Câu đối - Một di sản văn hoá tinh thần độc đáo của làng Lệ Sơn (Phần 2)

Bài khảo cứu các câu đối của các bậc tiền nhân Lệ Sơn để lại cho hậu thế nhằm khám phá sâu thêm về lịch sử, con người Lệ Sơn xưa của tác giả Lê Trọng Đại
Bài viết kỳ trước
1. Câu đối - Một di sản văn hoá tinh thần độc đáo của làng Lệ Sơn (Phần 1)


CÂU ĐỐI - MỘT DI SẢN VĂN HÓA TINH THẦN ĐỘC ĐÁO CỦA LÀNG LỆ SƠN
Tác giả Lê Trọng Đại

(Tiếp theo phần 1 ...)

+ Ở đình trung có câu đối thứ hai:

Tiên tổ khai canh ngời hậu thế
Tử tôn kế nghiệp rạng tiền nhân.

Tạm dịch: Công đức khai canh của thủy tổ sáng ngời mãi với các thế hệ sau. Con cháu kế tục được truyền thống làm sáng ngời sự nghiệp của cha ông.

+ Ở đình hậu có 2 câu đối.

* Câu đối thứ nhất:


Thủy tổ khai canh lập ấp miếu
Trung hưng dực bảo linh phù thần.

Tạm dịch: Ngài thủy tổ có công khai canh lập ấp, dựng tôn miếu. Được Triều đình sắc phong là “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”.

*  Câu đối thứ hai ở đình hậu:


Công minh thạch bảng Bảng sơn cao
Đức dụ nhân sinh Sinh thủy tú.

 
Tạm hiểu: Phẩm chất công minh cứng rắn cao vời như lèn Bảng. Người sống có đức thì sẽ sinh được con cháu tốt đẹp.

- Miếu thờ họ Phan.

+ Câu đối thứ nhất:


Công cao thùy vạn cổ
Đức hậu hiển ức niên.

Tạm dịch: Công lao của tổ tiên cao vời vợi. Đức lớn của tổ tiên để lại vinh hiển cho con cháu hàng vạn năm.

+ Câu đối thứ hai:
 
Tổ tông công đức bách thế bất thiên
Tử hiếu tôn từ vạn đại như kiên.

Tạm dịch: Công đức của tổ tiên muôn đời không thay đổi. Con hiếu cháu hiền vạn đời hưng thịnh

- Miếu họ Bùi có cặp câu đối:


Tiên tổ phúc dày lưu hậu thế
Cháu con đức sáng rạng tiền nhân.

Câu đối này thuần quốc ngữ hiện đại nên không cần giải nghĩa nữa. Trên Đình thánh (Văn chỉ thờ Khổng tử) của Lệ Sơn Thượng trước đây cũng được gắn hai câu đối:

Thánh đạo nhật trung thiên hưng giận phi quan Tần dự Hán
Tư văn vị trụy địa lưu hành hà hãn Á di Âu.

 
Tạm dịch: Đạo thánh giống như mặt trời lúc 12 giờ trưa tỏa ánh sáng khắp bán cầu. Văn minh là của chung lưu hành cả địa cầu không chỉ riêng của Á, Âu. Hậu duệ đời thứ 12 của cố Lê Văn Hành là cố Lê Bính - người chủ trì việc trùng tu đình làng đầu thế kỷ XX, cũng là tác giả của câu đối được khảm sành ở hai cột nanh đình làng:

Khí tác sơn hà công minh chính trực nhi nhất
Đức hợp thượng hạ cao minh bác hậu vô cương.

Tạm dịch: Núi sông hun đúc nên con người nơi đây cái khí chất công minh chính trực được xếp hàng đầu. Từ quan, viên, chức dịch đến đinh tráng, lão hạng; từ trên xuống dưới đồng lòng hòa hợp thì sáng suốt, uyên bác vô biên.

- Tại miếu thờ Đức ông Mạnh Linh xưa các bậc Cự Nho đã cúng một câu đối bằng chữ Hán được phiên âm là:
 
Cửu trùng hoa tuấn thiên thân Mệnh
Giang sơn chung tú địa dị Linh.

 
Tạm giải nghĩa là: Dưới gầm trời này những người tài giỏi tuấn tú vẫn không thể vượt qua số phận (Thiên mệnh) ý của vế đối này còn muốn nói Đức ông Mệnh Linh qua đời là do số trời định sẵn vì ông “ngộ phải cuồng phong độc vũ”.

 Đất Lệ Sơn kỳ lạ và linh thiêng bỡi sông núi tươi đẹp. Đất Lệ Sơn linh dị vì sau khi Đức ông qua đời bên lùm cây lập tức được mối đùn đất lên thành một ngôi mộ tự nhiên. Mộ của Đức ông người xưa thường gọi là “mộ thiên táng”. Câu đối này lấy chữ cuối cùng trong mỗi vế ghép lại sẽ được tên của Đức ông là Mạnh Linh.

Thời hiện đại Lệ Sơn vẫn có những câu đối hàm súc mà cũng khá uyên bác, ca ngợi quê hương và giáo huấn thế hệ trẻ. Tiêu biểu là các câu đối:

+ Câu đối thứ nhất do nhà giáo Lê Ngọc Di sáng tác được viết trên cổng chào thôn Phúc tự:

 
Quê hương cẩm tú sinh nhân kiệt
Quần chúng cần lao dưỡng anh hùng.

 
+ Câu đối thứ hai của nhà nghiên cứu Hán - Nôm là cụ Lê Doạn:

Núi Vải tiềm tàng đầy quả ngọt
Vườn Chùa ấp ủ đủ hoa thơm.

 
+ Câu đối thứ ba của tác giả Đào Nguyên:
 
Vui xuân cùng bè bạn viếng động Chân Linh
Đón tết với cháu con thăm chùa Phúc Tự

+ Câu đối thứ tư là của ông Lê Hữu Nguyên:

Lệ Sơn linh địa truyền muôn thuở
Văn Hóa tài nhân nối vạn thời

+ Câu đối thứ 5 của cố Lê Bảo:

Tiền bối khai canh dựng làng Lệ Sơn văn hiến
Hậu sinh kế nghiệp xây xã Văn Hóa anh hùng.

 
Với hiểu biết hạn hẹp về Hán ngữ chắc rằng phần dịch nghĩa của tác giả một số câu đối chưa thật chuẫn xác. Mặt khác Hán ngữ là loại ngôn ngữ bác học đa nghĩa; một chữ có nhiều nghĩa nên mỗi câu có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau đo đó việc giải nghĩa thấu đáo quả không dễ chút nào. Tác giả rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn !

Tài liệu tham khảo
  1. Tư liệu điền dã dân tộc học tại các di tích văn hóa của Lê Trọng Đại ở làng Lệ Sơn, 2013
  2. Trần Xuân Quế (sáng tác, sưu tầm và tuyển chọn), Lệ Sơn Kỳ thú thơ, bản chép tay, 2012.
  3. Lê Doạn, Giải nghĩa một số câu đối chữ Hán của miếu thờ Lê tộc, 2013.
  4. Phan Xuân Thuyết, Giải nghĩa một số câu đối chữ Hán, 2013

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại