Ký ức về Đình Làng Lệ Sơn

Bài viết giới thiệu về Đình Làng Lệ Sơn của tác giả Lương Duy Thắng
Lời ban biên tập:  Trong hệ thống các di sản văn hoá của Làng Lệ Sơn thì Đình Làng là một công trình có ý nghĩa đặc biệt, mãi mãi là một biểu tượng của tiền nhân, là niềm tự hào của bao thế hệ con cháu Làng Lệ Sơn. Với ý nghĩa và tầm vóc quan trọng đó, Ban biên tập chuyên trang sẽ tổng hợp và đăng lại một chuỗi các bài viết về Đình Làng nhằm cung cấp thông tin cho bà con có cái nhìn sâu hơn, nhiều góc độ hơn về công trình đặc biệt này.

Bài viết dưới đây của anh Lương Duy Thắng giới thiệu khái quát về Đình Làng Lệ Sơn cùng những mong ước làng ta sớm phục dựng lại Đình Làng, một di sản thiêng liêng vô cùng quý giá của cha ông để
lại. Mong ước Thành Hoàng và các bậc thánh hiền phù hộ độ trì cho con cháu học tập, công tác ngày càng tiến bộ, cho quê hương Lệ Sơn muôn đời thịnh.



Không phải nhà nghiên cứu và cũng không có điều kiện tìm hiểu để giới thiệu về ngôi đình của làng quê ta một cách đầy đủ và thấu đáo. Tuy nhiên, trong kí ức tôi vẫn lưu lại đậm nét hình ảnh đình làng với lòng tiếc nuối vì đình bây giờ đã trở thành phế tích.

Toạ lạc tại thôn Trung làng (xóm Đình) trên khu đất rộng khoảng 4 sào Trung bộ, được xây cất vào năm 1886, cách nay 123 năm (triều vua Đồng Khánh), hiện nay dấu tích còn lại là 2 cột trụ cổng trước UBND xã với 2 câu đối bằng chữ Hán, nguyên văn:

“Khí tác sơn hà công minh chính trực nhi nhất
 Đức hợp thượng hạ cao minh bác hậu vô cương”

Đạí ý là giáo dục con người ta sống công minh chính trực (tính), trên dưới 1 lòng hoà thuận (đức). Được biết, đây là đôi câu đối do quan Thị học sĩ đời vua Tự Đức sáng tác. Có thể nói, nội dung đôi câu đối như 1 tuyên ngôn về đạo đức sống, đầy nhân văn của người Lệ sơn chúng ta mà theo tôi, có lẽ ngoài những lí do để làng ta được xếp đầu  "Bt danh hương" (chúng ta đã biết qua giới thiệu của LLS ) thì đây cũng là 1 lý do chăng ?


 

Vị trí xây dựng đình, phải nói  cha ông ta quả là "thần ". Cho đến nay, tại đây vẫn là trung tâm  địa lý, hành chánh, văn hoá và thương mại của làng. Hơn thế, theo thuyết phong thuỷ thì vị trí này thuộc về thế "Tàng phong đắc khí" tức là cả Khảm, Ly, Chấn., Tốn  4 hướng đều đắc địa (Khảm là thế Huyền vũ tức Rùa đen; Ly  là thế Chu tước - Chim sẽ đỏ; Chấn  là thế Thanh long- Rồng xanh; Đoài  là thế Bạch hổ - Hổ trắng).

Đình Lệ sơn không rộng lớn, cổ kính hoặc nổi tiếng như 1 số đình làng khác ở nước ta như: Đình Bảng, đình Thổ tang hay đình Hồng Thái (gắn với cây đa Tân trào) hoặc 1số đình làng trong tỉnh v.v nhưng phải thừa nhận rằng nó rất khang trang, bề thế và hợp khối rất hài hoà giữa tiền đình và hậu đình. Tiền đình 3 gian, 2 chái; bề dài khoảng chừng trên 20 m, bề rộng chừng trên 10 m, có 4 mái lợp ngói vảy; trên đỉnh mái đắp nổi 1 cặp rồng oai phong, sống động chầu mặt trăng (Lưỡng long chầu nguyệt. Cặp rồng này và các hình vẻ, khắc, chạm rồng trong đình có hình  dáng con rồng đời Lý).

