Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 1)

Giới thiệu tập hồi ký dài kỳ viết về cuộc sống, sinh hoạt của bà con Làng Lệ Sơn và vùng chiến khu Tuyên Hoá trong quảng thời gian trước và sau 1954 của tác giả Lương Duy Thái. Ông là em trai của GS.Lương Duy Thứ và PGS. Lương Duy Trung. Đây là món quà mà tác giả dành tặng cho quê hương thân yêu nơi đã từng gắn bó với tuổi thơ nhiều kỷ niệm.
LỜI TÁC GIẢ
 
Từ khi tờ báo Làng có sự cải tiến, nội dung và hình thức của nó ngày càng thực tế, đẹp và sang trọng hẳn lên. Là một độc giả thường xuyên, thỉnh thoảng cũng có tham gia đóng góp bài cho báo tôi lấy làm phấn khởi, tự hào về truyền thống văn hóa của Làng ta.

Xin cảm ơn Ban Biên Tập và hàng ngũ Cố vấn đã làm rạng danh cho “Danh hương xứ Quảng“ quê mình ! Là người con của Lệ Sơn nay đã yên ổn định cư nơi khác tôi rất vinh dự, xen chút hãnh diện với bạn bè và bà con nơi tôi ở. Những lúc vui chuyện, tản bộ cùng các cụ ngoài vườn hoa cạnh nhà, tôi đều hãnh diện thông báo cho các cụ những bài báo mới đăng mà tôi tâm đắc. Các cụ đều thừa nhận có những bài ở báo Làng mà tầm hiểu biết, cách phân tích chữ nghĩa chẵng thua kém gì các báo và tạp chí có uy tín !

Một số tác giả rất được các cụ nể trọng vì cách viết, cách giải thích mà các cụ rất phục. Riêng tôi cũng có một số bài đã được báo đăng tải, độc giả khen có,chê có nhưng tôi cũng không lấy thế làm phiền lòng. Tôi xa Làng đã lâu, lại trong những hoàn cảnh đặc biệt nên cảm nhận của một đứa trẻ có chỗ đúng, có chỗ sai cũng là một sự thường tình. Nếu có chỗ nào trong bài của tôi độc giả lấy làm phật lòng thì cũng mong được bỏ quá ! Tôi chỉ muốn nói lên cảm nhận của một đứa trẻ đối với cái nơi đã in đậm trong tâm khảm  mình: cái màu xanh ngút mắt của của cây cối trong vườn, của những chóp lèn đá cao ngất chất chứa bao huyền thoại, của những loài chim thú hoang dã chung sống và cạnh tranh với con người hàng bao đời nay !

Với tâm trạng đó tôi xin gửi đến quý độc giả tập hồi ký, trước đây đã được Quý báo đăng một số phần, nay được tôi bổ sung thêm và sửa chữa một số sai sót.

 
Kính.
Lương Duy Thái
 
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
 
Bài viết kỳ trước đã đăng:

Toàn văn cuốn hồi ký, tải về xem tại đây
(Đây là bản đã có sự bổ sung thêm nhiều chi tiết mới)
1. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 1)
2. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 2)
3. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 3)

4. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 4)
5. Hồi ký dài kỳ - Một thời để nhớ (Phần 5)

 
 
    Cuối năm 1953 bố tôi có ý định đưa vợ con về quê. Lúc này cuộc kháng chiến vẫn chưa kết thúc, quân Pháp đã rút khỏi đồn Tiền  Lệ nhưng vẫn cố giử đồn Ba  Đồn, thỉnh thoảng chúng vẫn cho canô ngược dòng sông Gianh bắn vu vơ vào các làng tự do ở ven sông . Ở cơ quan bạn bè vẫn khuyên bố tôi chờ cuộc chiến kết thúc hẳn rồi hẵng đưa vợ con về nhưng vì ông bà ở quê hay ốm đau  không ai chăm sóc, vợ con ở chiến khu quá kham khổ nên ông vẫn quyết tâm đưa vợ con về trước. Thời kỳ này ông đang giử chức Phó ty Giáo dục tỉnh kiêm Hiệu trưởng trường trung học Phan bội Châu ; ông cũng là uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến của tỉnh Quảng  Bình. Có lẽ vì thế nên ông nắm được tình hình, biết cuộc kháng chiến sắp kết thúc.

    Tôi còn nhớ vùng huyện Nựu, thuộc chiến khu Tuyên  Hoá, gia đình tôi đã ở mấy năm trong kháng chiến chống Pháp. Đó là một vùng rừng núi trập trùng, dân cư thưa thớt. Gia đình tôi ở nhờ vườn nhà ông Sen, cả nhà tôi vẫn gọi là cố Sen. Cố Sen có cái vườn rất rộng, cây cối trồng tùm lum  không theo hàng lối nào cả. Phía góc cuối vườn ông trồng rất nhiều cây cọ, dân ở đây vẫn gọi là cây tro, có lẽ để lấy lá lợp nhà. Đến khoảng tháng 3 tháng 4 cây tro ra rất nhiều quả. Quả nó tạo thành từng buồng như buồng cau, dân ở đây vẫn hái về đem luộc bằng nước tro bếp để ăn. Cố Sen cho nhà tôi ở nhờ góc trước vườn, sát với con đường cái quan. Bố mẹ tôi dựng tạm căn nhà tre nấp dưới bóng mấy cây tắt, cây quýt. Khoảng tháng 5 tháng 6 tắt quýt chín đỏ trỉu cành, thỉnh thoảng anh tôi trèo lên phía hồi hái xuống  có khi cả rá. Quả tắt quả quýt đến mùa rất rẻ, ông chủ cứ gọi người vào bán cả vườn.

 

    Thỉnh thoảng ông ra thăm mấy cây tắt cây quýt ở chổ nhà  tôi  thấy quả cứ thưa dần ông nghi bị trộm, nhưng vì không bắt được tận tay nên ông hậm hực trong lòng. Thế rồi một đêm  khi cả nhà tôi đã chuẩn bị đi ngủ, anh tôi nghe tiếng loạt soạt chỗ hồi nhà. Anh ra hiệu cho cả nhà biết rồi đi tìm cái đèn pin, chiến lợi phẩm anh cả tôi đi bộ đội vừa thu được  gửi về làm quà. Khi ánh đèn pin vừa dọi lên thì cả nhà tôi thấy có con gì khá to ngồi lẫn trong đám lá, dưới đít nó có cái đuôi  dài thỏng xuống ; cả nhà tôi lao nhao, anh tôi bảo tìm cho anh cái sào để anh chọc vào đít nó  Chị tôi đưa cái sào nứa cho anh thì bổng con vật trên kia vừa khóc vừa nói vọng xuống :

    -Tui lạy cả nhà, đừng chọc để tui tự xuống ! 

Mạ tôi ra  hiệu cho anh tôi đừng làm thằng bé sợ, để nó tự xuống. Gần đến đất, thằng bé nhảy xuống rồi thụp xuống lạy nhà tôi như tế sao. Anh tôi dọi đèn vào mặt thằng bé rồi thốt lên :

    - A, thằng Câu !

     Thằng Câu là thằng bé chăn trâu, khoảng 10 – 12 tuổi, nhà nó ở xóm dưới  cách nhà tôi một quảng. Nhìn khuôn mặt vêu vao của nó mạ tôi tỏ ra thương hại. Hai túi áo người lớn mà nó đang mặc được  nhét đầy quả tắt ; nó còn lấy dây lạt xâu thành xâu dài buộc  vào ngang lưng. Cái mà cả nhà tôi cứ tưởng là đuôi con khỉ khi nó ngồi im trên cây là một xâu quả tắt lòng thòng phía dưới đít. Mạ tôi chưa biết xử lý thằng Câu thế nào thì  nghe tiếng guốc mộc lóc cóc, lóc cóc của cố Sen đi lại. Chưa đến chỗ, cố đã lên tiếng :       

    - May quá, nhà ôông bà hôm ni bắt được trộm. Lâu ni tui cứ chộ cơn tắt sây rứa mà cứ xác xơ dần, nỏ biết  ai hái trộm. Hôm ni nhà bà bắt được thằng Câu thì rọ mặt chát chua rồi, nhà ôông bà khỏi mang tiếng.
Rồi ông hỏi mạ tôi :

    - Ủa, ôông nhà đi mô mà  tui nỏ chộ ?

     Mạ tôi trả lời với ông là bố tôi đi công tác mấy hôm, phải vài ngày nữa mới về. Cố Sen cười cười, cảm ơn nhà tôi rồi xin mạ tôi để ông tự xử vụ thằng Câu. Thấy để chủ nhà xử thì hợp lý hơn mà mình thì cũng thoát được tình huống khó, mạ tôi đồng ý.

