Lê Đình Khôi; Quê hương là nơi con nước "chở che con đi..."

Bài viết về những việc làm tốt đẹp cho quê hương của Ông Lê Đình Khôi, Hậu duệ đời thứ 15, dòng họ Lê tại Lệ Sơn
Lời tựa của tác giả: Chuyên trang Làng Lệ Sơn ra đời đã rất may mắn nhận được sự ủng hộ, tư vấn tận tình của các cụ cao niên, các nhà tri thức tên tuổi của làng. Ban biên tập đang ấp ủ một kế hoạch, sẽ giới thiệu lần lượt những hình tượng ấy vào thời điểm thích hợp. Hôm nay trang tin trân trọng gửi đến bạn đọc gần xa tấm lòng cao cả của một bậc cao niên đáng kính, cụ Lê Đình Khôi, nguyên Hội trưởng Hội đồng hương Lệ Sơn tại Hà Nội về những việc làm thầm lặng cho trang tin LLS.NET nói riêng và cho quê hương, cộng đồng bà con Lệ Sơn nói chung.
 

 
TẤT CẢ VÌ QUÊ HƯƠNG, CỘI NGUỒN

Ngày 19/2, chuông điện thoại của bộ phận trực đăng tin reo lên: “Ông Khôi đây, ông đang ở Lệ Sơn. Ông muốn các cháu đứng ra làm đầu mối để quyên góp giúp đỡ gia đình anh Tân. Ông vừa biết tin gia đình không may bị hỏa hoạn nhà cửa dịp Tết cổ truyền nhờ vào trang báo làng. Cá nhân ông xin đóng góp 2 triệu để làm gương đầu tiên nhé. Truyền thống đùm bọc, cưu mang trong cộng đồng các cháu nên giữ gìn và phát huy. Ông theo dõi thấy trang tin www.langleson.net uy tín, nhiều cái được lắm, Ông rất phẩn khởi.”.
 
Nói rồi ông gửi luôn vào tài khoản phụ trách đầu mối ngay sau đó. Phải nói là Ban vận động vô cùng cảm động trước tấm lòng và tình cảm mà Ông dành cho trang tin. Đây cũng chính là sự kiện mang tính thiện nguyện đầu tiên LLS.NET thực hiện bài bản, thành công, góp phần  tạo dựng thêm niềm tin yêu của bà con đối với trang báo làng. Nhắc lại sự kiện này (tại đây) để một lần nữa, cảm ơn Ông về một nghĩa cử đáng kính, một nhân cách cao đẹp mà Ông muốn gửi gắm tới các thế hệ trẻ, tiếp tục gìn giữ một nét đẹp văn hóa đã có của làng ta tồn tại qua bao đời nay.
 
Trước khi chấp bút bài viết này, chúng tôi đã gọi điện về xin phép Ông, nhưng Ông bảo rằng, viết về cá nhân Ông thì không nên, các cháu phải dành thời gian để giới thiệu những bậc tiền nhân đáng kính, hay giới thiệu những người toàn diện về mọi mặt. Bác thì chỉ có tấm lòng với cội nguồn là lớn, còn con người trần tục của Bác vẫn còn nhiều khiếm khuyết lắm.

 

 Đại diện cho Hội đồng hương huyện và HĐH xã, cùng với HĐH tỉnh
đến nhà  Đại tướng chúc tết 2003,
Với Ông là kỷ niệm trong cuộc đời không thể nào quên
 
Chúng tôi hiểu ý của Ông, bởi ông vốn là người khiêm tốn và không ưa tính hình thức. Cuối cùng phải trấn an rằng, các cháu chỉ viết về những việc làm của Bác, những việc mà Bác đã làm được cho quê hương, cho cội nguồn để khích lệ thế hệ trẻ học tập. Với lý lẽ đó, Ông đã miễn cưỡng đồng ý nhưng quá kiệm lời khi kể về những gì mà Ông đã làm được. Trong bài viết này phần lớn tư liệu mà chúng tôi viết ra đều thu lượm được qua lời kể của bà con đồng hương.
 
