1
  • image
  • image
  • image
  • image
15:57 ICT Chủ nhật, 15/09/2024

Truyện ngắn Mùa hoa sạu

Đăng lúc: Thứ hai - 04/08/2014 05:15 - Người đăng bài viết: lehongve
Giới thiệu toàn tập truyện ngắn "Mùa hoa sạu" của tác giả Lai Văn Thế.
Lời ban biên tập:  Lai Văn Thế, một cái tên rất lạ trên thi đàn văn học của LLS, nhưng nếu ai tinh ý trong cách chơi chữ sẽ phát  hiện ra tên thật của anh. Đó chính là một ngôi sao sáng của Làng, cậu học trò ưu tú năm xưa và là nhân vật tiêu biểu thuộc thế hệ 7x của Làng Lệ Sơn. Anh chính thức mới xuất hiện, nhưng tình cảm và những kỷ niệm về quê Mẹ luôn chất đầy trong Anh, dù đang sống và làm việc ở phương trời xa xăm. Bằng giọng văn sắc sảo, hóm hỉnh, những câu chuyện gần gũi rất đỗi thân quen dần hiện về vi vu, miên man như cơn gió Lào đầu mùa thổi qua cánh đồng Chăm mát rượi. Ngọn gió mơn man vô tình đó, đã níu đôi chân Dì Út (nhân vật chính của truyện ngắn) dừng lại, để rồi mùi thơm của hoa sạu quyến rũ Dì Út lạc vào thế giới đê mê, đắm chìm ngất ngây ở vào cái tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ. Chuyên trang trân trọng giới thiệu lại toàn phần truyện ngắn "MÙA HOA SẠU" tới quý độc giả để cùng thưởng lãm.

MÙA HOA SẠU

Rồi một ngày nào đó, LLS không còn những cánh đồng ngô (bắp, sạu) nữa. Cũng như Hung Tắt đã vĩnh viễn mất đi cánh đồng khoai lang bạt ngàn Nhớ mần chi, đó là quy luật! Không biết khi nào, Đồng Chăm sẽ trở thành khu công nghiệp nhỉ? Dù chưa nắng Hạ, xin cứ Hoài Xuân như cách nói của Xuân Diệu, phỏng có được không? Vậy là tôi bắt đầu nhớ bãi ngô Đồng Chăm, dù sau trận lụt lịch sử này, biết đâu ngô đồng Chăm lại sẽ xanh tươi hơn, mùa hoa ngô sẽ vô cùng lãng mạn, như một câu chuyện tình trễ muộn. Ai là người LLS, có muốn nghe chăng ?

Chuyện xảy ra, đã mười mấy năm rồi.

Tiết trời cuối Xuân se se mà dịu ngọn, con đường Hồ Trên khấp khểnh đáng yêu. Lúa đang thì con gái, IR30 hay Hồng Ngự mà mật non thơm lạ thường? Quảy cái Bội trên vai, cái liềm trên tay đung đưa chém gió, Dì Út Đỏ hăm hở nhằm hướng Đồng Chăm thẳng tiến. Rộn ràng những bước chân trần, hai vạt áo lụa màu đen, tuy đã cũ nhưng vẫn vui tươi vẩy ve với gió, nón lá trắng tinh, má lại hây hây. Ai giám bảo Dì Út Đỏ đã ngoài năm mấy hạ vàng! Gần trưa, đám trẻ  bắt đầu ngả ngớn lưng trâu ngược về Đình Miệu, thì Dì Út Đỏ lại đi cắt cỏ muộn. Nắng vàng, mà nắng cuối xuân nào có thấm mồ hôi, phía trước lại là Đồng Chăm, là bạt ngàn của những Hoa Sạu vàng hơn nắng, gợn sóng, gợn sóng như Xuân Quỳnh…
Dì Út Đỏ không biết mình cảm thấy yêu mến Đồng Chăm tự khi nào? Và hình như không thật sự là Dì đã có thắc mắc nào tương tự. Vì Dì yêu hết thảy những cánh đồng làng Lệ Sơn. Tại vì chưa có dịp để Dì  nhận ra, hay tại Dì quên những yêu thương nào đó mà chưa từng cảm nhận? Thật ra, hơn ba mươi năm gắn với ruộng đồng Lệ Sơn, tình yêu của những người như Dì Út Đỏ dành cho đất đai, đồng ruộng đã hoá thành sự bình thường trong lao khổ nhọc nhằn. Nào Mái Đình Thánh cỏ Lìa Thia dày hơn thảm Ba Tư, cuốc bằng cuốc Xỉa, lôi trẹo lưng quần. Nào đất Nác Sốông vỏ ốc lẫn cát già, cắm cây mạ tróc cả móng tay. Bồ Bồ nước ngập lưng quần, đỉa to như ống nứa. Đồng Mua, Cồn Én ruộng vại đất hòn to như cái oi, tùi vồ sức trai đập ba phát mới vỡ một cục… Mồ hôi, máu và hạnh phúc quện vào thành những tên đồng, tên hố. Đồng Chăm cũng vậy thôi. Một mùa lúa vại làm thật ăn chơi, vượt con nước dữ; một mùa trỉa Sạu, phân bón đen rễ mới có báp to. Nhưng cái sự sướng vui của mùa thu hoạch sao chẳng thấm vào đâu so với niềm háo hức của rực rỡ hoa vàng dày bụi phấn đương vẫy gọi? Có lần, Dì Út Đỏ đã bẻn lẽn cười một mình trong khi tẩn mẩn đưa cái liềm gọt gọt đôi móng tay dày cộp, đen sì.