    Cố Sen bảo thằng Câu đứng dậy, cảm ơn nhà tôi rồi đi theo ông. Mới đi được một quảng cố Sen nói với nó điều gì đó rồi cho nó  về. Nhìn theo cái bóng con nít lủi thủi trên đường cái quan tôi cứ thấy ái ngại cho nó. Chắc thế nào bố nó cũng cho nó một trận nên thân, ông rất dử đòn khi con cái cứ hay tắt mắt của hàng xóm.

 

 
    Thằng Câu thì anh em tôi không lạ gì. Thỉnh thoảng ra sông tắm bọn tôi vẫn đùa cùng, hết tát nước vào nhau lại thi nhau lặn xem đứa nào lặn được lâu hơn, xa hơn. Khúc sông này là phía thượng nguồn sông Gianh, nước trong xanh nhìn thấy cả những hòn cuội bé tẹo, bọn tôi hụp lặn thoải mái. Nhà nó nghèo, con trâu mà nó thường cưỡi đi chăn là chăn thuê cho ông Cửu Tiệu. Tuy là chăn thuê nhưng nó chăm bẳm con trâu ghê lắm. Nó vẫn thường cưởi trâu cho ăn ở bờ cỏ ven hồ sen của ông Cửu Tiệu, ngay trước cửa nhà tôi.Khi thấy trâu đã ăn no nó lùa trâu xuống hồ tắm, lấy cỏ kỳ cọ cho con trâu  sạch sẽ. Cái hồ thả sen của ông Cửu Tiệu rộng mêng mông, nước rất sạch, buổi sáng mùa đông sương mù thường bao phủ,từng đàn le le,vịt trời đậu kín một góc hồ.

    Anh em tôi vẫn thường xuống nhà nó chơi. Bố mẹ nó dễ tính, coi anh em tôi là những đứa trẻ tản cư. Đến nhà nó, gặp khi mẹ nó luộc khoai,luộc ngô là bao giờ bà cũng bắt ăn cho bằng được. Bố nó người thấp đậm, vui tính lại hay chuyện nên bọn trẻ chúng tôi rất thích. Tôi còn nhớ một buổi tối trời rét, khi tôi đến thì thấy cả nhà nó đang ngồi quanh bếp lửa ăn khoai nướng. Nó kéo tôi ngồi xuống rồi bắt bố nó kể chuyện trâu đánh cọp mà tôi chưa được nghe. Bố nó nhìn tôi cười cười, bảo tôi cứ ăn khoai rồi ông kể cho nghe. Ông nói :

   - Con trâu nhà tui là trâu chăn thuê của nhà ôông Cửu Tiệu đó. Nhà ôông Cửu Tiệu giàu lắm, trước đây ôông có cả đàn trâu đến vài chục con, thường lùa vào trong hung sâu thả, đến mùa cày thì mới vô bắt vài con về cày. Ở trong hung  ôông cũng cho ba người làm lán ở giử trâu. Trong ba người vô giử trâu ôông giao tui phụ trách. Ôông nói “ Mi đã ở nhà tau mấy năm rồi. Tau biết mi thiệt thà,siêng năng lại khoẻ mạnh nên giao cho mi phụ trách cả ba đứa.” Mình là người “ tứ cố vô thân “, phải đi ở đợ, được chủ nhà tin tưởng coi như con cháu trong nhà nên cảm động lắm. Đàn trâu tuy được thả rông nhưng đến tối là lại về ngủ quanh lán , quây trâu con vô giửa. Trong đàn có con trâu đực lông bạc vừa to,vừa khoẻ lại rất khôn. Nó là con đầu đàn. Cặp sừng được nó mài giủa cẩn thận, hai đầu sừng nhọn hoắt ánh lên như cước. Một dạo tui chộđàn trâu cứ hay về sớm, con bạc khi mô cũng về sau cùng. Hôm sau mấy eng em tui mới bảo nhau đi dò, coi thử có chuyện chi mà đàn trâu lại cứ hay về sớm rứa.. Đến tối khi kiểm trâu tui mới biết bi mất con nghé đẻ chưa đầy năm. Sáng hôm sau eng em tui theo đường trâu đi lần vô tận cuối hung. Đến chỗ lùm cây sim, cây mua thì chộ con nghé bị cọp vồ, tha vô ăn gần hết. Con cọp chắc khá to, cái dấu chân hắn để lai to như miệng cái đọi.

    Ông ngừng kể, vê điếu thuốc lào cho vào nỏ, châm lửa rít  xòng xọc. Mẹ thằng Câu ngừng ăn, nhìn ông cười cười, bảo bọn tôi cứ ăn khoai đi, đừng ngồi há hốc mồm ra như rứa.

(Còn nữa ...)

Tác giả bài viết: Lương Duy Thái