Đặc sản nấm mối Hung Tắt, Lệ Sơn

Bài viết về một đặc sản có rất nhiều ở Hung Tắt, Lệ Sơn: Nấm mối, của tác giả Trần Đức Hường
ĐẶC SẢN NẤM MỐI HUNG TẮT
( Gửi lại bạn những vần thơ trên cát….)


Những bài viết của cùng tác giả đã đăng:
1. Cồn Vang, một trời hoài niệm
2. Lệ Sơn, tên Làng: Chữ và Nghĩa
3. Mẹ ơi
4.
Chợ Vang khảo luận

5. Đặc sản sông nước Làng Lệ Sơn
6. Chuyện quanh cây Tre Lệ Sơn
 
Đặc sản của Trời và Đất
 
Mối là một loài côn trùng có hại đối với con người. Đàn mối có thể phá hoại nhà cửa, công trình, của cải, tài liệu, sách vở v.v. vì thế xem ra không ai ưa gì nó. Tuy nhiên, có một thứ do mối gián tiếp tạo ra lại được con người háo hức đón nhận, đó là NẤM MỐI.

Nấm mối là một đặc sản thiên nhiên thuộc loại hiếm của một số ít vùng quê. Nó  không gieo trồng được, ít nhất thì cũng cho đến thời điểm này, và vì vậy, nhiều khi có tiền cũng chẳng dễ gì mua. Nấm mối chỉ mọc ở những khu vực đất sạch, tự nhiên, tơi xốp gần tổ mối khi môi trường không một chút ô nhiễm.Vào lúc tiết trời khô nóng và thỉnh thoảng có mưa, mối tiết ra những chất đặc biệt có trong  nước dãi, chất này tạo ra men nấm và phát triển thành nấm.

Nấm mối nhú lên khỏi mặt đất (Ảnh minh họa)
NẤM MỐI
 
Nấm mối tươi giòn, có vị ngọt và thanh hơn thịt gà ta, có mùi thơm hơn cả nấm hương, tưởng chừng như nó chắt lọc được hết hương vị của đất trời vào trong từng thớ thịt. Nấu kiểu gì, nướng kiểu gì cũng ngon, cũng ngọt !

Không đơn thuần chỉ là món ăn, Đông y xem nấm mối như một vị thuốc vì nó có tính thanh nhiệt, nhuận tràng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, ngừa sỏi thận, sỏi mật, giảm cholesterol, tăng tiết sữa cho phụ nữ sau sinh, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, giúp ngon miệng, dễ ngủ, giúp tiêu hóa tốt.
Nấm mối hiếm vì mỗi năm chỉ có một mùa và mỗi mùa cũng chỉ kéo dài hơn một tháng với chừng dăm bảy trận mưa. Những ai muốn ăn phải căn đúng mùa để săn tìm và chế biến ngay vì nấm mối sẽ giảm mạnh vị ngon khi để qua ngày.

 

Nấm mối phát triển rất nhanh (Ảnh minh họa)
Nấm mối Hung Tắt
 
Hung Tắt là một vùng đất bán sơn địa, có ba bề giáp núi, đất tơi xốp tựa như đất bazan, lại nhiều cây cối, cỏ khô, lá mục nên được lũ mối rủ rê nhau chọn làm căn cứ địa.Vào mùa Hạ, từ tháng Tư đến tháng Sáu ta, khi tiết trời đang oi ả, nóng nực bỗng ào ào một trận mưa rào thì ngày hôm sau thế nào nấm mối cũng nở rộ. Những trận mưa như vậy được người dân gọi là mưa nấm mối. Sau những trận mưa này mà vào Hung Tắt, luồn lách giữa những vồng khoai, luống sắn đang nồng nặc mùi hơi đất, đi tìm những gò mối giữa những đám cỏ tranh hay cây rau tàu bay dại, thế nào cũng thấy những thân nấm trắng như những chiếc dù nhỏ lấp ló, chen chúc, ẩn hiện, trông xa tưởng chừng như những tòa lâu đài mọc trong cổ tích.

 

Khung cảnh Hung Tắt khi chưa khởi công xây dựng nhà máy xi măng

Tuy nấm mối không phải có thường xuyên và dễ tìm, nhưng nếu may mắn gặp phải gò mối lớn thì có khi một lần cũng hái được ba, bốn ký. Nếu chịu khó thì việc hái được một “ bữa ” nấm là chuyện bình thường.
Trên đường về nhà, ghé vào cạnh bìa rừng ngắt một ít lá lốt, vặt một ít ớt mọi hay tạt vào Quai Mõ hái một ít lá khoai lang là được quyền nghĩ đến một bữa ăn theo kiểu cây nhà lá vườn, dễ làm, ít tốn kém nhưng lại hết sức ngon miệng.
 
Những món ăn dân dã một thời từ nấm mối Hung Tắt
 
Có vị ngọt dịu tự nhiên, mùi thơm đặc trưng, nấm mối có thể làm được nhiều món hết sức dân dã nhưng lại rất ngon và bổ dưỡng. Với mớ lá khoai lang hái vội trên đường về, có thể dùng để gói những tai nấm rồi hấp cơm, chấm với muối giằm ớt mọi đã giống như cao lương mỹ vị, hoặc, cho cả mớ lá khoai lang và nấm vào một nồi canh to như nồi quân dụng mà chỉ cần nêm ít muối cho vừa miệng là đã ngon hơn vạn lần những thứ cứ rùm beng suốt ngày ngon thế nọ, ngọt thế kia !

Nếu muốn ăn theo kiểu nướng thì với mớ lá lốt hái ở bìa rừng, cứ vài ba lá gói một tai nấm rồi xiên vào một thanh tre, cho tất cả lên bếp than hồng với ngọn lửa liu riu, đảo cho hai mặt cháy đều và mùi thơm sực nức bốc lên là được. Khi mặt trời gác núi, thật thú vị biết bao cảnh gia đình quây quần trước sân bên mâm cơm và đĩa lá lốt cuốn nấm mối nướng. Gắp một miếng chấm vào muối ớt, đưa lên miệng nhai rồi để cho vị ngọt và mùi thơm đặc trưng của nấm mối hòa quyện với vị nhân nhẩn, thơm thơm của lá lốt lan tỏa, cảm thấy như bao nhiêu hương vị của đất trời, ruộng vườn thấm vào từng chân tơ, kẽ tóc.

 

 
Cầu kỳ hơn một chút, ra sau vườn nhà chọn một ít lá nghệ hay lá chuối sứ đem hơ lửa cho dẻo, cắt ra cỡ bàn tay xòe để gói. Trộn nấm mối với muối ớt cho vừa khẩu vị, dùng ba bốn lớp lá gói nấm lại thành từng gói chắc chắn rồi dùng lửa than hay rút một ít rơm khô đốt lên để nướng. Khi các lớp lá bên ngoài cháy sém là nấm cũng vừa chín. Dùng lá nghệ, lá chuối gói nấm mối nướng, tinh dầu của lá nghệ, lá chuối sẽ rút ngược vào làm cho nấm mối có một mùi thơm rất độc đáo, nhờ vậy vị của nấm đậm đà đến ngây ngất.

Nếu hôm nào gặp dịp đám kiến cánh bay lên, lũ cóc vàng đua nhau ra kiếm ăn, ta sẽ có một nồi cháo cóc nấu nấm mối tuyệt hảo. Nếu cần nấu cho người ốm hoặc em bé mà không gặp dịp thì cứ lật mấy hòn đá để cạnh vại nước góc sân lên sẽ có cả tá cóc. Bắt dăm bảy “ cậu ” cóc, làm thịt thật sạch, bỏ hết da, thân, đầu và toàn bộ nội tạng, chỉ lấy phần thịt hai đùi, bằm nhuyễn, ướp mắm muối, phi hành tỏi cho thơm, xào kỹ thịt cóc, đem nấu cháo thật nhừ rồi cho thịt cóc cùng nấm mối vào ta sẽ được nồi cháo thơm nức mũi, ngọt đến tê chân răng. Ăn cháo cóc nấu nấm mối lúc còn nóng rắc thêm một chút hành, tiêu đảm bảo “ một người khỏe, nhiều người vui ” !!! Không tin ? Cứ thử !

Mùa nấm mối luôn gợi cho ta những kỷ niệm thân thương, để rồi khi bất chợt được thưởng thức mùi vị nấm mối giữa chốn phố phường lại thấy lòng bồi hồi nhớ chốn quê xưa, nhớ nôn nao mùa nấm, thèm cả cái không khí lục cà lục cục nấu nấu nướng nướng các món ăn từ nấm ở quê nhà…
 
Đoạn kết
 
Mùa Hè năm nay có dịp về quê, tôi vào Hạ Trang định “ rẽ lối Thiên Thai ” tìm cảnh xưa, thăm chốn cũ nhưng than ôi “ Động Tiên đã khép ! ”. Hung Tắt hôm nay đã là một vùng đất nằm trong hàng rào nhà máy xi măng. Công trường đang xây dựng, mặt bằng đang san ủi… đành đứng từ khu tái định cư dõi mắt ngó vọng vào. Hung Tắt ở ngay trước mặt nhưng lại như xa xôi vạn dặm. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn khiến cái nhìn trở nên tư lự với đôi chút chạnh lòng…. Liệu rồi câu chuyện “ 100 con phượng hoàng và 99 ngọn núi ” sẽ phải viết như thế nào đây …. Vẩn vơ nhìn lên dãy núi chạy dài quanh xóm nhỏ Hạ Trang, mây vẫn vội vàng bay trên những chóp lèn nhấp nhô, trùng điệp, và, bất chợt nghe như từ thinh không vọng về một điệu hát du dương :

Mưa rồi, nấm mối mọc chưa ?
Canh ngon Mẹ nấu hương xưa còn nồng.
Ầu ơ ! Có chị theo chồng
Hồn quê, vị nấm trĩu lòng chị mang !…
 
T.P HỒ CHÍ MINH, Tháng 10-2012

Tác giả bài viết: Trần Đức Hường