Chiếc bình vôi

Bài viết về chiếc bình vôi, một kỷ vật thân quen của người Lệ Sơn của tác giả Trần Hữu Danh, cháu ngoại cố nhà giáo Lương Ngọc Đệ
1. Mệ kể rằng khi về làm dâu nhà họ Lương đã thấy mệ cố sử dụng cái bình vôi. Trải qua tháng năm, với bao lần dọn, di chuyển nhà do chiến tranh phải tản cư về dưới Hạ Trang, làm nhà mới… nhưng chiếc bình vôi vẫn theo sát cuộc đời của mệ. Đất Lệ Sơn không chỉ nổi tiếng bởi quê hương của xứ vải mà còn nổi tiếng với nhiều đặc sản có tiếng trong vùng, mà cau trầu Lệ Sơn là tiêu biểu trong số đó.
 

Quả cau Lệ Sơn không to, có hình thon thon. Trầu Lệ Sơn lá không to nhưng nhọn mà dày. Quyện lẫn trầu, cau và vôi trắng làm nên thứ hương vị cay cay, nồng nàn, đỏ thắm trên môi của những nam thanh nữ tú, làm ấm thêm sự tích trầu cau.

Chiếc bình vôi bằng sành được nung từ đất, có 2 con rồng ở trên, đầu hướng ra hai bên, đuôi rồng kết lại với nhau thành tay xách. Qua nhiều lần di chuyển và sơ ý trong bảo quản nên cái tay xách đã bị gãy. Nhưng cái miệng bình vôi nhô ra và dày lên theo năm tháng thành vòi như miệng chiếc bình trà. Tầng chất thời gian đã làm dày thêm miệng bình. Có lẽ tuổi đời của chiếc bình vôi ngót nghét trên dưới 200 năm. Mệ phải nhờ mự Dinh dùng dây điện buộc lại thành tay xách. Bên chiếc bình vôi bao câu chuyện vui buồn của c càộc sống càng thắt chặt tình cảm bà con xóm giềng nơi mảnh đất khó nhọc nhưng luôn ắp đầy tình người. Chiếc bình vôi chỉ nằm ở góc nhà, trên sập gỗ một cách vô tri, vô giác, vậy mà lại là người bạn thủy chung, son sắt, song hành suốt cuộc đời mệ.

2. Về làm dâu nhà họ Lương hôm nay đã bước qua năm thứ 71, cũng vừa lúc mệ ngoại đã ngoài 91 tuổi. Vốn gốc gác từ Quảng Thanh, Quảng Trạch, cố ngoại lên lập nghiệp ở mảnh đất Lệ Sơn. Phải duyên ông ngoại, mệ về làm dâu ở thôn Phúc Tự từ thưở hai mươi. Tuổi thơ mệ không được học hành, con chữ không biết mặt mũi ngược xuôi thế bởi thế thời và gia cảnh, nhưng những tinh hoa của con gái Lệ Sơn như đã quyện và thấm sâu vào hồn mệ. Quanh năm tảo tần bên lũy tre làng, một tay mệ vất vả ngược xuôi nuôi dạy con cái trưởng thành. Nay dù tuổi đã 91, nhưng mệ vẫn còn minh mẫn, tinh anh vô cùng.

Bất luận nắng mưa, thời tiết dỗi hờn, sáng sáng mệ vẫn dậy sớm, xách làn đi chợ. Chợ ăn vào tâm thức mệ cũng như bao người dân khác và trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần thường nhật ở làng quê Lệ Sơn. Từ rau ráng vườn quê và cá, tôm từ dòng Gianh, qua bàn tay chế biến tài hoa của mệ đều đã trở thành những món ăn có thương hiệu. Khách thương ghé nhà dù chỉ một lần thưởng thức những món ăn mệ nấu đều tấm tắc và nhớ mãi. Nay gia sản lớn nhất của mệ là 13 đứa cháu, 15 đứa chắt. Đứa thì thích dấm chua, đứa thì cá kho, đứa thì sườn rim… mệ đều thuộc và chiều theo ý thích của từng đứa. Ấy vậy mà mỗi khi có con cháu về thăm, mệ tất tả sớm khuya để tìm và chiều theo ý thích từng đứa.

 

 
Là cháu đầu lòng của cả nhà, được sinh ra trong căn nhà nhỏ ắp đầy tình thương, mình được chăm chút, nuôi dưỡng, cưng nựng trong sự yêu thương của ông mệ, cậu, dì, nhưng trong đó nhiều nhất vẫn là mệ. Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời là được sống với ông mệ 2 năm. Dù đã ngoại tứ tuần nhưng mỗi lần về quê ngoại, mình rất muốn được sà vào lòng mệ để được mệ vuốt ve, ru những câu hát thuở còn trong nôi. Giờ đây mái tóc của mệ đã bạc theo tháng năm nhưng nhưng độ minh mẫn và tinh anh đáng phải để con cháu ngưỡng vọng. Quả thật mệ xứng với truyền ngôn “Trưởng bại, thứ thành, hôn vinh, nữ nhục” (Con trai đầu thì không thành, chỉ có con thứ mới thành đạt, con dâu thì vinh hoa, con gái thì không may mắn, thành đạt) mà tiền nhân họ Lương đã răn tự bao đời.

Cầu mong mệ sức khỏe, sống lâu trăm tuổi để con cháu được hưởng cái phúc, thỏa sức vẫy vùng trong tình cảm yêu thương vô bờ và hồn cốt thấm đẫm tình quê của mệ.

 

Có lẽ chiếc bình vôi và mệ ngoại là 2 di sản còn lại và trở thành “cổ vật” có niên đại lớn nhất của gia đình cho đến thời điểm này.

Tác giả bài viết: Trần Hữu Danh