Tiếng lòng, tập thơ của người con nặng nợ với quê hương

Lời tựa cho tập thơ Tiếng lòng của cố nhà giáo Lương Ngọc Đệ do thây giáo Cảnh Giang biên tập

Những bài viết cùng tác giả đã đăng
1.Ước mong của một người Mẹ Lệ Sơn

2.Nhớ về nguồn cội
3.Trận đánh lịch sử của quân và dân Lệ Sơn ngày 28 tháng 4 năm 1965

4.Mừng chuyên trang Làng Lệ Sơn
5.Bài báo góp phần giúp làng Lệ Sơn hồi sinh trước sự đe dọa của thiên nhiên

“TIẾNG LÒNG ” CỦA NGƯỜI CON NẶNG NỢ VỚI QUÊ HƯƠNG
 
Sinh ra và lớn lên nơi thượng nguồn sông Gianh lịch sử,  mảnh đất truyền thống, địa linh nhân kiệt, là một trong bát danh hương nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình: “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ , Kim ”. Thầy  Lương Ngọc Đệ thấy tự hào nơi mảnh đất ông cha: “ Cũng dòng khoa bảng anh minh / Cũng quan văn võ triều đình quý công …”( Nhớ về cội nguồn). Nên thầy rất thiết tha với quê hương, qua thơ văn thầy tiếp tục giáo dục cháu con: “ Hỡi người đất Lệ làng Văn / Hướng về nguồn cội góp phần điểm tô…”( Nhớ về cội nguồn).
 
Năm nay đã ngoài 84 tuổi, 84 mùa xuân đã đi qua là những năm tháng thấm đẫm tình người, tình thầy trò, tình đồng chí, đồng đội, tình làng  nghĩa xóm, tình cảm  dòng họ, gia đình cha con, cháu, chắt, đến tình yêu quê hương,  tình yêu tổ quốc. Để rồi thầy chắt chiu, gom nhặt lại một tập thơ: “ TIẾNG LÒNG ” NXB Thuận Hóa với 84 bài thơ thật xúc động.
 
Đọc thơ thầy ta thấy một tình cảm chân chất mộc mạc, dung dị, nhưng giàu lòng nhân ái, một tình yêu  đậm đà sâu lắng. Hễ gặp “sự kiện” là tứ thơ dâng trào theo cảm xúc với tấm lòng nhạy cảm, đa mang của thầy. Trong cuộc đời dạy học thầy luôn luôn trăn trở với quê hương nghèo khó, trăn trở với sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà đang còn thiếu thốn vất vả. Có lẽ chính vì vậy mà đề tài trong thơ thầy luôn nặng tình với quê hương, nặng tình với nghề dạy học.
 
 “Hai mươi năm trên vai nghề dạy học / Qua nhiều trường nhiều lớp trẻ tươi vui / Tuyên Hóa thân yêu! Tươi trẻ cuộc đời / Vinh dự lớn – tôi giơ tay tuyên thệ…”Thầy luôn nhắc nhở chính mình và nhắc nhở mọi thế hệ những người con mang dòng máu quê hương: “Ta nguyện sống cho trọn đời xứng đáng / theo ngọn cờ Văn Hóa tung bay..” “ Lịch sử nâng ta ngang tầm thời đại / Biết mấy nghĩa tình ấm áp quê ta / Các em mai đây chắp cánh bay xa / Vẫn nhớ mãi ngôi trường làng yêu quý.”(Bài thơ tình văn hóa). Cho đến những bài thơ: “Mừng điện về làng, 1997” “Tuyên Hóa em ơi! Miền núi nhưng gần, 2002” “ Về lại trường Xưa, 2001;” “ Hát mừng Thượng Phủ quê ta”; “ Về Đồng Lê 1992”; “Vang xa tiếng nói quê mình, 2008;” “ Nét mới trên quê hương văn vật, 2010”. Đặc biệt là thơ “Nhật ký cùng đoàn làm phim Lệ Sơn xưa và nay”, gồm 6 bài thơ Tứ tuyệt, 1997; càng cảm phục thầy, dù ở Ty giáo dục, hay ở trường sư phạm, hay về làm quản lý trên mái trường làng, lúc nào thầy cũng đau đáu nỗi niềm: “ Lệ Sơn- làng cổ vốn xưa nay / Núi sông trùng điệp ít ai tày/ Chín chín đỉnh cao chào chim phượng/ Văn hiến quê hương rạng từng ngày…”( Nét mới…)…” . “Ta về Xuân Tổng lòng say đắm/ Thôn xóm vui tươi rộn tiếng cười,”( Về Xuân Tổng1997)…
 
