Truyền thống hiếu học trên đất làng cổ Lệ Sơn

Thêm một tư liệu quý về truyền thống hiếu học con em Làng lệ Sơn của cố nhà giáo Lương Ngọc Đệ.
 
SỰ HỌC VÀ NÉT MỚI TRÊN ĐẤT LÀNG CỔ LỆ SƠN

Du khách nhiều nơi đến đây đều đặt tên cho làng Lệ Sơn xã Văn Hóa ngày nay là đất học. Mang được huyền thoại ấy có lẽ xuất phát từ thực tế lịch sử từ ngày thành lập làng năm 1471 đến nay. Hồi ấy khi Ông Lê Văn Hành người từ Kinh Bắc đầu tiên vào khai phá lập làng, và sau một thời gian ông lại ra tại đất Thăng Long mời cho được vị Đại học sỹ Quốc Tử Giám, Giám sinh Trần Cảnh Huống về dạy học mở mang dân trí cho con cháu. Về sau Ông trở thành vị thị tổ họ Trần cùng nhau tiếp tục mở mang bờ cõi theo hướng của nhà nước Đại Việt, từ đó sự học ở làng Lệ Sơn ngày một phát triển. Chuyện kể rằng: Thầy trò ông Trần Cảnh Huống sau các buổi học đã cùng nhau gánh đất đắp nên những mô hình chính giữa làng tạo ra cảnh quan sư phạm. Chính giữa là đĩa nghiên trên 5000m2 nay là nhà thờ Tổ họ Trần uy nghi kính cẩn bao quanh là vườn cây cổ thụ đủ loại chim về làm tổ thành đàn ríu rít cả đêm ngày. Phía đông là mô hình chiếc bút lông thon thả 1000m2 gác tháp bút lên dĩa nghiên lấp lánh ánh mực xạ. Phía Bắc là hòn mực trải dài trên 500m2 – phía Nam là hòn son tròn trĩnh 500m2. Nay vẫn còn dấu tích một thời sư phạm tuy thô sơ nhưng phần nào đã gắn việc học với lao động chân tay. Thời bấy giờ nhiều người dân Lệ Sơn, nam cũng như nữ đến để học thuộc sách Tam Tự Kinh và sách Minh Tâm Báo Giám bằng chữ Hán Nôm...phần nào được gọi là xóa nạn mù chữ. (Theo Quảng Bình non nước của Ông Nguyễn Tú)

Cùng với việc xây dựng nếp sống ăn ở lành mạnh thủy chung lịch sự có văn hóa nên qua các triều đại phong kiến làng cổ Lệ Sơn đều được xếp đứng đầu “tứ danh hương” (Sơn – Hà – Cảnh – Thổ) phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Ở chốn học đường khoa bàng cao siêu nhiều con cháu của làng đã dùi mài kinh sử tham gia  khoa cử, đậu cử nhân, tú tài...được bổ làm quan xây dựng đất nước. Thời vua Minh Mạng Lệ Sơn có hai anh em cùng khoa thi đều đậu cử nhân: Anh là Lê Thời Tập đậu giải nguyên, em Lê Huy Tuân đậu Á Nguyên. Cả hai anh em đều được nhà vua đề bạt làm quan Án sát các tỉnh phía Nam. Dân gian có thơ ca ngợi:

                                                 Khôi nguyên á giải đồng khoa
                                              Đồng triều phiên miết một nhà anh em.

Có gia đình cả ba đời đều đã làm quan nhờ sự học mà nên. Cha Lê Duy Dy chức Tuần vũ, con Lê Duy Đính chức tham biện, cháu Lê Duy Bính hai bằng cử nhân chức đốc học Thư tịch Quốc tử giám – Hàn Lâm viện thị giảng – Nhà vua tặng Quang lộc tự khanh thời nhà Nguyễn.

Ngày nay được sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo kế thừa truyền thống học hành khoa bảng của tổ tiên, hội khuyến học xã nhà không ngừng phát triển chăm lo động viên khuyến khích con cháu học tập và rèn luyện đạo đức làm người. Hầu hết con cháu đúng độ tuổi đều được vào học từ mầm non, tiểu học đến cấp 3. Trung học phổ thông đạt tỷ lệ phổ cập 100% theo độ tuổi. Hàng năm đều có học sinh giỏi của Lệ Sơn tham gia đội ngũ thi học sinh giỏi các môn văn hóa của huyện, tính từ tiểu học đến cấp 3 phổ thông. Có cháu Trần Thị Vân lớp 9 đạt giải quốc gia, một số cháu học giỏi bậc cao đẳng, đại học được nhà trường giữ lại đào tạo giảng viên tương lai. Một số cháu được nhà nước chọn đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài như Lương Văn Tuấn, Lương Kiên Cường, Trần Hữu Dũng...Theo nhà báo Nhật Văn, Báo Quảng bình số 193 ngày 25-09-2009 thì hiện nay làng Lệ Sơn đã có trên 600 người đỗ bằng cử nhân, trên 30 vị giáo sư tiến sĩ, và gần 800 giáo viên đang giảng dạy từ cấp tiểu học, trung học cơ sở đến cấp 3 và đại học cao đẳng.

