Viết nhân ngày kỵ mệ nội

Bài viết về những ký ức xa xăm của nhà báo Lương Thị Bích Ngọc
 Bài viết cùng tác giả đã đăng:
1.Dạ thưa ! Cháu nghèo nhưng không ăn cắp đâu ạ

2. Vui vì gặp lại Làng Lệ Sơn xưa ở Bình Phước
3. Nói với con ngày 8/3


Viết nhân ngày kỵ mệ nội

12 tháng tư âm (25.5) này là kỵ mệ nội. Đã hẹn với lòng mình là sẽ về. Đã từng ao ước từ năm ngoái: Không phải đi ô tô hoặc máy bay mà là tàu (hai chặng tàu thống nhất và tàu chợ) để có thể chạy bộ từ ga, qua đưởng Lả Lả, qua ngõ giếng chùa, chạy ào về mảnh vườn xưa, nơi có bàn thờ ông mệ nội, mẹ và em Ngân...Vẫn nhớ nghẹn lòng cảm giác năm nào, cô bé học trò chuyên văn lần đầu tiên từ Huế về Lệ Sơn, chạy chân trần qua những ngả đường làng sau lụt, vừa đến ngõ đã gọi: Mệ ơi!”. Mệ tôi áo cánh xanh, quần láng, dáng cao gầy thong thả đi ra: “Tổ cha mi!”, rồi luộc cho tôi hai quả trứng gà.
 
Cái Tết đầu tiên ấy cả nhà, gồm hai ông mệ và 4 đứa cháu hình như sau Tết còn hai cái bánh Tét và một cái bánh chưng, 5 trái cam sành, mệ dúi cho tôi đem vô Huế một cái bánh, hai trái cam. Mệ ơi, mỗi lần kỵ mệ cháu lại khóc, khóc nhiều lắm. Giá như mệ mệ cố sống thêm chục năm nữa  tháng lương đầu tiên, cháu có thể mua cho mệ áo đẹp, chả, bánh ngon... 29 năm rồi, năm nào gần kỵ mệ, gần Tết, cháu cũng nằm mơ thấy mình đem quà về nhà, giở ra khoe bao nhiêu thứ mua tặng ông mệ. Trong mơ, cháu nhìn thấy mệ cười, nước mắt ứa ra.
 
Cháu vẫn còn nhớ hồi trước cứ mỗi lần đi bán cam, bán mít, bán trầu cho mệ lại thỏa thuận: “Mệ ơi, khi mô có nhiều tiền, mệ cho cháu ăn ngô luộc thỏa thích. Nhiều tiền nữa, cho cháu ăn một mình một con gà luộc”. Mệ đã cho tôi 5 hào mua ngô luộc “ăn thỏa thích”, còn gà thì mệ nói: “có cái chi ngon thì cả 4 chị em cùng ăn chơ răng lại đòi ăn một mình. Rứa là không được”.

5 hào bạc đó, tôi để giành mua cái gì đó chứ cũng không ăn ngô luộc. Chỉ thấy vui vì được mệ chiều.

Mệ ạ, hôm kia, cháu kêu được một mạnh thường quân về trao thưởng cho học sinh giỏi của tỉnh. Cháu không dám gặp đứa học trò nào vì sợ nhìn thấy ký ức của mình, sợ lại khóc không đúng chỗ.  Mệ còn nhớ, lần đầu tiên cháu đi thi học sinh giỏi, mệ cho 1 đồng, hai bơ gạo độn ít và nhờ o Trúc dắt lên ca nô... Mệ cười vui: “Rứa cả trường đui què, mẻ sứt cả rồi  hay răng mà mi được đi thi”. Lúc đó cháu 10 tuổi, học lớp 4. Hồi đó chưa có phong trào khuyến học (nghèo lắm, ai cũng lo cho bữa ai của mình, ai lo chuyện bao đồng chứ) nên bọn cháu dù nghèo, dù học giỏi cũng chỉ được mấy thầy cô động viên, thăm hỏi thôi. Nhưng mãi mãi cháu biết ơn những lời động viên của thầy hiệu trưởng Lương Ngọc Đệ. Mệ à, nếu có thể làm cái gì đó nhỏ nhoi thôi cho đứa học trò nào nghèo như cháu ngày xưa thì cháu sẽ làm.
 