Trở lại lần họp thứ 20 của hội đồng hương Lệ sơn tại Hà Nội, nơi những giá trị cốt lõi nhất, thẳm sâu nhất về tình cảm của người tha hương được Ông gìn giữ và truyền lại cho thế hệ tiếp nối. Chặng đường 20 năm đi qua, từ một tổ chức rời rạc, sơ khai để mà bà con tụm lại có nhau khi: "Tối lửa tắt đèn" rồi lớn lên thành hội, rồi vun vén cho đến hôm nay
đều in dấu ấn đậm nét về Ông. Một người đóng vai trò tích cực, xông xáo đi đầu trong mọi hoạt động của Hội.
 
Những đóng góp của Ông cho cộng đồng Lệ sơn tại Hà Nội và tại quê nhà là không thể phủ nhận. Có ai đó nói rằng, có tiền thì làm gì chẳng được. Nhưng lòng nhiệt huyết thì không thể mua được bằng tiền.

 
Trò chuyện với Ông trong dịp gặp mặt đầu năm của hội đồng hương, tôi được biết ông đã về quê làm nhà để sống quảng đời còn lại nơi mảnh đất của tổ tiên. Câu chuyện của Ông làm tôi để ý đến câu nói của một nhà chính trị, nhà viết kịch, nhà báo, nhà văn người Romania . V. Butulescu.: “Điều kỳ lạ là: tất cả các dòng sông lớn nhỏ đều tìm cách đổ ra biển và để tự đánh mất mình", và để rồi hòa tan mình vào biển nước mênh mông.  Phật lại nói: “Biển cả mênh mông, quay đầu thấy bến”.  Và Ông đã quay lại, để được hoà mình cùng con nước "chở che con đi...", như câu hát của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo  "Qua một đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê.......".
 


Hình ảnh  Ông Lê Đình Khôi  được nhà nước ghi nhận  trong cuộc đời cống hiến
 
Có lẽ đời người có hai giai đoạn để yêu quý nhất và kính trọng nhất, đó là tuổi thơ và đến khi về già. Cả hai giai đoạn này không có bon chen, không có xa cách. Vận về một hiện tượng cụ thể, khi về quê Ông đã dùng số tiền của người cán bộ về hưu, cộng tiền tích góp, bỏ ra hàng trăm triệu góp sức cho trùng tu miếu điện, nhà văn hoá và cả những khuôn bao cho những cây đa đang hồi sinh. Ông đang gieo sự sống và khởi tạo lại những giá trị tinh thần cho vùng quê yêu dấu.
 
Giờ đây, khi tuổi đã quá thất tuần, Ông vẫn canh cánh tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng, trong những hội đồng hương để cùng chung tay giúp đỡ. Ông cũng đang vận động tìm lại các kỷ vật của ngôi chùa Phúc Tự, của Đình làng để làm tư liệu cho công tác trùng tu khi có điều kiện. Ông đã vẽ lại bản đồ quê hương qua những ký ức về các cánh đồng, những hói, những mồ mả, những cây cao, bóng cả một cách tỉ mỹ như người làm công tác khoa học.

 
Bản đồ các địa danh do Ông vẽ năm 2012
 
Viết về một con người, khắc lên chân dung bằng ngôn từ quả là không dễ, nhất là với một con người như ông với vô vàn những việc làm thầm lặng cho quê hương, cho dòng họ và cho cộng đồng.  Với những gì ông làm, tên Ông sẽ lưu danh mãi trong miền ký ức của những tấm lòng thiện nguyện. Lịch sử dòng Họ, lịch sử làng quê sẽ ghi nhớ về Ông đúng với những giá trị mà Ông đã làm.
 
Thay mặt cho con em và cộng đồng xa quê chúc cho Ông luôn mạnh khỏe, tiếp tục tra cứu và lưu giữ cho làng quê nhiều tư liệu có giá trị để làm nền tảng cho các thế hệ sau này. Xin hẹn được gặp lại Ông ở quê hương vào ngày gần nhất.

Tác giả bài viết: Lê Hồng Vệ và Nhóm cộng sự chủ biên