Có chữ ắt có nghĩa, nếp sống văn hóa của làng xã được nâng lên rõ rệt. Toàn xã 100% nhà ngói tường xây nền cao chống lụt. Đường trục chính của xã cũng như các thôn được đổ bê tông,  theo kế hoạch năm 2010 sẽ khép kín toàn bộ đường sá xã thôn bằng bê tông vững chãi. Trước đây Lệ Sơn chỉ sản xuất một vụ Đông – Xuân rồi ăn dè dặt cả năm, nay nhờ tu sửa công trình thủy lợi vụ hè thu mỗi năm thêm 180 tấn lương thực cho toàn xã, đời sống mọi mặt được đổi mới từng ngày.

Mời bạn hãy về đây mà xem con người và cảnh vật của Lệ Sơn! Trong lòng dãy núi 99 chóp biết bao là hang động kỳ thú quyến rũ du khách mà chưa khai thác. Động Chân Linh nơi cô tiên nữ thường xuyên xuống tắm rồi xin định cư lâu dài được nhà vua phong “ Thượng đẳng thần” nguy nga tráng lệ như một cung điện rực rỡ trăm màu và dãy Khe Trốông luồn sâu chân núi. Ta bước vào nghe từng hồi chiêng trống nổi lên ròn rã như chào đón du khách. Qua bãi cát vàng chừng 300mét ta sẽ gặp “dĩa bánh ngào mật” năm viên tròn trĩnh trên bàn thạch quanh năm chờ đón khách xa. Hai bên thành thạch nhũ tạo nên nhiều hình tượng kỳ thú.

Trong hoàn cảnh chưa có điều kiện khám phá tận tường nên theo một số cụ phán đoán thì Khe Trống có thể vào tận huyện Minh Hóa nối liền với hang động xã Tân Hóa tạo thành một quần thể lớn. Rồi còn hang Oong ba buồng theo bậc cao thấp rộng lớn. Mỗi buồng là một không gian có ánh sáng soi rọi. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bệnh viện Đoàn 559 đã đặt ở đây 60 giường bệnh cứu chữa cho bộ đội ở mặt trận B về điều trị. Nhiều đợt rất ác liệt 1967-1968 giặc Mỹ dùng bom điều khiển bằng laze bắn phá hang Oong nhưng không sao phá nổi. Dưới chân hang động có khe nước trong vắt giúp việc chưng nước cất những lúc tắc đường giao thông vì bom Mỹ đánh phá. Nhiều vị sĩ quan quân đội đoàn 559 nhờ cơ sở hang Oong mà sức khỏe mau bình phục sớm trở lại đơn vị tham gia đánh giặc cho đến ngày toàn thắng 30-04-1975 lịch sử.

Hiện nay trước mặt hang Oong di tích lịch sử là nhà máy xi măng 2 triệu tấn/năm của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Việt nam đang khởi công xây dựng khu định cư mới cho 60 hộ dân thôn Xuân Hạ. Máy xúc, máy đào, xe ben, xe tải...hối hả thi công náo động cả một vùng rộng lớn nằm giữa ba phía núi đồi và dãy lèn đá vôi 99 chóp huyền thoại. Nhiều hàng quán đã và đang mọc lên tấp nập khách mới. Một đô thị mới khó sầm uất sẽ mọc lên ở làng cổ Lệ Sơn. Nhiều mặt hay mặt đẹp đang nhen nhóm cho thơ ca, nhạc họa sau lũy tre làng Lệ Sơn vạn vật:

                            Anh cùng Em về thăm Lệ Sơn

                            99 ngọn non xanh nước biếc

                            Mảnh đấy nghèo mà giàu truyền thuyết

                            Bao danh nhân sự tích anh hùng

                            Như bao làng quê nhỏ miền Trung

                            Bóng lung linh dòng sông trẻ mãi

                             Lệ Sơn ơi! Hãy vươn mình đi tới

                            “Tứ danh hương” đang vẫy gọi mỗi con người

Tác giả bài viết: Cố nhà giáo Lương Ngọc Đệ (Tiêu đề bài viết do BBT đặt)