1
  • image
  • image
  • image
  • image
18:58 EDT Thứ ba, 23/04/2024

Nhớ về một người Thầy

Đăng lúc: Thứ hai - 28/08/2017 00:52 - Người đăng bài viết: bientap02
Bài viết của nhà báo Lê Khánh Hòa, Giám đốc Đài PT-TH Quảng Bình về một người con ưu tú của làng Lệ Sơn, PGS.TS Lương Ngọc Bính
Vào những năm giữa đầu thập niên tám mươi của thế kỷ 20, thế hệ học sinh cấp III Tuyên Hoá chúng tôi vẫn thường được nghe thầy hiệu trưởng Đinh Ngọc Thương nhắc đến tên ông trong những giờ chào cờ đầu tuần. Dẫu chưa được gặp nhưng những gì có được trong thành tích học tập của ông và nhiều bậc anh chị khác một thời đèn sách dưới mái trường giản dị, đơn sơ, từng dịch chuyển, sơ tán nhiều nơi trên mảnh đất huyện Tuyên ngày chiến tranh chống Mỹ làm chúng tôi ngưỡng mộ đến tò mò, khát khao được gặp, được học hỏi, được xúc cảm, được tự hào.

Vậy là từ đó, trong hành trang đi tìm tri thức của mình, thế hệ học sinh chúng tôi có cả sắn, ngô, khoai, có lều tạm tranh tre vách đất tự tạo và có thêm nguồn động lực mới về tinh thần từ những tấm gương vượt khó, học giỏi của nhiều thế hệ anh chị học sinh cấp III Tuyên Hoá, trong đó có ông.

Cứ vậy, trang lứa chúng tôi trưởng thành lên qua từng kỳ học, năm học, qua từng chặng đường không ít gian truân nhưng tràn đầy nghị lực. Dẫu cơ thể cứ còi đi, gầy quắt vì thiếu đói, nhưng tri thức, con chữ cứ ngày một đầy thêm. Dẫu nỗi nhớ nhà luôn bị trộn lẫn trong cồn cào của cơn đói làm cho tâm trạng luôn xốn xang, da diết, nhưng bù lại, tâm hồn tuổi trẻ chúng tôi vẫn trong trẻo, khát khao, vẫn bay bổng, thôi thúc nghiệp học hành.

Và rồi, cũng như nhiều bạn bè thuở ấy, mọi nỗ lực học tập được đền đáp, tôi vào đại học. Ngày mang ba lô đến trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế), tôi gặp ông. 23 tuổi, dáng thư sinh, chân chất trai quê Tuyên Hoá. Với tôi, gặp được thần tượng đã là duyên may, nhưng còn may mắn hơn khi lớp Văn K2, địa chỉ nơi mình theo học được Ban Chủ nhiệm Khoa Văn - Sử phân công ông làm giảng viên chủ nhiệm. Ngoài tình đồng hương chung nguồn nước sông Gianh, nghĩa thầy trò giữa tôi và ông, từ ấy cũng lớn dần theo năm tháng. Ông là Phó Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Lương Ngọc Bính, nguyên UV TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình. Tuổi Ất Mùi (1955), sinh ngày 07 tháng 5.


 

 