 

 

Dì Út Đỏ đến làm dâu làng Lệ Sơn đã hơn 30 mấy nằm rồi. Nhân duyên như trời định. Nhớ cái thuở mười mấy xuân hây hẩy, trời gét Dì nên ban cái má hồng và cặp mông biết nói. Xong lớp 7, Dì vào Sư phạm. Vì cái thứ trời ban và cũng tại Dì mơ mộng, nên anh giáo sinh thực tập có vợ chạy mắm Quảng Hoà để y đến Dì. Cái thời quần phíp lưng thun nào ai biết chữ ngờ ưa ngưa huyền ngừa! Nhà trường đuổi học, anh giáo dục vợ quảng gánh mắn theo đoàn Nam tiến. Nửa mơ nửa tỉnh, Dì gửi kết quả mối tình hờ cho bọ mạ, theo mối mang đến Làng Lệ Sơn gá nghĩa với chú Sáng Phơ. Chú Sáng Phơ, cái tên như Nam Bộ mà bản tính hiền hơn cục đất xóm Bàu; cũng đã một đời vợ và một đứa con thơ. Hai người gặp nhau bằng một chữ Chấp nhận. Rồi Hợp Tác Xã, rồi hạn hán, rồi lụt lội và những đứa con kéo nhau ra đời, cuốn phăng đi của Dì Út Đỏ ba mấy năm như một chớp mắt, trong đó, không có chỗ cho những trăn trở riêng tư. Đến cả việc nghĩ tới đứa con đầu và bọ mạ cách Làng Lệ Sơn không xa, Dì cũng chưa kịp tính đến. Bọ mạ của Dì ra đi như hàng ngàn cụ già neo đơn của mãnh đất cằn Trung bộ; giọt máu đầu cũng cuốn theo cuộc trôi nổi mưu sinh đâu đó thật xa xôi. Chỉ còn Dì Út Đỏ biết mình đã gắn với đất làng Lệ Sơn như tự nhiên của bao phận đời, hay Dì đã sinh ra và lớn lên tại cái làng quê yêu dấu này thì phải? Dì cũng ít mà nghĩ tới.

Bốn đứa lớn đã kéo nhau vào Nam, hình như có sự móc nối dẫn dắt dì đó giữa tình máu mủ của người anh trước. Thôi thì cũng tốt, chúng nó đã có cái ăn, và dĩ thường cũng sẽ lập nghiệp được. Còn đứa gái út năm nay ngoài 16 tuổi, chắc không tốt nghiệp hết cấp III. Mà có tốt nghiệp được thì khó mà học lên cao hơn. Sức lực con gái thì Dì biết rõ. Tuy không lập luận cao siêu, nhưng linh cảm cho Dì cái nhận xét đắng cay rằng: con Tuyên giống Dì đáo để! Nhất là cái má hồng và cặp mông ve vẫy ngày xưa. Nó không đẹp để mơ màng xa xôi, nhưng sự bóng bẩy đã dần rõ nét. Kệ nó, đời bây giờ văn minh. Dì tự tin mà rằng, chúng nó sẽ khá hơn mình. Hay bản tính ít suy nghĩ của Dì, khiến cho Dì trở nên vô tư như thế. Mà đúng là Dì Út Đỏ có tính vô tư thật. Từ ngày Dì Út Đỏ hết bớt cái nỗi lo con cái, thì cuộc sống giữa cái làng Lệ Sơn này cũng có nhiều thay đổi vượt bậc. Đời sống giáo viên, bộ đội được nâng cao nhờ lương bổng, mà lạy trời, đất Lệ Sơn có gần nữa số dân làm hai cái nghề chân chính ấy.

Nhà Dì không có ai làm giáo viên hay bộ đội xuất ngũ, nhưng mà may, chú Sáng Phơ bổ túc được  hồ sơ bệnh binh; cộng với hoa màu lúa má ngoài đồng, đời sống nhà Dì Út Đỏ, nhìn lên còn thua xa nhà Ông giáo Lương, nhà bác cu Dần, nhưng nhìn lại thì đã gấp bội bội lần cuộc sống của chính Dì mười mấy năm về trước. Chỉ cột kèo ba gian ngói đỏ, nhưng cái nền đã lát được gạch men trưa hè mát rượi, lại cả chiếc tivi màu 14 inc thằng Phúc (con riêng chú Sáng Phơ) mua cho năm ngoái. Thế là sự đổi thay lớn nhất khó mà tưởng tượng của đời nông thuần Lệ Sơn riêng đối với Dì là đây: Nếu sáng sớm chú Sáng Phơ đi đốt thêm miếng rậy trong nát Chầm Bỏi (để vại cải cho vui), hay chập tối con Tuyên đi chơi bạn, một mình Dì rảnh tay chân lại có thể nằm xiểng nền gạy men xem truyền hình! Mà truyền hình bây giờ phong phú lắm. Không giống như phim của Đội chiếu bóng lưu động Số 7 một năm về bốn lần ngày trước, toàn là phim chiến đấu hà rầm. Ti vi bây giờ nhiều phim ảnh, Âu, Á, Mỹ, và cả Việt Nam nữa, nó hôn nhau mới say đắm làm sao! Ai xem vài ba tuần đầu cũng phải đỏ mặt chết sượng, lâu lắm mới quen được. Mà cũng quen khi xem một mình thôi, chứ xem cùng con gái, hay xem với chú Sáng Phơ thì xấu hổ lắm. Trước đây con đông, ruộng nhiều, nhà Dì nuôi trâu cho bạo sức cày, nhưng mà cực. Trâu ăn nhiều, đái ỉa bẩn, vườn tược lúc nào cụng lem nhem hôi hám. Chứ bây giờ, chú Sáng Phơ bán hết trâu rồi, chỉ nuôi anh bò tơ lấy kiểng. Bò bây giờ cũng khác bò ngày xưa, thích thì cho ra đồng đổi gió, không thì để ở nhà băm mấy gốc chuối trộn cám ăn thay lợn. Vì cả làng ít nhà nuôi lợn. Và khi vui, Dì Út Đỏ có thể quảy cái bội đong đưa đi cắt cỏ. Cắt cỏ, giờ như một thú vui dưỡng sinh hơn là cái sự bộn bề đồng ruộng. Bởi thế, việc Dì Út Đỏ quảy bội trên vai, mà lại ve vẫy cái liềm đi bước kiệu, thì không phải là sự lạ, ít người mà để ý.