 Từ tình yêu quê hương, yêu nghề dạy học, với tình làng nghĩa nước, mừng quê hương ngày càng đổi mới, thầy lại càng thấm thía công ơn Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Bởi vậy trong trái tim thầy luôn mang nặng một tình cảm thiết tha, lòng kính yêu Bác Hồ người cha già của dân tộc. Khi về thăm nhà Bác ở Kim Liên, Nghệ An, thầy đã xúc động viết: “Con nín thở nghe tim mình đập mạnh /Bên bàn thờ phải ấn cột thêm tre /Khách muôn phương lặng người rơi lệ /Từ cảnh nón tơi mà cứu cả nhân quần…”( Về Kim Liên…) Trong bài thơ nhớ Bác Hồ về thăm Quảng Bình, cảm xúc trước một tình yêu bao la, sâu đậm của Bác, khi nghe Bác nhắc: Bệnh chân voi ở Thanh Thủy và Hồng Thủy Lệ Thủy:
 
Ôi ! Lòng Bác bao la, dẫu bộn bề công việc /Vẫn canh cánh nỗi lo nhắc nhở Quảng Bình/Bác Hồ ơi ! Nặng nghĩa nặng tình /Lòng son sắt biết ơn Người mãi mãi.”

Một mảng đề tài trong thơ thầy, đó là lòng thủy chung son sắt, lòng thương cha nhớ mẹ, tổ tiên ông bà, từ đó thầy răn dạy con cháu: “ Cây có cội, nước có nguồn”; “ Chim có tổ , người có tông.” Bởi vậy trong thơ thầy lúc nào cũng canh cánh nỗi lòng: “ Hướng về đất tổ ” “ Nhớ về cội nguồn”: “Ngày giỗ tổ con thắp hương tưởng niệm /Tay run run nước mắt ứa lưng tròng /Chốn bồng lai mong Mẹ hiền an lạc/Về với tổ tiên nơi chốn vĩnh hằng…”( Như được gặp Mẹ.)

Một người đa mang giàu lòng nhân ái, và bao trùm một tình yêu thường nhật, cho nên trong trái tim thầy vẫn luôn dành một góc tình bạn, tình đồng nghiệp, tình thầy trò thật đáng kính nể. Với bạn đồng niên khi tuổi cao, thượng thọ thầy đã vui mừng chúc: “Năm mới mừng nhau chén rượu nồng /Tuổi già đẹp lão thọ song song/ Cháu con hiếu thảo nhà phúc ấm /Nội ngoại sum vầy thỏa ước mong !..”( Mừng bạn…). Thầy thương bạn đồng niên đã vì dân vì nước hy sinh, trong bài Nhớ bạn thầy viết: “Đất Thành Cổ các anh nằm yên nghỉ /Hoa cỏ xanh theo sức sống trai làng /Văn Hóa quê mình thương tiếc bâng khuâng /Có máu xương anh trên bóng cờ thắng lợi…” Khi nghe tin đồng nghiệp qua đời, thầy đau đớn thương tiếc, thầy khóc người đồng chí của mình : “Nhớ đồng chí Hòe ân tình quý mến /Trên ba mươi năm gắn bó với nghề /Tiết kiệm đồng tiền cho huyện cho quê / Thương thầy cô, học trò những ngày gian khó…”( Tưởng nhớ ). Với bạn hiền tri kỷ, những kỷ niệm những ngày công tác bên nhau, những ký ức những ngày gian khó, cùng chung lưng đấu cật, dẫu bây giờ ai cũng đã nghỉ hưu, cũng con cháu đề huề nhưng tình cảm đó vẫn theo thầy năm tháng: “Bốn mươi năm tuổi Đảng đang chờ /Từ đồng nghiệp – đồng môn, ta thành người đồng chí /Đôi bạn sắt son mối tình tri kỷ…”( Tâm sự).