Vùng quê nơi ông sinh ra lớn lên là một trong những ngôi làng cổ đứng đầu trong “Bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình xưa. Đó là làng Lệ Sơn - xã Văn Hoá - huyện Tuyên Hoá, nơi có núi Thần Vì 99 chóp, vượt qua thời gian, mãi lắng sâu huyền tích 100 con chim Phượng hoàng bay về tìm chỗ đậu. Làng quê ông từng được mệnh danh là làng học, làng thầy, nổi tiếng khoa bảng với nhiều giáo sư đầu ngành của đất nước như: Giáo sư Lương Duy Trung, Giáo sư Lương Duy Thứ,  Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Điểu, Giáo sư Tiến sĩ Trần Xuân Lài.... Được gọi là làng Thầy, bởi ở xã Văn Hoá có nhiều dòng họ, thậm chí nhiều gia đình mà theo cách nói cửa miệng của người dân trong vùng hay khách thập phương là có thể thành lập được một hội đồng giáo dục. Có thể lấy gia đình ông làm ví dụ điển hình. Bố của ông, cố nhà giáo Lương Ngọc Đệ với trên 40 năm giảng dạy và quản lý giáo dục, là một trong những nhà giáo mẫu mực, suốt cuộc đời gắn bó với nghề. Mẹ ông là cụ bà Nguyễn Thị Ả - một người chịu thương, chịu khó, hết mực yêu thương chồng, con và giàu lòng nhân ái, bao dung với bà con, họ hàng, lối xóm. Chỉ là một phụ nữ thôn quê nhưng cụ bà có những khả năng tư duy logic, sắc sảo và chính bà là bệ phóng, là điểm tựa tinh thần cho chồng, cho con trên những bước đường công danh, sự nghiệp. Trong 4 chị em gái của gia đình ông thì đã có 3 cô làm nghề giáo dục. Người em rể nguyên là bạn thân thuở chăn trâu cắt cỏ của ông cũng là một giáo viên Phổ thông Trung học.

Tuổi thơ của Thầy tôi - Lương Ngọc Bính cũng như bao đứa trẻ vùng quê này, gắn bó với bờ tre, mái rạ, lao động nhọc nhằn, lam lũ quanh năm, gắn bó với con sông Gianh biêng biếc xanh mùa hạ, ngầu đục, dữ dằn mùa bão lũ.

Từ năm 1962, cắp sách đến trường làng cấp I, II, rồi cùng bao bạn bè trang lứa cơm đùm gạo bới, chen đò qua sông, lên trường huyện học cấp III những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt 1969 - 1972. Trong bối cảnh xa nhà, ở trọ, thiếu đói, cơm độn sắn khoai, đèn dầu, lớp học nửa nổi, nửa chìm trong lòng đất ở Tiến Hóa, Thạch Hóa nhưng Lương Ngọc Bính luôn là học sinh tiến tiến xuất sắc. Trong những năm tháng học phổ thông, ông đã vinh dự hai lần tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Văn toàn miền Bắc. Tên ông và nhiều tên tuổi anh chị khác như chị Hoàng Thị Ngọc Cầm, anh Đặng Đình Đào... một thời vì thế đã trở thành tấm gương soi và là niềm tự hào cho nhiều thế hệ học sinh cấp III Tuyên Hoá.

Tốt nghiệp cấp III, từ năm 1972 đến năm 1976, ông là sinh viên khoá 17 khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. 4 năm dùi mài đèn sách, tiếp thu nguồn kiến thức đồ sộ của văn học trong nước và thế giới, đặc biệt với việc được trang bị một phương pháp luận khoa học ở một trường đại học quốc gia hàng đầu, ông tốt nghiệp loại giỏi và được tổ chức phân công làm cán bộ giảng dạy khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Huế. 21 tuổi, trở thành giảng viên đại học, dáng thư sinh, công tử nhưng hoạt bát, chân chất và lãng mạn. Sự dung dị, chân chất toát lên trong dáng hình của ông phản ánh nét đẹp thuần khiết, mộc mạc của trai quê Tuyên Hoá.
Sống ven bờ sông Gianh, uống nước nguồn Gianh, người huyện Tuyên xưa nay vẫn thế, tuy cuộc sống còn nghèo về vật chất nhưng rất chân thành, mộc mạc trong tình cảm, trong lối sống giao tiếp ứng xử. Là giáo viên chủ nhiệm, ông luôn quan tâm, chăm lo cho các hoạt động của lớp, theo dõi, động viên mọi sự phấn đấu, trưởng thành của từng sinh viên; yêu thương, chia sẻ với học trò tất cả những khó khăn, thiếu thốn. Còn nhớ sự kiện 36 sinh viên say sắn Bình Điền trong một đêm của năm 1979 (năm xẩy ra sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc), nửa đêm, ông đạp xe tìm gặp ban cán sự lớp, gõ cửa từng phòng ký túc xá thăm hỏi, động viên từng sinh viên. Từng cử chỉ, từng động thái ấy trong cuộc sống thường ngày, trong sinh hoạt, giảng dạy tạo nên hình ảnh ông luôn đẹp và gần gũi với các thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp Huế. Nhưng có lẽ dấu ấn về ông đọng lại sâu đậm nhất với nhiều khoá sinh viên tại trường Đại học Tổng hợp Huế là các hoạt động trong nghiên cứu khoa học và năng lực sư phạm trong giảng dạy của ông mỗi lần lên bục giảng. Đó là phong cách mô phạm, tính logic trong tư duy và với một trí nhớ có thể nói là khá siêu phàm. Dưới góc độ khoa học, trí nhớ là biểu hiện của tố chất thông minh, là cơ sở quan trọng cho những người hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như các nhà diễn thuyết, nhà sư phạm. Chính tố chất quan trọng này cộng với sự biến tiệp trong diễn đạt mà sức hút của ông trong giờ giảng ngày càng tăng đối với nhiều thế hệ sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế.