Bước qua con lộ lớn ngăn cách Hồ Trên với Đồng Chăm, Dì Út Đỏ cẩn thận hơn khi phải men ngang cái dường ruộng lúa to bằng cái lẻ xà. Hết đám ruộng bằng tám mảnh chiếu chắp ngang, Dì đã đụng ngay bẹ lá Sạu đầu tiên; lá Sạu ngang mặt, bông Sạu ngang đầu, quen tay, Dì Út hạ cái Bội xuống xách kẹp sát người, cái liềm cũng đã nằm trong cái bội, nơi bàn tay phải. Còn tay trái, Dì đỡ nhẹ những lá Sạu làm lối đi.

 

Đứng trên đàng tàu, bác Đái Lủ dừng lại, ngó quanh một vòng bao quát từ Cồn Én sang Đọt Sác, bụng bảo dạ: vắng thiệt. Chưa trưa hẳn mà đồng làng vắng ngắt ngơ. Mấy bữa ni tivi đang chiếu phim  “người giàu cũng khóc” nên bà con về xem hết. “Khiếp, cái con Ét- Te đẹp thế mà ác! Còn Ma- Ri- An- Na thật biết cách khiến người ta phải khóc!” Chợt nghĩ, bác Đái Lũ lại mường tượng ra cảnh Ét- Te hôn Hoan – Các- Lốt. “chà, cái con thật đáo để, lúc nào cũng mặc đồ trắng mỏng tanh!”. Bác Đái Lủ nở một nụ cười móm mém.

Nhìn chung, Bác Đái không khác chi mấy đối với mọi cụ ông hưu trí giữa làng này. Cũng dáng thanh mảnh hao gầy, mắn nhìn điềm đạm vui tính, có khi lại hay giật giật, nheo nheo. Bác chỉ khác với cái tuổi 70 của mình ở chỗ tấm lưng hãy còn thẳng thắn, bước đi hoạt bát, phong độ lắm. Vốn tính dản dị, Bác Đái thường lĩnh cái quần màu mạ úa (sắc phục của ngành Công an, do anh cặc Tú- con thứ 4 của Bác làm trên huyện về cho), cùng với chiếc áo sơ mi vải lụa có kẻ sọc, khi đi lại, nhìn Bác thêm vẻ thướt tha, uyển chuyển. Các bác nông dân giữa làng thường thì chân đất, quần đùi nu. Nhưng đã nhiều năm lắm rồi, người ta thấy Bác Đái lúc nào cũng đi đôi dép Tiền Phong có quai hậu, nom rất chỉnh tề. Bác nghỉ hưu đã mười lăm năm, nghỉ hưu non. Vì thời ấy lương giáo viên còn thấp lắm, mà phải đạp xe lên tới miệt Kim Lũ thì chẳng bỏ công. Hơn nữa, gia cảnh Bác Đái cũng khá,  là nhờ vào sự tháo vát, lanh lợi của bác gái. Nên Bác Đái chặc lưỡi: Thôi nghỉ sớm về đuổi gà cho vợ cũng đành.

Thực ra sức Bác Đái còn tốt chán. Ngoài năm chục tuổi, đàn ông giữa làng Lệ Sơn này chỉ ước có nhiều đất mà cày. Ngày mới hồi hưu, Bác Đái cũng bỏm bẻm ra đồng. Cày trở trất tỉa độ trên đồng Họ Nguyễn với con bò mạ sệ thì đường cày còn thẳng lối; chứ Bác Đái mà cày bửa côộc toóc đất Đồng Mua thì ai nấy lăn ngả ra mà cười. Con trâu đực  thay tư nó coi Bác Đái như cọng rơm. Vốn cưng chồng, bác gái phán một câu rất mực dấu yêu: “từ ni ở dà lo cơm nác!”. “Lo cơm nác” trở thành phiên hiệu mới, gắn với phần đời còn lại của anh giáo dạy văn trường Kim Lũ sớm hồi hưu. Người lớn tuổi ở làng rất nể trọng Bác Đái. Hội hè đình đám, bác được ngồi chỗ có uy, và được gọi bằng cái tên thân mật: Thầy Đái. Bọn trẻ chưa học thầy ngày nào, nên so tuổi mà gọi riết thành quen: Bác Đái. Nguyễn Quốc Lũ là tên cúng cơm, ít người gọi đến. Vốn rất mực cẩn trọng, Bác Đái lo vụ “cơm nác” chu đáo lắm, nên bác gái lúc nào cũng thấy vui tươi, nhỗ toẹt bãi nước trầu, bác gái cười toe toét: “anh Đái nhà tui là… nhất nác”! Nhiều mụ đàn bà giữa làng ghen với các Bế (tên bác gái, ở làng , bác gái cũng được gọi là Ả Đái), vì so ra, đàn ông làng ta thường tuềnh toàng, ít ai mà bù lại Bác Đái. Mà quả thật, vào nhà Bác Đái, không ai nghĩ đó là gia cảnh nhà nông Lệ Sơn.

