1
  • image
  • image
  • image
  • image
21:13 ICT Thứ ba, 23/04/2024

Hoa hậu Lệ Sơn ngày ấy, một thời đắm say và nuối tiếc

Đăng lúc: Chủ nhật - 08/09/2013 17:32 - Người đăng bài viết: lehongve
Cái đẹp luôn được tôn vinh để thưởng ngoạn, được bảo vệ giữ gìn và được quý trọng của một bàn tay vàng nào đó, thì lẽ nào hoa hậu Lệ Sơn lại chẳng trở thành một nét hương sắc tô thắm thêm vẻ đẹp kì thú của làng quê hay sao? Sắc đẹp trời ban chẳng bao giờ có tội cả. Cho dù bất kì lí do gì thì cũng thật đáng tiếc và đáng trách cho cánh mày râu Lệ Sơn bởi không thương hoa tiếc ngọc..... ( Để tránh rắc rối cho những người có liên quan. Tên tác giả và người trong cuộc đã được thay đổi)
  Ngày xửa ngày xưa không rõ năm nào tháng nào, tôi chỉ nhớ rằng vào cuối thế kỉ XX ở Lệ Sơn xuất hiện một người đẹp “ nghiêng nước nghiêng thành”. Người đẹp xuất hiện đã trở thành giai thoại cho bao thế hệ. Họ phải “tâm phục khẩu phục” bởi cái sắc đẹp trời phú kia khi nhìn không ai có thể  cưỡng nổi, kể cả những người khó tính nhất ở cái làng Lệ Sơn. Người làng bên đến xem như đi trẩy hội. Ngày đó, tôi vẫn thường nghe người lớn trầm trồ về sự xuất hiện hoa hậu ở Lệ Sơn. Nhưng đẹp là gì, đẹp thế nào tôi chẳng hiểu. Đến khi học lên cấp hai được thầy Hanh phân tích thơ của Nguyễn Du tôi mới cảm nhận được cái đẹp của người con gái Thúy kiều.

Trong cái tiềm thức non nớt của tôi thì Thúy Kiều đang hiện hồn về  nhưng lại bằng da, bằng thịt như trong một truyện cổ tích nào đó giữa cái làng Lệ Sơn bé nhỏ đã ngàn đời vọng tiếng sơn thủy hữu tình. Có lẽ tạo hóa đã rất ưu ái cho cái làng quê có nhiều huyền thoại thật nhiều thứ quý giá. Nay tạo hóa lại phóng khoáng ban phát thêm cho làng Lệ Sơn một nét đẹp hoàn mĩ trên khuôn mặt một người con gái Lệ Sơn đang được sinh ra nơi mảnh đất này.  

   Hoa hậu Lệ Sơn đẹp thật. Vẻ đẹp của người con gái đó đã làm cho không biết bao nhiêu chàng trai phải run rẩy và mất ăn, mất ngủ. Một vẻ đẹp quái lạ mê đắm hút hồn người và tỏa sáng lung linh một góc trời  làm lu mờ đi nét đẹp của hàng chục  gái Lệ Sơn lúc bấy giờ. Những người con gái đang độ xuân sắc ở cái thời đó nhiều khi cũng lấy làm tủi thân lắm chứ bởi tuy không đẹp bằng hoa hậu của làng  nhưng so với các làng bên thì chỉ có hơn  chứ không có kém. Ấy vậy mà sắc đẹp của ả sáng quá, chói chang mà lại bắt mắt quá đã  khiến các chàng đẹp trai, tài ba, hào hoa, phong nhã của Lệ Sơn chẳng nhận ra  ai ngoài ả.

Thời đó, gái Lệ Sơn nói chung cũng có tiếng là xinh xắn đáo để. Vậy mà trai làng cứ rước gái biệt khách về  làm dâu làng mình ầm ầm  nghe mà tức đến lộn cả ruột.Giá cái thời đó lệ làng ban rằng “ Nội bất xuất, ngoại bất nhập” thì còn đỡ tức một chút. Để bây giờ các chàng đến tuổi U50, U60 về thăm quê không phải chậc lưỡi tiếc rẻ mà ân hận: té ra giờ mới thấy gái Lệ Sơn cũng đẹp, cũng nết na, thùy mị, chịu khó, chịu thương, yêu chồng, thương con , chu tất việc gia đình ra phết đấy chứ nhỉ ?.

         Từ già đến trẻ, từ địa đầu Móng Cái cho đến mũi Cà mau; Từ những nơi xa lắc xa lơ cho  đến tận bờ dậu mồng tơi, hễ gặp cô ta là mọi người ngoái lại  nhìn theo muốn sái cả cổ. Cũng có những người đã yên bề gia thất , xương cốt cũng chỉ  bằng vắt cơm mà vẫn thốt lên rằng : “ Chà ! Chà…Giá tau được chiêm ngưỡng người đẹp đó một đêm thôi thì đổi hết cái gia tài này tau cũng chẳng tiếc.”( Kể cả thằng cu cọt H ở sát bên cái hàng rào nè cũng dướn cổ ngóng theo ả từng ngày không chớp mắt) . Cô ta đẹp từ đầu đến chân. Đẹp từ sợi tóc mai cho đến gót chân son. Tôi không đủ khả năng để chọn được từ ngữ  nào có thể lột tả hết được vẻ đẹp kiêu sa đang hiển hiện trước mắt mọi người trên làng Lệ Sơn mà chỉ biết rằng người đó giống Thúy Kiều trong truyện của Nguyễn Du ở chỗ: “Mười phần một vẻ mười phân vẹn mười” cũng “Hoa cười ngọc thốt đoan trang". "Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”.

Rồi cũng “ Mây thua suối tóc, tuyết nhường màu da”…, Chị ta lại có người em gái cũng được ông trời phú cho nét đẹp của cô Thúy Vân trong truyện Kiều. Hoa hậu Lệ Sơn chỉ khác Thúy Kiều trong truyện ở chỗ : Thúy Kiều biết gẫy đàn ngâm thơ còn hoa hậu Lệ Sơn xuất thân trong một  làng quê nghèo khổ.Áo quần chỉ mặc được vải tám màu, hết nâu lại đến  đen.Chẳng biết đến chút son phấn mà cứ đẹp phây phây. Cơm ăn độn sắn ba phần, bữa đói, bữa no nên chỉ học hết cấp hai  là về nhà hái rau, chặt củi giúp ba mẹ nuôi đàn em đang tuổi ăn tuổi học.

   Rồi cũng như bao người con gái trên mọi làng quê khác, “ hoa đến thời thì  hoa lại nở ” Người đẹp Lệ Sơn lên xe hoa về nhà chồng và cho ra đời một cậu bé kháu khỉnh khôi ngô.Cái hạnh phúc hiếm có “ Vợ quá đẹp, con lại khôn” cả  thôn đến  làng phải  ngước nhìn mà ghen tị .Ấy vậy mà “cái số kiếp hồng nhan ’’chẳng kéo dài hạnh phúc  được bao lâu bởi tại nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì  quá đẹp. Đẹp  khác thiên hạ làm khổ một kiếp người. Hồi đó , một đơn vị bộ đội về đóng quân trên địa bàn xã để làm đường tàu. Mấy anh dân Bắc cứ thấy chị là ngẩn tò te. Mắt sáng rực.

Vợ người ta ví như mảnh đất đã có thẻ đỏ đàng hoàng, có chủ sở hửu hẳn hoi mà trước người đẹp cứ nói bóng, nói gió.Có kẻ gặp mặt đối diện lại cứ run cầm cập, nói líu lưỡi không thành tiếng. Ngừời nhìn ngang, kẻ liếc dọc lại còn muốn đá lông nheo với chị trước sự khó chịu của nhà chồng và sự ghen tị của những cô bạn hàng xóm. Ngày qua, tháng lại, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa làm ông chồng ở xa vợ cũng chẳng đêm nào ngủ được cứ phấp phỏm canh cánh lo âu một điều vợ mình quá đẹp. Cuối cùng, cơm không lành, canh chẳng ngọt .Từ đây, hoa hậu Lệ Sơn phải sống cuộc đời “Ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”.

     Sau khi đơn vị bộ đội hoàn thành công trình tuyến đường sắt Bắc – Nam. Bộ trưởng bộ giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ đáp máy bay hạ cánh xuống tại đồng “Cồn Tràn” bên cánh đồng hoa sạu đung đưa trước gió. Lũ con nít chăn bò cứ vậy vây quanh chiếc máy bay lạ lẫm lần đầu tiên hạ cánh xuống đồng làng Lệ Sơn. Chúng say sưa xem quên cả việc máy bay cất cánh làm quật một đứa ngã lăn gãy cả cánh tay. Kể từ đây, chuyến tàu Bắc- Nam được thông suốt.

Có đường tàu rồi,  nhiều chuyến tàu thông tuyến Bắc- Nam chạy suốt ngày đêm. Cuộc đời hoa hậu Lệ Sơn kể từ đây lại rẽ sang một bước ngoặt mới. Bước ngoặt đời người khó nói nổi nên lời.Chị ta phải vất vả chạy ngược chạy xuôi theo tàu để lo cho bữa ăn từng ngày. Hễ chị bước chân lên tàu là hàng trăm cặp mắt đổ dồn theo.Tàu dừng ga Đồng Hới là hành khách từ đầu tàu đến cuối tàu vây kín  xem mặt không tài nào chen vô nổi.

     Số phận người đẹp cứ long đong mãi. Khi hoa hậu sinh đứa con thứ tư mà trai tân phương Nam tìm về vẫn giơ hai tay xin rước  làm vợ. Nhưng hoa hậu Lệ Sơn lại vẫn cứ lao đao chỉ vì quá đẹp.  Đến giờ đã gần 60 xuân mà vẫn không có bến đỗ. Nhiều khi hoa hậu cũng ước rằng giá như sắc đẹp của chị cũng chỉ giống những người bình thường khác thì có lẽ chị cũng đỡ khổ. Đằng này cái đẹp cứ trường tồn thì cái cực cũng cứ đeo đẳng bám theo. Chẳng biết vì không có đàn ông có tài, đủ bản lĩnh để giữ chân người đẹp hay vì kiếp hồng nhan bạc phận chăng?

