặt cho toàn thể cán bộ quản lí thế hệ U60, U70 và thậm chí có nhiều đồng chí U80 đang ngồi tại đây, xin trao lại danh hiệu THẾ HỆ VÀNG cho thế hệ cán bộ quản lý hiện nay. Thế hệ chúng tôi xin khiêm tốn chỉ nhận về cho mình là THẾ HỆ ĐẤT mà thôi. Chúng tôi nhận danh hiệu này vì 4 lẽ sau đây: Thứ nhất, vì chúng tôi được sống, giảng dạy và quản lý trong thời đạn bom của Đế quốc Mỹ trút xuống, chúng tôi đã biết bám hầm đất để sống, bám nhà hầm đất để giảng dạy, để quản lý nhằm thi đua dạy tốt - học tốt theo lời Bác Hồ kính yêu đã dạy. Chúng tôi đã đạp lên cái chết và sự sống từ đất. Lẽ thứ 2 là: Trong thời bao cấp đầy vất vả khó khăn gian khổ, thế hệ chúng tôi đã biết bám Đất để làm thêm hạt lúa, củ khoai để cải thiện đời sống cho chính mình và góp phần nuôi sống người thân trong gia đình. Lẽ thứ 3 là: Sự đối xử với chúng tôi, coi chúng tôi là đất là cát. Các đồng chí nay được hưởng và truy lĩnh chế độ phụ cấp thâm niên, còn thế hệ chúng tôi không có may mắn đó. Lẽ thứ tư là: Một điều chắc chắn rằng, thế hệ chúng tôi sẽ về với Đất trước các đồng chí. Đó là một quy luật sinh tồn tự nhiên không ai tránh được./.
Tác giả bài viết: Lương Duy Niệm - Giáo viên Toán – Trường cấp 3 Tuyên Hóa - Khóa 1972- 1976
Từ khóa:
Những tin mới hơn
- Nhớ mùa tựu trường năm xưa (05/09/2016)
- Mừng ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 (20/10/2015)
- Chiếc khăn mùi xoa ngày ấy (05/03/2019)
- Mất nửa tình thương (26/07/2016)
Những tin cũ hơn
- Đại thắng mùa xuân 1975 (27/04/2015)
- Bông hoa tình nguyện (25/04/2015)
- Mười sự kiện nổi bật trong năm 2013 của www.langleson.net (23/01/2014)
- Gửi về quê nhân ngày lễ Vu Lan (17/08/2013)
- Viết cho một người bạn, liệt sỹ Mai Xuân Cảnh (26/07/2013)
- Một ý kiến khác về việc xây dựng nhà văn hóa Thôn (10/05/2013)
- Câu chuyện xây nhà Văn hóa; đi, xem và ngẫm nghĩ (18/05/2013)
- Vị đắng của hạnh phúc (08/03/2013)
- Nói với con ngày 8/3 (08/03/2014)
- Thư gửi tặng em, nhân ngày mồng 8 tháng 3 (06/03/2013)
- Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn - Gửi bởi: Lê Trọng Đại
Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền... - Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn - Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện... - Lệ Sơn - Làng theo đạo học - Gửi bởi: Lương Xuân Trường
Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương... - Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn - Gửi bởi: Lê Trọng Đại
Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông... - Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân - Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ - Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên - Gửi bởi: Lê Quang Đạt
Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa? - Một gia đình cần sự giúp đỡ - Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé! - Gửi con gái Mẹ - Gửi bởi: Hung Lan
Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài. - Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..." - Gửi bởi: Lê Trọng Đại
Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...
Thống kê
- Đang truy cập: 7
- Hôm nay: 1676
- Tháng hiện tại: 17033
- Tổng lượt truy cập: 8436504
Liên kết làng quê Quảng Bình
Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de
Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de
Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Cảm ơn Thầy đã ghi lại ký ức xưa.
Đây là những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên.