Thêm một tư liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn

Phát hiện mới của tác hỉa Hữu Danh
Trong quá trình thu thập, sưu tầm tài liệu, tôi tình cờ phát hiện thêm tài liệu Hán nôm về địa danh Lệ Sơn, đó là tác phẩm Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh.
Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) thuộc thế hệ thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, sinh ngày 19 tháng 2 năm Giáp Dần (1734), húy là Nham, khi làm quan đổi là Trị, tên chữ là Duy Nham, hiệu Dần Phong, tại làng Trường Lưu nay là xã Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, trong một gia đình nhiều đời khoa bảng. Năm 1756, 23 tuổi, Nguyễn Huy Quýnh đi thi từ Huyện khóa đến thi Hương đều đỗ đầu và dự kỳ thi Hội năm 1757, chỉ đỗ Tam trường,
Năm Nhâm Thìn (1772), 39 tuổi, Nguyễn Huy Quýnh đỗ Đệ tam giáp Tiến sỹ đồng xuất thân thứ 5 và bắt đầu tham gia quan trường với chức Cấp sự trung Hộ khoa, rồi Giám sát ngự sử xứ Sơn Nam.

Tháng 10 năm Giáp Thìn (1784), hết tang mẹ, ông lại được cử làm Quan trực giảng ở Quốc Tử Giám, năm sau thăng Hàn lâm Đãi chế, hành Đốc thị Thuận Quảng, Đề đốc học chính, Kiêm lý lương hướng xứ Thuận Hóa. Khoảng một năm sau, ông mất tại nhiệm sở.

Nguyễn Huy Quýnh có nhiều đóng góp trong việc hình thành Mộc bản Trường học Phúc Giang - Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - viết cho hai tập Xuân Thu toản yếu đại toàn. Nguyễn Huy Quýnh để lại khá nhiều trước tác Dần Phong thi sao (4 quyển), Dần Phong văn sao (3 quyển), Quảng Thuận đạo sử tập, Tây hưng đạo sử…

Quảng Thuận đạo sử tập được Nguyễn Huy Quýnh biên soạn trong khoảng thời gian từ năm Ất Mùi (1775) đến năm Ất Tỵ (1785), từ thời gian ông tham gia cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn 1775 tới thời gian làm Đốc thị Thuận Quảng, Đề đốc học chính, Kiêm lý lương hướng ở Thuận Hóa.

Quảng Thuận đạo sử tập đã ghi lại đường đi, các trạm dịch, dư địa chí của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam thế kỷ XVIII, cũng như việc thể hiện sinh động băng bản đồ vùng đất Thuận - Quảng này trong mối tương quan giữa núi non và sông biển.

Sách gồm hai phần, phần một là văn bản ghi chép khảo tả chi tiết, tỉ mỉ từng địa danh, từng trạm dịch, quán, nha phủ cùng duyên cách địa lý được ghi lại (bản đồ bằng ngôn ngữ), và phần hai là bản đồ được đồ hóa bằng trực quan sinh động hình ảnh, núi sông, cửa biển.

 

Trong phần một, sách không đề cập đến địa danh Lệ Sơn. Sang phần bản đồ, trang đầu tiên lại Quảng Thuận đạo sử tập đề cập đến địa danh Lệ Sơn ở mục thứ 13, tiếc là tác giả không mô tả chi tiết đường đi, phong cảnh sông nước, núi non làng Lệ Sơn.

Một tài liệu Hán nôm khác là Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định (1759 - 1813), tự là Tri Chỉ, hiệu là Tấn Trai và chỉ Sơn, quê chính ở làng Mậu Tài, nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiệu đính. Năm 1802, sau khi chính thức lên ngôi, vua Gia Long bổ dụng ông làm Thượng thư Bộ Binh và cử làm Chánh sứ, cùng với Lê Chính Lộ và Nguyễn Gia Cát sang sứ nhà Thanh. Đi sứ về ông được trở lại chức cũ, bên cạnh công việc ở Bộ Binh, Lê Quang Định được vua Gia Long cử biên soạn bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Tuy được triều Nguyễn tổ chức biên soạn sớm nhất nhưng Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chưa từng được in. Sách đang ở dạng chép tay trên khổ giấy 27 x19, mỗi quyển đóng thành một tập, tổng cộng 10 quyển là 638 tờ, mỗi tờ 2 trang (a và b), trừ 11 tờ không có mặt b thì tổng cộng lên đến 1.268 trang chữ Hán. Bộ sách này soạn xong và dâng lên nhà vua năm 1806. Giá trị lớn nhất của bộ sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là việc mô tả một cách chính xác về đường đi, các dịch trạm, các địa danh, sông núi, khe suối, ngòi rạch, cửa biển, kèm theo lời chú giải mặt mạnh, mặt yếu, chỗ hiểm, chỗ thuận lợi của từng địa phương, trong đó có Quảng Bình nhưng lại không đề cập đến địa danh Lệ Sơn.
Dù sao đây cũng là tư liệu Hán nôm quý giá về làng quê Lệ Sơn nổi tiếng với danh xưng “Đệ nhất bát danh hương”.
 
Hữu Danh

Tác giả bài viết: Hữu Danh