 

Cột đình bằng gỗ tốt, hình như lim hay táu gì đó, to cỡ vòng tay ôm của người lớn (hồi  học cấp 1, trường  làng cạnh đình, chúng tôi ra chơi phải 2 đứa vòng tay mới ôm xuể 1cột) được táng trên những hòn đá (chắc đá lèn Lệ sơn) vuông vức mỗi chiều cỡ 6 tấc (60 cm), chiều cao cỡ 3 tấc. Nền đình được láng phẳng lỳ và bóng lưỡng (nếu còn, bọn trẻ làng ta có thể  chơi trượt paten được).

Tường bao chỉ xây kín 2 mặt bên, còn mặt trước, sau để trống. Giữa Tiền đình và Hậu đình là khoảng sân trống cỡ bằng 4 sân nhà để lấy gió và ánh sáng. Đình tiền và hậu liên thông với nhau bằng 2 hành lang  tả hữu, hành lang cũng được lợp mái ngói để người đi lại khi mưa nắng. Hậu đình quy mô nhỏ hơn Tiền đình, chiều ngang bằng nhau nhưng chiều sâu thì ngắn hơn nhiều chừng 5m, cột, kèo và độ cao đều thấp và nhỏ hơn.

Tuy nhiên, hậu đình có đặc biệt là nơi có điện thờ  nhưng không phải thờ Phật vì không thấy có tượng Phật bà quan âm mà chỉ có  khá nhiều tượng ông bụt bán thân đầu đội mủ như vỏ quả na? Đặc biệt nữa là mái đình hạ được cuốn vòm, không rõ người xưa đã dùng chất liệu và kỹ thuật gì? Vì vào thời đó chưa có xi măng và thép xây dựng. Trên vòm được vẻ màu các hoa văn, hình chim thú, cỏ cây, hoa lá rất sắc nét và hài hoà về không gian, hình khối và tông màu. (hoạ sĩ hiện nay không dễ làm được). Nếu như  tiền đình có không gian mở, rộng rãi, phóng khoáng thì hậu đình ngược lại, bước vào đây có cảm giác thâm nghiêm, u tịch, bọn trẻ chúng tôi chơi ngoài  đình tiền, ít đứa dám vào đình hậu.

 
 
Cũng cần nói thêm về khuôn viên đình, phía trước và 2 bên đình là đất trống, không có tường bao che (không gian mở) sân đình khá  rộng, trước đây mỗi khi có đoàn chiếu bóng lưu động về phục vụ đều chọn sân đình làm điểm chiếu. Trước sân đình có ao sen lá xanh biếc, nở hoa thơm ngào ngạt (không biết nay còn sen không?)

Trong thời chống Pháp, nghe đâu đã mấy lần giặc càn vào làng định đốt đình mà không hiểu sao đình vẫn vô sự. Nhưng rồi, vào năm 1972, máy bay Mỹ đã ném bom phá hoại, nay chỉ còn lại là phế tích với 2 cột trụ như  lưu giữ một  thời quá khứ. Thật là đáng tiếc. Trong thâm tâm những người con xa quê hương như chúng tôi, đình làng mãi mãi là một biểu tượng của tiền nhân, niềm tự hào của bao nhiêu thế hệ. Không ít lần anh em chúng tôi vẫn bảo nhau rằng giá như xã nhà có ý tưởng tôn tạo lại di tích này hẳn sẽ nhận được sự đồng tình của đông đảo cháu con. Và việc này chúng tôi trộm nghĩ là không quá khó vì cha ông chúng ta ngày xưa còn khó khăn hơn vạn lần mà vẫn làm được ngôi đình hoành tráng như thế kia mà?

Tác giả bài viết: Lương Duy Thắng