Giếng Hồ, một thời xa vắng

Sau bữa cơm chiều, tôi tha thẩn một mình trên con đường vắng đi ra Đồng Rộôc. Những con đường của Xóm Bàu đã gắn bó một thời tuổi thơ tôi. Mỗi lần về thăm quê, tôi vẫn thích thú tản bộ trên những con đường nhỏ thân thương ấy.
Hoàng hôn buông xuống, bóng tối như ngưng đọng lại trên từng ngọn cây trong các khu vườn tươi tốt. Hàng cau đứng im phăng phắc, lùm tre thôi xào xạc, chim chóc mải miết theo nhau bay về lèn tìm chốn ngủ. Đường quê vắng vẻ hiện lên cảnh vật thanh bình yên tĩnh của một vùng thôn quê. Sau một ngày làm việc vất vả ngoài đồng, giờ ai đã về nhà nấy, quây quần sum họp bên mâm cơm, ấm áp cảnh gia đình. Cánh Đồng Rôộc lãng đãng màn sương trắng, giếng Hồ đứng đơn côi , buồn bã, không có lấy một bóng người. Bỗng nhiên bao kỷ niệm năm tháng chợt ùa về trong ký ức của tôi…
 

Ảnh Giếng Hồ xóm Rooc - Thuộc Bàu Sỏi

Cách đây gần 40 năm, giờ này giếng Hồ đông vui lắm. Dân cả xóm Bàu giờ đây đã tập trung chật kín xung quanh giếng. Người người đua nhau đi gánh nước, tắm rửa giặt giũ. Xung quanh giếng râm ran câu chuyện các bà các chị, tiếng la hét inh ỏi, nghịch ngợm của lũ trẻ con, tiếng gàu va chạm vào thành giếng, tiếng ọ ẹ của mấy con bò được uống nước mát…quanh giếng tràn ngập tiếng nói, tiếng cười, đông vui như hội. Lũ trẻ tắm truồng tồng ngồng, các chị các bà tranh thủ dội nước cho mát rồi để nguyên quần áo, gánh nước về nhà. Cả đồng Rộc có tới 4 cái giếng đều đông kín người, nhưng đông nhất vẫn là giếng Hồ. Giếng ông Lầu, ông mẹt Thinh, mệ Nọi số người tắm ít hơn, nhưng cũng rất vui, cả đồng Rộc râm ran tiếng nói cười, ồn ào náo nhiệt. Tối nào cũng vậy, dân xóm Bàu cứ sau giờ làm việc lại tập trung về các giếng, riêng giếng Hồ nước không bao giờ cạn. Thành giếng xây cao, xung quanh có láng xi măng, có một cái bể cạn nhỏ để giặt ,rất sạch sẽ,mạch nước dồi dào, nước giếng trong mát tắm khỏe cả người. Đó là một niềm vui lớn mà chúng tôi coi giếng Hồ như Thủ đô của xóm Bàu ngày xưa.
 

Ảnh Giếng Hồ xóm Rooc - Thuộc Bàu Sỏi

Hôì đó, cả xóm Bàu đều ăn nước giếng Hồ, chưa ai có giếng riêng. Gánh nước là công việc nặng nhọc, vất vả nhưng lại đặt lên vai của người phụ nữ. Từ bà cố bảy tám mươi đến các chị, các o, đến các em bé gái 14,15 tuổi. Không thấy đàn ông gánh nước bao giờ. Gánh nước vừa nặng vừa khó. Nếu đi không đúng nhịp, về đến nhà chẳng còn giọt nào, nhiều ông lóng ngóng còn làm vỡ cả trình, mà trình thì đắt lắm, lại khó mua, nên các ông được miễn. Chỉ có phụ nữ là làm tốt nhất công việc này. Con gái xóm Bàu ngay từ nhỏ đã được bà và mẹ tập cho cách gánh nước 13,14 tuổi đã tập gánh, lúc đầu gánh ít, về sau gánh nhiều dần lên, cho đến khi trở thành thiếu nữ gánh nước thành thạo, có bước đi uyển chuyển, duyên dáng phải mất 3,4 năm. Nhiều o đẹp lại gánh nước có duyên nên rất nổi tiếng xóm Bàu như o Nhượng, o Hân, o Thanh, o Trà, o Vỵ, o Lý…. . Gánh nước ngoài vẻ đẹp hình thể còn là tiêu chí siêng năng, thước đo phẩm hạnh của các o biết thương yêu giúp đỡ cha mẹ, o nào hay đi gánh nước cũng được bà con khen ngợi. Khi đã thành thiếu nữ các o cũng được bố mẹ sắm cho bộ đồ gánh nước đẹp hơn, 2 cái trình phải tròn đều,không được méo.
 