Được phân công giảng dạy bộ môn lý luận văn học, ông có thể đứng trên bục giảng hàng tiếng đồng hồ mà không nhìn giáo án, giáo trình. Hai tập sách Lý luận văn học dày trên 600 trang với những nội dung được ông truyền đạt, trích dẫn trang, dòng rõ ràng, thuộc làu như đang đọc sách. Tôi còn nhớ năm 1983, khi thi đậu nghiên cứu sinh, để đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ tiếng Đức, mỗi ngày, ông tự đặt cho mình một chỉ tiêu phải thuộc 120 từ mới. Và ông đã làm được bằng sự miệt mài, tận dụng mọi thời gian, học ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi điều kiện mà ở đó có năng lực tạo nên sự thành công là trí nhớ. Chính khả năng đặc biệt này đôi lúc khiến ta cảm nhận ngoài các tố chất khoa học thể hiện bằng phương pháp luận trong tư duy, trong nghiên cứu, mà còn bộc lộ cả nét hào hoa, tài tử của một văn nhân trong con người ông. Và cũng chính yếu tố này góp phần làm cho hàm lượng tri thức của ông được bồi đắp dần theo năm tháng như phù sa dòng Gianh đã bồi tụ cho quê hương Lệ Sơn của ông. Điều đó khiến ta luôn cảm nhận trong ông một phong thái ung dung, tự tại nhưng chất chứa nguồn năng lượng dồi dào.
Những năm 1984 - 1989, quãng thời gian nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Các Mác - Leipzig - Cộng hoà dân chủ Đức, với nỗ lực học tập, nghiên cứu, ông bảo vệ xuất sắc luận án Phó Tiến sỹ chuyên ngành Ngữ văn học so sánh và được Đảng uỷ ngoài nước kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam nhờ ý thức rèn luyện, phấn đấu theo lý tưởng của Đảng.

Trở về nước, ông tiếp tục công tác tại trường Đại học Tổng hợp Huế. Với những cống hiến to lớn cho công tác giáo dục, đào tạo và những thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, năm 1995, ông được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Huế. Liền năm sau đó (1996), ông được Hội đồng học hàm nhà nước phong hàm Phó Giáo sư. 41 tuổi, ông là một trong những Phó Giáo sư trẻ nhất nước ta trong lĩnh vực khoa học Ngữ văn thời bấy giờ.

Con đường khoa học đang trên đà rộng mở cho cái tuổi đang vào độ chín, đầu năm 1996, ông được tỉnh Quảng Bình mời về quê công tác với chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo. Một bước ngoặt mới trong cuộc đời làm cách mạng và khoa học của ông bắt đầu.