Nhà cửa lúc nào cũng tươm tất, thơm tho, góc nào ra góc nấy. Bác Đái lại khéo tay, hay làm. Ngoài vụ “cơm nác”, bác còn tranh thủ chẻ tre đan lát, tự làm lấy công cụ nhà nông, còn có cả đồ đẹp bán cho hàng xóm. Thế nên, từ ngày Bác Đái nghỉ hưu, thì gia đình  như có thêm sinh khí. Sáu bảy đứa con nhà Bác ai cũng giỏi dang, lao động chăm chỉ, và sớm trưởng thành. Khi lương cán bộ hưu trí được nâng lên, cũng là lúc đàn con bác phần lớn đã lập nghiệp, cảnh nhà từ chỗ đầm ấm, no đủ, lại càng ra điều giàu có, thanh tao. Bác Bế trả bớt ruộng cho xã, trâu bò cũng nghỉ nuôi. Bác Bế bảo: bấy lâu ông Đái lo chăm vợ, thì từ ni để vợ nâng khăn sửa túi cho công bằng! Nghe mà sướng đến mê li. Nhưng vốn tính bác Bế xuề xoà, cả nói, nên rất ồn ào náo nhiệt, ngược với tính Bác Đái. Bác Bế lại hay trầu, luôn mồn nói, luôn mồm nhổ và hay cười ha hả, nhất là những lúc xem truyền hình thấy tụi trẻ ôm nhau…, đôi khi Bác Đái thiếu hài lòng. Người ta thấy Bác Đái thành ra hay lẫn thẩn ra Cồn Trôi, có khi đi qua cả Đồng Hồ, trong những chiều gió mát. Họ nghĩ, Bác Đái chắc là đi dưỡng sinh. Nhưng có lẽ Bác Đái cảm thấy ngột ngạt trong ngôi nhà ồn ào mà trống vắng. Dĩ nhiên không có sự xích mích, cãi cọ gì, và chính bác Bế cũng thấy hài lòng về việc bác Đái thỉnh thoảng đi đâu đó một lát, vì rằng, như vậy thì bác Bế thoải mái hơn khi không phải để ý đến bác Đái trước lúc nhổ toẹt cái bã trầu ra sát cửa ngách bên hông nhà. Và hẵn nhiên, Bác Bế không phản đối khi bác Đái đăng ký làm bảo vệ đồng cho HTX. Hai Bác thống nhất trả lời với bà con: “Rảnh rang không làm gì, đi lại cho khuây, chứ cái vụ công phạn nào có đáng chi!”. Rồi Bác Đái tìm cái rạ tuyển, cái rạ đã gắn với Bác gần 20 năm đan lát, có lẽ còn hơn, nên nó mòn vẹt và nhẹ tênh, để làm hành trang đi bảo vệ. Bác thường xách rạ bằng tay trái, tay phải thỉnh thoảng vê vê dưới cằm, mắt nheo nheo, giật giật, gặp ai bác cũng gật một cái, cười một cái ý nhị, ngoài cánh đồng làng thương yêu thường rất vắng người.

Và trưa nay, Bác Đái lẫn thẩn trên đàng tàu là bác đang đi tuần. Đi tuần là để bắt mấy đứa đắc bò ăn kẹ, mấy thằng ranh trộm sạu non bồi dưỡng cho bò. Nhưng thứ ấy bây giờ ít lắm. Nên việc đi tuần của Bác Đái, như người ta đi hít khí lành thì đúng hơn.
Trụt khỏi đàng tàu, Bác Đái bước xuống đầu Cồn Họ Lê, giáp với Nương Cau, men theo mấy cây chùm bỏi sát nương Mệ Đái Hương, đi lên phía Đồng Chăm. Vượt qua hai đám khoai lang mới bới, cọng vấn ngổn ngang, là Bác Đái đã bước vào đám Sạu đầu tiên, không còn thấy dạng…

*
***
 
Chiều hôm qua O Cảnh chuyển đến cho Trung một lá thư . Sao mà tả xiết cái sự run rẩy của kẻ si tình đơn phương! Ngoài bì thư, nơi “from” đề dòng chữ “xa quê… Đại học sư phạm Huế”. Trung sướng rân, anh nhảy bước đôi, chạy ra tít cội cơn Da gần nhà mở thư đọc. Thì đây, là bao nhớ thương thấp thỏm, là của bao đợi chờ, ít cũng đã nửa tháng rồi còn gì? Chục thư đi, may có một thư về. Mà thư đi vừa rồi, Trung đã liều mình hỏi Huệ một câu. Gửi thư đi rồi, anh mới thấy lo, và còn nghĩ là dại.

