Hoạt kịch 2: XÂY ...DỰNG

Với ý đồ dàn dựng một hoạt kịch mang hơi thở cuộc sống đương đại vào tác phẩm văn học, qua đó gửi gắm những mong muốn của mình trong một bức tranh toàn cảnh của nhà văn hóa Thôn là sẽ XÂY và DỰNG nên một phong trào Văn hóa mới. Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi vở Hoạt kịch 2: XÂY ...DỰNG của tác giả Lương Duy Thắng.
Lời Ban biên tập: Kịch là một thể loại Văn học, khó sáng tác bởi phải gây được kịch tính, tạo mâu thuẩn, đẩy cao mâu thuẩn (cao trào) và giải quyết mâu thuẩn. Nếu như trong Hoạt kịch (1) tác giả đã để cho nhân vật Lệ Kiều và người đọc băn khoăn, nghi hoặc về kết cục của nhà văn hóa thôn Lộc Thọ, sau khi xây xong thì Hoạt kịch (2), tác giả đã gửi gắm mong muốn của mình vào một bức tranh toàn cảnh của nhà văn hóa là sẽ XÂYDỰNG nên một phong trào Văn hóa mới ở thôn Lộc Thọ. Xin giới thiệu Hoạt kịch (2) của tác giả Lương Duy Thắng.
                
 
Bài viết kỳ trước
1. Hoạt kịch 1: Hội chứng xây cất
 
MỞ MÀN
Bối cảnh: Hai năm sau, vào một buổi chiều chưa tắt nắng ( khoảng 16 giờ). Trước và trong khuôn viên nhà văn hóa (NVH).

Nhân vật:  Vẫn 3 nhân vật cũ, thêm nhân vật mới là Cán bộ Văn hóa xã (CBX)
LK: (Đứng tần ngần trước cổng NVH, nhìn bảng : GIỜ MỞ CỬA...)  Chà ! còn cả tiếng nữa mới mở cửa. (Trong khuôn viên NVH, xuất hiện bóng người). Này ! cháu gì ơi...ơi ?

ĐCB: (lưỡng lự, tiến ra phía cổng ) À...à ! Chào chú. Cháu dớ ra rồi, chú ở xóm côi, cháu đạ gặp chú, lâu rồi hè. (tay mở cổng)

LK:  À !... Cu Đái, mau nậy hè, ra dáng lắm rồi. Cháu đang mần xi ở đây rứa ?

ĐCB:  Dạ, cháu ...trông coi ở đây, mời chú vô uống nác.

LK:: (đi theo ĐCB) Cháu vừa nói cháu quản lý (troông coi) NVH ni ?.

ĐCB: Dạ. NVH có 3 ngài troông coi chú ạ, cháu phụ trách khu Thể dục thể thao, một ả phụ trách Thư viện và một O phụ trách Văn nghệ. Để cháu kêu điện thoại cho chú Bọ Mẹt, ngài mà chú gặp lần nớ, năm tê. Chú còn dớ khôông ? Mà chú ni, chừ là Trưởng thôn, hồi nớ chỉ là cán bộ thôn thôi. Chú nớ có công đưa NVH thôn vô hoạt động, bài bản, nề nếp nên vừa mới rồi bầu Trưởng thôn, chú đã trúng. Chú dặn nhân viên bọn cháu, có khách lạ thì kêu chú í

LK: Nếu vậy thì tốt quá. Cám ơn cháu, mà cháu vô mần ở đây lâu chưa ?

ĐCB: Dạ ...Sau khi NVH xây xong, cháu với 1 ả và 1 O nựa được thôn và xạ cho đi hoọc khóa bồi dưỡng quản lý NVH, ở troong Đồng Hới, cụng nghin được 2 năm rồi.

ĐCB: A lô ! Chú Bọ Mẹt à? .. Dạ...Dạ ..Lạ mà quen, chú ra ngay nha.

CBT: (vồn vả) Chào đồng chí ! Trấy đất tròn thiệt đồng chí hè. Đồng chí mới về?

LK: (ôm, vỗ nhẹ lưng CBT) Vui quá. Không ngờ được gặp lại anh. Anh vẫn khỏe ? Xin chúc mừng thành công của NVH ta.

CBT: (trầm ngâm)  Báo cáo đồng chí...

LK: Thôi anh, quen biết nhau rồi với lại tôi không thích dùng từ đó, ta gọi nhau bằng anh em cho thân mật.

CBT: (Hạ giọng) Sau bựa gặp anh hồi nớ, anh viết hoạt kịch hoạt kiệc xi đó đăng báo mần tui hết khổ. Người ta truy hỏi, trụp mụ tui đụ thứ như thời Cải cách...Họ nói tui cung cấp tin “tiêu cực” cho nhà báo. Tui phải thanh minh, thanh nga hết lời, sau mới yên.

LK: (ngỡ ngàng) Xin lỗi anh. Anh thông cảm, tôi không cố ý, động cơ tui viết hoạt kịch là vì cái chung, để lãnh đạo thôn, xã và cấp trên lưu tâm trong vấn đề đầu tư xây dựng nói chung. Đầu tư cần có trọng điểm và khi đã chọn được điểm rồi thì phải tập trung để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng, tránh lãng phí ...