Được thừa hưởng dòng máu sư phạm của người cha truyền lại, với tấm lòng yêu quê hương, thương yêu học trò, trong bối cảnh tỉnh nhà mới được chia tách còn lắm khó khăn mọi bề, trong đó có ngành Giáo dục - Đào tạo, ông đã cũng với tập thể lãnh đạo ngành Giáo dục đoàn kết, chung lưng đấu cật vượt qua thử thách, tạo ra bước đột phá trong đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư chất lượng giáo dục ở cả hai phía dạy và học, chú trọng cả chất lượng mũi nhọn lẫn chất lượng đại trà.

Nguyên là một học sinh cấp III Tuyên Hoá với ba năm cuốc bộ trên chặng đường gần 80 km để đến trường, tôi mừng đến trào nước mắt khi ngành Giáo dục - Đào tạo quyết định mở thêm trường cấp II - III cho các xã vùng cao, trong đó có trường cấp II - III Bắc Sơn - quê tôi.

Vậy là, cảnh cuốc bộ về trường huyện xa xôi chấm dứt, cảnh dắt xe đạp 23 cây số trên đường ray tàu hoả đến trường chỉ còn là ký ức. Con em các xã Thanh - Hương - Lâm, miền rẻo cao Tuyên Hoá đã có một ngôi trường gần để học tập, luyện rèn, để tiếp thu tri thức. Đối với người dân vùng cao Tuyên, Minh Hoá, hành trình đi tìm con chữ của con em từ đây đã rộng mở, tràn đầy niềm vui, niềm hạnh phúc.

Với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lương Ngọc Bính, qua bốn năm công tác tại Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình, ông đã cùng tập thể sư phạm đưa ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh nhà phát triển, được Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng danh hiệu “Đơn vị dẫn đầu toàn quốc về sự nghiệp phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo”.

Từ những thành tích đạt được trong quá trình lãnh đạo phát triển ngành Giáo dục - Đào tạo, con đường của sự nghiệp chính trị của ông dần rộng mở. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XIII (2001 - 2005), ông được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ với nhiệm vụ được phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Sau gần hai năm giữ cương vị này, trước yêu cầu của công tác cán bộ, ông được luân chuyển về làm Bí thư Thị uỷ Đồng Hới.

Đã từng là trọng điểm ác liệt trong chiến tranh phá hoạt của đế quốc Mỹ, Đồng Hới sau hơn một thập niên là trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Bình ngày tách tỉnh, dẫu đã có sự hồi sinh, song vẫn còn đó sự bộn bề của một đại công trường dang dở, vẫn còn loang lổ vết tích của đạn bom. Trong bối cảnh ấy, được sự chỉ đạo của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tranh thủ sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, ông đã tập trung xây dựng khối đại đoàn kết nhất trí trong Thường vụ Thị uỷ, xây dựng lòng yêu quê hương của toàn Đảng bộ và người dân Đồng Hới. Và bằng các giải pháp mang tính đột phá được thể hiện qua các Nghị quyết của Thị uỷ, của Hội đồng nhân dân Thị xã, Đồng Hới được chỉnh trang, phát triển và hoàn thiện, trở thành một thành phố trực thuộc tỉnh. Dáng vóc, hình hài của một thành phố trẻ đã làm nên diện mạo mới, tạo thêm động lực cho Quảng Bình phát triển. Ông trở thành Bí thư Thành uỷ đầu tiên của Đảng bộ thành phố.

Nhưng có thể nói, khoảng thời gian để sự nghiệp của ông toả sáng đạt đến đỉnh cao của tài năng lãnh đạo chính trị là từ hơn 10 năm (2004 đến 2015), với các cương vị quan trọng như: Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ và cao nhất là chức vụ Uỷ viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình (hai khoá).

Nắm giữ hai cương vị quan trọng nhất trong Đảng bộ và chính quyền tỉnh, ông đã cùng với tập thể lãnh đạo tỉnh thực hiện đổi mới toàn diện hoạt động của HĐND tỉnh, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết mang tầm chiến lược, các quyết sách quan trọng cho quá trình lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, đưa nền kinh tế - xã hội Quảng Bình phát triển.

