Ký ức về chùa Phúc Tự

Theo "Lịch sử Việt Nam đại cương " thì vào khoảng thế kỉ XIV- XV ( làng ta hình thành trong giai đoạn này ) đạo Phật rất phát triển, làng xã đua nhau xây cất chùa chiền. Làng Lệ sơn không ngoài số đó - chùa Phúc Tự (cũng là tên của xóm mà ngay cái tên đã mang hơi hướng, màu sắc phật giáo). Trong ký ức của tôi, ngôi chùa vẫn hiện hữu với nhiều cật vấn chưa được lý giải: Chùa được xây dựng vào năm nào, do ai đề xướng và bỏ tiền của ; có nhiều sư sải, phật tử không? Và chùa lấy tên xóm hay xóm lấy tên chùa?

Bài viết liên quan đã đăng:
1.
Chùa Phúc Tự của tác giả Lương Duy Niệm

Ký ức về chùa Phúc Tự

Chùa Phúc Tự, xây cất trên một gò đất rộng chừng 1 sào Trung bộ, gò này cao hơn măt ruộng đồng Chùa  trên 2m, phía trước là cánh đồng Chùa , xa xa là con Hói  đầu nguồn nên nước từ khe chảy ra quanh năm ; phía bên phải chùa là đất trống trồng tre có tên lùm Lả Lả. Nói chung, vị trí chùa là nơi cao raó, yên tĩnh, xa dân cư . Chùa được xây dựng với quy mô vừa phải, không chạm trổ, cẩn sứ hoa lá rồng phượng gì nhưng kết cấu thì khá kiên cố: Nhà 3 gian, bố trí theo lối như nhà ở của dân: tiền khách hậu chủ .Cột  kèo bằng gỗ tốt; tường xây bao 4 phía ( không nhớ là bằng đá hay gạch ) sân chùa khá rộng (có lẽ rộng bằng nửa sân đình làng).

Mặt tiền, phía trước sân chùa là cổng tam quan ( 3 cửa ) cửa chính giữa rộng, 2 cửa bên hẹp hơn, 1 người đi lọt. Cổng tam quan cao hơn chùa, trên cao có gác chuông  nhưng không hiểu vì sao tôi nhớ quả chuông đồng không treo ở đó mà treo thấp trên một nhánh  cây bòng  già phía trước chùa. Chuông chùa kêu to, bọn trẻ chúng tôi đùa nghịch không dám gỏ chuông vì chỉ lấy tay vỗ vào núm chuông thôi cũng đã cất tiếng  ngân "co..ong " kéo dài cả phút , không biết hiện nay chuông nằm ở đâu, còn hay mất?

 Còn nói về  việc thờ phụng trong chùa, nếu tôi nhớ không nhầm thì phía trong chính giữa, có điện thờ khá cao, hình như làm 2 bậc thì phải .Bậc trên có đặt một tượng Bụt bán thân, đầu đội mủ  như vỏ quả na, mặt nghiêm nghị, hình như tượng được làm bằng đá đẽo vì không thấy sơn phết gì ( nếu bằng gỗ). Bệ dưới thì nhiều tượng bụt dung mạo như tượng bụt lớn nhưng được thu nhỏ. Lớn lên, từng vãn một số chùa trong Nam ngoài Bắc, điều lạ  là các chùa đều thờ tượng  Phật Bà Quan Thế âm, trong khi chùa Phúc Tự thì không. Thời tôi ở làng , chùa đã bỏ hoang  không có sư sải, không có phật tử hay bá tánh cúng bái, nên đó là  nơi sinh hoạt của thiếu nhi Phúc Tự do anh Liên ( con ông Uyển) phụ trách.

Ngay hồi đó tôi đã  có suy nghĩ là tại sao người ta lại xây cái nhà này rồi bỏ hoang? Bây giờ thì tôi tự lý giải rằng ( không biết có đúng không ) : Xa xưa, một bộ phận cư dân Lệ Sơn , nếu không là phật tử thì cũng mộ đạo, lễ, tết , ngày rằm mồng một cũng có lên chùa cúng bái.Trụ trì chùa và sư sải thì có lẽ không phải là người làng vì làng ta có truyền thống hiếu học, cha mẹ nào cũng mong muốn con cái học chữ, không ai muốn con đi tu. Còn tại sao Chùa trở thành hoang phế và nay đã không còn vết tích ? (nghe đâu đã có người làm nhà ở trên nền chùa ). Điều này không nên nhắc lại vì nhận thức con người vào thời điểm đó, giai đoạn lịch sử đó phải như vậy! Thật đáng tiếc, khi bây giờ chùa chiền khắp nơi đang đua nhau trùng tu, trở thành những điểm tham quan du lịch hoặc sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn …

1

Nói về Chùa Phúc Tự, không thể không giới thiệu cái giếng nước- giếng Chùa, nằm cạnh chùa nhưng ngoài khuôn viên. Giếng được xếp khan đá cục cỡ quả mít , từng lớp sâu chừng 5-6 m. Nước giếng rất trong và lạ là không bao giờ cạn hoặc vơi kể cả vào năm hạn hán .Trước đây, khi còn tập quán ăn uống bằng nước sông, thì những  khi nhà có đám  hoặc những tháng nắng nước triều lên cao làm sông Gianh bị mặn, người  xóm ngoài phải vào giếng Chùa lấy nước.

Người dân thôn Phúc tự ( xóm trong ) rất tự hào với địa dư của mình, nên có câu ca rằng : 

   "Nước giếng Chùa vừa trong vừa mát

    Đường xóm Chùa lắm cát dễ đi…"

Tác giả bài viết: Lương Duy Thắng