Miếu thờ người khai trí làng Lệ Sơn

Làng Lệ Sơn (Văn Hoá, Tuyên Hoá) nằm về phía hữu ngạn sông Gianh, là vùng đất có nhiều núi đá vôi, có nhiều hang động nổi tiếng như hang động Chân Linh "gió thổi như đàn, âm vang như sáo, hoa cười đón khách, chim hót chào người". Làng Lệ Sơn một trong bát danh hương của tỉnh có truyền thống hiếu học mang tính tiêu biểu của Quảng Bình nói chung và của Tuyên Hoá nói riêng.

Làng Lệ Sơn có tới tám miếu thờ tổ từ rất xưa còn để lại. Ngoài ra, còn có nhiều chùa, đình thánh, miếu cổ thờ các vị chức sắc của làng. Đặc biệt, trong các di tích cổ của làng thì miếu thờ Hiệp biện Đại học sĩ, Thái học đường Trần Cảnh Huống được thiết kế theo kiểu kiến trúc Ngủ lâu. Trong đó, miếu hậu là nơi trang nghiêm thờ Hiệp biện Đại học sĩ, Thái học đường Trần Cảnh Huống, người khai trí của làng. Hiệp biện Đại học sĩ, Thái học đường Trần Cảnh Huống sinh vào khoảng thế kỷ XV, trong một gia đình gia tướng tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.


Theo gia phả lưu tại họ Trần ở xã Văn Hoá, ông nội cố Trần Cảnh Huống là một danh tướng thời Lê, đó là tướng Trần Nguyên Hãn. Với tư chất thông minh, học rộng Hiệp biện Đại học sĩ, Thái Học Đường Trần Cảnh Huống khi tuổi cao về dưỡng lão tại Trại Côi, Tiên Lang xứ (nay là xã Quảng Liên, Quảng Trạch), nơi cha ông là Trần Cảnh Nông được vua Lê giao quyền vào trấn giữ ở Hoành Sơn với chức vụ "Hoàng Chưởng Tào Quan, Vận Trấn Hoành Sơn, Thượng Tự Ai Lao, Hạ Chí Linh Giang, Cập Phòng Tuần Nam Kỳ Chư Hà Hải". Cụ đã cùng con cháu chọn vùng đất Trại Côi để lập nghiệp và gắn bó với vùng đất này.

Cụ Lê Văn Hành, làng Lệ Sơn biết cụ Trần Cảnh Huống là người học rộng, cụ đã thân hành sang Trại Côi mời cụ Trần Cảnh Huống về mở trường,  lớp dạy học cho con cháu trong làng. Hai con người tâm đầu ý hợp đã làm rạng danh  làng Lệ Sơn ngày nay.

Non nước Lệ Sơn, một trong

Non nước Lệ Sơn - một trong "Bát danh hương" của Quảng Bình

Cụ Trần Cảnh Huống là người khai trí mở tài, đặt nền móng cho nền học vấn của quê hương làng Lệ Sơn. Cả cuộc đời cụ đã dồn tâm trí cho việc dạy chữ, dạy người. Không những dạy cho con cháu trong hoàng tộc mà còn dạy cho con em nông dân lao động, một việc làm rất có ý nghĩa đối với xã hội lúc bấy giờ. Ghi nhớ công ơn của cụ, sau khi cụ qua đời, con cháu dòng họ Trần và dân làng Lệ Sơn đã lập đền thờ để ngưỡng vọng và đời đời khắc nhớ công ơn của vị Hiệp biện Đại học sĩ.
 

Cụ Trần Cảnh Huống sinh được hai người con, Trần Cảnh Hựu và Trần Cảnh Khai. Trần Cảnh Hựu (Trần Đại Lang) cũng với bản lĩnh và tài năng của mình, đã dốc toàn tâm toàn lực để gây dựng và bảo vệ, phù trợ giúp đỡ nhân dân, khai phá mở rộng diện tích vùng đất mới. Chỉ trong vòng không đầy một thập kỷ, một vùng đất rộng hơn 800 mẫu được khai phá, đáp ứng nhu cầu sản xuất của dân làng. Khi ông mất, con cháu trong dòng tộc và dân làng ngưỡng mộ và tôn thờ. Đặc biệt, ông là người có công khai phá mở rộng diện tích vào buổi đầu nên đến đời vua Duy Tân năm 1913 và vua Khải Định năm 1924 đã ban sắc phong cho ông.
 

