1
  • image
  • image
  • image
  • image
22:02 ICT Thứ bảy, 05/10/2024

Tin thời sự làng Lệ Sơn: Xã Văn Hoá ra Nghị quyết triển khai phục dựng miếu Thành Hoàng làng Lệ Sơn

Đăng lúc: Chủ nhật - 25/10/2015 20:12 - Người đăng bài viết: bientap02
Tin thời sự làng Lệ Sơn: Xã Văn Hoá ra Nghị quyết triển khai phục dựng miếu Thành Hoàng làng Lệ Sơn
Xin thông báo với bà con Lệ Sơn trên mọi miền địa cầu một số thông tin từ quê nhà.     

Việc phục dựng miếu Thành Hoàng làng Lệ Sơn. Theo thông tin từ các anh lãnh đạo Đảng và Chính quyền xã Văn Hóa thì lãnh đạo xã ra Nghị quyết triển khai việc phục dựng miếu Thành Hoàng làng Lệ Sơn; dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2016. Để có đủ kinh phí phục dựng miếu theo thiết kế tổng chi phí dự toán (sẽ công bố theo thư ngỏ)VNĐ. Để có đủ kinh phí hoàn thành công trình văn hóa tâm linh và lịch sử này, lãnh đạo địa phương kêu gọi sự ủng hộ về tài chính của tất cả con em làng Lệ Sơn trên khắp mọi miền đất nước và cả những Việt kiều - “Lệ kiều” ở nước ngoài. Mức đóng góp tùy hảo tâm và điều kiện của mỗi người.

       a) Tục thờ Thành Hoàng của người Việt

           Truyền thống làng xã người Việt (ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ) từ thời phong kiến đến trước cải cách ruộng đất (1956) bất kỳ làng nào cũng đều lập miếu thờ Thành Hoàng.   

         Tục ngữ có câu: Trống làng nào làng ấy đánh
                                    Thành Hoàng làng nào làng ấy thờ.

         Thành Hoàng là vị thần làng quan trọng nhất; thần có nghĩa vụ bảo trợ cho tất cả dân làng, súc vật, của cải của dân làng khỏi mọi tai ương, hoạn nạn. Tất cả mọi thành viên của làng đều có nghĩa vụ thờ cúng vị Bản thổ Thành Hoàng của làng mình. Do đó sau khi làng thành lập được một thời gian thì dân làng thường tự nguyện đóng góp tiền bạc công sức để xây dựng miếu thờ Thành Hoàng. Thành Hoàng làng thường là nhân thần - người có công lao to lớn với làng hay một vị tướng, một viên quan to có công với triều đình sau khi qua đời nhà vua muốn nhân dân thờ cúng thì ban sắc phong nhân vật đó làm Thành hoàng làng. Thành Hoàng một số làng cũng có thể là một người trong làng chết bất đắc kỳ tử sau đó quá linh thiêng, dân làng hay đến cầu cúng thì Hội đồng chức sắc làng lập bản tấu trình lên triều đình đề nghị nhà vua ban sắc phong người đó làm Thành Hoàng làng. Ở Nam bộ có điểm khác là tuy rằng làng nào cũng đều có Thành Hoảng nhưng đa số không có nhân vật cụ thể mà người ta thường quan niệm làng nào cũng có một vị Bản cảnh Thành Hoàng để dân thờ cúng. Trong sắc phong của nhà vua cũng chỉ dung chữ Bản thổ Thành hoàng chung chung chứ không giống miền Bắc và miền Trung, thành Hoàng là một nhân vật cụ thể có họ tên rõ ràng. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về lịch sử và kiến trúc miếu Thành Hoàng làng Lệ Sơn.

   + Sơ lược vài nét về Quan lớn Bản thổ Thành Hoàng Nguyễn Huy Tưởng

         Quan lớn Bản thổ Thành Hoàng làng Lệ Sơn vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh giá nhiều đời theo nghiệp võ ở làng Trung Hòa nay là xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cố Nguyễn Huy Tưởng nổi tiếng thông minh từ nhỏ lại được cha mẹ chăm sóc giáo dục chu đáo cả về nho học lẫn võ học. Do đó mặc dù dấn thân trên con đường binh nghiệp nhưng Ngài lại có hiểu biết sâu rộng cả về binh thư, võ nghệ lẫn nho, y, lý, số nên được người đương thời ca ngợi là bậc “lục trí thần thông”. Nguyễn Huy Tưởng là một võ tướng tài ba nên được nhà Lê cử làm Cai tri châu Bố Chính quản lý một vùng đất quan trọng trong phủ Tiên Bình nơi phải thường xuyên đối phó với các cuộc xâm lấn, cướp bóc của quân đội Chiêm Thành. Đức ông đã nhiều lần chỉ huy thuộc binh đẩy lùi các cuộc tấn công quấy nhiễu của Chiêm Thành vào đất Bố Chính. Đặc biệt trong lần hộ giá vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành đầu năm 1471, Nguyễn Huy Tưởng đã anh dũng chiến đấu “xung tên, đột pháo” khiến quân “Chiêm Thành tắt hơi” lập được nhiều công tích. Sau khi chiến thắng Chiêm Thành, triều Lê luận công ban thưởng, đã phong Nguyễn Huy Tưởng chức Cai tri châu đặc tiến Đô chỉ huy sứ, hàm Ngũ phẩm, tước Lạng động hầu.

         Năm 1481, sau khi hoàn thành cơ bản việc khai canh xứ Cồn Vang Thượng; cố Lê Văn Hành đã dâng biểu xin triều đình cử người về tiến hành các thủ thục để thành lập một đơn vị hành chính mới. Triều đình Lê Sơ lập tức phái quan Cai Tri châu Bố Chính - Nguyễn Huy Tưởng làm Trưởng đoàn Giám đạc và tiến hành các thủ tục thành lập làng mới ở xứ Cồn Vang. Sau khi hoàn tất việc đo đạc xứ Cồn Vang, ông Nguyễn Huy Tưởng đã cùng ông Lê Văn Hành đặt tên chữ cho vùng đất này là xã “Lệ Sơn”. Chuyến công vụ đến vùng đất Lệ Sơn vừa mới khai thiết lại cũng là chuyến đi định mệnh với quan Lạng Động hầu Nguyễn Huy Tưởng. Mến phục người tài trí, cố Lê Văn Hành đã gả ái nữ của mình là Lê Thị Nại - một người con gái tài sắc cho Nguyễn Huy Tưởng. Sau khi mãn nhiệm quan trường, Lạng Động hầu Nguyễn Huy Tưởng đã về quê vợ trí sỹ. Ông bà Lạng Động hầu rất thương yêu nhau nhưng đáng tiếc là không có con nối dõi nên cố Lê Văn Hành đã đồng ý cho Nguyễn Huy Tưởng đổi họ “cải Nguyễn làm Lê”. Sau khi quan Lạng Động hầu qui tiên, mộ ngài được táng tại lùm Lả Lả. Là một vị tướng tài ba - là người lục trí thần thông nên sau khi Ngài mất dân làng vẫn hết sức ngưỡng mộ. Những khi ốm đau gặp bệnh hiểm nghèo dân làng thường đến mộ ngài cầu khấn thì đều được như ý do đó dần dần nhân dân Lệ Sơn tín phục và xem ngài là vị Thành Hoàng làng. Trên cơ sở sự tín nhiệm của nhân dân Hội đồng kỳ mục Lệ Sơn đã thống nhất lập bản tấu gửi cho triều đình đề nghị nhà vua ban sắc phong ngài làm Thành Hoàng làng Lệ Sơn. Căn cứ vào bản tấu của làng, triều Lê đã sắc phong ngài làm Bản thổ Thành Hoàng xã Lệ Sơn và giao cho làng lập miếu thờ và mỗi năm 2 kỳ cúng tế. Từ đầu thế kỷ XX, Hội làng cứ ba năm một lần được tổ chức vào ngày 15 tháng 6 (âm lịch) có phần nghi lễ cúng tế Thành hoàng và các tiền hiền khai canh, khai khẩn của làng. Khi tổ chức hội làng, Hội đồng quan viên Lệ Sơn thường đến miếu thờ rước vong linh Ngài về đình làng rồi giết một con trâu hoặc một con bò thui chín để cúng tế Quan lớn Bản thổ Thành hoàng.
       
