Tản mạn về Thôn Phúc Tự làng Lệ Sơn, một mảnh đất nhân văn

Bài viết đặc sắc của tác giả Lương Duy Thắng về vùng đất và con người xóm Phúc Tự, làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình
Bài viết cùng tác giả đã đăng:
1. Làng vườn Lệ Sơn
2. Hoa khôi lầm lạc hay lời sám hối muộn màng
3. Một lần đi đốt than củi lèn ở Hung Tắt
4.Ký ức về chùa Phúc Tự


TẢN MẠN VỀ THÔN PHÚC TỰ - MẢNH ĐẤT NHÂN VĂN

Có lần, cũng đã khá lâu lắm rồi, tôi còn nhớ thầy giáo Lê Ngọc Mân – thuộc diện “Nhà văn hóa làng“ nói với tôi rằng: “Chú Thắng ạ ! Cái câu của cụ Nguyễn Du: “Văn chương nếp đất, thông minh tính trời ...” rất chi là đúng với cái thôn Phúc Tự ở cái làng này ! “.Nay về già ngẫm lại, nhìn từ xóm trong ra xóm ngoài của thôn Phúc Tự, tôi càng thấy ví von của thầy Mân, quả không sai !

Trước hết, phải nói rằng: Làng Lệ Sơn là đất học, nên nói chung thôn nào, xóm nào cũng có người tài giỏi, thành danh. Nhưng điều dễ nhận là số người có tiếng tăm về văn chương thì thôn Phúc Tự, chiếm số đông.

Thời Phong kiến, có cụ Lương Duy Chí, đậu cử nhân, làm quan Tri phủ, hậu duệ của cụ là các vị giỏi cả Hán Nôm lẫn tiếng Pháp, đỗ Tú tài thời Pháp thuộc như ông Lương Duy Tâm, nguyên là đốc học thời Pháp, sau là Trưởng ty Giáo dục Quảng Bình, về hưu ông ra Hà Nội, tham gia trong Ban soạn thảo từ điển Hán - Việt.  Ông là người đầu tiên và có thể nói là duy nhất biên soạn cuốn “Địa lý Quảng Bình”.

GS Lương Duy Trung - con trai của ông, kể tôi nghe, có lần GS Hoàng Như Mai - một cây đại thu Văn học, một nhà giáo khả kính đã từng ca ngợi tài học của ông cụ như sau: “Này anh Trung, vốn tiếng Pháp của anh và tiếng Hán của giáo sư Thứ cọng lại có bằng ông cụ  không ? “  (Giáo sư Trung và Thứ là anh em ruột con trai ông Lương Duy Tâm) hay ông Lương Duy Khánh, thầy giáo dạy Văn, liệt sỹ thời chống Pháp ( cha của Lương Thị Trâm, giảng viên Đại học Thương mại - Hà Nội ) và ông Lương Duy Ủy (vào Nam trước 1945, làm tỉnh trưởng chế độ VNCH ).

Ngoài ra, phải kể đến các thầy cựu giáo của chế độ mới như thầy Lương Duy Ý, thầy Lương Duy Duyệt, Lương Duy Quyền, Lương Duy Niệm ...và các giáo sư nổi tiếng như GS Lương Duy Trung (tác giả của cuốn “ Sech-spia” và các giáo trình văn học phương Tây)  GS Lương Duy Thứ ( tác giả của các giáo trình văn học Trung Quốc và mới đây là cuốn “ Bèo dạt mây trôi “, LLS.Net đã đăng lời giới thiệu và trích đăng nội dung tại đây) và GS Lương Duy Cán (Văn học Việt Nam). Xóm ngoài, còn phải kể đến Giáo sư Lương Ngọc Bính, người thành danh cả văn chương và chính trị là con trai của “ Nhà văn hóa làng “Lương Ngọc Đệ, người có bề dày đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà nói chung và làng Lệ Sơn nói riêng, rất đáng ghi nhận. Cuối đời, ông còn để lại tập thơ “Tiếng lòng “ người con Lệ Sơn. Một nhân vật hậu sinh không thể không nói tới, đó là nhà báo, thông minh, sắc sảo : Lương Thị Bích Ngọc.

Xóm trong, (Thôn Phúc Tự có 2 xóm - phân chia theo quan niệm dân gian, 2 xóm cách nhau cánh đồng) cũng không hiếm người “có tiếng” ở làng về văn chương, thơ phú. Đó là cụ Quýt, một người nổi tiếng về “bồ chữ Hán Nôm “. Hậu duệ của cụ là Lê Hồng Vệ, hiện đang kế thừa “bồ chữ “ của ông nội, cũng nổi tiếng trên LLS. Net, hay ông Nghè Lê Chất  (Sau Cách mạng hình như làm cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh ( ?)) . Ông Lê Độ, một sỹ quan quân đội nhưng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (Hình như về hưu với hàm Đại tá, Cục trưởng Giáo dục Bộ tư lệnh Công an vũ trang (?) ) là cha ruột của Th.S Lê Trọng Đại, giảng viên Đại học Quảng Bình, người đang là trưởng nhóm biên soạn “Dư điạ chí Lệ Sơn “ và các thầy giáo chế độ mới như thầy Lê Dũng Huế, Lê Di, Lê Ngọc Mân.v..v...là những giáo viên dạy Văn giỏi, có tiếng ở huyên, tỉnh nhà. Trong tập thơ “Lệ Sơn xuân vọng “ đều có bài của các thầy, viết về Lệ Sơn rất... Lệ Sơn !

Vì sao “nếp đất “ thôn Phúc Tự lại có nhiều người thành danh như vây ? Nhân đây, tôi cũng muốn nói lên cái suy nghĩ có phần tản mạn, hoài cổ của mình đó là : Phải chăng, chùa Phúc Tự ẩn chứa điều thiêng liêng, đặc biệt so với các làng, xã khác trong huyện ( theo đạo Phật ) nên người dân làng Lệ Sơn đã được Phật phù hộ ? và  thôn Phúc Tự, nơi được chọn để xây chùa và mang tên chùa được hưởng “lộc” Phật ? Đó cũng là điều tâm linh, đáng để suy ngẫm !

Vài lời lượm lặt dông dài, gọi là chút quà xuân góp vui cho LLS.Net, nhằm giới thiệu, quảng bá con người Lệ Sơn- nhân kiệt, không ngoài mong muốn “ Trời, Phật “ tiếp tục phù hộ, độ trì cho con cháu làng ta./.

Mùa chạp, Nhâm Thìn

Tác giả bài viết: Lương Duy Thắng