Người nữ sinh văn khoa chốn kinh kỳ viết thế này “Trung vô cùng thân mến của Huệ! Trung có biết là đã làm cho Huệ khổ sở thế nào suốt hai tuần qua không? Hơn mười lần cầm bút để viết cho Trung, mà không thành thư được. Là vì Huệ không biết nói sao đây! Nói sao để gần 20 mươi năm của chúng ta không thành vô nghĩa? Nói sao để Huệ còn trở về Lệ Sơn trong niềm vui vô tư phấn khởi? Huệ làm sao quên được Trung, như quên được chính làng quê với bao người thân yêu gần gụi? Xin cảm ơn Trung vì tất cả, vì hai mươi năm như Trung đã nói trong thư. Huệ cũng không quên con đường làng đầy “mắm dỏ” mỗi khi chúng mình đi học mùa mưa phùn. Không bao giờ quên những giọt mồ hôi sau lưng áo Trung khi chúng ta phải đạp xe lên Đồng Lê những ba năm cấp III! Ba Mạ Huệ coi Trung như con, còn Huệ thì đã tự nhiên coi nhau như người một nhà… Kể làm sao cho xiết!. Đôi khi Huệ cũng thấy sợ, sợ rằng Trung sẽ nói ra một điều… Và cầu mong Trung đừng nói. Vậy mà Trung không giữ được cho Huệ cái tình anh em thân mật! Cám ơn Trung đã ngõ lời. Nhưng Huệ thấy mình còn bé lắm, chưa giám nghĩ đến việc đó. Phải học đã Trung ạ. Tiếp thư này, xin Trung đừng buồn, hay tủi. Nếu được, hãy coi Huệ là đứa em bé nhỏ, Trung nhé! TB: À, Trung vẫn chăm chỉ việc ôn thi đó chứ? Cố lên Trung nhé! Trời không phụ kẻ kiên trì đâu.  Huệ”.

Chao ôi là lời của người văn sỹ. Trung đã mường tượng được kết cục này, nhưng sao như là chiêm bao! Gần đêm qua Trung không ngủ được. Anh suy nghĩ rất lung. Nên thiếp đi khi trời gần sáng, và tỉnh giậy thì đã gần trưa. Thẩn thờ, Trung mở then ràn bò, con “cụt” vội vàng bước ra vì háu đói, rồi thẳng tiến vô Lèn Choi theo thói quen. Cắp quyển sách nhàu nát, anh bước theo như kẻ vô hồn. Trèo lên đàng tàu lúc nào không biết, con “cụt” dừng lại cạp bụi cỏ ốông, thì đầu Ga Lệ Sơn đã vang lên mấy hồi còi của chuyến tàu chợ Vinh - Đồng Hới.

Thất thần, Trung bóp mạnh vào báp đuôi làm con “cụt” nhảy cẫng lên, đánh mạnh hai cẳng chân ra sau vọt tút vô Lèn Choi. Trung quay người trụt xuống đàng tàu, mặc cho đá ba lát trượt bật cả quai dép tông trẹo lên mắt cá, mặc cho đoàn tàu xình xịch sau lưng. Lững thửng, anh bước về phía cội cơn Da rồi trèo lên cái chạc ba quen thuộc. Gió nội đồng lướt thướt từng chặp, thổi vạt áo Trung bay lên lành lạnh. Trung mơ hồ như đang bay vào cõi mênh mông bạt ngàn cảm xúc. Đây Lèn Choi, đây Bàu Sỏi, đây Đồng Chăm….., và cội cơn Da yêu quý này. Tất cả, tất cả ấy gắn với tuổi thơ của Trung và Huệ, của bao đứa trẻ lem nhem coi việc đến trường như trò đùa, còn việc chăn bò, cắt cỏ, nhặt ốc bắt cua mới là việc chính. Nay đâu cả rồi?  Hình như cả cánh đồng Lệ Sơn này giờ còn mình Trung! Tất cả đều vắng lặng, bình yên đến rợt người. Cái chạc ba cơn Da đầu xóm, là cái điểm dừng chân quen thuộc của Trung, là “điểm cao chiến lược” của Trung trong suốt bao năm chơi nhởi, chăn thả trên đồng. Chưa bao giờ Trung để ý thật cụ thể đến nó, và cũng chưa bao giờ Trung để ý đến khung cảnh chung quanh.

Mọi thứ là tự nhiên, là tự nhiên hiển hiện trong tâm hồn bao thế hệ trẻ thơ xóm Bàu này không cần suy nghĩ! Thì đây, sao bây giờ nó trở nên lạnh nhạt với Trung? Khung cảnh ấy như có vô vàn cặp mắt ẩn hiện đang nhìn Trung dò xét! Bất giác, Trung cảm thấy lạnh, và lo sợ . Trời ơi, mới hai năm dán đoạn việc học hành, mà sao làng quê thay đổi quá? Bạn bè tứ tán đi hết mà Trung vẫn tưởng còn đông vui. Những đám mục đồng cạy mả phá vườn của Trung ngày xưa kia, nay ngày thưa thớt hẳn. Nếu hai năm, rồi hai năm nữa, không thi đậu Đại học, sẽ thế nào đây? Nghĩa là 24 tuổi, là 30 tuổi…! Trời! Trung không có quyền trách Huệ vì đã từ chối, chỉ hơi buồn vì thư viết ngắn quá, cô đọng và lạnh lùng quá thôi… Bao nhiêu ý nghĩ xâm chiếm tâm hồn Trung, làm anh ngắc ngư trên cái chạc ba cao điểm giữa đồng làng quê đang xuân phơi phới. Lần đầu tiên Trung ngắm cảnh làng mình, trong cái cảm xúc lạ lẫm mà thân quen. Dưới chân Trung trải dài nửa tầm mắt, là hoa sạu cuối kỳ phất phơ, phấn cuộn lên từng làn vô nghĩa. Mùi lúa, mùi cỏ,  và không biết hoa Sạu có mùi không? Tất cả hoà thành thứ hương vị ngai ngái, làm Trung thấy cay cay sống mũi. Hay chính bởi hơi lạnh cuối xuân lẫn khuất trong gió, xen vào lồng ngực người trai hai mươi tuổi đang thổn thức một nỗi niềm! Anh cố tình hít thật sâu cái hương lạnh ngái ngái ấy, rồi tự nhiên thả lỏng cho tâm hồn đón nhận những đợt sóng  của cảm xúc nhẹ nhàng ve vuốt. Bao hình ảnh, bao sự việc cứ chập chờn vào ra, vào ra trong khuôn ngực đang vơi dần đi sự xơ cứng của bâng khuâng. Rồi anh làm cái việc chưa từng làm: Phóng tầm mắt dõi theo một bầy chim nơi xa tít đâu cuối chân trời, khi bầy chim không còn rõ dạng, anh lại nhìn sang một búp Da non cạnh cái Chạc ba có hai con  Ngựa Trời đang chèo kéo làm duyên. Cứ thế, Trung nhìn ngắm sự vật như con chim non mới chào đời. Mà quên rằng mùa xuân đang đi vào ban trưa, khi nắng vàng đã trãi mênh mông khắp suốt ruộng đồng. Gió cũng đã khựng lại, để vàng thêm rực rỡ, và cánh đồng trở nên  lặng yên đến dịu dàng. Bất giác, Trung dụi tay vào mắt, trở về nhanh với hiện thực khi anh phát hiện có những động tĩnh bất thường.

