Truyền thuyết về Dường Cao ở Làng Lệ Sơn

Với lịch sử hơn 500 năm hình thành và phát triển, làng Lệ Sơn ẩn chứa trong mình nó nhiều huyền thoại, truyền thuyết. Những huyền thoại, truyền thuyết này dù giá trị và mức độ ảnh hưởng còn có nhiều đánh giá khác nhau nhưng đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá, tinh thần của người dân sở tại. Trong những huyền thoại, truyền thuyết đó, có một truyền thuyết nói về Dường Cao.
Người dân Lệ Sơn gọi bờ ruộng là dường - dường rọng. Vì thế, Dường Cao trước hết là một bờ ruộng được đắp cao. Chỉ có điều, từ một danh từ chung theo cách nói của dân làng, nó đã trở thành một danh từ riêng dùng chỉ một con đường, một địa danh rồi mang thêm trên mình một truyền thuyết…

Xét về vị trí, Dường Cao nằm ở phía dưới của xóm Rôộc, băng qua một cánh đồng sâu, nối liền cồn đất xóm Rôộc với cồn đất Đồng Mua, hướng vào dãy lèn đá ở bên kia đường tàu. Xét về tính chất, con đường - bờ ruộng này có một số điểm đặc biệt : Khá to, khá cao và khá thẳng. To đến mức xe tải ( của thời nay ) có thể lưu thông được. To đến mức chỉ khi có đường tàu chạy qua làng thì nó mới chịu xếp thứ hai. Cao thì hơn hẳn các bờ ruộng mà ta thường thấy ở làng. Nếu đứng ở dưới chân ruộng, mặt đường xấp xỉ đầu người. Khi có mưa lũ, nó chỉ bị ngập sau khi nhiều nơi ở bốn chung quanh đã ngập. Nó rất thẳng. Thẳng đến mức dễ có cảm giác là người ta đã bỏ mực, căng dây hai bên mép đường và hết sức nắn nót khi làm ra nó. Do được đắp bằng đất thịt nên trên mặt đường cỏ xanh mơn mởn. Một vài chỗ, vì những lý do nhất định, còn có cả cỏ tranh mọc um tùm. Đám trẻ vẫn thường cho trâu bò dừng lại hai bên vệ đường gặm cỏ. Bà con cô bác vẫn thường cho trâu bò đi qua con đường này mỗi khi mưa lớn, lũ về để tránh ngập hoặc di chuyển vào những vùng đất có địa thế cao hơn. Thuở bé, tôi vẫn đi qua con đường này, qua Bồ Bồ, vào Nát, ngồi trên bãi cỏ dưới bóng các bụi tre để đọc sách hoặc say sưa ngắm các chú chim cu-dôộc bám vào tổ, đong đưa theo gió cho đến khi nắng chiều nhuốm vàng các thửa ruộng trải dài theo uốn lượn của đường tàu. Vào tháng Ba, mùa lúa trổ đòng, hai bên đường thỉnh thoảng lại bắt gặp đám trẻ cất tép, câu rạm. Trước và sau lũ, vào chập tối lại thường gặp những người lớn đi cất rớ, tát rói, bỏ trúm, giăng câu.

Vào những đêm trời trong, trăng sáng hoặc những lúc trà dư tửu hậu, tôi đã nhiều lần được nghe các bậc cao niên ngồi nói chuyện Đông, chuyện Tây, chuyện trên trời dưới biển. Không ít lần trong số đó, tôi đã nghe nhiều người khác nhau, vào những thời điểm khác nhau nói đến câu chuyện về xuất xứ của Dường Cao.

Thực tình mà nói, câu chuyện có nhiều dị bản. Văn học dân gian là thế. Sau khi nghe rồi kể lại cho những người khác, tác giả thường “ thêm mắm thêm muối ” vào nhằm lôi cuốn người nghe, hấp dẫn người đọc và tăng thêm mức thuyết phục các nam, phụ, lão, ấu về độ “ thực ” của câu chuyện. Vì vậy, nếu không “ cô đặc ” lại, nó sẽ chiếm một tỷ lệ khá lớn trong bộ nhớ vốn là hữu hạn nhưng lại đang rất cần phải nhét thêm muôn vàn điều cần thiết hơn giữa thời gạo châu củi quế. Theo tinh thần đó, với hy vọng vẫn còn giữ được cái “ thần ” của câu chuyện, xin được bắt đầu…

Chuyện rằng : Ngày xưa, trong một lần đi qua làng Lệ Sơn, Cao Biền đã nhìn thấy một thế đất có phong thuỷ đẹp - một huyệt đất nằm trong miệng một con rồng. Là một thầy địa lý vào bậc thượng thừa, ông ta hiểu ngay rằng nếu để ai đó nhận ra rồi táng mồ mả cha ông họ vào sẽ làm nên chuyện lớn, gây khó dễ không những cho ông mà còn cho cả Bắc triều, nên đã rắp tâm “ yểm ”. Ông ta đã chay tịnh cả tuần, lập đàn cầu đảo, làm bùa phép và huy động hàng vạn nhân công đắp một mũi tên dưới hình dáng một con đường nhằm thẳng vào miệng rồng, vào huyệt mộ để hoá giải phong thuỷ. Sau khi đã hoá giải xong, ông hả hê cười …. Từ nay, nếu có ai táng mồ mả vào huyệt thì cũng chẳng còn điều gì phải đáng bận tâm ….
 Dường Cao ra đời như thế….
 
LỜI BÌNH :
Truyền thuyết là nơi người ta rót cái thực vào giữa cái hư, lấy cái hư bao quanh cái thực. Mượn thực để ẩn giấu hư. Thông qua hư để ngụ ý thực. Hư hư thực thực ấy là truyền thuyết.
Thuở bé, tôi và những người bạn của tôi đã rất băn khoăn và tiếc ngẩn người vì làng Lệ Sơn chỉ có 99 chóp lèn. Đến nay cái nhìn hẳn đã đa chiều hơn, góc cạnh hơn. Mặc dù vậy, mong ước làng Lệ Sơn có đủ 100 chóp lèn từ thời thơ bé của tôi tới giờ này vẫn chưa thay đổi !
 
SÀI GÒN,Tháng 8/2014                                                                                              

Tác giả bài viết: TRUONGPHONGTRAN