Ngẫm về sự học nơi đây

Cuối năm 2012, tôi nhận được quyết định đến dạy học tại trường Tiểu học số 4 Hưng trạch. Ngược đường Hồ Chí Minh, qua con đò ngang của xóm Khương Hà, sang tới xóm Đạo Gia Hưng, mái trường cấp 4 hiện lên bên triền đồi giữa ngôi làng bé nhỏ của miền sơn cước.
 Bài viết cùng tác giả đã đăng:

1. Ba tôi

2. Ký ức Mảnh hồn quê

3.Mẹ tôi đang được sống trong cái đạo, cái tâm của mọi người trên đất Lệ

                       NGẪM VỀ SỰ HỌC NƠI ĐÂY.
 
 
1
        Trường Tiểu học số 4 Hưng Trạch
 
     Một phần đất của xã Hưng Trạch nằm bên dòng sông Son thơ mộng chảy quanh co ôm ấp thôn Thanh Hưng và Thanh Bình vào những ngày đầu thu đẹp như một bức tranh thủy mạc. Đến với mái trường thân yêu này, lòng  tôi không khỏi bùi ngùi khi được chứng kiến cuộc sống của các em học sinh trên mảnh đất mà  đêm đêm văng vẳng tiếng chuông nhà thờ gõ từng tiếng rõ mồn một vọng vào vách núi đá. Tiếng kinh thánh nguyện cầu rền rĩ vẫn ngày đêm ngân nga trầm bỗng trong không gian tĩnh mịch mới  cảm nhận được cái sự học nơi đây đang phải nếm trải chồng chất những khó khăn.
      Chỉ một con đò cách trở mà sao khác xa phía bên kia sông đến thế?
       Dân ở đây ai cũng đông con, có gia đình năm hoặc sáu người con. Một vùng đất năm nào cũng phải chịu từ hai đến ba trận lũ. Năm ngoái đã có hai cô giáo từ Liên Trạch về ngang qua bị nước cuốn theo dòng lũ và mãi mãi ra đi không có ngày trở về. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp lại không có nghề phụ. Ruộng vườn ít ỏi. Quanh năm, đàn ông đi làm ăn xa. Phụ nữ lo việc nhà còn việc học của các con phó mặc cho nhà trường. Cuộc sống của họ chật vật với  miếng cơm manh áo hàng ngày. Họ quan niệm học nhiều cũng chẳng để làm gì.  Học sinh em nào cũng gầy gò ốm yếu vì thiếu ăn. Các em phải dậy từ 4 giờ sáng để đi theo mẹ đến nhà thờ đọc kinh sau đó mới đến trường học. Chưa kể những ngày trời mưa hay ngày lễ trọng của nhà thờ là các em cứ thế nghỉ học không để ý đến sự cho phép hay không của nhà trường. Đến tháng hai, tháng ba các em học sinh ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ học tập còn phải học thuộc giáo lí của nhà thờ. Đó là hai công việc cùng một lúc đổ dồn trên bộ óc và đôi vai xương xẩu, gầy guộc bé nhỏ tội nghiệp của các em. Chẳng lúc nào các em được vui chơi thỏa thích trên những chiếc đu quay, trên cầu bập bênh... hay những trò chơi tinh nghịch của lũ trẻ như những nơi khác. Cứ mỗi năm trường lại tăng thêm một lớp học. Phòng họp của gíáo viên để dành làm phòng học cho các em. Mỗi lần hội họp, chi đoàn nhà trường lại phải bố trí, sắp xếp lại phòng. Quả là các thầy cô nơi đây đang ngày đêm gồng mình với những vất vả khôn lường để bám trường, bám lớp.
    Hằng năm, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp vui vẻ hấp dẫn như : Tổ chức cắm trại; Trưng bày gian hàng sản phẩm của quê hương; Tổ chức và tham gia “ Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”; Thầy cô giáo đến thăm hỏi gia đình học sinh vào những ngày lễ Noen, những ngày lễ trọng của Đạo Giáo...” nhằm tạo hứng thú và động viên khích lệ các em chăm chỉ, tích cực học tập.

 
   Tham gia tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời tại THCS số 2 Hưng Trạch
 
    Mặc dù phong trào học và những thành tích về sự học của con em nơi đây chưa có gì nổi trội, cuộc sống còn nghèo về kinh tế nhưng không nghèo về tình nghĩa. Một vùng quê tĩnh lặng và yên ổn lạ thường chưa bao giờ phải lo chuyện mất cắp, mất trộm. Nhìn cách hành xử của mọi người mới cảm nận được cái tình luôn mang đậm tính nhân văn. Có nhiều gia đình cùng sống chung với nhiều thế hệ nhưng vẫn hết sức đầm ấm .
     Năm học 2014-2015  tôi được tận mắt chứng kiến em Nguyễn Thị Hồng Thơm học sinh lớp 5D do tôi chủ nhiệm xin phép được nghỉ học để giúp mẹ vì mẹ sinh em bé mà bố đi làm ăn xa. Tôi đã động viên em rất nhiều rằng em còn nhỏ thì làm được gì cho mẹ nhưng em vẫn rưng rưng nước mắt vì lo mẹ vất vả không có ai chăm sóc. Sau đó tôi gặp và nói chuyện với gia đình để giúp em yên tâm tiếp tục học tập. Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho ta thấy con người nơi đây được thừa hưởng rất sớm  đức tính trọng nghĩa, trọng tình từ bố mẹ.
     Xuất thân từ Lệ Sơn quê hương tôi, đó là vùng đất học đứng đầu tám bát danh hương của tỉnh Quảng Bình, nơi xứ Cồn Vang do Trần Cảnh Huống khai trí mở tài đã hơn 500 năm qua. Tôi vẫn ngày đêm nhớ quê hương da diết, nghĩ đến sự học quê mình thật tự hào vì có hơn 800 giáo viên đang giảng dạy khắp mọi miền đất nước và những tầng lớp của bao thế hệ học hành đỗ đạt. Cũng là vùng nông thôn nghèo nằm bên dòng sông nhưng sự học thì khác nhau hoàn toàn. Dẫu vẫn phải vượt qua nhiều khó khăn nhưng bản thân vẫn luôn canh cánh trong lòng rằng dù ở đất khách quê người nhưng Hưng Trạch cũng là quê hương thứ hai của mình. Tôi có một tâm nguyện  phải đưa hết sức mình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nơi đây ngày một đi lên, giúp các em chắp đôi cánh cho tương lai bay đến chân trời góc biển để cuộc sống ngày mai tươi đẹp hơn.
 
    Tác giả cùng học trò trong giờ học tại trường Tiểu học số 4 Hưng Trạch
   
       Kết quả việc dạy học  ngày hôm nay đang trông chờ đến tương lai của các em vào ngày mai. Như nhà sư phạm Liên Xô nổi tiếng Ma- ca- ren - cô đã từng nói “ Đáng trân trọng biết bao công sức của người thầy giáo. Người thợ dệt sau vài tiếng đồng hồ đã nhìn thấy những mét vải do bàn tay mình dệt ra. Người nông dân cũng sau ba tháng đã thấy những hạt lúa vàng trổ bông do mồ hôi mình đổ xuống. Nhưng người thầy giáo phải sau hàng chục năm trời mới tận hưởng được niềm hạnh phúc khi nhìn thấy học sinh của mình thành đạt.”
              
                    Quê hương và sự học mãi vọng về trong tôi !!!
                                                       
 
                                                        Hưng Trạch, ngày 20/10/2015
                                                                       
 

Tác giả bài viết: Trần Thị Minh Khanh