Rượu trong văn hóa ứng xử của người Lệ Sơn

Tôi nhớ thời còn nhỏ, các ông các bà ai cũng ăn trầu. Khách đến nhà miếng cau, miếng trầu và ấm nước chè xanh để mời nhau là không thể thiếu. Các Ông, Mệ già răng không còn nhai được thì mang theo cái cối giã trầu làm bằng “ca tút” và cái chìa ở đầu chẻ đôi như lưỡi rắn trông thật hay
Trường hợp đi chơi mà quên cối giã trầu thì nhờ ai đó nhai cho mềm ra rồi nhai lại cũng chẳng nề hà gì. Cả chủ và khách vừa nhai trầu, uống nước chè và nói chuyện sao mà thấy thân thiết thế. Đấy là ngày xưa chứ bây giờ thì khác. Ai có dịp lâu ngày về quê rồi mới biết, thay vào trầu cau là rượu, nhà nhà mời rượu. Bất cứ có việc gì, nếu có khách thì trong bữa cơm không thể thiếu rượu, rượu mời, rượu ép đủ cả. Thậm chí khách đến nhà không có gì chỉ chén rượu chay thôi cũng sai con đi mua bằng được. Không những đàn ông mà đàn bà cũng uống rượu. Có lần tôi đến thăm nhà của bạn vào buổi tan chợ, mặc dầu bác gái là giáo viên mới về hưu nhưng vừa đặt đít ngồi xuống ghế là bác đã lôi ra ngay chai rượu rót ra chén mời tôi, bác lại bảo vừa từ nhà bác hàng xóm về, bác hàng xóm mời chén rượu nên hơi “tềnh tàng” con thông cảm nhé.
Vẫn biết người ta quý nên mới mời rượu nhưng ở quê mình bây giờ rượu bị lạm dụng thái quá, từ chỗ mời rượu thay cho trầu cau đến cảnh những trung niên mới sáng đã bước thấp bước cao đi đứng không vững, cảnh những bác trai, bác gái sáng sáng tranh thủ ra chợ làm vài li rượu đứng, cảnh rượu vào lời ra xáo trộn cả cuộc sống gia đình và thôn xóm mới thấy xót xa.... Ở quê ta không ít những người chết trẻ vì rượu, theo thống kê sơ bộ cũng phải đến hơn chục người.


 
Hiểm hoạ bệnh tật từ rượu:

Ai cũng biết tác hại của rượu nhưng cũng không mấy ai xa  lạ với nó. Uống quá nhiều rượu sẽ sinh ra các bệnh liên quan đến gan, rối loạn tâm thần và hành vi, thoái hoá hệ thống thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và bệnh tim. Đó là những bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Rượu cũng làm cho con người ta trở thành nạn nhân của đa số các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, những vụ án mạng mất hết nhân tính như cha giết con, con giết cha, chồng giết vợ, và những vụ đâm chém, hiếp dâm ..... đa số đều xuất phát từ rượu. Nếu ai đó nói rằng mình là người có thần kinh thép uống rượu không say “chỉ có TIÊN TỬU” thôi thì hãy nghĩ lại vì uống rượu mang tính chất thường xuyên sẽ bị “NGU DẦN”. Các nhà nghiên cứu của Đại học Stockholm đã tìm thấy rằng uống 50g cồn hàng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn. Ước lượng có khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Trong một cơn say rượu con số tế bào não chết đi có thể lên đến 10.000.000. Đấy là nói về rượu, bia được chế biến bài bản và đúng công thức.

Hiện tại không ít nơi rượu được chế biến theo kiểu người ta cho đạm u-rê và hoá chất clo vào men (loại men Trung Quốc) để ngâm ủ, pha chế thành rượu. Đạm u-rê và hoá chất clo có tác dụng làm trắng gạo, đồng thời làm tăng khả năng phân huỷ gạo để tạo được nhiều rượu hơn, "nấu" nhanh hơn. Cũng chính vì thế mà ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong 2 năm gần đây đã làm cho gần 20 người thiệt mạng và vài chục người phải cấp cứu vì ngộ độc rượu.
 
 
Đạm u-rê và hoá chất clo được cho vào men rượu (loại men Trung Quốc, sản phẩm bị cấm lưu hành) để chế ra loại rượu cho các đệ tử lưu linh.
Tôi viết ra những dòng này không mong là bà con không uống rượu mà với trách nhiệm của một người con xa quê, chỉ mong rằng mỗi thành viên của LLS góp một vài ý kiến để cảnh tỉnh bà con; không vì rượu mà xẩy ra bạo lực gia đình tan đàn xẻ nghé, không vì rượu mà xóm giềng mất tình cảm và đặc biệt không vì rượu mà mang bệnh tật và cái nghèo nó cứ đeo đẳng mãi.

Tác giả bài viết: Lê Hồng Vượng