Cũng có thể bởi sự khắt khe về quan niệm của người Việt Nam nói chung và người lệ Sơn nói riêng về phạm trù đạo đức của một thời phong kiến luôn cho rằng gái có chồng mà có người trêu ghẹo là không chính chuyên. Hay đáng trách lũ ong bướm háo sắc kia ve vãn làm khổ hoa hậu Lệ Sơn. Ve vãn không được thì tức giận đâm ra nói xấu liền. Hoa đẹp hái không xong cũng muốn bêu riếu cho đỡ mất mặt. Ví như sắc đẹp đó được sinh ra vào cái thời hiện đại, được người đời tôn vinh cái đẹp như người phương Tây. Cái đẹp luôn được tôn vinh để thưởng ngoạn, được bảo vệ, được giữ gìn và  được quý trọng của một  bàn tay vàng nào đó  thì lẽ nào hoa hậu Lệ Sơn lại chẳng trở thành một nét hương sắc tô thắm thêm vẻ đẹp kì thú của làng quê hay sao?

    Sắc đẹp trời ban chẳng bao giờ có tội cả. Cho dù bất kì lí do gì thì cũng thật đáng tiếc và đáng trách cho cánh mày râu Lệ Sơn bởi không thương hoa tiếc ngọc, hay không biết thưởng nguyệt ngắm hoa để rồi của quý trời phú cho mà lại để tuột khỏi tầm tay. Mọi thứ có thể dùng bàn tay và trí óc con người để xoay vần tạo hóa nhưng cái đẹp tự nhiên của tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ thì  không ai có thể thay đổi được.

 Ôi  thật là tiếc ! Tiếc quá  Lệ Sơn ơi !
Tác giả bài viết: Minh Khôi
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 36 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
ManhKhinh - Đăng lúc: 14/09/2013 16:04
Đọc bài này nghe tức mấy cụ Lệ Sơn không mấy o?.Mấy o Lệ Sơn đẹp mà cứ để mấy cụ đi lấy vợ nơi khác.Đúng là bụt chùa không thiêng.Hoa hậu Lệ Sơn một thời là niềm tự hào vì đã tô thêm nét sắc hương cho làng quê.Hi vọng cái đẹp ở làng quê(người và cảnh)mãi trường tồn nhưng cái cực ở Lệ Sơn thì vĩnh viễn ra đi.
Avata
Lão nông - Đăng lúc: 14/09/2013 07:40
Hoa hậu Lệ sơn vẫn đẹp lắm. Bựa rồi chộ đi chợ Vang. Đàn ông vẫn nhìn sái cổ. Nghe nói 5 cháu nội ngoại rồi. Dáng đi vẫn thong thả ,ve vẩy lắm.
Avata
Giám khảo - Đăng lúc: 13/09/2013 06:31
Đường tàu ko có tội .Cái tội là ở đầu óc cổ hủ, não trạng thộn thâm căn cố đế của người Ls mà ra. Ở Thanh hóa con gái 18 đi buôn rần rần như trẩy hội, Còni coi đó là niềm tự hào, bố mẹ làng xóm động viên đi buội tàu ko sao cả,ở ta thì cho đó là hư thân mất nết.Nghèo là phải. Hai nữa tội chính là do đàn ông dâm dê.phụ nữ ít dê hơn, bị động hơn.Bây giờ Hoa hậu vẫn đàng hoàng , vẫn đẹp dù 3 đời chồng, 4 đời tình nhân,
Avata
KIều Thơm - Đăng lúc: 12/09/2013 07:58
Cái đẹp không có tội, chính danh thủ phạm là cái đường tàu kia. Nó như ngọn roi quất vào mông người Lệ Sơn còn say ngủ trong ốc đảo. Từ đó mà không biết "hỉ nộ ái ố" làm say ngã cái đẹp thuần chất, làm xói mòn nền tảng hạnh phúc của nhiều gia đình không riêng gì người đẹp. Tác giả kể cũng thâm thúy thật.
Avata
cu con - Đăng lúc: 09/09/2013 17:19
Minh khôi nói chị Nhượng là rõ rồi. Còn cô em là chi Nhung: Ở xóm Bàu ngày xưa có câu : Đầu lòng 2 ả tố nga- Thúy Kiều mẹt ả,Vân là mẹt em - (mẹt ả, mẹt em là tên bọ mạ đặt cho chị Nhựơng và chị Nhung).Nếu sinh ra ở Hà nội thì kiếp "hồng nhan bạc triệu " . Bây giờ bà lớn rôi. Sinh ra ở Sỏi thì : "kiếp hồng nhan bạc mệnh" vất vả long đong.Nhưng có lẽ số sướng vẫn sương.
1, 2  Trang sau

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 2
  • Hôm nay: 1081
  • Tháng hiện tại: 34799
  • Tổng lượt truy cập: 8043833

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net