Theo cố nhà giáo Lương Ngọc Đệ thì trước đây Đức ông Bản thổ Thành Hoàng rất linh thiêng. Một số gia đình có con cái ốm đau “thập tử nhất sinh” thuốc thang nhiều mà bệnh vẫn không thuyên giảm đến miếu cầu cúng thì Đức ông hiển linh cho bài thuốc thì chữa lành được bệnh. Những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, dân làng vẫn thường xuyên đến miếu Thành Hoàng để cầu cúng. Cố nhà giáo Lương Ngọc Đệ đã tận mắt chứng kiến sự việc một gia đình nọ có con lâm bệnh hiểm nghèo chạy chữa nhiều mà bệnh vẫn không khỏi nên họ đến miếu Đức ông thắp hương và cầu đồng. Nghi lễ cầu đồng diễn ra khá lâu, nhiều người tới xem. Bất ngờ ông Lê Bồ là một trong số những người đến xem (người không biết một chữ Hán Nôm nào) nhập đồng đứng lên múa một đường quyền rồi lấy than chép lên giấy ngay một bài thuốc bằng chữ Hán Nôm. Gia đình người tổ chức cầu đồng thế lạy tạ rối rít và đưa bài thuốc đến nhờ thầy lang cắt thuốc về sắc cho con uống thì lập tức khỏi bệnh. 

         Khi cúng tế trong Hội làng hoặc cầu cúng đột xuất dân làng vẫn thường dùng các bài luyện hay đàng trịch dưới đây để thỉnh cầu sự hiển linh của Đức ông Bản thổ Thành hoàng.        