 

Hai sự chuyển động rẽ lối hoa sạu: Một từ Hồ trên, một từ Nương Cau cùng hướng rất thẳng, về phía Trung. Anh bắt đầu quan sát bằng con mắt trinh thám, và dĩ nhiên, sự mơ màng cùng với hỗn hợp bâng khuâng đã tan biết đi. Thay vào đó, tinh thần của tuổi mười mấy đang sống giậy, với những trận “tè bắn” nảy lửa, cũng chính tại cánh đồng Chăm này. Trung là nỗi khiếp đảm của phe đối phương, với màn trình diễn ngoạn mục (Từ trên khuông mả rậm rạp, Trung lao xuống với thế diều hâu vồ gà còn: “bắt sốông thằng tủn”. Kẻ bị bắt sốông thường run lẩy bẩy. một lúc mới hoàn hồn, thì Trung đã thu quân về “bên kia chiến tuyến” chuẩn bị một màn bắt sốông mới). Ở “điểm cao chiến lược”, Trung dễ dàng quan sát hai sự chuyển động. Và khi thấp thoáng một mái tóc búi hờ, một cái mũ lưỡi trai màu mạ úa từ hai phía cùng tới gần, thì anh đã linh giác một điều gì đó không bình thường. Trung thu người lại trên cái chạc ba như một viên đặc công nhà nghề.

Giữa đồng làng Lệ Sơn có những cái bất thường ít ai để ý, đó là sự hiển diện của những bụi cây. Anh có thể ‘gọt” mả, có thể phá dường những mong tăng thêm vài hàng ló, nhưng anh lại không hề có ý niệm về việc sẽ đốn hạ những bụi cây đã mọc tự thuở nào. Dù những bụi cây đó, về mặt kinh tế đã chiếm đi một phần diện tích đáng kể. Từ Lạ Lả  đến Cồn Tra, Xóm Biền; Từ Lèn Choi  về Đồông Khâu, Đồông Trằm, người ta thường gặp ba loại cây trơ gan tuế nguyệt: Mưng (hay Lộc Vừng) chiếm ưu thế về số lượng, rồi đến Dưới và Hóp. Mưng thì có thể nổi bật với công năng che bóng trưa hè, là thiên đường của bao thế hệ mục đồng. Còn Dưới và Hóp thì ít ai nghĩ về lợi ích của nó. Vậy mà ba thứ cây ấy vẫn tồn tại song hành, giữ gìn cho đồng làng một cái nét rất riêng; Dưới và Hóp thầm lặng  trần mình chịu bao cơn lũ để giữ lại những trĩu nặng phù sa. Ông cha ta bao đời lưu lại cái ý niệm gìn giữ bất thành văn, hoá thành một phần tự nhiên của tư duy nông nghiệp Lệ Sơn. Ngoài ba thứ cây trên là Chùm Bỏi.  Người ta không đếm được tuổi của Chùm Bỏi trên đồng làng, chỉ mơ hồ rằng có lẽ nó được trồng vào cái thời mỗi khu đất gắn với một dòng họ, như một thứ hoa lợi dùng vào việc công đức hàng năm. Nên Chùm bỏi không mọc phân tán đều khắp tất cả các cánh đồng, nó chỉ tồn tại ở những nơi được khai hoang sớm nhất. Khi đất được chia ra các Đội, thì cội Chùm Bỏi cũng vì thế sẽ biên chế vào tên từng Đội.  Đến mùa thu hoạch trái, mỗi đội cử ra khoảng chục người, đi đến những cánh đồng có chùm bỏi đã được phân chia để hái về đấu gía công khai, sung vào việc công của Đội. Vì lợi ích nổi trội về mặt kinh tế, Chùm Bỏi được phép tồn tại giữa đồng làng với độ che phủ mỗi gốc gần tám chục mét vuông.

Ba cội chùm bỏi phía bắc đồng Chăm đã trở nên cổ thụ,  cách nhau một khoảng rất đều đặn, lại có ba hàng Hóp nối liền tạo thành một cái “lùm”  tam giác. Nó thuộc sở hữu của Đội 9. Từ chạc ba Trung ngồi đến lùm Chùm Bỏi là một khoảng cách lý tưởng để quan sát, hơn 100m trong điều kiện nắng vàng, trời trong và không gian tĩnh lặng.  Đến nỗi những bước chân giẫm gãy cành nè khô và những sột soạt khác thường, anh đều nghe thấy cả….
Hai mươi tuổi đầu và đã vài ba lần vô ra chốn kinh kỳ mấy độ mùa thi, lại dấu kín trong lòng một mối tình, Trung không phải đã ít mơ tưởng một bàn tay…Chuyển từ trạng thái háo hức bé con “tè bắn” khi mục kích lùm chùm bỏi, Trung sẽ rợn mình trong cái rạo rực lạ thường. Thì chẳng phải trong cái lùm kia, đang diễn ra bản hoà tấu vô tiền khoáng hậu, mà chàng trai tơ là Trung đây làm sao hiểu thấu sự nguồn! Tức cái bụi Hóp vô duyên che khuất tầm nhìn, chỉ để cho Trung nghe đôi vài dứt quảng của âm thanh. Trung liền run rẩy lẹ làng tụt xuống. Cũng là điệu nghệ cũ xưa trong các trận “tè bắn”, nhưng được gắn bởi một động cơ khác của rộn ràng, Trung nhanh chóng tiếp cận lùm Chùm Bỏi với khoảng cách không thể gần hơn! Ở khoảng cách này, anh có thể “bắt sôống thằng tủn” như thường! Không gian và thời gian diễn tiến khôn lường, làm cho Trung không kịp ý thức được hành vi. Nên buộc đôi mắt nai kia tiếp cận một hiện trường. Hàng ngàn xung điện quật nhanh vào trí não, định hình hai chữ “quả tang”!

“- Phải, ta phải bắt sôống quả tang!
-  Khà khà, bọ thằng Tủn đây mà, ông giáo già khả kính đây mà!”
- Ai kia? Chết cha, là mự Út!”

Sự chuyển hoá quá nhanh về cảm xúc, có khi sẽ làm cho con người ta rơi! Và không ít trường hợp, sự tổn thương sẽ rất rõ ràng. Đang định làm nên một kỳ tích giữa làng bằng việc “bắt sôống quả tang” thì đầu gối Trung đã kịp run rẫy khịu xuống, khi nhận vợ Cậu Phơ, là người phụ nữ mà anh gọi bằng “mự”. Trung thấy máu nóng dồn lên mặt mình như núi lửa.  Từ chỗ định làm một trò đùa, chuyển thành trạng thái của tư duy, Trung quyết làm “một mẻ cho ngon lành” bằng những hành động có lí trí. Bằng cách nào? Lặng lẽ rút êm về làng kêu thêm người cầm chạc mụi ra trói? Xa quá, e lỡ chuyện. Nhào thẳng vô chụp quả tang? Chết! Một cơn Rạ và một cái Liềm, với hai kẻ hồi xuân không phải dễ đùa! Những âm thanh mới lạ lại không ngừng phát ra, đâu cho Trung được bình tĩnh để tính toán! Khoảng cách lại quá gần. Như một động tác thiếu suy nghĩ, Trung trườn mình qua bụi hóp, thò tay tó lấy cái quần dài màu mạ úa, rồi chuồn lẹ mà tứ chi run bần bật.

 

Thoát ra khỏi đám sạu, Trung lết mình tựa vào cội cơn Da, thở lấy hơi. Mồ hôi ứa ra khắp trán, lạnh toát. Sau chưa đầy một phút định thần, bằng động thái dứt khoát, Trung đứng dậy, nắm lấy cái quần dài chiến lợi phẩm đi nhanh về phía làng. Thế nào nhỉ? Chiều nay, và cả ngày mai, Làng lệ Sơn  này sẽ diễn ra nhiều sự kiện, bắt  đầu từ một sự kiện…, tất cả sẽ tuỳ thuộc vào Trung. A ha, ta sẽ bắt đầu sự kiện này thế nào cho long trọng? Ông Trình- Trưởng Công an xã, và ông Đóc Nậy - Đội trưởng nữa, và nhiều người có chức có quyền trong cái làng này, đi hai bên Trung thành một đoàn cán bộ. Ban đầu sẽ bao vây hiện trường, tìm và trói hai kẻ kia lại. Nếu tìm không ra thì cái quần công an độc nhất vô nhị này là bằng chứng không thể chối cãi… Chiều nay, mụ Đái Bế sẽ lồng lên như thế nào nhỉ? Còn Cậu Phơ, hoặc là cầm cái cuốc xỉa đứng run rẫy nơi cửa truồng bò, hoặc sẽ co ro trên tấm phản ho từng chặp vì cơn hen lên cao độ. Con Tuyên núp sau bụi xuối dòm ngó thất thần…. chao ôi là hoạt cảnh. Cả Đội, cả làng sẽ vây quanh để nghe Trung tường thuật. Rồi ngày mai, Chợ Vang sẽ râm ran, có khi là ngày mốt, ngày kia… nhiều nhiều ngày nữa. Mà bất kỳ ở đâu, Trung cũng là tiêu điểm! Bất giác, Trung khựng lại. “Là tiêu điểm?”. Bốn từ ấy như luồng điện làm Trung lạnh toát người! Nghĩa là Trung trở thành cốt lõi của tất kịch vào ngày mai? Chứ đâu phải là hai kẻ già nua hư đốn kia? Ô hô! Thiên hạ sẽ gắn cho Trung cái cụm từ gì đây? Con Tuyên sẽ nhìn Trung ra sao? Thằng Tủn nữa, Từ Đại học Kinh Tế ngoài Hà nội, chắc nó sẽ muốn về ngay, hoặc sẽ không bao giờ về làng nữa vì xấu hổ!... Huệ nữa chứ! Huệ sẽ nghĩ gì về Trung? Rảnh hơi đi bắt lẹo à? Xấu chết đi được, sao dám gặp mặt Huệ?....

Một làn gió mạnh từ Rào nác Mội thổi ra, làm Trung bừng tỉnh giữa cơn mê, đứng chết lặng trong thinh không bát ngát của hoa Sạu gục gặc trêu ngươi. Anh nhìn xuống bàn tay đang buông lơi chiếc quần mạ úa đầy ngao ngán. Bỗng nhiên lấy đà vứt một phát rõ mạnh. Cái quần bung ra cản gió không bay đi đâu xa, mà mắc ngay vào cành nè khô hàng rào trước mặt Trung, làm rơi ra từ trong bâu quần một đùm vải nhỏ. Trung lửng thửng nhặt cài đùm lên. Bên trong chiếc mùi soa cũ là một đôi trằm bạc hình hột Sạu…

Sau mùa Sạu, có người nhìn thấy O Dỏ (đi mót Sạu) trèo lên ngọn Cơn Da và mót được một cái quần. Nhưng O Dỏ thì chối nguây nguẩy. Mấy mụ đàn bà lắm chuyện hay châu vào nhau nói nhỏ: “con ngây nớ mà còn có giá, thằng ngu mô cho hắn một đôi trằm bạc to dư hột sạu”.

Nam Bộ, tháng 10 năm 2010.
Tác giả bài viết: Lai Văn Thế
Từ khóa:

Lại Văn Thế

Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Đái dầm - Đăng lúc: 13/08/2014 22:07
Vàng rơi ngọc nát người ơi
Tài ba phận bạc cõi đời xưa nay
Cố nhân mơ giấc sum vầy
Thì trăng thu lạnh chong đầy năm canh
Bút in ảo ảnh mong manh
Hồn nguời thi sỹ đã đành khổ lao
Lệ Sơn hỡi có ai nào
Thấu cho cố lữ phương nao tìm về...
Avata
Thu trần - Đăng lúc: 04/09/2013 10:39
Tôi đã đọc bài này nhiều lần, không như mọi người nghĩ, tôi đã rơi nước mắt. Làng quê hiện rõ mồn một qua từng câu văn, tuổi nhỏ của chúng tôi sống lại từng khoang khắc. Chúng tôi biết nhau, cái thế hệ cơ cực và nhiều thiệt thòi, nhưng lại được nuôi dưỡng bằng tâm hồn cao sáng. Chỉ có những người yêu tha thiết Lệ Sơn mới viết lên được những dòng văn đầy chất thi ca này. Mừng cho Hường có người bạn tri kỷ tài ba, với tác phẩm gửi người con gái lệ sơn. Cùng với nó, mùa hoa sạu sẽ là siêu phẩm trên văn đàn lệ sơn mãi mãi... Một người bạn cùng lớp: Thống, Hải, Thái, Huệ, Bích....
Avata
người Lệ Sơn - Đăng lúc: 26/08/2013 14:14
Con người này tài ba bẩm sinh. Văn của anh chứa đựng một cái gì đó giống như đã hóa thành tâm hồn anh giữa làng lệ sơn quê mình. LLS.net cũng thường có vài bài thơ của anh, trái lại, là những bài thơ rất buồn và thanh khiết đến rùng rợn. Con người ấy vừa thân thiện và rộng rãi trong văn chương, vừa chan chứa u buồn cao sang trong thơ ca. Anh có một cuộc sống nội tâm ghê gớm quá, có phải là anh đã gặp phải nhữg trái ngang khủng khiếp trong cuộc đời? Bà con LLS.net mong anh xuất hiện lần nữa qua một tác phẩm khác với chủ đề quê hương đổi mới. Trân trọng!
Avata
MK - Đăng lúc: 25/08/2013 11:55
Bài viết quá hay, cách sử dụng từ ngôn từ quá tài tình .Cách viết thật độc đáo, hài hước, dí dỏm làm cho người đoc cười không khép nổi miệng.Một tài năng hiếm có của làng Lệ Sơn. Độc giã Lệ Sơn chờ đợi mãi mà chẳng thấy tác giả viết tiếp...Tác giả đi mô lâu rứa bà con hè?
Avata
Tuấn thừa sắc - Đăng lúc: 16/08/2013 07:35
Em còn nhớ bửa đó A Thái vai mang bội,tay cầm liềm lùa con Bò Đực lang béo nhất làng vô dàng chỗ nương Mệ đái Hương .em cũng lùa bò vô cho ăn ở đó mà lạ thay bò thì dàng ở đó 2,3 tiếng đồng hồ
mà ko thấy bóng dáng chủ mô cả,kêu cũng ko nghe trả lời cho đến khoảng hơn 11h trưa mới thấy ông anh lò mò từ phía nương Ả Dượng đi xuống,trên vai mang nửa bội cỏ,mồ hôi ướt cả vạt áo sau này mới biết là anh đi "do thám".
1, 2, 3, 4  Trang sau

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 13
  • Khách viếng thăm: 12
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1887
  • Tháng hiện tại: 28127
  • Tổng lượt truy cập: 8388138

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net