 
 Một mảng đề tài được khắc đậm trong thơ thầy, đó là tình cảm thầy đã dành cho con trai, con gái, cháu chắt nội ngoại, một tình yêu thương vô bờ bến. Những bài thơ: “ Tiễn con vào cấp ba; Tiễn con vào trường đại học, Tâm sự với con gái đầu lòng; Nhận giấy mời; Mừng cháu vào đại học; Nhận thư cháu; Tâm sự với cháu; Cháu Tý về quê ngoại; Cháu nội vào lớp một; nhật ký mừng cháu ngoại…”

Ngoài tình yêu phụ tử, thầy muốn qua những vần thơ mộc mạc của mình để khuyên nhủ, dạy bảo cháu con, luôn nhớ công cha, nghĩa mẹ, luôn hướng về cội nguồn, để phát huy truyền thống và làm rạng rỡ cho quê hương. Khi người con trai Lương Ngọc Bính vào cấp ba, vào đại học cho đến khi thành giáo sư tiến sĩ, thầy vẫn luôn rõi theo từng bước trưởng thành của con. Khi nghe tin con trai nhận giấy mời dự hội thảo Tại Viện hàn lâm khoa học Thái Lan, thầy lại nhắc: “…Cơm, áo, gạo , tiền nhờ mẹ kiếm /Tâm hồn trí tuệ - Ấy gen cha/ Thế hệ ông cha nào có được / Khổ tận Cam Lai … Bởi cội nguồn..”( Nhận giấy mời). Với cháu đích tôn thầy đã tâm sự “Trên tuổi sáu mươi có đích tôn /Tre già nay đã có măng non /Trước sân hoa hồng vui nở rộ /Mừng cháu mừng ta với nước non…”.
 
Mặc dù đã đến tuổi xưa nay hiếm, nhưng thầy vẫn không lúc nào ngơi nghỉ, thầy vẫn luôn luôn dành tình thương cho thế hệ trẻ, thầy vận động xây dựng quỹ khuyến học, để khuyến học khuyến tài; thầy trăn trở với hội người cao tuổi, để sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội.  Lăn lộn với phong trào của cựu giáo chức, của câu lạc bộ thơ “ Lệ Sơn Xuân vọng”…Có những lúc trên giường bệnh thầy vẫn cộng tác đều với các báo và lúc nào khỏe được thầy lại đi nhiều nơi để viết bài gương “người tốt việc tốt”…
 
Khép lại tập thơ: “ TIẾNG LÒNG ” của một thầy giáo nghỉ hưu, một nhà thơ không chuyên, dẫu còn nhiều hạt sạn, nhưng đúng như tên gọi của “ TIẾNG LÒNG ” đây là một sự tri ân của thầy, một người con một đời nặng nợ  với quê hương; Cũng là sự ghi dấu chặng đường hơn Tám thập kỷ thầy đã đi qua. Tập thơ là món quà quý giá, được xuất bản đúng dịp thầy Lương Ngọc Đệ thượng thọ 84  tuổi và tròn 55 năm tuổi Đảng.
 
Thời gian rồi sẽ lùi xa, nhưng dư âm của “TIẾNG LÒNG” sẽ mãi mãi động lại trong ký ức và tình cảm đồng chí, đồng đội, của các thế hệ học trò và muôn đời con cháu mai sau.

Tác giả bài viết: Cảnh Giang