CBT: Bây chừ thì ổn rồi. Mừng lắm anh nà. Cứ sáng ra và chiều túi là các cụ lại kéo dau đến NVH tập thể dục dưỡng sinh. Một thí nựa là NVH mở cựa, anh sẽ chộ..các cụ đôông lắm. Các cháu thanh niên thì tập thể hình, đánh bóng chuyền. Các cháu thiếu nhi tập nghi thức Đội. Hàng ngày, thư viện mở cửa, bà con vô đọc sách báo đôông và đều đặn lắm. Hàng tháng, Hội khuyến học của thôn thường xuyên duy trì mời thầy cô giáo ở trường tiểu học và trung học cơ sở thông báo tình hình học tập và đạo đức con em để phối hợp giáo dục các cháu trở thành :“ Con ngoan, trò giỏi, đội viên tích cực “. Lâu lâu, lại có tổ chức đám cưới, đàm hỏi và liên hoan Văn nghệ “cây nhà lá vườn” vui đáo để. Ngày tết, lễ bà con đến NVH đông đúc nghe Trưởng thôn chúc tết.v.v...Thắng lợi to anh nờ. Phải nói cái chủ trương xây dựng NVH là cần thiết, hay, sáng suốt. Hồi đó, tui cứ nghị là xây xong e đóng cựa ... À, để tui kêu điện thoại mời eng ni là Cán bộ phụ trách văn hóa xã gặp anh nha.

LK: Cũng được nhưng có phiền người ta không anh ?

CBT: Khôông răng mô. Eng ni xuống đây luôn, giúp bầy tui được diều xuyện lắm  .

CBX: (bắt tay) Chào đồng chí. Tui nghe Bọ Mẹt kêu ...

LK:  Chào anh ! Xin lỗi đã làm phiền. Ta kêu nhau bằng anh em đi cho thân mật, người làng cả. Mỗi người một nhiệm vụ.

CBX: Ừ...ừ ! Anh mới về ?

LK: Tui đi công tác, tiện đường ghé nhà, thắp thẻ hương bàn thờ ông bà.Tui mới về bựa qua. Anh nì, trước hết tui xin chúc mừng thôn ta, xã ta đã có được phong trào văn hóa thực sự đi vào đời sống bà con, rất thiết thực. “ Một người lo bằng kho người làm “ phải nói công lao của hai anh rất lớn.

CBX:   Anh quá khen, bầy tui cũng vì trách nhiệm trước bà con mà gắng mần. Còn phải phấn đấu nựa anh nờ. Bà con mình khổ nhiều rồi. Cái ăn, cái mặc thì tạm ổn dưng cái khoản Văn hóa- văn nghệ- văn gừng thì...còn đói lắm.

LK: Cho tui hỏi anh, đâu là bí quyết thành công của NVH ni ?

CBX:  (suy nghĩ) Bí quyết à ? Theo tui thì...đó là nhờ sự đồng thuận, đồng sức đồng lòng của bà con.

LK: Đúng rồi nhưng ý tui muồn hỏi anh về kinh phí để duy trì hoạt động ? Cũng mất khối tiền để trả lương nhân viên, tiền điện nác rồi tiền duy tu , bảo dưỡng nhà cửa, máy móc , dụng cụ nữa ?

CBX:  À ... Nói thiệt với anh là xây xong cũng mất mấy tháng bỏ khôông vì xưa có mô hình hoạt động, sau khi đã thống nhất với xã về mô hình và được xã hôộ trợ kinh phí ban đầu, NVH đã dần dần đi vô hoạt động cho đến bây chừ là tạm ổn, tất cả các phòng chức năng Văn - Thể đều khép kín. Phải nói là phong trào đã đi vô nề nếp, tạo sinh khí mới cho bộ mặt thôn ni.

LK: Anh nói rõ hơn về tạo kinh phí nuôi phong trào ?

CBX:  Lấy mợ (mỡ) nó rán nó anh tề .

LK: Là sao ?

CBX:  Là bầy tui tổ chức dịch vụ kinh doanh nhưng mang tính phục vụ là chính, ví dụ như dịch vụ cho thuê bàn ghế, rạp, chén, đọi ...để bà con có nhu cầu tổ chức đám cưới, đám hỏi, sinh nhật... giá rẻ hơn thuê ở chợ Vang. Hay như phòng Thể dục thể hình, cũng có thu tiền để trả tiền điện và khấu hao, sửa chữa máy tập. Rồi cả ... (chỉ tay về phía ki-ốt bán giải khát và cây giống ) mở ki-ốt kinh doanh giải khát và cơn giốông. Thấy thanh niên tập Thể thao, mồ hôi mồ kê ướt đầm đìa ra ngậm vòi nác máy tu, tui nói với thôn cho mở quán giải khát, thấy khuôn viên NVH sân bê tông nóng, nắng anh em họ trồng cơn nhưng chưa khép tán nên lại nẩy ra cho thuê bán cơn giốông, gồm cả cơn cảnh, cơn ăn trấy và cả cơn bóng mát, đủ loại cơn khắp 3 miền, bán cho dân trong xã, có cả ngài các nơi cụng đến mua mà quan trọng là mần đẹp cho khuôn viên “nhất cữ lưỡng tiện“ anh hè. 

LK: Hay !.hay... Không phải là xây cất mà là xây dựng phải không ? Xây dựng phong trào và duy trì phong trào rất căn cơ, bền vững. Tuyệt vời ! Một lần nữa, xin chúc mừng các anh. Chừ ry, mai tui đi rồi, mời hai anh ta xuống chợ Vang mần bậy cút riệu, tịa lòng cho vui vẻ, kỷ niệm buổi hội ngộ hôm ni.
Nào mời các anh, ta cùng đi.

HẠ MÀN
 
Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi phần 3 "Tôi đã viết hoạt kịch như thế nào ?" vào số tới. Trân trọng thông báo !

Tác giả bài viết: Lương Duy Thắng