LUYỆN QUAN LỚN BẢN CẢNH THÀNH HOÀNG
Nguyễn Cả Hăng

Trời sinh có tướng anh hùng
Sống làm việc nước thác cùng hộ dân
Không thiêng sao gọi rằng thần
Đã lòng chính trực lại phần thông minh
Tiếng anh linh muôn đời tỏa sáng
Chốn miếu đường phảng phất mùi hương
Nẻo xưa sự tích chưa tường
Kẻ hầu công thảo bằng đường thiên khai
Đạo Tam tài chia trời vạch đất
Thuở hồng mông cỏ ngất cây xanh
Ô châu vốn đất Chiêm Thành
Đã về bản tịch ắt đành mở mang
Phá thiên hoang, trừ căn, trảm mộc
Ra tay thần hỏa tốc nên công
Đồng thời các đấng tiên công
Lê Trần hai họ cũng đồng công lao
Đặt tên là Lệ Sơn xã hiệu
Mở công điền lượng chiếu mẫu cao
Sổ vàng chói chói đề vào
Thốn dân thốn thổ biết bao công trình
Trong triều đình luận công ban thưởng
Thủa Hồng mông xét thưởng công lao
Đỉnh chung lộc nước dồi dào
Một nhà vinh hiển khác nào Tử Nghi
Chức chỉ huy được ban năm chức
Tước hồng ban được chữ hầu phong
Sắc rồng chói chói Lạng Đồng
Tài ba sánh kẻ anh hùng chẳng chơi
Chí làm trai phù đời giúp nước
Sinh đã vinh tử được đa linh
Hầu từ chầu chốn Thiên đình
Làm thần Bản thổ rành rành thiên thu
Lương dân có lòng thành cầu nguyện
Phép thần thông ứng hiện đàn chuyên
Mấy trăm năm lẻ dõi truyền
Tiếng thơm còn để dấu thiêng còn dài
Hãy rỡ rạng cân đai chỉnh triện
Hộ dân tình vĩnh viễn khói hương
Vốn là thang mộc cố hương
Lẽ nào mà chẳng tìm phương bảo tồn
Cờ nhiệm mầu âm dương cách biệt
Cõi phàm trần không biết vì đâu
Hoặc là thiếu lễ khẩn cầu
Hoặc là bĩ thái nên hầu đổi thay
Hoặc miếu đền lâu ngày u trệ!
Bấy lâu nay cầu tế không nên?
...
Hầu kế ngôi tôn thần Bản thổ
Chẳng hộ dân há dễ hộ ai?
Dám xin hữu thỉnh tất lai
Quyết linh trạc trạc áp sai ngư đồng
Ngự tọa vi ung dung tự tại
Tín chủ này khấn vái kêu van
 Với nay tiết tự tâm toàn
 Lòng thành cung phụng vẫn còn hồn xưa
 Dù cao xa thấu chăng chăng thấu
 Tấm lòng đơn xin thấu minh tri
 Dám xin hai chữ phù trì
   Lính bền, dân khỏe, quan thì lại lên...
   Hương một huyện cỗ tam thông
   Lòng tin khấn nguyện thần thông ngự tòa
   Tích xưa vốn ở Trung Hòa1
   Thác vào họ Nguyễn dòng nhà tướng khanh
     Kể từ Hồng Đức khởi binh    
     Xung tên đột pháo, Chiêm Thành tắt hơi
 Nối gót xưa cứu đời giúp nước
 Khử hung tàn thao lược nên danh
 Quốc gia từ thuở thanh bình
 Dạo chơi phong cảnh biết tình cho cam
 Ô châu một góc trời Nam
 Chí làm khai khẩn để làm cố hương
 Khải tâu dụng phong chương một bức
 Ơn Lê Hoàng2 giáng phúc ngự ban
 Hầu từ phụng mệnh thiên gian
 Thẳng dong bố trí dưới ngàn Hoành Sơn
 Giang đá mốc nhọc miền nham hiểm
 Chốn thâm nghiêm ai dám thày lay
 Mở mang mặc sức ra tay
 Chặt cây tìm đạo, vén mây xem trời
 Muôn sức ấy ra tay Hạng Vũ
 Biến rừng xanh nên thú bình dương
 Lê Công3 thấy đấng khác thường
 Gả con đổi họ làm đường gia thông
 Dấu vì tài yêu dùng vì nết
 Kẻ anh hùng mới biết sức nhau
 Một nhà chí cả anh hào
 Ra tay làm chước hỏa đao giúp đời
Lập xã hiệu chiếu khai điền thổ
Tính mẫu sào lập sổ tiến dâng
Công liêng non Thái xem bằng
 Chức phong năm chức, Tước phong công hầu
 Tiếng thơm dậy Ô châu đều biết
 Mới nên tài hào kiệt họ Lê
 Bài vàng thẻ bạc ban về
Tiếng khen đã phỉ, lời chê bao tầng
 Chữ Lạng Đồng vang lừng danh giá
 Bỗng nên hồi đã thỏa tài trai
 Mới hay dòng dõi cân đai;
 Dùng trong trong trị, dùng ngoài ngoài yên
 Công đức xứng muôn đời chung vạc
 Tưởng hầu còn thờ nước lâu xa
 Nào hay thiên số vội đà
 Vườn dâu bóng ngã Hằng Nga giục về
 Mở cửa lũy hương quê an táng
 Tạm phong trần một trảng tuyết sương
 Đất thiêng còn kiểu Cao vương
 Sống làm tướng mãnh thác làm thần linh.
 Khói hương sực nức cung đình
 Làm thần bản thổ rành rành thiên thu./.

 
ĐÀNG TRỊCH BẢN CẢNH THÀNH HOÀNG LỆ SƠN
Nguyễn Cả Hằng

Sắc Nam sơn tinh tú kỳ thú sơn hà
Ứng vương kỳ mãn nguyệt khai hoa
Bổn tinh anh thác sinh Nguyễn Thị
Thuở Hồng mông Chiêm Thành tắc khỉ
Ra tay thần đang định nên công
Cùng Lê, Trần các đấng tiên công
Bĩ kinh các quản bao khó nhọc
Ô châu một góc
Phút biến nên thang mộc cố hương
Hội phi thường gặp khách phi thường
Bể ân ái bén duyên Lê tộc
Trăm năm kết tóc cải Nguyễn làm Lê
Công mở mang sơn hải dư lề
Sổ kim quy danh đề thượng tiến
Chức phong vinh hiển
Quyền Cai tri đặc tiến chỉ huy
Ngũ phẩm hàm tri
Ban Hầu tước uy nghi Lạng động
Ơn vua yêu dấu, lộc nước dồi dào
Ngày xuân thu tuổi tác đã cao
Tạ thế tục hồn quy thiên nhạn
Trần duyên chi mãn
Lại cho về bản quán quê hương
Dương thần uy hiển hách lạ thường
Dân thang mộc lòng càng ái ngại
Lập miếu thờ kính chi như tái
Nhật cánh trung hãm lại hồng ân
Sắc phong làm Bản thổ thần
Hộ quốc mạnh hộ dân hộ vật
Hương bay phảng phất
 Chốn miếu đền ngào ngạt đêm ngày 
 Loại tà gian đâu dám thày lay
 Thông minh ấy nên tài thượng đẳng
 Một phương khai quang đảng
 Dẫu ngàn năm bia bảng vẫn còn
 Sông dù cạn đá dù mòn
 Nền xã tắc vàng son chói lọi./.
 
b) Vài nét khái lược về kiến trúc miếu Thành Hoàng Lệ Sơn (Miếu thờ Đức ông bản thổ Thành HoàngNguyễn Huy Tưởng)
 
    Miếu thờ Quan lớn Bản thổ Thành Hoàng được xây dựng ở xứ Cồn Nghè. Miếu Thành Hoàng lấy núi Thần Vì làm tiền án; phía đông nam là miếu họ Trần, phía bắc là đồng Thổ, phía tây là đồng Hỏa, đồng Mộc, phía nam có đồng Chấn, đồng Kim. Theo tài liệu truyền ngôn thì miếu thờ được dựng từ thế kỷ XVI và được trùng tu lần đầu vào thế kỷ XVIII. Khuôn viên miếu có diện tích gần 1000 m2. “Miếu được thiết kế theo kiểu tứ lâu với cổng tam quan. Ngay trước cổng miếu có một ao sen. Cổng miếu quay mặt về phía Nam gồm một cổng chính và hai cổng phụ gắn với tường bao quanh đắp nổi hình voi, ngựa, hổ, báo canh giữ bốn bề. Cổng chính có hai cột nanh mặt ngoài gắn câu đối khảm sành:

                     Đạo phục sơ cơ truyền thắng tích
                     Miếu đường chung cổ túy duy linh

           Tạm dịch:

                      Vun trồng nền móng buổi đầu truyền lại thắng tích
                      Miếu đường ngàn xưa tụ họp linh thiêng.

     Lùi vào phía sau cổng có bức bình phong gắn tượng sư tử tạo nên sự uy nghiêm của miếu. Trong khuôn viên có lùm cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm.  Miếu Thành Hoàng gồm hai phần: tiền miếu và hậu miếu. Tiền miếu là dống vai trò như bái đường là nơi tụ họp của quan viên, dân làng đển chuẩn bị lễ vật khi đến cầu cúng hoặc rước bài vị Thành Hoàng. Trên mái của Tiền miếu gắn lưỡng long triều nhật (đôi rồng chầu mặt trời). Hậu miếu có ban thờ gồm 3 bậc đặt 3 vò hương. Bậc cao nhất đặt vò hương và bài vị của Quan lớn Bản thổ Thành Hoàng. Vò hương ở bậc thứ hai thờ Đức ông Câu kê. Bậc thứ ba thờ các đệ tử của Quan lớn. Hành lang hai bên trái, phải hậu miếu có hai miếu nhỏ thờ các tinh binh của Bản thổ Thành hoàng”1./.
 
Chú thích:
1 Lương Ngọc Đệ, Bản châu Cai tri Quan Lạng động hầu Nguyễn Huy Tưởng với làng cổ Lệ Sơn, Website: langleson.net ngay 21-6-2012

1 Làng Trung Hòa nay thuộc xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình
2 Lê Hoàng ở đây là vua Lê Thánh Tông
3 Lê Công là cố Lê Văn Hành - Thủy tổ Lê tộc đại tôn ở Lệ Sơn
 
Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     



 
  • Lời giới thiệu công trình Địa chí Làng Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Trả lời ý kiến đề xuất của bạn Lê Quang Đạt. Việc in sách đủ để phát cho mỗi gia đình người Lệ Sơn 1 quyển là không dễ vì giá thành sách chỉ tính riêng giấy mực thủ tục giấy phép xuất bản xuất bản mỗi cuốn đã 160.000 đồng, để in đủ thì phải 4000 quyển như vậy riêng tiền...
  • Nghề hay: Trồng cỏ nuôi bò một hướng đi tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn  -   Gửi bởi: Phạm Thị Thuỳ
    Đọc được bài hay quá. Một số kiến thức rất bổ ích. Tuy nhiên, tôi có việc rất mong được anh hỗ trợ: Anh có định mức nào, hay kinh nghiệm về chi phí sản xuất 1 ha trồng cỏ không anh (giống, phân bón, nhận công, tưới tiêu...). Anh có có thể cho tôi xin được không. Hiện...
  • Lệ Sơn - Làng theo đạo học  -   Gửi bởi: Lương Xuân Trường
    Mình tình cờ đọc lại bài viết của mình ở đây. (bài vết cũng tám năm trước rồi) đọc bình luận của bạn Lâm Phương, chuyện bạn đánh giá thế nào là quyền của bạn. Chỉ có điều một thông tin bạn đưa ra không chính xác: Mình (Lương Xuân Trường) và bạn dồng nghiệp Phan Phương...
  • Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Cháu xem lại thông tin đoạn nói về chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1774 - 1776 là chưa chính xác dễ gây nhầm lẫn với thông tin Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627 - 1672) ở thế kỷ XVII. Thời gian được nói đến trong bài viết là sau khi tướng họ Trịnh - Hoàng Ngũ Phúcvượt sông...
  • Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt, số phone: 0913963799
    Hồi trước đi học chung cấp 3 ở huyện Quảng Trạch cùng bạn Hạnh, bạn Hào ở Ba Đồn. Hay xuống thăm thầy Mân chuyện trò ngâm thơ
  • Chặt củi lèn, một kỷ niệm khó quên  -   Gửi bởi: Lê Quang Đạt
    Nhớ lại hồi xưa đi chăn bò cùng các bạn ở Hung Tắt, Hung Cày. Nay đâu còn cảnh đó nữa?
  • Một gia đình cần sự giúp đỡ  -   Gửi bởi: Nguyen Van Thanh
    Rất buồn vì Thay mặt Hội đồng hương Văn hoá tại Nha Trang trích gửi tiền ủng hộ mà không có danh sách...Việc đã qua...Thôi nhé!
  • Gửi con gái Mẹ  -   Gửi bởi: Hung Lan
    Mệ Phương còn khỏe không chi Hồng ?
    Bài thơ hay đáo để, đọc mà nước mắt chảy dài.
  • Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."  -   Gửi bởi: Lê Trọng Đại
    Bài viết rất là một lời tri ân với cụ Lê Đình Khôi người đã có những hành động đẹp đóng góp cho cộng đồng cư dân Lệ Sơn ở Hà nội và quê hương và cũng phần nào nói lên được cái tâm của một người con Lệ Sơn đáng kính đối với quê hương. Cảm ơn chú Vệ và Ban biên tập báo...

Thống kê

  • Đang truy cập: 13
  • Hôm nay: 1756
  • Tháng hiện tại: 17113
  • Tổng lượt truy cập: 8436584

Liên kết làng quê Quảng Bình

Lệ Sơn 2 - www.langleson.com
Làng Cao Lao - www.caolaoha.com
Làng La Hà - www.langlaha.com
Quảng Bình Trẻ - www.quangbinhtre.com
Nhịp Cầu - www.nhipcau.de

Báo Quảng Bình - www.baoquangbinh.vn
Hân hạnh chào đón các bạn đến với trang tin www.langleson.net
Bản quyền thuộc về Làng Lệ Sơn. Trang thông tin này là tài sản của toàn thể con em làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình
Trang thông tin điện tử Làng Lệ Sơn hoạt động theo quy định của luật pháp Vịệt Nam dưới sự điều hành chung của Hội đồng tư vấn chuyên môn và kỹ thuật.
Trụ sở: Đặt tại trung tâm lưu trữ truyền số liệu VDC1 - Hà Nội - Việt Nam
Trang thông tin là tài sản chung của toàn thể con em làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình
Email gửi bài viết
baiviet@langleson.net