Đặc sản sông nước Làng Lệ Sơn

Giới thiệu những đặc sản sông nước Làng Lệ Sơn của tác giả Trần Đức Hường
 
Những bài viết của cùng tác giả đã đăng:
1. Cồn Vang, một trời hoài niệm
2. Lệ Sơn, tên Làng: Chữ và Nghĩa
3. Mẹ ơi
4. Chợ Vang khảo luận
Ba đồng một khía cá buôi 
Cũng mua cho được để nuôi Mẹ già

Làng Lệ Sơn là một dải đất có phong thủy đẹp: Lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra sông. Sông thì ”ngọa như long phi”. Núi thì ”quỳ như hổ phục”. Thật hùng ! Thật thiêng ! Thật thơ mộng !

Sông Gianh đoạn chảy qua làng cũng mang một nét rất riêng. Đó là điểm giao hòa giữa hai nguồn nước: Mặn từ biển và ngọt từ nguồn. Sự giao thoa tạo ra một vùng nước đặc hữu với những loài thủy sản nước lợ đặc trưng, hiếm có ở những khúc sông khác chỉ một bề con nước.
Xin liệt kê ra đây những đặc sản mà sông Gianh đã mang đến cho người Lệ Sơn  như một lời tri ân dòng sông và cũng để được ngược dòng thời gian trở về sống với một thời đầu xanh, tuổi trẻ.

CÁ NƯỚC LỢ
Cá buôi


 

Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước nên ruột rất sạch . Cá buôi sống thành từng cặp . Cá buôi không ăn mồi nên người ta chỉ có thể đánh bắt , chứ không câu được . Cá buôi có thịt rất ngon nên nó rất được ưa chuộng . Trước đây chợ Vang bán nhiều . Chỉ tiếc hiện nay ít gặp .

Cá loi

 

Cá loi từa tựa cá buôi nhưng thân to , tròn hơn , vảy trắng , toàn thân trắng , ruột cũng rất sạch . Thịt thơm , ngon , rất béo . Trước đây chợ Vang bán nhiều. Nay cũng ít gặp.

Cá  trẻnh

Cá trẻnh trông giống như cá chép nhưng màu nhạt hơn, lớn hơn. Nhiều con nặng đến hơn 5 kg. Cá trẻnh kho, chiên, nướng, hấp đều ngon, nhưng nấu cháo thì ngon tuyệt. Trước đây chợ Vang bán nhiều. Nay cũng ít gặp.

Cá vược

Cá có thân dài, dẹt, cuống đuôi khuyết sâu, đầu nhọn. Cá vược rất bổ dưỡng, thịt ngọt và và vị thơm đặc trưng, thích hợp để hấp, kho, chiên, nướng hoặc nấu canh. Trước đây cá vược chỉ có trong tự nhiên , nay cá vược cũng có thể nuôi trong lồng, bè, hồ và có thể  đạt đến 3-5kg/con. Trước đây chợ Vang bán nhiều. Giờ cũng ít gặp.

Cá hanh


Cá hanh trông rất đẹp. Cá được coi là có hương vị thơm ngon, phù hợp với chế biến các món ăn. Món cá hanh hấp nấm mèo và bún tàu tươm mỡ, món cá hanh ướp nghệ kho rim, món cá hanh chiên vàng thơm lựng chỉ mới nghe thôi đã thấy thèm. Cá hanh thường được câu và rất khó câu. Trước đây chợ Vang bán nhiều. Nay cũng ít gặp

Cá móm
 

Cá móm thân dẹt và hơi bầu, vảy bạc ngời lên một màu lấp lánh, thịt rất ngon. Do miệng nó quá nhỏ, hai mép lại hơi vêu ra nên người ta đặt tên như thế. Cá móm chiên,  hấp, kho nghệ, nướng … đã được ghi vào sổ tay ẩm thực của nhiều người. Cá móm sống thành đàn, len lỏi kiếm ăn quanh những bãi cạn triền sông. Trước đây chợ Vang bán nhiều. Nay cũng ít gặp.

NHUYỄN THỂ HAI MẢNH
Chắt chắt

Là nhuyễn thể hai mảnh, bé bằng đầu đũa. Ruột của nó xào lên ăn với bánh đa rất ngon, nhiều người ưa chuộng. Nếu có quy hoạch, có thể nuôi ở quy mô lớn được

Rop róp

 

Là nhuyễn thể hai mảnh, dài bằng đốt ngón tay, màu vàng, sống ở bãi cát nhưng ở tầng sâu hơn chắt chắt. Ruột của nó nấu canh khoai lang rất ngọt. Là món ăn bình dân nhưng cũng rất thú vị. Khi xào, hương vị của nó có khi còn hơn chắt chắt, ăn với bánh đa cũng rất tuyệt, tuy nhiên số lượng ít hơn chắt chắt do khai thác khó hơn.

Những năm gần đây, do bãi cát trước bến chợ ( khu vực Rú Vắp nhìn sang ) xuống đến lèn Rồng bị xói lở nên không còn thấy loài này bán ở chợ Vang. Hỏi mọi người thì họ đều trả lời rằng loài này không thấy nữa. Đáng tiếc ! Thật đáng tiếc !

THAY LỜI KẾT:

Trong nền kinh tế thị trường, độc quyền tạo ra lợi thế. Ai có lợi thế sẽ dễ dàng nắm phần thắng. Trong tự nhiên, đặc hữu cũng là một thứ độc quyền. Nếu có cách nhìn đúng để tận dụng lợi thế đó sẽ cho phép người ta tạo ra những việc làm, những sản phẩm có giá trị nhằm tăng thu nhập và nâng cao đời sống.

Với tư cách là người tiêu dùng, tôi ( và có lẽ nhiều người nữa ) sẵn sàng chấp nhận chi tiêu để có thể nhận được những sản phẩm mang hương vị rất riêng của sông nước Lệ Sơn. Ngược lại, để nó ngày một mất dần thì…. Đáng tiếc ! Thật đáng tiếc !


TP. HCM, tháng 10/2012

Tác giả bài viết: Trần Đức Hường