Sắc phong của Vua Duy Tân: "Tại làng cả Lệ Sơn thuộc huyện Tuyên Chánh, tỉnh Quảng Bình, có ông Trần Đại Lang là người có công đứng lên kêu gọi những người bạn trong chòm xóm cùng khai phá ruộng nương. Xét thấy từ trước tới giờ làng đã thờ phụng nhưng chưa có ban phong. Cho nên, nay hãy chịu ơn lớn lao của nhà vua. Theo đạo luật quy định, nhằm tôn vinh vị thần ưu tú tốt lành ấy, trẫm bước đầu phong cho người làm" "Dực Bảo Trung Hưng Linh Phú Chi Thần", và chuẩn y việc thờ phụng như cũ để ngài giúp đỡ, bảo vệ nhân dân của trẫm.  Kính vậy thay. Ngày 8 tháng 10 năm 1913, Duy Tân năm thứ 7”.
 

Năm 1924, vua Khải Định sắc phong như sau: "Từ trước làng cả Lệ Sơn thuộc phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thờ phụng vị thần khai canh lập ấp là Trần Đại Lang. Nguyên ngài đã được phong tặng làm “Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần" để bảo hộ cho nước, che chở cho dân. Lâu nay người đã tỏ rõ công lao hiển hách nên đáng được ban cấp sắc phong để tiếp tục việc thờ phụng. Cho nên, nay nhân dịp mừng tuổi tứ tuần (40 tuổi) của mình, trẫm ban chiếu phong tặng ngài lên bậc "Đoan Túc Tôn Thần" được phụng thờ theo thứ tự hàng đầu trong văn thư của nhà nước. Kính vậy thay. Ngày 25 tháng 7 năm 1924, Khải Định năm thứ 9”.
 

Hiện nay, sắc phong này được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và đã được Sở VH-TT và DL cấp giấy chứng nhận là bảo vật quốc gia.
 

Lệ Sơn xứng đáng là một trong những làng có truyền thống hiếu học từ xưa tới nay, con cháu các thế hệ của họ Trần cũng như các dòng họ khác của làng Lệ Sơn ngưỡng mộ và tôn thờ, người đã khai bút mở trường cách đây hơn 540 năm về trước, đó là Hiệp biện Đại học sĩ, Thái học đường Trần Cảnh Huống. Ngày nay, con cháu của làng nói chung, con cháu họ Trần nói riêng tiếp tục truyền thống đó. Xã Văn Hoá đã trở thành địa phương tiêu biểu trong phát triển kinh tế- xã hội và đặc biệt là phát triển nền giáo dục có chiều sâu và lan toả, có ảnh hưởng đối với các xã xung quanh.  
 

Miếu thờ Hiệp biện Đại học sĩ, Thái học đường Trần Cảnh Huống có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử thành lập làng xã, thiết lập chế độ quản lý nhà nước, ruộng đất, việc học, khoa cử ở Quảng Bình nói riêng, sự mở mang khai phá vùng đất sông Gianh khu vực miền Trung vào những năm giữa thế kỷ XV của nước Đại Việt; đồng thời, còn có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử các dòng họ, sự di cư của người Việt vào vùng đất Quảng Bình.
 

Miếu thờ Hiệp biện Đại học sĩ, Thái học đường Trần Cảnh Huống có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử nền giáo dục trong thời đại phong kiến, giải thích một cách chính xác sự hình thành làng văn hoá cổ mà tiêu biểu là làng Lệ Sơn, một trong bát danh hương của Quảng Bình. Miếu thờ và các sự kiện lịch sử tiêu biểu liên quan cũng như các lễ tế tại miếu còn duy trì cho đến ngày nay là di sản văn hoá phi vật thể quý giá, là bản sắc văn hoá sâu đậm của một làng vă hoá lâu đời, có giá trị, cần gìn giữ, phát huy, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Quảng Bình

Tác giả bài viết: Tạ Tiến Hùng