Mê ơi, người ta nói thời gian sẽ phủ mờ đi nhiều thứ, kể cả nỗi nhớ người thân đã đi về thế giới bên kia. Thế mà 29 năm rồi, nỗi nhớ thương, day dứt, tiếc nuối của cháu với mệ vẫn y nguyên và cả ân hận nữa. Cháu vẫn nhớ dáng mẹ cao gầy, yếu ớt, bê cái chậu quần áo lần từng bậc thang đất xuống bến hói để giặt những ngày đông. Chân mệ gầy nổi gân xanh, nước lạnh ngắt. Đàn cháu nhỏ chạy theo hồn nhiên vui cười... Mệ bị tim, phổi mãn tính, mỗi lần bê nặng mệ cứ thở dốc. Người ta vui vì con cái thành đạt, đi làm xa nhưng tuổi già mà chỉ ở cùng mấy đứa cháu mồ côi như ông mệ thì niềm vui đó quả là không trọn vẹn. Cháu cứ nghĩ, tại sao hồi đó mình không bê đỡ mệ, không làm việc nhiều hơn, bớt cãi nhau đi để ông mệ đỡ khổ.
 
Có phải gánh nặng nuôi, dạy các cháu đã khiến ông mệ già yếu đi nhanh hơn, ra đi sớm hơn?
 
Và có vẻ như, lớn, già thêm một tuổi, cháu càng nhớ thương mệ nhiều hơn. Ba cháu, các o ngày một già, yếu đi - về quê kỵ, chạp cũng ngày một khó hơn. Rồi nói dại, ngày xa, thế hệ đó rời trần gian, hương khói cho mệ cũng ngày một nhạt đi...
 
Mệ à, đời người ta thì muốn vô cùng. Đi bộ thì mơ xe đạp. Rồi xe máy, rồi ô tô, nhà cửa. Người Lệ Sơn mình ra HN, vô Sài gòn kiếm được cái nhà ở là vô cùng khó khăn. Cháu của mệ làm báo, lo được cái nhà HN cũng nợ nần truyền kiếp. Mệ có biết cháu ước gì không? Chỉ làm 5 nữa mà đủ tiền trả hết nợ đời. Rồi về quê. Vẫn đủ tiền làm được mái nhà trên mảnh vườn xưa cũ của mẹ cháu, của ông mệ nội. Ngày ngày vun gốc chuối, bắt sâu cho cam, đi chợ mua chắt chắt về luộc, đãi...Mà không phải âu lo gì.  Bốn mùa trồng cây đủ hoa quả thắp hương lên ban thờ ông mệ và mẹ...Chỉ cần thế, sống thêm 5 năm rồi ra đi cũng là thỏa nguyện.
 
 Ước mơ đó không lớn nhưng không dễ thực hiện.
 
Năm ngoái, cháu cũng về quê kỵ mệ. Không biết có  phải vì mệ nhắc không mà từ Ba Đồn lên cháu khóc suốt. Khóc nhiều lắm. Có cảm giác đang úp mặt vào ngực mệ mà khóc khi bị ai đó mắng oan, đánh oan. Năm ngoái, cháu từng nói rằng năm nay sẽ đi tàu về ky...Mà rồi lại không thực hiện được vì công việc. Cháu không đủ thời gian và sự thanh thản để về. Thú thực, cháu chỉ muốn về kỵ mệ khi lòng mình đã dọn sạch lo toan. Để đêm trước ngày kỵ, cắm hoa huệ lên bàn thờ mệ và nằm yên lặng trong đêm trong không gian hương trầm tỏa và ngẫm, nhớ chuyện xưa. Cháu cứ tưởng tượng, trong khoảng khắc đó, mệ như đang ở bên.
 
Cho cháu hẹn lại mệ nhé. Dù ở đâu, lòng cháu luôn có mệ, như một người Mẹ của cuộc đời đứa cháu mồ côi!

Tác giả bài viết: Lương Thị Bích Ngọc