Lê Di - Một danh nhân người Lệ Sơn được cấp 8 sắc phong và cũng là nhân vật được chép vào Nhất thống chí và Chính biên liệt truyện của triều Nguyễn (Phần 1)

Trong nửa đầu thế kỷ XIX, dưới vương triều Nguyễn hiếm có một vị quan người Lệ Sơn nào lại được các vua Nguyễn đánh giá cao và phong thưởng nhiều như Tuần vũ Lê Di. Chỉ có 13 năm trên hoạn lộ nhưng ông đã khẳng định được tài năng và phẩm hạnh cao khiết của mình khiến các vua Nguyễn phải phong thưởng 8 lần và liệt vào hàng trung nghĩa thần. Tên Lê Di được chép trong Đại Nam chính biên Liệt truyện ở phần Truyện các quan bên cạnh các đại thần như Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn, Nguyễn Tri Phương...Ở Đại Nam nhất thống chí quyển III chép về tỉnh Quảng Bình, Lê Di được chép là Lê Dần ở phần nhân vật đời Nguyễn. Bài viết cố gắng làm rõ những đóng góp của Lê Di qua các tài liệu sắc phong và điền dả để luận giải những kết quả mà ông đã gặt hái được trên quan lộ.
Các bài viết liên quan:
1.Thư ngỏ về việc nghiên cứu, biên soạn công trình “Địa chí làng Lệ Sơn”
2.Nội dung chương trình phát động phong trào "Tìm hiểu, công bố kết quả sưu tầm, nghiên cứu lịch sử, văn hóa làng Lệ Sơn"

3. Một số kết quả nghiên cứu về tên làng và kết cấu làng Lệ Sơn xưa cùng những điều cần tiếp tục giải mã

 
 LÊ DI - MỘT DANH NHÂN NGƯỜI LỆ SƠN ĐƯỢC CẤP 8 SẮC PHONG VÀ CŨNG LÀ NHÂN VẬT ĐƯỢC CHÉP VÀO NHẤT THỐNG CHÍ VÀ CHÍNH BIÊN LIỆT TRUYỆN CỦA TRIỀU NGUYỄN
 

        Lê Di (1817-1853), còn có tên là Lê Duy Di hay Lê Dần, tự Trọng Cung. Ngài là hậu duệ đời thứ 11 của Quốc tử giám Giám sinh Lê Văn Hành - Thủy tổ họ Lê - vị “Tiền khai canh” làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Lê Duy Di sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở vùng đất nổi tiếng văn vật của tỉnh Quảng Bình. Năm 20 tuổi ông đỗ Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên khoa Đinh Dậu Minh Mạng  năm thứ 18 (1837). Sau khi đỗ Cử nhân ông tiếp tục thi Hội nhưng đáng tiếc là chỉ đỗ Tam trường. Năm 1840, Lê Duy Di được vua Minh Mạng bổ dụng làm Văn Lâm lang - Tri huyện Thanh Trì và từ đây ông bắt đầu bước lên hoạn lộ. Lê Duy Di chỉ làm quan được 13 năm thì không may lâm bệnh và qua đời khi vẫn còn rất trẻ. Tuy thời gian làm quan không dài nhưng Lê Duy Di đã lần lượt phục vụ 3 vị vua Nguyễn từ Minh Mạng qua Thiệu Trị đến Tự Đức. Là nhà hoạt động chính trị có học vấn uyên thâm, có năng lực quản lý tốt mà phẩm chất thanh cao nên trong thời gian phục vụ nhân dân và triều đình, Lê Duy Di không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn để lại “tiếng thơm” lưu danh với hậu thế. Là một vị quan thanh liêm chính trực, thương dân hết lòng, khiến dân chúng ở bất cứ nơi nào Lê Di trị nhậm đều hết lời ca tụng. Tài năng và phẩm hạnh của Lê Duy Di đã khiến cả 3 vị vua Nguyễn phải liên tiếp ban sắc khen thưởng và cất nhắc lên những vị trí ngày một cao hơn. Tất các 8 sắc phong của các vị vua này đều dành những lời hay ý đẹp để ca ngợi tài năng và phẩm hạnh của Lê Duy Di.
 
