Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, hồi ức về những ngày tháng gian khổ

Hồi ức về những ngày tháng gian khổ qua những câu chuyện đời thường của tác giả Nguyễn Thanh Lâm
Bài viết liên quan cùng tác giả đã đăng
1. Tấm lòng của một Thầy giáo



Cũng như bao gia đình Lệ Sơn khác, gia đình tôi cũng có truyền thống làm nghề nhà giáo. Ông nội sinh 4 người thì đã có 3 người là giáo viên. Làng Lệ sơn đa số gia đình đều như vậy, nên được gọi là Làng giáo viên, Làng Nhà giáo. Đó là một trong những truyền thống tốt đẹp, đầy tự hào của mỗi người con Đất Lệ.Truyền thống này nổi tiếng cả nước, không phải làng xã nào cũng có được. Nhưng mọi điều có phải tự nhiên mà có không?. Xin thưa:

- Không, tuyệt nhiên không !

Giữ được truyền thống đó,mỗi thầy cô giáo Làng Lệ Sơn đã trải qua những năm tháng gian khổ không thể nào quên trong cuộc đời mình để bám nghành, bám nghề.trung thành với lời tuyên thệ của người giáo viên nhân dân. Với sự nghiệp cao quý: Sự nghiệp TRỒNG NGƯỜI.

Tôi biết nhiều nơi trong những ngày tháng khó khăn gian khổ ấy, thầy cô giáo bỏ nghề hàng loạt, đi làm việc khác nhiều tiền hơn. Nhưng theo như riêng tôi biết, ở Làng Lệ sơn thì hầu như không có chuyện đó. Ít nhất là từ trước những năm 1990.

Chú tôi là giáo viên đã về hưu, năm nay đã 76 tuổi, cuộc đời của chú cũng lắm truân chuyên. Học sư phạm ra trường năm 1963, đi dạy ở Minh hóa được mấy năm thì có giấy gọi lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam năm 1969, đánh nhau ác liệt hàng chục trận ở chiến trường Lào, chiến dịch Lam sơn 719, Thành cổ Quảng trị 81 ngày đêm đỏ lửa, mà vẫn thoát chết trở về được với vợ con rồi quay lại làm nghề thầy giáo. Vợ con chú mừng lắm, đi bộ đội ở miền Nam ra ,không chết là mừng lắm rồi. Nhưng số chú vất vả, về dạy học một thời gian chưa lâu thì thím lại ốm đau triền miên, thím mất đi để lại đàn con thơ cho chú với cảnh gà trống nuôi con vô cùng cực khổ. Cái cảnh chú đội nón rách,người co dúm lại vì đói, rét, gầy gò, ốm yếu, cho bò ăn cạnh đường quan bên Tiến hóa dưới trời mưa phùn gió bấc, rét căm căm sau mỗi giờ lên lớp cứ ám ảnh tôi mãi đến bây giờ.Thương chú lắm nhưng mình cũng nghèo nên chẳng giúp gì được. Hồi ấy cả nước đều khổ. Ai cũng khổ cả. Bộ đội, Nông dân, công chức có cái khổ riêng, nhưng thầy cô giáo khổ thì có cái gì xót xa lắm, không sao tả được. Bố tôi cùng các thầy cô Trường cấp 3 Tây Quảng trạch hồi đó cũng rất khổ
.
Hôm nay về thăm chú ở Hà công ,thấy hoàn cảnh chú đã khá hơn, con cháu đã xây dựng gia đình, chú cũng đã về hưu nên đỡ vất vả , tôi mừng cho chú lắm. Sẵn có quán nhậu cạnh nhà, tôi mời chú và mấy đứa em làm một bữa cho vui vẻ. Nhưng chú lại không ăn được mấy, do răng yếu , vả lại sức già cũng chẳng háo hức với việc ăn uống nữa. Mấy anh em chúng tôi ăn uống no say, ôn lại một thời cực khổ.

Tôi nhớ, hè năm 1978 đơn vị cho về phép thăm quê, tôi ghé vào trường cấp 3 Tây Quảng trạch nơi ba tôi dạy ở đó .Khu trường đóng trên vùng đất chân rú Hà công với hơn 10 lớp học mái tranh thấp lè tè, trét mền đất một màu xám xịt ,đứng buồn bã dưới tán bạch đàn.Tôi bước vào phòng Giám hiệu, các thầy cô đều đi dạy vắng hết cả. Đập vào mắt tôi là câu khẩu hiệu viết bằng phấn trên xà nhà khá nắn nót : “Hãy gắng sống cả những khi không thể nào chịu đựng được nữa!” – PavenCoosaghin.

Một thầy giáo dẫn tôi xuống nhà ba tôi ở. Đó là một căn phòng bằng mền đất mỗi bề rộng chừng 3 mét. Bên cạnh kê một cái kiềng sắt 3 chân trên có độc một cái xoong nhôm nhỏ đen thui, ám khói dưới đáy bếp là than mun đã tàn lạnh từ lâu. Chắc đây cũng là cái bếp luôn. Thầy giáo chỉ vào cái xoong rồi nói:

- “Bữa trưa của ba mày đấy !”, rồi thầy thất thểu đi ra.

