Bài báo góp phần giúp làng Lệ Sơn hồi sinh trước sự đe dọa của thiên nhiên

Giới thiệu bài báo đã góp phần giúp Làng Lệ Sơn hồi sinh từ sự huy hiếp hung dữ của thiên nhiên trong mùa mưa lũ của Thầy giáo Cảnh Giang. Bài viết đã được đăng trên báo GIAO THÔNG VẬN TẢI, năm thứ 37 số 29 ( 1602), ra ngày 22/7/1999.
Lời dẫn của Ban biên tập:  Làng Lệ Sơn với địa thế bị sông Gianh chạy uốn khúc nên mỗi khi mùa lũ về nước sông tạo nên vùng chảy xiết, xoáy vào bờ, gây ra tình trạng sạt lở lớn với tốc độ chóng mặt. Vào những năm của thập niên 2008, 2009, đứng trước nguy cơ làng biến mất trên bản đồ hành chính, lãnh đạo chính quyền xã Văn Hóa đã liên tục gửi nhiều tờ trình kêu cứu khắp nơi, (1) "..nhưng đều bặt vô âm tính"... Thấu hiểu nỗi đau của một làng quê nghèo khó, Thầy giáo Cảnh Gianh, đã viết nhiều bài báo gửi tới các cơ quan truyền thông báo chí kêu cứu. Những bài báo đó đã đánh động dư luận góp phần đưa lại dự án làm kè do nhà nước hỗ trợ vốn. Có thể nói Thầy giáo Cảnh Giang, mặc dù không phải là người con của quê hương Lệ Sơn nhưng bằng tình yêu và tình cảm của mình đã giúp Làng Lệ Sơn hồi sinh trước sự uy hiếp đầy hung dữ của thiên nhiên. Ban biên tập Làng Lệ Sơn xin trân trọng giới thiệu tới quý bà con một trong những bài báo hết sức có ý nghĩa đó.
 
Những bài viết cùng tác giả đã đăng
1.Ước mong của một người Mẹ Lệ Sơn

2.Nhớ về nguồn cội
3.Trận đánh lịch sử của quân và dân Lệ Sơn ngày 28 tháng 4 năm 1965

4.Mừng chuyên trang Làng Lệ Sơn

TIẾNG KÊU CỨU TỪ MỘT MIỀN QUÊ

Lệ Sơn nổi tiếng xưa nay là làng " Địa linh nhân kiệt ". Nằm trong 4 địa danh của vùng Bắc Quảng Bình: " Sơn - Hà - Cảnh - Thổ" có nhiều danh nhân tiếng tăm lưu truyền. Là một xã có công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân. Lệ Sơn nay là xã cuối cùng của huyện Tuyên Hóa, tiếp giáp với huyện Quảng Trạch( Quảng Bình), là một vùng quê "Sơn thủy hữu tình", nghèo nhưng đẹp người đẹp cảnh, nằm soi bóng bên dòng sông Gianh kiên cường.

Mảnh đất Lệ Sơn nhỏ hẹp, một phía giáp đường tàu Bắc Nam, có dãy núi Lệ Sơn trùng điệp, một phía giáp sông Gianh, địa phận có bờ sông kéo dài hơn 7000m. Chính đặc điểm địa lý khắt khe này, mà hàng nghìn năm nay, người dân ven sông Gianh phải bền bỉ đương đầu chống chọi với thiên nhiên từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay xã Văn Hóa huyện Tuyên Hóa với hơn 3400 dân gồm 10 thôn, 8 họ, đất canh tác chỉ 350 ha, mỗi năm chỉ làm một vụ chiêm, còn lại vụ 8, vụ 10 lệ thuộc vào thiên nhiên.. Hàng năm cứ đến mùa mưa bão, lũ là một mối lo âu ghê sợ cho mỗi người dân ở đây. 7 km bờ sông không hề có một tuyến đê ngăn lũ nào. Nhà cửa, vườn tược, cây cối ruộng đồng giao cả cho trời đất, họ sống chung với lũ. Cả làng cả xã ngập chìm trong biển nước mênh mông sóng vùi gió dập. Trâu bò được tản cư lên núi, gà lợn, chó ,mèo, cùng người lên ở sàn 2, sàn 3, tùy theo mức nước, chờ cho đến khi nước rút.