            Sắc phong số 1:
1
 
(Ảnh chụp từ phó bản . Nguồn Lê Trọng Đại)
.
           Dịch nghĩa: “Vâng mệnh trời Hoàng đế ban chiếu sắc rằng: Học mà đỗ đạt hạng ưu ắt được bổ làm quan. Đó là tấm lòng của bậc quân tử đối với quan lại; còn với người thì đó là điển lệ thông thường của quốc gia vậy. Ngươi là Lê Duy Di đỗ cử nhân, tài năng đáng trọng, hạnh kiểm đáng khen, lại biết dụng công dốc sức đảm đương phận sự, có ước nguyện phục vụ quan trường. Do vậy, nay đặc ân ban cho chức Văn lâm lang Tri huyện huyện Thanh Trì. Hãy gắng kính cẩn mà phụng mệnh và làm tròn chức phận. Nay giao phó cho ngươi.
Hãy kính theo. Ngày 12 tháng 5 năm Minh mệnh thứ 21 (1840)” [5].

           Mặc dù chĩ đỗ Cử nhân (không đỗ Tiến sỹ) nhưng Lê Duy Di vẫn được triều đình đánh giá cao về học vấn và đức hạnh nên vua Minh Mệnh đã bổ dụng ông làm Tri huyện Thanh Trì. Trên cương vị này Lê Duy Di đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tạo được danh tiếng tốt đối với dân chúng nơi ông đến trị nhậm. Tiếng tăm về tài năng và đức độ của ông vang tới triều đình nên chỉ mới 2 năm làm quan ông đã được vua Thiệu Trị rút vào triều và phong lên chức Cấp sự trung ở Lại khoa. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Duy Di... làm tri huyện Thanh Trì có tiếng ơn huệ với dân. Trong năm Thiệu Trị cất lên làm Giám sát ngự sử, gặp việc là tham hặc không kiêng nể thường tâu: Đình thần cân nhắc thay đổi quan lại không đúng. Vua khen thẳng thắn, cứng rắn, sắc bén như sắt. Lại dâng sớ xin nghiêm sức lối chơi “Đầu hồ” ở trong cung (khi yến ẩm chơi ném tên vào hồ rượu, ai thua phải phạt rượu) để ngăn những người kiêu hãnh. Vua bảo: Lời tâu thực cơ mưu ngăn lúc chưa nẩy mầm, rất là mừng rõ, truyền chỉ khen ngợi” [2; 192-193]. Sắc phong số 2:

        Vâng mệnh trời hưng vận Hoàng đế ban chế rằng: Trẫm duy lo chính sự, dùng người cân nhắc phải kê cứu điển lệ, lượng xét đức tài mà định vị, chọn người tiêu biểu để đảm đương chức phận. Nay thấy nhà ngươi là Lê Duy Di chức Cấp sự trung ở Lại khoa là người có học vấn, đầy đủ khí chất có thể đảm đương được việc chính sự, quả như lời khen rằng: Rất thanh tao, lại rất thấu đáo, tận tụy. Việc quan hết sức mẫn cán, có nhiều đóng góp công lao xứng đáng được gia phong chức tước trong Triều. Nay đặc ân ban cho chức Phụng nghị đại phu Cấp sự trung ở Lại khoa. Ban chiếu mệnh được vẻ vang mà gắng hoàn thành bổn phận, để lưu danh mãi mãi. Hãy kính theo! Ngày 13 tháng giêng năm Thiệu Trị thứ 3 (1843)” [5].

