Địa chí Làng Lệ Sơn và những người trong cuộc ( Phần 2)

Thông tin về người trong cuộc và những trao đổi về công việc đang thực hiện của nhóm soạn thảo công trình Địa chí Làng Lệ Sơn
Bài viết phần 1 đã đăng:
1.
Địa chí Làng Lệ Sơn và những người trong cuộc ( Phần 1)

PHẦN II. TRAO ĐỔI VỀ VIỆC BIÊN SOẠN ĐỊA CHÍ LÀNG LỆ SƠN VỚI BẠN ĐỌC
 
LLS.NET: Lý do gì khiến nhóm tác giả quyết định viết địa chí làng Lệ Sơn, dù biết trước rằng đây là công việc vô cùng phức tạp ?

Lê Trọng Đại: Làng Lệ Sơn có một bề dày văn hóa - lịch sử trên 500 năm, lại là một làng đứng đầu bát danh hương của tỉnh Quảng Bình nên để có một cuốn địa chí xứng tầm quả là một thách thức rất lớn với bất cứ ai. Lệ Sơn là làng cổ nhưng trải qua quá nhiều thiên tai lũ lụt, chiến tranh khốc liệt do đó tư liệu bị mai một, và hủy hoại nhiều; các tài liệu gốc còn lại ít ỏi. Mảng tài liệu truyền khẩu về văn hóa dân gian cũng mai một dần do các thế hệ trước đã “ra đi” mà chưa kịp khai thác. Làng ta có đội ngũ tri thức đông đảo có trình độ cao về khoa học, trong khi nhóm biên soạn về kinh nghiệm, năng lực trình độ có hạn, nhất là vốn kiến thức về chữ Nôm và chữ Hán cỗ. Thời gian dành cho việc nghiên cứu, sưu tầm, xử lý giám định của nhóm biên soạn không liên tục và bị hạn chế bởi công tác xã hội đang đảm nhận. Đó cũng là những khó khăn quả là không nhỏ.  

LLS.NET: Những thuận lợi của nhóm khi thực hiện công trình này là gì ?

Lê Trọng Đại: Nhóm đã nhận được sự giúp đỡ cả về tài chính và tinh thần rất lớn từ các anh chị là cán bộ trung, cao cấp của tỉnh, các nhà doanh nghiệp là người Lệ Sơn đang công tác tại Đồng Hới. Đồng Lê. Nhóm soạn thảo cũng nhận được sự giúp đỡ của một số nhà nghiên cứu văn hóa khác như Tiến sỹ sử học Nguyễn Khắc Thái, Ts Nguyến Thế Hoàn… Các thành viên của nhóm soạn thảo là những người có tâm huyết, nhiệt tình, có hiểu biết nhất dịnh về chuyên môn.
Nhóm cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của một số bạn trẻ tâm huyết đang công tác ở các địa phương khác.  

LLS.NET: Trăn trở lớn nhất của nhóm soạn thảo khi thực hiện công trình Địa chí làng Lệ Sơn?

Lê Trọng Đại:  Đó là chất lượng nội dung công trình làm sao xứng tầm với một danh hương hàng đầu của tỉnh. Mặt khác việc Đồng chí Lương Văn Luyến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh kỳ vọng nó sẽ có mặt trong túi quà tặng các đại biểu về dự lễ kỷ niệm 410 năm thành lập tỉnh Quảng Bình.
 
LLS.NET:
Nhóm soạn thảo có thể thể tóm tắt những công việc đã thực hiện được tính đến thời điểm hiện nay và kế hoạch cho thời gian tới  ?

Lê Trọng Đại:
  • Từ tháng 11- tháng 12/2012 hoàn thành việc lập kế hoạch nghiên cứu, biên soạn đề cương sơ lược, Đề cương chi tiết, lấy ý kiến các nhà khoa học góp ý cho đề cương chi tiết và thông qua Ban vận động viết địa chí tại Đồng Hới.
  • Từ tháng 12/2012 đến nay, nhóm soạn thảo đã tiến hành việc nghiên cứu khai thác các tài liệu thành văn, một số tài liệu hiện vật chủ yếu là ở Đồng Hới, tại thư viện tỉnh, thư viện trường Đại học Quảng Bình, trên Internet. Nhóm đã làm việc với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình để khai thác một số hiện vật, chụp ảnh sao chép một số tài liệu gốc, tài liệu thứ cấp; tập hợp một số tài liệu từ sách báo tạp chí của quốc gia và địa phương.
  • Công việc tiếp theo: nhóm biên soạn sẽ tiến hành điền dả dân tộc học để khai thác tài liệu gốc, tài liệu truyền khẩu, địa lý tự nhiên…ở Tuyên Hóa và Lệ Sơn kết hợp việc sưu tầm với việc lựa chọn, đối chiếu xử lý, xác minh giám định, phục hồi bản gốc, với các tài liệu Hán Nôm đã dịch vẫn mời chuyên gia dịch lại một lần nữa để đối chiếu trước khi sử dụng. Những sự kiện mà mỗi tài liệu có một kết quả khác nhau thì thư ký tập hợp để trình hội nghị giám định tập thể. Trong dịp tết Nguyên đán chúng tôi sẽ tranh thủ gặp gỡ một số nhà nghiên cứu tâm huyết, và có khả năng viết tốt là người Lệ Sơn ở các nơi khác về quê ăn tết để mời tham gia vào Nhóm soạn thảo.
  • Dự kiến sau khi giám định từ tháng 6/ 2013, nhóm soạn thảo sẽ bắt tay vào việc biên soạn từng phần, từng chuyên đề và hợp đồng với những người có chuyên môn để biên soạn; sau khi có bản thảo sẽ tiến hành việc lấy ý kiến chuyên gia trước khi tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi. Thời gian tổ chức Hội thảo thông qua bản thảo dự kiến là khoảng cuối tháng 11/ 2013; sau khi lấy ý kiến sửa chữa thì sẽ lấy ý kiến chuyên gia lần cuối. sau khi chỉnh sữa lần cuối thì tiến hành các thủ tục xuất bản và đăng kí quyền bảo hộ tác phẩm. Sau khi đăng kí quyền bảo hộ tác phẩm xong  chúng tôi mới cho đăng toàn văn lên trang mạng theo nhiều số (có lẽ phải giữa năm 2014  trên trang mạng LLS.NET.

Tác giả bài viết: Ban biên tập (Nguồn do nhóm soạn thảo cung cấp)