Ở thời kỳ này, Quảng Bình đi vào thế ổn định, phát triển. Không khí chính trị thực sự rộn ràng, sôi động, cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng tạo nên sự đồng thuận và khí thế thi đua lao động, sản xuất, cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ cho tỉnh nhà. Bởi vậy, trong bối cảnh chung của sự suy thoái về kinh tế toàn cầu, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của Quảng Bình đều đạt và vượt kế hoạch, đà tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Nhiều chương trình, dự án được khơi thông, mở hướng đầu tư. Nhiều công trình mới từng ngày vươn tới tầm cao xây dựng. Bức tranh toàn cảnh quê hương Quảng Bình ngày thêm gam màu sáng. Diện mạo nông thôn, miền núi đến thị thành thêm khởi sắc. Đời sống nhân dân ngày một nâng cao.

Tuy nhiên, con đường phát triển đi lên trong sự nghiệp chính trị của ông cũng không hoàn toàn bằng phẳng, có khi còn không ít chông gai, đầy thử thách. Có lần ông tâm sự, ở đời, trong quá trình làm việc, không thể tránh khỏi va chạm, mâu thuẫn, không phải không có người toan tính không tốt với mình, nhưng quan điểm của ông là “chín bỏ làm mười”, “lấy ân thay oán”, với phương châm bao trùm là phải tạo nên một sự đoàn kết bền vững và chỉ có sự đoàn kết bền vững mới hầu mong đưa tỉnh nhà phát triển.

Điều ông nghĩ, ông nói luôn gắn với cách cư xử, kết quả của hành động. Thực tiễn cho thấy, trong suốt thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, các lứa cán bộ kế cận, cán bộ nguồn quy hoạch các cấp và bất cứ ai sống gần ông đều có cơ hội để phấn đấu, công hiến và trưởng thành.

Với ông, bên cạnh tầm trí tuệ uyên thâm, kiến thức uyên bác của một nhà khoa học, sự nhạy cảm chính trị và phong thái lịch lãm của một chính khách, có thể nói, tính nhân văn là phẩm chất bao trùm con người ông. Ông sống với mọi người bằng tình cảm chân thành, vị tha, bao dung. Và chính điều này mà ông có sự cảm hoá lớn, uy tín cao trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Là một trí thức, một nhà chính trị có nhiều kinh nghiệm, từng trải và cũng đã gặt hái nhiều thành công lớn trên bước đường cống hiến cho sự nghiệp khoa học và chính trị, nhưng có lúc ông cũng khiêm tốn bộc bạch niềm suy nghĩ hết sức chân thành rằng ““Nhân vô thập toàn”, mình vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nhiều ấp ủ dang dở, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn tỉnh nhà”.

Vâng, với những ai giàu khát vọng thì con đường phía trước là rất dài, là bất tận. Một khát vọng đẹp không chỉ là hành trang cho một người - Quy luật tất yếu của sự phát triển là cơ sở cho khát vọng đẹp, kết nối vươn dài, toả sáng thành hiện thực phía tương lai. Cuộc đời là hữu hạn - không mấy ai đi hết khát vọng của mình. Xin chia sẻ cùng ông!. Hiện thực của những gì ông đã làm cho quê hương Quảng Bình hẳn đã quá lớn lao và rất đáng trân trọng, tự hào.

Với những công hiến to lớn ấy, Ông được Đảng, Nhà nước trao nhiều phần thưởng, nhiều danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú (năm 1996); Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2005); Huân chương Lao động Hạng Ba (năm...); Huân chương Lao động Hạng Nhì (năm.....); Huân chương Độc lập Hạng Nhì (năm 2016) và nhiều huân, huy chương khác.
         
                                                     Quảng Bình, tháng 8 năm 2017
                                                                                                                       
                                                             Nhà báo Lê Khánh Hòa
                                                    Giám đốc Đài PT-TH Quảng Bình
Tác giả bài viết: Nhà báo Lê Khánh Hòa
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 1203
  • Tháng hiện tại: 35338
  • Tổng lượt truy cập: 8044372

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net