            Sau một năm đảm nhận chức Phụng nghị đại phu cấp sự trung ở Lại khoa, Lê Duy Di tiếp tục khẳng định được tài năng, nhiệt huyết và phẩm chất thanh liêm, tận tụy mà lại rất chính trực, nên ông lại được vua Thiệu Trị khen thưởng và sắc phong chuyển lên làm Cấp sự trung ở Hộ khoa kiêm Viện trưởng viện Đô sát trong triều. Như vậy việc nhà vua cho Lê Duy Di làm Cấp sự trung ở hộ khoa và đứng đầu Viện Đô sát thể hiện sự tín nhiệm rất lớn của các đình thần trong triều đối với ông. Sắc phong thứ ba minh chứng rõ sự khen hưởng của vua Thiệu Trị đối với Lê Duy Di: Ban sắc cho Lê Di chức Lại khoa Cấp sự trung, xuất thân từ khoa mục thư nhàn. Nay đình thần chọn bầu ngươi để thăng chức Trưởng quan Cấp sự trung ở Hộ khoa, kiêm chức Viện trưởng viện Đô sát. Phàm tất mọi việc đều theo lệ mà thực thi. Nếu có gì không chu tất, sẽ bị nghiêm minh xét đoán đầy đủ. Hãy kính theo! Ngày 4 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).

            Được vua Thiệu Trị tin tưởng giao nắm giữ cơ quan thanh tra quan lại, Lê Duy Di đã thực thi chức trách rất mẫn cán và có nhiều thành tích. Do đó nên chỉ 2 năm sau ông lại được Nhà vua tiếp tục gia phong qua sắc phong số 4:

           “Ban sắc cho Lê Di giữ chức Hộ khoa chưởng ấn Cấp sự trung. Nay nhân đại lễ tiết mừng thọ Trẫm tứ tuần (40 tuổi), gia ân chuẩn thăng cho ngươi chức Lang trung ở nội phủ. Phàm tất mọi việc đều theo lệ mà phụng hành. Nếu không chu toàn sẽ bị nghiêm minh xét đoán đầy đủ. Hãy kính theo! Ngày 1 tháng giêng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846)” [5].

          Giữ chức vụ Lang Trung chưa đầy 3 năm, Lê Duy Di tiếp tục được vua Tự Đức thăng lên chức Trung Thuận đại phu Hộ bộ Bắc kỳ Thanh lại ty Lang trung, cho nắm giữ bộ phận quản lý quan lại toàn bộ các tỉnh ở Bắc Kỳ. Sắc phong số 5 minh chứng điều này:

            “Vâng mệnh trời hưng vận, Hoàng đế ban chế rằng: Trẫm duy lo chính sự, dùng người cân nhắc phải kê cứu điển lệ, lượng xét đức tài mà định vị, chọn người tiêu biểu để đảm đương chức phận. Nay thấy nhà ngươi là Lê Di chức Hộ bộ Bắc kỳ Thanh lại ty Lang trung là người có học vấn, đầy đủ khí chất có thể đảm đương được chính sự, quả như lời khen rằng: Rất thanh tao lại thấu đáo tận tụy. Việc quan hết sức mẫn cán, có nhiều công lao xứng đáng được gia phong chức tước trong Triều. Nay đặc ân ban cho chức Trung Thuận đại phu Hộ bộ Bắc kỳ Thanh lại ty lang trung. Ban chiếu mệnh được vẻ vang mà gắng sức hoàn thành bổn phận để lưu danh mãi mãi. Hãy kính theo! Ngày 7 tháng giêng năm Tự Đức thứ nhất (1848)”[5].


Hết phần 1, mời quý độc giả tiếp tục theo dõi phần 2 vào số sau

Tài liệu tham khảo
  1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện tập 4, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 2, NXB Khoa học Xã hội, HN, 1970.
  3. Tập san Quảng Bình quê tôi Hội ái hữu đồng châu quảng Bình xuất bản tại Sài Gòn, 1970, 
  4. Lê Hồng Vệ, Công bố sắc phong cho quan Lê Duy Di, Đời Lê Thuần Phác, phần 1,2,3 Website:langleson.net      
  5. Tư liệu điền dả dân tộc học của Lê Trọng Đại:
+ Gia phả Lê tộc đại tôn Lệ Sơn (bản dịch năm 1973).
+ Sắc phong của triều Nguyễn cho Lê Duy Di (bản gốc chữ Hán) và bản dịch của Viện hán Nôm Việt Nam.

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại