Con gái Lệ Sơn, giỏi việc nước, đảm việc nhà

Bài viết về những nét đẹp người phụ nữ Lệ Sơn của tác giả Lương Thị Cảnh
Bài viết cùng tác giả đã đăng:
1. Xúc Cục, nghề mưu sinh của thôn Thượng Phủ
2. Nặng lòng với quê hương


Con gái Lệ Sơn: Gia đình và sự nghiệp

Tôi rất tâm đắc với 2 câu thơ của PGS.Tiến sĩ Nguyễn Tư Thế trong bài thơ: Tự hào thay Lệ Sơn ơi tại đây.
 
Đất Trai tài, Gái đảm
Học giỏi và hay làm

Ai đã từng sinh ra và lớn lên trên quê hương Lệ Sơn chắc chắn đã chứng kiến đươc TRAI TÀI và GÁI ĐẢM của làng Lệ Sơn. Bài viết này tôi không bàn đến TRAI TÀI mà đi tìm GÁI ĐẢM để chia sẽ niềm vui và lòng tự hào với chị em qua các thế hệ từ trước đến nay để xem con gái Lệ Sơn đã xứng danh với tên tuổi của dịa danh đứng đầu "Bát danh hương” chưa ?

Làng Lệ Sơn trước đây được chia thành 4 thôn; Lê Lợi, Đồng Tiến (xóm Bàu), Thống Nhất, Xuân Sơn. Mỗi thôn có những sinh hoạt mang nét văn hóa đặc thù riêng, nhưng cái chung nhất của 4 thôn đó là các cô gái đều xinh đẹp, học giỏi và chăm làm.

 

Tác giả Lương Thị Cảnh và phu quân của TS. Lê Thị Thanh Hòa

Ở thôn Lê Lợi tính từ các chị bắt đầu sinh năm 1950 cho đến năm nay có trên 20 chị tốt nghiệp Đại Học hệ chính quy, trong đó có 1 tiến sĩ ngành sử học là chị Lê Thị Thanh Hòa và 1 Thạc sĩ ngành Lí luận chính trị Lương Thị Cảnh, Thạc sỹ, chuẩn bị Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Lương Thị Lan Huệ vv...

Có những chị trưởng thành từ thời chiến tranh chống Mỹ như chị Nguyễn Thị Bích Hồng, chị “gác bút nghiên” lên đường theo tiếng gọi của Đảng làm xong nghĩa vụ quân đội chị thi vào ĐHSP Vinh. Sau khi tốt nghiệp chị về giảng dạy chính trị ở tỉnh Quảng Bình. Chị được kết nạp Đảng trong quân đội. Hiện nay chị là mẹ của cô gái Nguyễn Ngọc Ngân Hà học giỏi ở trường ĐHKT Huế.

 

TS.Lê Thị Thanh Hòa và BS.Nguyễn Tư Thế

Bản thân tôi, sinh ra và lớn lên trên quê hương Lệ Sơn nên truyền thống hiếu học dã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn để có được những thành đạt như hôm nay. Hiện tại tôi có 2 bằng đại học, một bằng thạc sĩ. Nhưng điều hạnh phúc nhất đối với tôi là có một gia đình trí thức nhỏ với 4 thành viên là CBGD Đại học của Đại học Huế.

Một số chị em khác, dù ở môi trường nào họ đều phát huy truyền thống tốt đẹp của Lệ Sơn để làm tốt chức năng của người mẹ, người vợ và người công dân tốt cho xã hội. Đó là chị Cao thị Bình, dạy ở ĐHSP Đà nẵng, chi Nguyễn Thị Hòa dạy ở Vũng tàu, chị Nguyễn Thị Bình dạy ở CĐSP Đông Hà, vv... Các chị đều là những giáo viên dạy giỏi, là những phụ nữ “Đảm việc nhà, giỏi việc nước”.

 

Th.sỹ Lương Thị Lan Huệ (bên phải) và cô giáo Lương Thị Hân
 
Tất nhiên , khi nói đến con gái Lệ Sơn không chỉ có học giỏi, chăm làm mà họ còn nổi tiếng là con gái xinh đẹp. Ở đây, tôi không phải tự khen cho giới mình ở quê mình mà danh hiệu đó được con người của các tỉnh khác nhận xét. Có một ông giáo người Huế nhận xét như thế này: nói đến con gái xã Văn Hóa thì chỉ gói gọn trong 4 chữ: Da trắng, Tóc dài. Đây là nhận xét của 1 con người gần tuổi 70 mà có 1 thời họ đã có dịp ra công tác ở Tuyên hóa. Nét đẹp của con gái Lệ Sơn là nét đẹp của cô con gái thôn nữ sau lũy tre làng. Tôi hy vọng rằng, các em, các cháu sau này tiếp tục phát huy truyền thống của các cô, các chị đi trước để làm rạng danh cho làng Lệ Sơn.
 
PS.
- Bài viết này chắc chắn còn nhiều thiếu sót do chưa có thông tin đầy đủ, mong các bạn đọc bổ sung, góp ý. Xin cảm ơn!
- Mọi thông tin xin gửi vê lươngthicanh@yahoo.com

Tác giả bài viết: Lương Thị Cảnh