Tôi bỏ ba lô , nhấc cái nắp xoong lên, trời ơi, trong xoong là chục củ khoai rẹn còn non choẹt đã được luộc chín từ lâu, lạnh lẽo. Tôi như muốn khụy xuống vì quá xúc động, đây là bữa trưa của ba tôi ư ?. Có một cái gì như cục nghẹn chẹn ngang cổ họng và ngực tôi như muốn vỡ tung ra từng mảnh Trong lòng bỗng nhiên trào lên một cảm giác uất ức, nghẹn ngào, thương xót, rất khó tả , vì sao tôi cũng không biết, nó thoáng qua rất nhanh. Rồi như một cái máy, tôi lục ba lô, lấy ra gói bánh quy duy nhất mua làm quà cho mấy đứa nhỏ, bóp vụn trộn vào nồi khoai, đổ thêm ít nước lã, đun sôi lên quấy thành một thứ súp loãng.

Trong lòng cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút vì sáng kiến của mình đã làm tăng thêm dinh dưỡng cho bữa ăn trưa của ba tôi. Ba tôi về sau giờ giảng bài với dáng mệt mỏi, ông hỏi :-“ Con mới về à !”- rồi nằm ngay xuống cái chõng tre ọp ẹp vì quá mệt, có lẽ một phần vì tuổi cao sức yếu, một phần vì buổi sáng phải nhịn đói .Được mấy cân gạo thì dành dụm để đưa về nuôi vợ, nuôi con . Ăn uống thì kham khổ tạm bợ qua ngày như thế .Thân hình ông tiều tụy ,ốm yếu, người gầy gò, xanh xao, cái bụng xẹp lép xuống tận lưng, cái ót phía sau lõm xuống, hai mắt trũng sâu và tóc bạc trắng . Ở nhà, mẹ tôi với mấy đứa em phải vô tận Lệ Thủy mót lúa dưới ruộng sâu, nước ngang ngực, đầy phân vịt. Rồi ra tận Hà tĩnh mua khoai về ăn. Lên Sụ nghệ hái hột sót, quả sim, hạt dẻ, trái dâu…..về ăn trừ bữa.

Tôi để yên cho ba nằm nghỉ và đi ra bên ngoài ngắm nhìn toàn cảnh khu trường, cảnh vật khá im ắng buồn bã vì học sinh đã về hết. Trước các lớp học lác đác treo mấy cái cày,cái bừa của các thầy cô để tranh thủ dạy xong cày cuốc thêm ở những khoảnh ruộng bỏ hoang gần đó, bên cạnh trường có mấy con bò cũng gầy nhom đang gặm cỏ, chắc là bò của các thầy cô. Một vài đám khoai lang đã bén rễ cố ngoi lên những cái đọt khẳng khiu , mấy đám ruộng sâu lúa cũng lên xanh non ,vô tư rì rào mỗi khi có cơn gió nồm thổi tới.

Thằng em tôi kể, có bữa bọn em đang học bài lớp thầy Canh, bỗng có đứa thấy một dòng máu đỏ tươi chảy ra ở chân thầy. Thầy cúi xuống vén quần lên rứt ra một con đĩa trâu đã no căng máu vứt ra ngoài lớp. Thầy cười nói :

-“A ! Đĩa mà dám đeo chân hạc à? Láo thật. Chắc nó đeo chân thầy lúc sáng khi thầy tranh thủ nhổ cỏ lúa đây, đồ quân hút máu. ” Cả lớp bọn em cười vang, thầy cũng cười, rứa đo. Rồi thầy trò lại hăng say tiếp tục bài học, thật vui đáo để.

Bây giờ Trường cấp 3 Tây Quang Trạch đã đôi tên thành trường cấp 3 Lê Trực. Ngôi trường mới 2 tầng ngói đỏ, tường quét vôi hồng khang trang đứng trong khuôn viên nở đầy hoa phượng vĩ giữa cánh đồng bao la bát ngát lúa xanh của xã Tiến hóa. Đàn em tung tăng vui vẻ, nô đùa vô tư sau giờ học. Các thầy cô ăn mặc trang trọng, nét mặt tươi cười, vui vẻ trao đổi giáo án cùng nhau. Xung quanh trường, thảm lúa xanh rì hứa hẹn một mùa vàng bội thu. Cảnh ấm no, thanh bình như choán lấy tâm hồn tôi. Không thấy gì là dấu hiệu của sự đói kém quanh quất đâu đây nữa. Tôi thấy một niềm vui tựa như mùa xuân đang về, đang đến bên mình, tần ngần mãi không muốn bước chân đi. Nhớ lại những năm tháng gian khổ xa xưa, bất chợt nước mắt tôi trào ra.Trong làn gió mát, dưới bầu trời xanh đầy mây trắng lững lờ trôi, mảnh đất Hà công đầy nắng ấm, bất chợt vọng lên giai điệu ấm áp, câu hát ngân nga của một thuở tuổi học trò dịu dàng và thơ mộng : “Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ. Thầy đó trường đây, bạn cũ đâu rồi…”.

Tôi bước chân đi trên con đường nhỏ, trong lòng bỗng dâng lên một niềm vui lâng lâng dạt dào khó tả với câu hát cứ vang vọng mãi trong tôi.

 
Cảm ơn ba, cảm ơn chú và các thầy cô giáo Làng Lệ Sơn đã cho chúng con bài học lớn về sự chịu đựng gian khổ,vượt khó để vươn lên trong cuộc đời này. Bài học của sự làm người trong những tháng ngày gian nan, vất vả. Bài học đó sẽ là hành trang khắc sâu trong tâm khảm cho các thế hệ mai sau.

Bàu sỏi, ngày 20 tháng 11 năm 2012
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Lâm