Không năm nào là không có lụt bão, ít thì 2, 3 trận, nhiều thì 5, 6 trận. Sau mỗi trận bão lũ đi qua, là khắc phục hậu quả mà mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi xóm thôn phải gánh chịu, nhà trôi, trâu bò, lợn gà trôi, người chết, cây cỏ hoa màu tài sản vv... theo dòng nước dữ cuồn cuộn chảy về xuôi. Cảnh mất mát thiệt hại hàng năm, như cái "lệ" phải cống nộp cho " Long vương hà bá ", mà hàng nghìn năm nay các thôn xóm, các hộ gia đình phải cam tâm gánh chịu. Họ dũng cảm kiên cường vật lộn với sóng gió, sông nước mênh mông, để bám làng bám trụ, dựng xây quê hương giàu đẹp. Tưởng sự cống nộp hàng năm của dân làng cho cơn lũ dữ tợn và quái ác thế là đủ. Nào ngờ mỗi lần bão lũ đi qua, những cơn sóng thần dữ dội ấy lại cuốn theo hàng trăm m3 đất đá, sạt lở xói mòn, lần dần vào làng mỗi năm một ít, dòng sông rộng thêm, mà đất làng thì eo hẹp lại, làm cho nỗi lo về mối đe dọa của thiên nhiên lại càng lớn và khủng khiếp hơn.


Thầy giáo Lương Ngọc Đệ người địa phương năm nay đã 72 tuổi, dẫn tôi đi xem một vùng non nước Lệ Sơn. Thầy chỉ tay về núi Động Chân Linh có Hang Lệ Sơn và Ga Lệ Sơn kể: Từ chân núi Động Chân Linh đến thôn Thượng Phủ gần 3000 m, nằm trên dòng chảy uốn lượn của dòng sông Gianh, nên hàng năm về mùa mưa lũ, sóng to gió lớn, đất đá xói lở cuốn trôi, lấn vào bờ bình quân hơn 4m/năm. Thầy cho biết cách đây hơn 60 năm, từ đường tàu ra bến sông,hẹp nhất hơn 100 m, thế mà bây giờ bờ sông nước vỗ cách đường tàu không đầy 20 m, có nơi như khu vực ga Lệ Sơn cách mép nước không đầy 10 m. Gặp anh Phạm Hồng Khang, trưởng ga Lệ Sơn, anh cho biết: "Trước đây hành khách đi bộ về nhà Ga theo đường mòn, mà bây giờ đường mòn bị xói lở, cuốn trôi không có đường đi. Hệ thống nhà Ga chỉ còn cách mép nước sông không đầy 10m. Khoảng vài năm nữa thôi, chắc chắn đường tàu Bắc Nam về ga Lệ Sơn sẽ bị sóng nước dòng Gianh đe dọa..."

Rõ rang đây không còn là tiếng kêu cứu của một vùng quê nghèo khó: " Sóng nước sẽ xóa mất làng ", mà còn là tiếng kêu cứu của những đoàn tàu ra bắc vào Nam cần được an toàn tính mạng.

Theo lời đồng chí Lương Xuân Quế - Chủ tịch UBND xã Văn Hóa cho biết: "Từ nhiều năm nay, xã năm nào cũng có tờ trình kêu cứu khắp nơi, nhưng bặt vô âm tính, mà gió mưa bão lụt thì cứ hung hăng tác oai tác quái, càng ngày càng xói sâu vào nỗi đau của một làng quê nghèo khó..."

Một lần nữa kính nhờ các thông tin đại chúng hãy chuyển lời kêu cứu thống thiết này đến các nhà chức trách, các nhà hảo tâm, trong và ngoài nước, con em quê hương đi xa, các dự án nhân đạo, liên hiệp Đường sắt Việt Nam, hãy có tầm nhìn xa, để cứu lấy tài sản và sinh mạng của mảnh đất văn vật giàu truyền thống cách mạng. Hãy cứu lấy nhà ga Lệ Sơn, cứu đoạn đường tàu Bắc Nam đi qua làng Lệ Sơn càng sớm càng tốt. Để một vùng quê mãi mãi yên bình và giàu đẹp.


Cảnh Giang

Chú thích: (1); Lời  Chủ tịch UBND xã Văn Hóa Lương Xuân Quế

 
Bài được đăng trên báo GIAO THÔNG VẬN TẢI . Năm thứ 37 số 29 ( 1602) Ra ngày 22/7/1999.


Hình ảnh một đoạn kè sông đang được thi công năm 2009

Tác giả bài viết: Cảnh Giang