Ảnh Xóm anh Muôn (Bàu Sỏi)

Trình có màu da lươn óng mượt mua tận Lò Độôc hoặc Thọ Linh. Gióng thắt bằng mây Sụ Nghệ, đòn triêng làm bằng tre đực già, chặt tận trên lưng lèn đá Lệ sơn. Triêng, dóng được xông khói 3 năm rất bền, dẻo dai , chịu nước . Hồi đó nhà ai có cặp thùng làm bằng ống pháo sáng, được coi là nhà giàu rồi. Cả xóm may ra có một hai nhà có mà thôi. Chiều chiều trên con đường thôn trang rợp bong tre xanh,từng toán các thôn nữ áo nâu, quần phíp má đỏ hây hây, tóc dài chấm lưng thon, với chiếc nón che nghiêng, yểu điệu, duyên dáng gánh nước trên vai ,vừa trò chuyện vui vẻ rất nên thơ , gợi cảm :

Nước giếng Hồ vừa trong, vừa mát
Gái xóm Bàu vừa trắng vừa xinh
Tóc dài, da trắng lưng thon,
Ai vô đến đó thì không muốn về.

Những đêm trăng sáng, giếng Hồ là nơi hò hẹn của biết bao đôi lứa tình tự . Bao lớp thanh niên rủ nhau đối đáp những câu hò vang vọng khắp làng quê yên ả một thời. Cô bạn gái bé nhỏ của tôi, với búi tóc đuôi gà, gánh nước đi qua nhà tôi, làm trái tim tôi bồi hồi xao xuyến. Kỷ niệm êm đềm theo năm tháng mãi không bao giờ quên được.

 

Ảnh Xóm Thầy Tâm (Bàu Sỏi)

Mùa mưa rét gánh nước rất vất vả. Phải gánh 5,6 gánh mới đổ đầy chum vại cho bọ mạ. Chân các o phải bấm xuống đường trơn trượt đau nhói. Có mệ cố gánh nước cả đời, chân tòe ra như chân giao chỉ. Ở xóm Bàu mọi gia đình đều có ít nhất 3 đời gánh và ăn nước giếng Hồ. Mùa hè , nước giếng Hồ trở nên giá trị, đi làm về ,trời oi bức, múc một gáo nước trong chum trong vắt , ngửa cổ uống ừng ực mát, khỏe cả người.

Biết bao người con xóm Bàu đã lớn lên khỏe mạnh , tắm mát, ăn uống bằng nước giếng Hồ,nay đã là bác sỹ, kỷ sư, sỹ quan, thầy giáo…, biết ơn ông cha đã tìm ra mạch nước nguồn trong mát cho bao thế hệ con cháu. Trong khi nhiều nơi khác, cho đến tận ngày nay vẫn dùng nước ao hồ ô nhiễm , mất vệ sinh, con cháu lớn lên với bao bệnh tật ,giun sán trong người . Thế mới biết cái tâm đức của ông bà Tổ tiên để lại cho chúng ta lớn chừng nào. Ai là người đã khảo sát mạch nước, chọn địa điểm, thiết kế kiến trúc , đào, xây nên giếng ? Lịch sử giếng Hồ đến nay vẫn còn là một ẩn số.

 

Giếng Hồ, biểu tượng cho sinh hoạt cộng đồng một thời ở thôn quê, là bộ 3 “ CÂY ĐA – GIẾNG NƯỚC – SÂN ĐÌNH” đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng lâu đời thuần hậu, trong sáng, vô tư ,vui vẻ rất đáng yêu ở xóm Bàu, đã mất đi vĩnh viễn. Hệ thống giếng đồng Rộôc đã bị san lấp hết, chỉ còn lại giếng Hồ. Ngày nay, nhà ai cũng đào giếng riêng. Cho dù nước không ngon họ cũng dùng vì tiện lợi. Giếng Hồ đứng sừng sững một mình giữa đồng Rộôc lẻ bóng cô đơn, trơ gan cùng tuế nguyệt. Nhìn xa như phế tích của một pháo đài cổ, nhân chứng cho một thời đã qua. Cái thời nhờ có nó mà con người trong thôn xóm gắn bó với nhau, hòa đồng , tinh thần vui vẻ. Nay ai về nhà nấy, kiểu sống như chui vào vỏ ốc, tuy thực dụng và tiện lợi nhưng những mất mát đi các giá trị tinh thần nhân văn trong sáng, những nét đẹp có tự ngàn đời, thì không phải ai cũng nhìn thấy được.

Giếng Hồ kỷ niệm một thời đã mãi mãi lùi xa. Giếng Hồ, một thời xa vắng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Lâm